Những Tù Nhân Của Địa Lý – Tác giả: Tim Marshall – Phan Linh Lan dịch
“Quý vị có thể có đồng hồ – nhưng chúng tôi có thời gian” – nó đã đúng với Taliban ở thời điểm hiện tại, và nó cũng đã từng đúng với nhiều cuộc viễn chinh khác.
Những Tù Nhân Của Địa Lý – một trong ba cuốn sách cuối cùng tôi nhận vào giữa tháng Bảy, ngay trước khi trở thành tù nhân của Covid trong chính ngôi nhà của (bố mẹ) mình. May mắn thay!
Cuốn sách này đích thị dành cho những người giống tôi, mỗi khi rảnh rỗi muốn tìm kiếm cảm giác “phiêu lưu” lại ngồi mở Google Map và bắt đầu khám phá thế giới. Tôi xem bản đồ nhiều đến mức có thể ghi nhớ được hình ảnh một số vùng lớn trên trái đất, để nhiều khi ngồi nói chuyện với bạn bè có nhắc đến vị trí của một đất nước nào đó, tôi sẽ vô tình mà chỉ trỏ vào không trung như thể đang có một tấm bản đồ hiện ra ở đó.
Từ định vị mặc định lúc mở bản đồ lên, tôi phải lăn chỏ chuột đến vài vòng mới nhìn được hết Việt Nam, kéo lên trên thấy Trung Quốc rộng lớn quá, lại lăn thêm vài vòng nữa để thu nhỏ nó lại cho vừa tầm mắt. Rồi đến khi cả lãnh thổ Trung Quốc đã gọn gàng hiện ra trong khung hình, với một nửa màu xanh của đồng bằng, một nửa màu vàng của hoang mạc, tôi tiếp tục kéo lên trên phía Bắc, và không ít lần tôi buột miệng chửi thề khi di chuột mãi mà vẫn chưa kéo hết vùng đất trải khắp mười một múi giờ của nước Nga vĩ đại. *beep* rộng gì mà rộng khiếp, như này ở làm sao, quản làm sao cho hết?
Tôi cũng từng thắc mắc nhiều lần về đường ranh giới giữa các quốc gia hiện nay, người ta làm sao để phân định nó rõ ràng như những đường kẻ trên bản đồ, hơn nữa, những đường biên giới đó vốn được cho là xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước, khi mà chưa có một vệ tinh nào được phóng ra ngoài vũ trụ để mà chụp lại những hình ảnh của Trái Đất, để mà con người có thể thương lượng với nhau rồi kẽ vẽ theo ý muốn của mình.
Nhiều khi ở nhà ngồi tán gẫu, tôi với hai đứa em hay nói đùa với nhau rằng nếu nhà mình mà ở những vùng rừng núi gần biên giới, mình sẽ ăn gian lấn đất, mang cột mốc biên giới dịch sang cả cây số chắc cũng không ai phát hiện ra. Haha. Vậy đấy, đến dân thường còn luôn có những ý nghĩ tham lam như thế về việc mở rộng phạm vi lãnh thổ, huống gì là những nguyên thủ, những nhà lãnh đạo các quốc gia. Bao nhiêu cuộc chiến tranh từ cổ chí kim, không phải đều chỉ là vì muốn vẽ lại những đường kẻ ngăn của thế giới này hay sao?
Và trong suốt chừng ấy năm, con người có thực sự đang đối đầu với nhau để tranh giành một vùng đất, một vùng tài nguyên mà họ đang hướng đến hay không? Hay nó vốn là cuộc chiến với một kẻ thù không cân sức khác mà cho đến ngày nay loài người vẫn chưa chứng minh được mình là kẻ chiến thắng, đó là tự nhiên.
Những Tù Nhân Của Địa Lý – cuốn sách của những đường biên giới, phần nhiều là do tự nhiên kiến tạo, thành các quốc gia, các vùng lãnh thổ, cũng tạo nên đặc điểm văn hóa và nhân tiện gây dựng luôn cả nền chính trị vẫn đang hiện hành và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỷ người trên trái đất.
Tôi đặc biệt thích các chương về châu Phi và Nam Mỹ, có thể bởi đó là những quốc gia nằm trong wish-list mà tôi thường ao ước rằng khi có nhiều tiền tôi sẽ bỏ hết tất cả để đi châu Phi và Nam Mỹ nhiều tháng trời. Gần đây trên kênh youtube có đề xuất cho tôi khá nhiều vlog của những người đang sống và làm việc tại châu Phi, cho thấy rằng thế giới đang bắt đầu chuyển sự chú ý vào lục địa này. Những Tù Nhân Của Địa Lý cho tôi một cái nhìn bao quát cùng những phân tích chi tiết về các quốc gia ở hai vùng đất già cỗi và đói nghèo này.
Tác giả Tim Marshall, bằng những nghiên cứu, hiểu biết của mình về địa lý tự nhiên, địa chính trị, về lịch sử hình thành của thế giới hiện đại, và bằng những cập nhật mới nhất về tình hình thế giới của mình đã chứng minh rằng: tất cả các quốc gia trên thế giới với những đặc điểm địa lý tự nhiên của mình, đã nhận được không ít lợi ích, nhưng chính những lợi ích ấy đã biến họ thành những con mồi của nhau. Và cũng chính địa lý tự nhiên đã tạo ra những giới hạn kìm hãm, giam cầm mỗi quốc gia như những tù nhân bên trong đường kẻ mà loài người tự cho rằng mình có thể thay đổi chúng.
Địa chính trị nghe có vẻ là một chủ đề khó nhằn nhưng dưới ngòi bút lão luyện, cách truyền đạt tự nhiên có đôi chút dí dỏm của Tim Marshall đã khiến cho cuốn sách này không kén người đọc như người ta vẫn tưởng.
Mọi người nghĩ tự dưng mà Hymalaia lại mọc lên giữa Ấn Độ và Trung Quốc ư? Không không. Nói cho bạn biết một bí mật. Đó là bởi Thượng Đế nhìn thấy trước rằng hai vùng đất này sẽ trở thành những khu dân cư đông đúc nhất thế giới, nên đã cố tình tạo một bức vách ngăn để thiên hạ không đại loạn.
Ôi cuốn này mình hóng mãi mà dịch dã nên chưa tới nơi được, nhìn bìa thôi đã thấy ưng rồi í. Cảm giác vừa đọc vừa lăn chuột giống đang phiêu lưu thật =)))
LikeLiked by 1 person
đợi chờ là hạnh phúc nhé :)))
LikeLike
mình cũng mới thấy Nhã Nam giới thiệu, cũng nhiều người khen. Thôi ráng nhịn, khi nào các anh shipper Tiki now chạy lại là mua liền
LikeLiked by 1 person
May quá mình kịp mua được vài cuốn trước khi lockdown. Cuốn này dễ đọc, trông thì dày mà đọc vèo cái 2 buổi hết luôn :)))
LikeLiked by 1 person