Người ta có nhất thiết phải hiểu nhau hay không?

Tôi sẽ rất vui nếu có người hỏi tôi rằng:

  • Bạn không ăn hành à? 
  • Thế thì ăn cái khác đi. 

Còn nếu người ta “quan tâm” hoặc “muốn hiểu tôi hơn” mà hỏi thêm một câu nữa:

  • Sao không ăn được? hoặc “Hành ngon thế sao không ăn nhỉ?”

Thì tôi sẽ ngay lập tức trở mặt mà bốp chát:

  • Hỏi gì ngu thế. 

Và có thể từ đó trở đi tôi sẽ không còn nói chuyện với người đó nữa, vì tôi biết họ sẽ không bao giờ từ bỏ những câu hỏi như vậy. Người ta không thể cứ đơn giản chấp nhận việc có-một-người-như-thế ở bên cạnh mà nhất định phải tìm cho được lý do để “hiểu nhau”. Hoặc câu hỏi của người ta vốn không mang ý nghĩa gì hết, chỉ hỏi cho có. Ừ, thế nhưng cũng có một người thường xuyên hỏi những câu “hỏi cho có” khiến tôi phát điên kiểu đó mà tôi thì lại không thể dùng câu trả lời thô lỗ như thế kia, cũng không thể “loại” ra khỏi cuộc sống của tôi được, đó chính là mẹ tôi! Tôi chỉ còn cách chấp nhận. 

Gần đây tôi hay thắc mắc, rằng: Liệu con người ta có nhất thiết phải hiểu nhau hay không? Liệu người ta có thể cứ mơ mơ hồ hồ, không nhất thiết phải hiểu thật rõ về nhau mà cứ thế sống bên nhau hay không?

Tôi đã từng nghe thấy người ta trách móc nhau, trong phim hoặc cả ngoài đời sống, rằng Bố mẹ chẳng hiểu con; rằng Anh chẳng hiểu em; rằng Chẳng có ai hiểu tôi trên cái cuộc đời này cả. Hoặc một ngày, có người nói với tôi rằng cậu ta chẳng thể hiểu nổi thế giới bên ngoài, mọi người bên cạnh đều quá khác biệt với bản thân cậu khiến cho cậu chẳng thể dung hòa nổi. Tôi thầm nghĩ, sao thế giới lại phải khổ sở như thế nhỉ?

Ở nhà tôi, tôi dám cá rằng bố mẹ và anh chị em chúng tôi chẳng một ai hiểu nhau hết, hoặc thế nào là hiểu nhau thì chúng tôi cũng chưa từng bao giờ định nghĩa. Chưa cần bàn đến những cái to tát lớn lao như khoảng cách thế hệ, như những khác biệt trong trải nghiệm cuộc sống, thậm chí đến một thói quen ăn uống sinh hoạt của tôi, đã luôn luôn diễn ra trong suốt gần ba mươi năm trời sống bên cạnh nhau mà bố mẹ tôi cũng không thể nhớ nổi, chứ đừng nói đến việc hiểu được những điều tôi đang suy nghĩ. Như thế thì có nghĩa là bố mẹ tôi không yêu thương tôi hay sao? Tôi nghĩ người ta yêu thương nhau bằng cách chấp nhận nhau, chứ không phải bằng cách hiểu nhau. Ví dụ như việc tôi không ăn hành, bố mẹ tôi cũng không vì thế mà phải cố ý bỏ hành ra khỏi món ăn họ thích, hoặc phải làm thêm một món khác không có hành cho tôi. Còn tôi, cũng không vì thế mà giận dỗi bố mẹ mình.

