Hồ Lugu và những người Musuo

Hồ Lugu, bên cạnh non nước thanh lặng yên bình, còn được truyền tai nhau về một “vương quốc” riêng của người Musuo, tộc người duy nhất hiện nay của Trung Quốc còn theo chế độ mẫu hệ. Hồ Lugu thuộc vùng cao nguyên Minh Châu, Vân Nam, Trung Quốc với độ cao hơn 2500m so với mực nước biển. Hồ trên núi nước trong vắt, ánh nắng mặt trời ban ngày rất mạnh, dát xuống mặt nước một lớp ánh bạc, khiến cho màu nước xanh thay đổi sắc thái từng lúc theo màu nắng đẹp mê hồn. Giữa hồ là hòn đảo Lí Vụ Tất, tương truyền đó là nơi những người Musuo đầu tiên sinh sống trên hồ này. Trên đảo có ngôi đền thờ bà chúa hồ (Mẫu hồ), hàng năm tới ngày 4 tháng 6 âm lịch, người dân ven bờ sẽ lên đảo niệm kinh và cầu khấn cho một năm an lành.

Tại sao lại gọi là Người Musuo chứ không phải là dân tộc Musuo?

Vì người Musuo là nhóm người thuộc dân tộc Tạng, sống ở vùng ven hồ Lugu với những tập tính sinh hoạt khác biệt.

31688450_1029343313899201_2665186902641999872_o

(Lịch trình chi tiết tại: [ITINERARY] LỆ GIANG – HỒ LUGU – SHANGRILA)

Khu vực Hồ Lugu ngày nay được xây dựng như một khu vực bảo tồn tự nhiên và văn hóa trực thuộc hai tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên của Trung Quốc. Tại đường vào của mỗi bên đều có cổng chào bán vé tham quan cho khách du lịch. Được bao quanh bởi núi non, đường vào băng qua mấy con đèo lắt léo nên việc quy hoạch và kiểm soát của khu vực này cũng không mấy khó khăn.

Xuống tới gần hồ, một thị trấn nhỏ xuyên suốt chỉ bằng một con đường cỡ chừng 2km hiện ra với dãy những ngôi nhà ven hồ, làm thành nhà nghỉ cho du khách. Bến xe khách nhỏ ở trung tâm, xung quanh là những cửa tiệm ăn uống, cà phê, mấy tiệm cho thuê xe đạp và dãy quán nướng ở dọc hai bên đoạn đường dẫn từ thị trấn ra hồ. Và đương nhiên, đây không phải khu vực sinh sống của người Musuo trong truyền thuyết. Thị trấn này có lẽ mới được xây dựng lên mấy năm gần đây để phát triển du lịch, khi mà ngay chính ở trước cửa nhà nghỉ mà chúng tôi ở hiện vẫn đang đổ đá tảng lởm chởm để làm đường.

IMG_1164

Chừng hơn một giờ chiều, vẫn là trên chiếc xe ban sáng, những người đăng ký đi tour quanh hồ bắt đầu khởi hành rời khỏi thị trấn. Xe chạy vòng quanh hồ khoảng 20 cây số thì một điểm ngắm cảnh có thể nhìn được bao quát phía Vân Nam của hồ. Tuy nhiên cái nắng giữa buổi trưa đã ngăn hầu hết mọi người khỏi hứng thú tận hưởng cảnh đẹp, đa số mọi người đều chỉ xuống xe tranh thủ chụp vài bức ảnh rồi lại giục tài xế đi tiếp. Địa hình Hồ Lugu gần như sự pha trộn giữa hồ Inle của Myanmar với hồ Hòa Bình của Việt Nam, chỉ là nước hồ Lugu xanh và đẹp hơn rất nhiều, màu xanh giống hơn với sắc xanh của biển.

31723405_1029341513899381_2787779159194075136_o

Qua điểm ngắm cảnh, xe còn chạy rất xa nữa, xa đến nỗi trên xe mọi người dần dần ngủ hết, đến ánh nắng bên ngoài cửa sổ cũng còn thấy dịu đi ít nhiều. Tiếng gọi của anh phụ xe kéo mọi người khỏi giấc mộng (không biết có đẹp hay không), thông báo đã đến điểm đích cuối cùng – ngôi làng của người Musuo, dùng “trà chiều”, đi thăm quanh một xóm nhỏ rồi quay lại ăn tối và tham gia hoạt động địa phương.

