Tại sao Táo lại đi?

Hồi còn nhỏ, bố tôi là bộ đội thường xuyên phải công tác xa nhà. Ngay từ khi biết nhận thức, tôi đã không được gặp bố trong hơn 1 năm rưỡi bởi một khóa đào tạo chuyên ngành ở Nha Trang. Bố đi lâu ngày tới mức bà nội mất bố cũng không thể sắp xếp thời gian và công việc để về. Lâu ngày tới mức một trưa hè nắng thấy bóng người hạ chiếc ba lô ngoài sân nhà ông nội, con bé mới gần 5 tuổi là tôi chạy ra ngó rồi lại chạy vào, thản nhiên thông báo với cả nhà là bác cả đi làm về. Một lúc lâu sau mới nhận được ra đó là bố và òa khóc. Ngay từ khi đó, tôi đã bắt đầu cảm thấy tò mò về những nơi xa thật xa ngoài kia, xa đến mức cả một năm trời bố cũng không thể về một lần. Không biết nơi bố đang ở trông như thế nào, có giống những thứ mà hàng ngày tôi nhìn thấy hay không.

Đơn vị của bố cách nhà khoảng 15-20km, thường thường bố sẽ về nhà vào dịp cuối tuần trừ những khi phải trực. Nhưng một năm cũng khoảng vài lần bố sẽ đi công tác xa cả tháng, lúc là Tây Bắc, lúc là miền Trung và cả Tây Nguyên, miền Nam nữa. Sau mỗi chuyến đi, bố sẽ mang về cho tôi một thứ gì đó, từ rừng, từ biển đảo, từ những bàn tay khéo leo của dân bản địa.

Khi tôi lớn hơn, bố bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện từ những chuyến đi ấy, từ cách gọi vật dụng khác nhau của những vùng miền khác nhau, từ những phong tục tập quán kỳ lạ của những người dân tộc thiểu số phía Bắc, từ cuộc sống thường nhật của các chiến sĩ vùng biên giới, hải đảo, rằng biển Nha Trang cát trắng đẹp lắm, rằng ở biển hải sản vừa tươi ngon, vừa rẻ. Tôi dùng những hình ảnh nhặt nhạnh từ các thước phim truyền hình, cộng với toàn bộ trí tưởng tượng của mình để hình dung ra câu chuyện mà bố kể, thầm ước mình có thể tận mắt chứng kiến những điều như thế.

Khi học đại học là lúc tôi bắt đầu những hành trình của mình, ngắn có, dài có, cùng bạn bè có, mà đa phần là một mình. Những câu chuyện hồi nhỏ càng thôi thúc tôi phải đi, đi thêm nữa mỗi khi có điều kiện về kinh tế. Tôi đã từng dồn hết số tiền mình có trong tay, để một mình lên những chiếc xe khách chật chội, đi Mai Châu, đi Mù Cang Chải. Tôi từng có một người yêu để cùng đi Sapa lần đầu tiên, một nhóm bạn cùng đi Sapa lần thứ 2 và một vài lần nữa sau đó. Tôi từng có 1 đêm nằm trong phòng khách sạn xem phim ma ở Tam Đảo cùng 3 đứa bạn thân, để sau đó dù phòng có thừa lại một chiếc giường rộng rãi thì cũng nhất quyết để dành cho diễn viên chính.

