Visa bị từ chối, đó có lẽ là một trong những trải nghiệm tệ nhất (không phải của mình) khi mà chuyến hành trình còn chưa kịp bắt đầu thì đã có nguy cơ kết thúc.
Nhiều năm làm công việc tư vấn và xử lý visa, mà phần nhiều là hỗ trợ những trường hợp đã từng bị từ chối (một hoặc vài lần) tại nhiều quốc gia khác nhau, có lẽ số lý do từ chối visa mà mình từng gặp nhiều đến mức khó có thể đếm được. Đối với mỗi cá nhân riêng biệt thì nội dung hồ sơ và bối cảnh đều khác nhau, vì thế mà lý do bị từ chối cũng không ai giống với ai hết. Tuy nhiên, để tổng kết một cách khái quát thì các lý do khiến cho visa bị từ chối đều dựa trên các tiêu chí chung để xét duyệt như:
- Mục đích của chuyến đi
- Chứng minh tài chính
- Tình trạng hồ sơ cá nhân và lịch sử du lịch/lịch sử xuất nhập cảnh
1. Mục đích nhập cảnh KHÔNG PHÙ HỢP
Thế nào được coi là mục đích nhập cảnh không phù hợp?
Theo đúng nghĩa đen, là khi bạn nhập cảnh với mục đích A nhưng thực chất lại thực hiện chuyến đi với mục đích B. Trong nhiều trường hợp, bạn xin visa với mục đích X, nhưng các thông tin trong hồ sơ của bạn lại thể hiện bạn đến với mục đích Y, sự không nhất quán về mặt thông tin này là một lỗi mà nhiều người gặp phải khi chuẩn bị hồ sơ visa, nó dẫn đến việc bạn bị nghi ngờ về mục đích nhập cảnh và vì thế bị từ chối visa.
- Ví dụ, bạn xin visa vào Canada cho mục đích chính là đi thăm con gái, tuy nhiên, bạn lại làm hồ sơ như một visa du lịch, với lịch trình đến các điểm nổi tiếng và đặt khách sạn đầy đủ như một chuyến du lịch thông thường. Trong khi đó, những giấy tờ của bạn lại có các chi tiết thể hiện rằng con gái của bạn đang sống và học tập tại Canada. Khi đó bạn có thể bị nghi ngờ về mục đích chuyến đi và bị từ chối visa.
- Một ví dụ khác cho khối Schengen, khi bạn có chuyến công tác tại Đức nhưng lại nộp visa du lịch vào Pháp vì bạn dự định sau khi đi công tác tại Đức xong sẽ đi du lịch Pháp một tuần, trong lịch trình bạn cũng trình bày đầy đủ và trung thực dự định chuyến đi của mình. Tuy nhiên, theo chính sách của khối Schengen thì bạn sẽ bị từ chối visa, vì mục đích chính của chuyến đi không phải là du lịch.
Ngoài ra, mục đích nhập cảnh không phù hợp cũng là lý do chung được đưa ra bởi các cơ quan Lãnh sự cho hầu hết mọi hồ sơ khi bị từ chối. Nó thể hiện việc lãnh sự nghi ngờ bạn có những dự định khác không thuần túy khi đến với đất nước của họ: có thể là với mục đích bất hợp pháp hoặc chuyển đổi tình trạng visa sau khi nhập cảnh. Khi đó, việc xem xét lại hồ sơ không chỉ đơn giản như những trường hợp “không phù hợp thuần túy” ở trên, mà cần phân tích lại toàn bộ những thông tin đã được cung cấp trong hồ sơ và giải trình một cách hợp lý.
2. Chứng minh tài chính KHÔNG RÕ RÀNG
Với lý do này, có lẽ các hồ sơ đã từng bị từ chối visa ngắn hạn UK sẽ là những người hiểu rõ nhất, khi mà bạn có một bộ hồ sơ rất đầy đủ, với tài khoản tiết kiệm dư dả; khi mà bố mẹ đầy đủ tài chính chu cấp cho con cái đi Anh du học suốt mấy năm nhưng đến khi làm một chiếc visa ngắn hạn sang thăm con lại bị từ chối; trong khi đó, có những hồ sơ của các bạn trẻ, tiền không có nhiều, công việc thu nhập cũng không phải quá cao mà hồ sơ lại được duyệt một cách dễ dàng.