Tại sao “trà chiều” của tôi lại nằm trong hai nháy, bởi với trà bơ của người Tạng thì đồ ngọt dùng kèm có vẻ không được thích hợp cho lắm. Buổi trà chiều hôm đó, tôi được thưởng thức lại món trà bơ mặn ấm nóng giống như hơn một năm trước ở Tây Tạng, kèm với gà nướng muối và khoai tây cắt chì xóc muối. Những món ăn mà mới chỉ nghe kể đã đủ để cảm nhận đủ vị mặn, thế nhưng ở những vùng núi cao cần giữ ấm cơ thể thì muối là thứ nguyên liệu không phải để bỏ quên, chỉ có thể bỏ thêm.

Qua lời dẫn của chị hướng dẫn viên, cũng là một người phụ nữ Musuo, ngôi làng được giới thiệu là mới mở cửa cho người ngoài vài năm trở lại đây để phát triển kinh tế cho người dân có cuộc sống đầy đủ hơn, dựa vào chính sách phát triển du lịch cộng đồng và bảo tồn văn hóa mà chính quyền đã cam kết.

IMG_1130

“Mọi người lưu ý giùm, khi tới nhà của người Musuo, tuyệt đối không được phép hỏi trẻ con về bố của chúng. Đó là quy tắc, cũng là phép lịch sự tối thiểu để tôn trọng văn hóa của họ” – Lời dặn dò của anh phụ xe trên đường đến ngôi làng của người Musuo.

Chị hướng dẫn viên dẫn chúng tôi về thăm chính ngôi nhà của chị, ngôi nhà chỉ dành cho phụ nữ, trẻ em gái và những bé trai dưới 13. Trong nhà, người phụ nữ nào lớn nhất sẽ được quyền quyết định mọi việc, là mẹ, hoặc là bà nếu vẫn đang còn khỏe mạnh. Trước đây, toàn bộ những công việc có liên quan đến kinh tế trong vùng đều do người phụ nữ đảm nhận. Đàn ông gần như không có địa vị, chỉ chuyên làm việc đồng áng, dựng nhà và các việc nặng khác. Ngày nay do xã hội đã thay đổi và phát triển lên nhiều, những người đàn ông trong vùng bên cạnh những công việc nặng nhọc ấy cũng có thể ra ngoài làm việc kiếm tiền.

Ở Lugu, trong thế giới mà người phụ nữ nắm toàn quyền, những bé trai sinh ra sẽ được nuôi dưỡng trong nhà mẹ cho tới năm 13 tuổi. 13 là thời điểm để thực hiện nghi lễ trưởng thành, rồi sau đó bạn nam này sẽ phải chuyển ra sinh sống tại một ngôi nhà dành cho toàn bộ những người đàn ông được dựng phía bên ngoài cánh đồng. Từ thời điểm đó, họ cũng phải bắt đầu tự làm việc để nuôi sống bản thân mình.

IMG_1040

Tại ngôi nhà sinh hoạt chung ở giữa làng thỉnh thoảng sẽ tổ chức những đêm lửa trại, hát múa để trai gái trong vùng có dịp làm quen tán tỉnh yêu đương. Nếu như chàng trai nào tìm được cô gái cũng có tình ý với mình, chàng sẽ tặng cho nàng một chiếc lược bạc làm tín vật. Và ngay trong đêm đó, nàng sẽ đem chiếc lược bạc về để trong đôi giày trước cửa, và để mở hé cánh cửa phòng mình. Trong một gia đình chỉ có phụ nữ, sẽ rất nghiêm trọng nếu như chàng lỡ gõ nhầm một cánh cửa nào đó, thì chiếc lược bạc mà chàng tặng sẽ như một chiếc chìa khóa đúng vào ô cửa bí mật. Chàng chỉ được phép đến khi đêm đã muộn, và buộc phải rời đi trước lúc trời sáng, không được phép để cho bất kỳ ai phát hiện ra sự hiện diện của chàng ở trong căn nhà. Nàng cũng sẽ không nói cho bất cứ người nào biết tình lang của mình là ai, chỉ cần nàng cài trên tóc chiếc lược bạc như một món trang sức thì người khác sẽ hiểu nàng là người đã có nơi có chốn, và cứ như thế cho đến mãi về sau này. Những đứa trẻ lớn lên chỉ có mẹ, dì, bà ngoại và không được biết bố của mình là ai. Đó cũng là lý do người ta không bao giờ đặt cho chúng những câu hỏi đó. Người Lugu với quan điểm về tình yêu rất “thoáng”, chỉ là một đêm khi rời đi chàng mang theo chiếc lược, hoặc nàng tự mang chiếc lược để vào đôi giày của chàng để khi rời đi chàng tự hiểu ngầm ý. Điều đó có nghĩa rằng về sau hai người sẽ không còn liên quan gì đến nhau nữa.