Khi bắt đầu có được những khoản tiền đầu tiên sau khi đi làm, tôi mua vé tàu, mua vé máy bay để bắt đầu đi xa hơn. Lý Sơn, Hội An, Đà Nẵng. Rồi lại xa hơn là Sài Gòn, là Miền Tây. Rồi lần đầu tiên xuất ngoại, lần đầu tiên thử một món ăn mới, lần đầu tiên một mình lạc đường ở một nơi xa lạ và nhiều cái lần đầu tiên nữa. Rồi tôi bắt đầu mơ ước về những chuyến đi xa hơn, về những điểm đến hấp dẫn cuốn hút hơn nhưng chắc chắn cũng sẽ tốn một khoản tiền lớn hơn, để phải cố gắng nhiều hơn nữa mới có thể thực hiện được. Mơ ước ấy khiến tôi chăm chỉ hơn, làm việc nghiêm túc hơn, làm nhiều công việc hơn. Để kiếm thật nhiều tiền đi du lịch hơn nữa. Vô tình, nó còn khiến cuộc sống trở nên có một mục đích rõ ràng và kiên định, tạo một định hướng trong khi người khác vẫn đang loay hoay đi tìm.

Tôi không đi phượt.

Tôi không đi du lịch check-in

Tôi cũng không đi nghỉ dưỡng.

Tôi đã từng được cho ngủ nhờ chẳng mất tiền phí ở Lý Sơn. Tôi đã từng, mà phải nói là thường xuyên ngủ ở những guest house nhỏ xíu, ngủ phòng dorm rẻ tiền. Nhưng ngược lại, cũng đã được trải nghiệm dịch vụ cao cấp ở các resort biển. Để đi được nhiều với kinh phí hạn hẹp thì cần phải tiết kiệm, phải tính toán. Nhưng đi du lịch mà không dành cho mình một chút hưởng thụ thì nó không còn gọi là du lịch nữa. Hưởng thụ có thể là một bữa ăn ngon ở nhà hàng, một hai tiếng massage… đắt một chút, chỉ cần không phải quá xa xỉ so với budget mà mình chuẩn bị.

Mỗi khi kết thúc một chuyến đi trở về, chắc chắn sẽ có người hỏi tôi: “Ở đó có gì hay ho không?” “Có điểm nào hấp dẫn không”. Tôi thường đơ ra một lúc rồi lắc đầu cười trừ. Thực ra do tôi là một đứa không được hoạt ngôn, não vì thế cũng kém nhanh nhạy. Tôi  không bao giờ nghĩ ra được điều gì thú vị để kể lại cho người khác nghe. Cũng có thể do tính cách tôi ích kỷ, không quen chia sẻ. Hoặc có thể do điểm đến ấy thực sự không có gì thú vị thật. Tôi luôn cho rằng mỗi chuyến đi, mỗi điểm đến lại có một sự hấp dẫn khác nhau và sự hấp dẫn này phụ thuộc phần nhiều vào sở thích và tính cách của từng người. Cũng giống như sở thích về đồ ăn, âm nhạc, phim ảnh… và bao nhiêu thứ khác trong cuộc sống hàng ngày. Vậy nên, sẽ có nhiều người không thích, không cảm nhận được cái thú vị mà tôi cảm nhận. Chỉ luôn luôn có một câu trả lời rằng “Anh/chị/bạn thử đi một lần xem nó như thế nào!”

Bởi nếu không đi, nếu chỉ đợi điều gì đó thú vị tới từ những người khác, thì có lẽ tôi sẽ không bao giờ bước chân ra khỏi Hà Nội. Bởi tôi nghe bố nói Tây Bắc nghèo lắm, toàn rừng núi, trời mưa xuống là lầy lội bùn đất. Bởi sau này bố bảo biển Nha Trang thực chất cũng bình thường thôi. Bởi miền Trung bão lũ, bởi dân biển ngoài mùi cá tanh thì còn gì khác để mà đến xem nữa đâu. Vậy thì chỗ nào là thú vị?