Đó là những trường hợp thường gặp nhất, khi mọi người đa phần nghĩ rằng chỉ cần đưa ra những giấy tờ chứng minh mình có một số tiền đủ (thậm chí dư thừa) khả năng chi trả chuyến đi, như trong các hướng dẫn hồ sơ visa của cơ quan lãnh sự các nước, mà không biết rằng các giấy tờ đi kèm khác phải có các dữ kiện chứng minh số tiền đó là đến từ những nguồn thu nhập chính đáng, hợp pháp. Cụ thể bạn cần phải làm rõ:
- Bạn có những nguồn thu nhập thường xuyên và không thường xuyên nào?
- Thu nhập đó được duy trì trong bao lâu?
- Tiền tiết kiệm mà bạn đang có để chứng minh so với thu nhập đó như thế nào, có tương xứng hay không?
Nếu thu nhập của bạn không cao trong khi sổ tiết kiệm có rất nhiều tiên mà không giải thích được rõ ràng, thì khả năng bạn bị từ chối là rất cao. Có những quốc gia “dễ tính”, bạn chỉ cần nộp một cuốn sổ tiết kiệm với đúng số tiền thông thường được yêu cầu – trên 5,000USD là có thể được cấp visa. Còn có những quốc gia khác, dù bạn có đi đủ 5 châu 4 bể rồi nhưng nếu không chứng minh được nguồn tài chính rõ ràng thì cũng vẫn sẽ bị từ chối như thường lệ thôi. Vậy nên, hãy luôn luôn cẩn thận với các chi tiết trong hồ sơ của mình.
3. Thông tin hồ sơ KHÔNG TRUNG THỰC/không chính xác
Nói cách khác phũ phàng hơn, là gian dối trong hồ sơ. Trường hợp này, có những người là vô tình, nhưng cũng có những người là cố ý, nên sẽ tùy từng hồ sơ và từng trường hợp để xem xét khả năng có thể nộp lại hồ sơ và cách trình bày giải trình, giải thích như thế nào.
Các vấn đề thường gặp ở tại lý do này có thể liệt kê một vài ví dụ dưới đây
- Không khai hoặc khai không chính xác, không trung thực thông tin về người thân
- Thông tin về công việc, mức thu nhập không trùng khớp với thực tế
- Thông tin trong bản khai, trong buổi phỏng vấn không trung khớp với giấy tờ đi kèm
- Thông tin có được cung cấp đầy đủ trong hồ sơ, nhưng không được trình bày rõ ràng, đặc biệt là những nội dung thêm hoặc những nội dung dễ gây hiểu lầm
Đó là lý do mà bạn phải tìm hiểu thật kỹ các thông tin được hỏi đến trong bản khai và trả lời nó một cách trung thực, cũng như nắm chắc và hệ thống được các thông tin cá nhân của mình để tránh việc sai sót, nhầm lẫn.
4. Hồ sơ CHUẨN BỊ SƠ SÀI
Đây có lẽ là lý do đáng tiếc và đáng trách nhất khi nhận về quyết định từ chối visa từ Lãnh sự. Trong khi bạn rõ ràng có đầy đủ các tài liệu hồ sơ để nộp, nhưng lại không nộp vì sợ phiền phức, vì ngại chuẩn bị nhiều giấy tờ… Hoặc bạn đã nộp đủ giấy tờ, nhưng chất lượng in kém, giấy tờ nhàu nát, trình bày không được rõ ràng cũng có thể dẫn đến hồ sơ bị từ chối vì lý do “ngứa mắt”. Trên thực tế, họ đánh giá những hồ sơ sơ sài là thiếu tôn trọng với cơ quan xét duyệt.
Còn nhớ trước thỉnh thoảng training cho các bạn mới mình hay nói đùa “Hồ sơ như thế này, nếu là tôi, tôi cũng từ chối. Chưa cần biết chất lượng như thế nào, trước tiên nhìn phải đẹp, đẹp thì sẽ được tha thứ hết” >.<
Khách hàng của mình hay nói rằng tưởng làm hồ sơ visa du lịch thì dễ và đơn giản, cho đến khi bị từ chối không phải vì chất lượng hồ sơ kém và vì một lý do rất trời ơi nào đó. Nhiều người cũng cho rằng bị từ chối visa một lần, nhất lại là visa du lịch có cũng được không có cũng không sao, thì đâu có gì to tát, cho đến khi nó ảnh hưởng đến những lần nộp hồ sơ visa tiếp theo vào quốc gia đó hoặc thậm chí là vào một quốc gia khác. Vậy thì hy vọng với những chiếc lý do này bạn có thể lưu ý một chút để chuẩn bị một bộ hồ sơ visa thật chau chuốt, thật kỹ lưỡng để không bị từ chối vì những lý do đáng tiếc.
Good luck!