VQG Pù Mát – Homestay bản Nưa – Người Đan Lai

Hôm tôi tới Pù Mát cũng là ngày mà đợt không khí lạnh đầu tiên của mùa đông tràn ra khắp miền Bắc, trời về chiều tối và đêm se se lạnh. Đi qua cột mốc bắt đầu đường 559 (tên gọi cũ của đường HCM), chúng tôi rẽ vào con đường mòn lối tắt theo bản đồ, chạy miết cốt để tới VQG sớm một chút, vậy mà khi tới cổng rừng đã là chập tối. Đêm đó vốn định nghỉ tại khu nhà khách của VQG, tuy nhiên, điều kiện phòng không được tốt lắm, khu vực chúng tôi được sắp xếp lại ở dãy nhà quá xa khu văn phòng, cách xa cả các dãy nhà khác nên đã quyết định rời đi.

Vườn quốc gia Pù Mát là một khu rừng đặc dụng ở phía tây tỉnh Nghệ An. Theo tiếng Thái, Pù có nghĩa là đỉnh núi, Pù Mát là đỉnh núi cao nhất trong khu vực (1.841m) và được đặt tên cho Vườn quốc gia. Hiếm có du khách nào chinh phục được đỉnh núi này dù trước đó có thể họ đã đứng dang tay trên đỉnh Phan xi păng. Pù Mát đẹp ở cái hùng vĩ của rừng xanh, ở vẻ nguyên sinh không chút đụng chạm của bàn tay con người. Đến với Pù Mát du khách sẽ được chiêm ngưỡng nét hoang sơ của rừng nguyên sinh với tính da dạng sinh học cao bậc nhất Việt Nam và nhiều thắng cảnh nổi bật. (Theo http://www.pumat.vn/)

Nằm ở huyện miền núi Con Cuông giáp với biên giới Việt Lào, cách thành phố Vinh và trục đường 1A khá xa nên đây không phải một điểm du lịch có tiếng. Thường thường Pù Mát chỉ dành cho các chuyến đi thiên về nghiên cứu và cũng chỉ có điểm lưu trú của ban quản lý vườn thôi, vậy mà may mắn thay, trên mạng nói khu vực Pù Mát có mấy nhà cung cấp dịch vụ homestay.

Chúng tôi tìm GG Map và theo cả chỉ dẫn của người đi đường, rẽ vào con đường có dựng tấm biển Khu du lịch Sông Giăng. Khi chúng tôi vào đến bản trời đã rất tối, không thể nhìn rõ được những tấm biển homestay bằng gỗ hoặc bằng kim loại màu đồng có khắc tên dựng trước cổng, phải nhờ mấy đứa trẻ con trong xóm chỉ mới tìm thấy ngôi nhà được gọi là “Homestay số 2“. Bảy giờ, nhà lúc đó còn chưa bật điện ở gian chính, mọi người tất cả còn đang ở khu xưởng phía sau. Khi chúng tôi tới cũng là lúc họ kết thúc công việc một ngày và ra về, chủ nhà cũng mới bắt đầu chuẩn bị bữa tối.

Cô chú chủ nhà chào đón chúng tôi, dẫn lên nhà tùy chọn giường ngủ đêm rồi chỉ chỗ khu vệ sinh để chúng tôi thay đồ, tắm giặt trong lúc đợi cơm. Nhà cô chú là nhà sàn ba gian không có vách ngăn: một gian thờ có che rèm, một gian giữa để trống như phòng tiếp khách còn một gian nữa kê hai giường ngủ hai bên. Hôm nay nhà không có khách, chỉ có hai chúng tôi. Cô chủ nói hôm qua có một anh bạn người Bắc Giang ở lại kể bao nhiêu là chuyện, giá mà chúng tôi đến sớm hơn một ngày chắc sẽ vui hơn.

Bữa cơm tối đó cô nói không kịp chuẩn bị đồ nên ăn cơm nhà bình thường thôi, vậy mà những bốn năm món: có măng, có cá suối rán giòn, còn có cả xôi nếp cẩm. Ngồi ăn cơm ở gian giữa có hai đứa tôi, cô chú và em trai năm nay học cao đẳng ngoài Vinh, tranh thủ về thăm nhà. Lúc ăn cơm cô chú giới thiệu mới biết gia đình là dân tộc Thái, ở bản này gọi là Bản Nưa. Tôi khá bất ngờ, vì nghĩ người Thái chủ yếu tập trung ở khu vực Tây Bắc thôi, không ngờ cộng đồng người Thái ở Con Cuông cũng rất lớn.