Bởi nếu tôi không đi, toàn bộ nhận thức của tôi chỉ gói gọn trong những trang sách, những màn hình TV, những câu chuyện, những dòng chữ của người khác. Thậm chí đến mùi tanh mặn của dân biển tôi cũng không thể biết. Tôi đi không phải vì điểm đến có bao nhiêu thú vị, tôi đi chỉ để biết nó rốt cuộc trông như thế nào, ở đó người ta trồng lúa gạo hay đánh cá, hay săn bắt thú rừng chẳng hạn. Tôi đi chỉ để xem ở đó liệu có anh chàng nào đẹp trai hay không 🙂

Năm trước, tôi có tình cờ xem được một bộ phim hai chàng trai trẻ vượt ngàn dặm xa xôi đi từ cực đông đến cực tây đất nước, họ nghĩ nơi cực tây đó là thành thị tấp nập, hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn như lời hứa hẹn trong trang thư điều động. Hoá ra lại là một sa mạc khô cằn. Đi một vòng lớn, mất đi nhiều vật chất, thu lại là những hoàn cảnh sống mỗi nơi mỗi khác, nhưng chật vật mưu sinh nơi nào cũng có; mới phát hiện cái thị trấn nhỏ bé trên đảo của mình vẫn là nơi tốt hơn cả. Nhưng nếu không đi, họ vẫn sẽ cứ mãi hoang hoải về miền đất hứa hẹn trong tưởng tượng kia. Còn thực tế sẽ biến thành hư vô. Nhân vật chính của bộ phim là một thầy giáo trẻ chỉ biết đến cuộc sống bằng đoạn đường đi làm chưa tới vài cây số quanh đảo và những lý thuyết sáo rỗng trong sách vở. Trong phim có một đoạn thoại khi 2 nhân vật xảy ra mâu thuẫn. Anh thầy giáo nói: “Thế giới quan của tao và mày là khác nhau”. Anh bạn đáp lại: “Đến thế giới mày còn chưa được nhìn, thì lấy đâu ra thế giới quan cơ chứ?”. Đây là đoạn hội thoại khiến tôi ấn tượng nhất bộ phim, và cũng là câu nói in sâu vào trong nhận thức của tôi về mỗi chuyến đi. Tôi cũng muốn đi để nhìn thế giới. Tôi cũng muốn biết rốt cuộc thế giới quan của tôi là gì, sẽ thay đổi như thế nào sau mỗi chuyến đi.

Tôi không có nhu cầu hiểu thế giới của người khác. Tôi chỉ muốn đi để xem thế giới của chính mình. Đó, là lý do mà tôi đi. Còn bạn?

2 thoughts on “Tại sao Táo lại đi?

  1. Chào chị,
    Cảm ơn chị về bài viết.
    Thực ra em cũng có suy nghì giống chị (về việc đi và cảm nhận), nhưng trước đó em khá hoang mang vì chắc chỉ có em nghĩ thế. Khi rủ chúng bạn, bọn nó thường hỏi: đấy là đâu, ở đó có gì… và khi thấy em bảo tự đi thì sẽ bàn lùi. Chắc do em khó tính và ko thích kiểu ăn sẵn nhưng mà bản thân em còn chưa đến thì em đâu có biết nơi đó như thế nào. Vậy nên mỗi lần em đi đâu, nghĩ rủ ai đó lại thấy ngại. Em muốn đi để xem thế giới rộng lớn chừng nào, và thường em đi một mình. Nhiều lúc nghĩ cũng mệt, nhưng đến lúc đi rồi lại muốn đi nữa.
    Có thể em không hiểu cách nghĩ của chị 100% nhưng trong bài viết của chị có một chút khích lệ em làm theo điều mình muốn.
    Tks chị.

    Like

    1. Cảm ơn em đã đọc bài. Những bài viết trên trang khi chị viết xong đã thấy vui rồi, có người đọc càng vui và hôm nay biết được nó mang lại cảm xúc tích cực cho em lại càng vui hơn nữa. Chúc em có thật nhiều chuyến đi và trải nghiệm như em mong muốn. Đi du lịch 1 mình chưa chắc đã là đơn độc, vì đôi khi có thể tìm thấy bạn đồng hành rất hợp trên đường. Vậy nên là hãy cứ đi đâu em muốn, miễn là tìm hiểu để đảm bảo đủ an toàn cho mình là được 😎

      Like

Leave a comment