31760122_1029341993899333_5480020881172332544_o

Tối hôm đó chúng tôi cũng được tham gia một đêm lửa trại mô phỏng, cũng hát đối giao duyên và đâu đó trai gái cũng liếc mắt đưa tình, rồi kết thúc bằng những điệu nhảy quanh đống lửa rực cháy.

IMG20180423204156

Tận hơn 8 giờ xe mới bắt đầu khởi hành quay về lại thị trấn. Con đường đêm có vẻ không còn dài như dưới cái nắng gắt ban trưa nữa, mới đi một quãng đã về tới điểm ngắm cảnh ban sáng. Bên ngoài hơi sương se lạnh phả vào từng hơi thở. Phía dưới xa kia, những ánh đèn điện le lói chạy quanh đường ven hồ. Lugu vẫn là vùng núi, dân cư không đông đúc nên màu đen mờ mờ của đêm vẫn là phông nền chủ đạo. Chỉ là chúng tôi không ngờ, khi vừa ngước lên bầu trời, trong mắt lập tức phủ đầy ngàn vạn những đốm sáng li ti, nhỏ xíu xiu hơn cả những ngôi sao xa bình thường hay nhìn thấy. Phải chăng đó là dải Ngân Hà, tấm lưới dệt sao trời trong truyền thuyết, giống như trong những bức ảnh phơi sáng nghệ thuật đẹp lung linh. Ba đứa tôi ôm lấy nhau, sung sướng tận hưởng cảnh đẹp của thiên giới được nhìn thấy từ dưới nhân gian.


Những ngày ở Lugu đầy nắng, được tự nhiên tỉnh giấc không cần chờ báo thức. Ăn bữa sáng kiêm luôn bữa trưa ở một quán ăn nhỏ rồi thong dong xe đạp chạy ven hồ. Tới bến nước, lên con thuyền nhỏ rẽ màn nước xanh ghé sang hòn đảo thiêng. Đảo không lớn, dạo một vòng nhỏ rồi lại quay về bờ tiếp tục cung đường xe đạp, dắt xe lên đường lớn thả trôi dốc về thị trấn.

Những đêm ở Lugu gió mát. Ba đứa chúng tôi khóa cửa phòng, trèo qua lan can ban công hướng ra hồ, xách theo túi đồ ăn đi bộ qua bãi cỏ rộng rồi trải chiếc khăn tắm ngồi bên bờ hồ hóng gió, y như ngồi bên bờ biển. Hai cô gái có chân gà muối và bia, còn chàng trai có bình sữa chua mua ở siêu thị mini gần nhà. Cùng với chiếc loa cầm tay phá làng phá xóm, mỗi đêm đều ngồi tới tận khuya.

Lugu tháng tư, ban ngày nắng ấm, ban đêm se lạnh, tâm hồn thảnh thơi -.-

3 thoughts on “Hồ Lugu và những người Musuo

  1. Chuyến đi của cháu thật là tuyệt vời. Khác hẳn những cuộc du lịch đến các thành phố danh tiếng đăng trên sách du lịch. Không biết tiếng Hoa và tiếng địa phương có trở ngại gì không vậy cháu?

    Liked by 1 person

    1. Cháu cảm ơn cô. Cháu có học thêm, nói được một chút tiếng Hoa Mandarin nên đi du lịch Trung Quốc cũng không mấy trở ngại. Còn nếu không biết tiếng thì cháu nghĩ cũng khá vất vả, vì kể cả người làm dịch vụ bên đó cũng ít người nói tiếng Anh. Cô vẫn đang ở Cambodia ạ? Cháu thích Cambodia lắm!

      Like

Leave a comment