Homestay Bản Nưa nằm trong Dự án “Đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản ở các làng nông, ngư nghiệp” thuộc khuôn khổ Chương trình Đối tác Phát triển của JICA – Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản. Đây là dự án phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, gây ấn tượng với du khách bằng chính sự mộc mạc sẵn có của bản làng. Bản Nưa đã được các chuyên gia về quy hoạch du lịch, phát triển sản phẩm địa phương hướng dẫn về cách thức làm homestay tại nhà sàn, lên thực đơn và trình bày các món ăn, cùng nhiều dịch vụ đón tiếp khác để thu hút du khách. Không chỉ vậy, người dân bản còn thành lập nhóm múa, vừa để giới thiệu văn hóa của dân tộc Thái đến khách thông qua các điệu múa giã gạo, múa sạp, cầu mùa vụ bội thu… vừa để giữ gìn truyền thống vùng miền.

Tôi cầm tờ thông tin mà cô chú đưa cho, giới thiệu về Bản Nưa và dự án của JICA đọc chăm chú. Trong đó ấn tượng nhất là thông tin về tộc người Đan Lai sinh sống tận trong vùng lõi rừng, phải đi xuống dưới thác nước phía cuối bản, sau đó đi xuồng máy hơn một tiếng mới vào tới nơi. Ngày hôm sau chúng tôi có đi xuống thác nước, nhưng không đủ thời gian để đi xuồng vào bên trong. Nghe cô chú kể, người Đan Lai trong đó hiện chỉ còn khoảng vài chục hộ dân với phong tục tập quán khá cổ hủ: tảo hôn, hôn nhân cận huyết và không có tiếp xúc quá nhiều với thế giới hiện đại bởi điện quốc gia đã lắp đường dây nhưng vẫn chưa chạy tới, hiện vẫn đang sử dụng điện tự phát.

Tộc Đan Lai có nguồn gốc từ người Kinh, tộc này chủ yếu là dòng họ La. Theo như lời kể của các già làng thì dòng họ này vốn dĩ chạy trốn sự ác bá của bạo chúa miền Hoa Quân (nay thuộc Thanh Chương, Nghệ An). Dòng họ La phải tìm cho ra 100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái, nếu không sẽ bị thảm sát cả họ. Những thứ trên là hoàn toàn không thể có. Cả làng họ La gồng gánh nhau trốn chạy lên núi, họ chạy mãi, mãi mãi đến thượng nguồn con sông Giăng này, nơi không còn nghe thấy tiếng người mới dám dừng chân – một bộ tộc mới ra đời từ đây. 

Cái tên Đan Lai là do được từ Đan trong tên làng xưa từ quê hương (làng Đan Nhiệm) và từ lai là vì cuộc sống của họ phải tiếp xúc, lai tạp với các dân tộc khác ở miền rừng núi.

Tộc Đan Lai có tục ngủ ngồi rất khác biệt với các tộc người thiểu số khác. Tập tục này gắn liền với tai họa mà tổ tiên của họ đã phải gánh chịu. Ngủ ngồi là để cảnh giác với thú dữ và bọn quan quân truy đuổi (có thể vùng dậy chạy vào rừng sâu ngay nếu như quan quân đuổi đến). Họ thường ngồi đưa hai bàn tay nắm lại đỡ lấy trán để ngủ, hoặc đẽo cây chàm ngàm kê vào dưới cổ để ngủ cho khỏi mỏi, hoặc hai tay nắm chặt đầu thanh củi tì vào trán. Ngay cả trong các hoạt động sinh hoạt khác như sinh đẻ cũng “ngồi” – Wikipedia

Ngày nay, tục ngủ ngồi đã không còn do không có mối nguy nào rình rập bên ngoài nữa. Tuy nhiên, cuộc sống đối với họ cũng vẫn còn rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể có liên quan đến sự thành lập và quản lý của VQG Pù Mát khiến cho họ không còn được sử dụng phần đất mà trước dùng cho việc canh tác, cũng không thể tùy ý khai thác các sản vật từ rừng để phục vụ cho cuộc sống như trước nữa. Giao thông đi lại cũng không được thuận tiện, hàng hóa đều được vận chuyển vào bằng xuồng máy, ngay cả vật liệu xây dựng cũng chỉ bằng cách này, khiến cho mọi thứ trở nên đắt đỏ. Họ hiện nay đang chờ để được hỗ trợ trong việc di dời, tái định cư xuống các xã dưới xuôi.

Hết câu chuyện bữa cơm trà nước xong xuôi cũng đã chín giờ tối. Hôm ấy không có khách, cả hai giường lớn đều thuộc về chúng tôi hết. Tôi cắm máy tính ngồi bên cửa sổ lạch cạch gõ vài dòng, hình như hôm đó tôi viết về Cao Bằng. Nhớ đêm ở Bản Giốc tôi cũng ở một homestay, đêm cũng tương tự như lúc này: bên ngoài điện đã tắt hết, tối đen như mực, trong nhà cũng chỉ phản lại ánh sáng từ hai cái màn hình máy tính. Tôi giơ bàn tay ra đón gió mùa về pha với hơi sương đêm lạnh lẽo. Ngủ ngon Pù Mát.

One thought on “VQG Pù Mát – Homestay bản Nưa – Người Đan Lai

Leave a comment