Gần đây tôi cũng hay thắc mắc về bản thân mình, xem tôi có thể hiểu bản thân mình đến đâu. Những chuyện đơn giản như mấy sở thích đọc sách, viết blog, thích đi du lịch, thích học ngoại ngữ… Tôi không rõ mình thích học ngoại ngữ là bởi vì tôi thích ngoại ngữ đó hay tôi thích việc học. Tôi thích đi du lịch, là vì thích một điểm đến hay thích quá trình tôi đi đến nơi đó. Tôi thích viết blog là bởi tôi muốn viết ra một bài viết hay, hay là thích cái việc lạch cạch gõ phím khi rảnh rỗi. Tôi thích đọc sách là bởi thích những cuốn sách hay thích việc đọc.

Rốt cuộc thì tôi cũng không có được câu trả lời nào hết. Dở hơi thật, nhưng bạn đã khi nào giống như tôi, cũng muốn làm rõ những cái việc dở hơi như thế bằng những câu hỏi ngớ ngẩn. Đến cuối cùng, bạn đã làm rõ được nó hay chưa, và cái việc phải làm rõ nó có thật sự quan trọng lắm không? Tôi thì nghĩ là không đâu, tôi vẫn thích và vẫn sống vui vẻ với những niềm yêu thích ấy hàng ngày mà chẳng rõ gì về nó đấy thôi.

Và thế đấy, ngay đến bản thân mình còn không hiểu nổi, và sẽ cứ mặc kệ nó đi để sống thì tại sao tôi lại phải cố gắng để hiểu một con người khác. Tôi không hiểu được những thứ phức tạp như tại sao trái đất lại quay, tại sao ngày hôm nay bỗng dưng u ám thế, cũng không thể hiểu được tại sao là bố mẹ tôi sinh ra tôi chứ không phải là những bố mẹ khác… thì hà cớ gì lại phải đi hiểu một thứ cũng phức tạp không kém, là suy nghĩ của một người khác. Và ngược lại, đến chính tôi còn không hiểu nổi bản thân mình thì tại sao tôi lại bắt người khác lại phải hiểu được tôi?

Tôi có thói quen chấp nhận mọi điều mà người ta nói với mình, hay nói về mình, bất cứ điều gì tôi cũng chấp nhận mà không hỏi tại sao. Hay nói một cách khác là: người ta thấy mình là người như thế nào, thì mình chính là người như vậy. Tôi thường nhìn thấy mình ở trong mắt đa số mọi người là một đứa luôn luôn sống một cuộc sống dễ dàng hơn người khác, bất cứ chuyện gì với tôi cũng trôi qua một cách rất nhẹ nhàng như thể cuộc sống chẳng bao giờ gây ra bất cứ khó khăn gì khiến tôi phải lo lắng. Ừ, sao cuộc sống của tôi lại dễ dàng đến như thế trong khi mọi người lại quá khổ sở?

Tôi không nghi ngờ và phán xét người khác, và cũng không quan tâm việc người khác có nghi ngờ hay phán xét mình hay không. Có người nói tôi như vậy là ngốc, có người lại đổi cách nói khác rằng tôi lương thiện, lại có người nói tôi vô tâm và ích kỷ. Có người nói tôi đơn giản, lại có người nói tôi vốn không hề đơn giản như những gì tôi “thể hiện”.

Nếu có một người đến nói với tôi rằng họ đang rất buồn khổ, tôi sẽ chỉ dừng lại ở việc nghe họ kể hết về nỗi buồn của họ chứ không thể giúp họ tìm cách để vượt qua nỗi buồn đó được. Vì tôi chỉ biết đến nỗi buồn chứ không thấu hiểu nó, lại càng không thể tìm cho ra một phương pháp hiệu quả. Hơn nữa, suy cho cùng thì tại sao tôi phải tìm trong khi đó không phải việc của tôi, vì người cần vượt qua nỗi buồn đó không phải tôi. Vậy thì tôi thấu hiểu nó có ích gì, tôi chỉ cần biết đến sự tồn tại của nó là đủ.

Nếu tôi nói với một ai đó rằng tôi đang buồn khổ, mục đích của tôi chỉ là thông báo cho họ biết tình trạng hiện tại của mình, một phương thức chia sẻ những điều thông thường trong cuộc sống. Họ có hiểu được nỗi buồn của tôi hay không thì tôi không dám chắc, và thực ra, nó vốn không hề quan trọng.

Người ta vẫn luôn hy vọng thế giới này có một (hoặc vài, hoặc nhiều) người thực sự hiểu mình, tôi cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Nếu có, cuộc sống chắc chắn sẽ thú vị hơn, thoải mái hơn và tươi đẹp hơn rất nhiều. Nhưng nếu cả thế giới này không có bất cứ một ai có thể hiểu được tôi, thì có làm sao không? Tôi thì nghĩ là không sao cả. Đến cuối cùng, bất kể người ta có thể hiểu tôi đến mức nào đi chăng nữa, thì cũng không thể vui buồn thay tôi, không thể thay tôi sống cuộc sống của chính mình được. Tôi luôn luôn nghĩ rằng tôi chỉ cần sống tốt cuộc sống của mình, tự đổi xử tốt với mình, và đối xử tốt với người khác là đủ. Người ta yêu thương nhau bằng cách chấp nhận nhau, chứ không phải bằng cách hiểu nhau mà.

À, còn như thế nào là tốt, thì đó là chuyện của tôi, và do tôi quyết định.

5 thoughts on “Người ta có nhất thiết phải hiểu nhau hay không?

  1. Cuộc sống của bạn nhẹ nhàng và không mấy thăng trầm trong cảm xúc. Mình đọc thì mình đoán vậy. Một người hướng nội nhưng không chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực. Riêng quan điểm của mình, mình nghĩ chúng ta Nhất Thiết phải hiểu nhau. (trong phạm vi những người thân thiết với bạn, còn những người “xã hội”, mình nghĩ, mình không cần thiết phải hiểu họ). Tại sao mình có quan điểm vậy, vì đơn giản thôi, mình “yêu” họ, và mình muốn “hiểu” họ. Và mình không đòi hỏi người khác hiểu lại mình. Đối với mình, chỉ cần 1 phía thôi. Ko nhất thiết “được hiểu”. Không phải vì mình bao dung độ lượng, đơn giản vì những gì mình trải qua nó cũng cho mình những cái nhìn nhận mối quan hệ giữa người với người một cách khác hơn và cần duy trì mối quan hệ lâu dài hơn. Có thể việc hiểu một người, cuối cùng chả đưa bạn đi đến đâu ngoài những nỗi đau (có một số trường hợp), nhưng đối với mình, đó là một trong những nốt thăng trầm trong bản nhạc của cuộc đời. Có thể, hiểu người khác, sẽ có thể giúp bạn hiểu được mình 🙂 [Share một quan điểm nhỏ của mình về đề tài của bạn :p]

    Liked by 1 person

    1. Cảm ơn chia sẻ của YANA. Thật ra thì ai cũng muốn mình có thể hiểu được những người thân bên cạnh, và cũng mong người ta hiểu mình. Nhưng nếu lỡ một ngày đột nhiên phát hiện mình vốn không hiểu người ta như mình tưởng, hoặc ngược lại, thì không vì thế mà thất vọng :3

      Liked by 1 person

      1. Đúng, không vì thế mà thất vọng. Tư duy đó sẽ giúp cho chúng ta đỡ rơi vào những tình trạng “tồi tệ” :D. Còn việc phát hiện ra mình vốn không hiểu người ta như mình tưởng, thì dâu đó là, có thể mình đang cố hiểu họ theo cách mà mình nghĩ họ sẽ như thế, hoặc mình chỉ đoán chừng vậy thôi. Nên dù sao thì, hiểu được thì tốt, ko nên đặt sự chủ quan lên việc hiểu một điều gì. Ai cũng có thể hiểu lầm, ai cũng có thể hiểu sai :D. => Bị Sếp la hoài í mà :p vì toàn hiểu sai ý Sếp =))

        Liked by 1 person

Leave a comment