TAROKO – Taroko house 洛韶森林小屋

Nếu bạn tìm hiểu về du lịch Vườn quốc gia Taroko, gần như toàn bộ thông tin hiện ra đều xoay quanh khu vực Thiên Tường, với những con đường mòn ven các hẻm vực, nơi dòng nước màu xanh ngọc luồn dưới chân những vách núi đá vôi dựng đứng đang dần bị bào mòn. Thiên Tường ở gần chân núi, mỗi ngày có rất nhiều chuyến bus ra vào khu vực này, với các điểm dừng được thiết kế ngay tại điểm đầu của những cung trek nhỏ để thuận tiện cho du khách có thể tham quan được hầu hết các điểm mà không tốn quá nhiều thời gian. Bởi vậy, khách đến du lịch Taroko thường chỉ đi trong ngày rồi quay trở về Hoa Liên hoặc thậm chí về thẳng Đài Bắc, hiếm khi nào có khách ở lại Taroko lưu trú qua đêm.

Taroko còn một khu vực khác, gồm một vài cung trek mấy đỉnh núi cao thuộc vườn quốc gia, những cung trek mà nếu bạn muốn thực hiện thì đều cần phải đăng ký online trên trang chủ của VQG để xin giấy phép từ trước. Đợt đó tôi vốn đã lấy được giấy phép cho một cung trek trong ngày lên đỉnh Yangtou, nhưng khi lên đến nơi trời mưa mù sương giăng kín lối, lại không có đồng đội như ở Việt Nam nên đành từ bỏ, chỉ men dọc theo con đường nhựa lên núi, lang thang đi bộ ngắm cảnh và chụp mấy tấm hình.

Tôi ở Taroko ba ngày, mỗi lần bước chân ra khỏi cửa đều nghe Mika dặn: “Nhớ về sớm Quỳnh nhé, buổi chiều sương xuống sớm, trời nhanh tối lắm”. Mika là một người phụ nữ khoảng ngoài năm mươi, người Taroko – 太魯閣 – một trong những bộ tộc bản địa Đài Loan, là chủ nhà căn homestay “Taroko house洛韶森林小屋” mà tôi ở, và Mika sống một mình tại đó. Nhà của Mika đoạn lưng chừng núi, khu vực có tên Luoshao, không gần với khu nào trong cả hai khu tôi vừa kể ở trên, là điểm cuối của chuyến xe bus khởi hành từ Hoa Liên lên núi, mỗi ngày chỉ có hai chuyến vào buổi sáng. Bên cạnh việc kinh doanh căn homestay mà khách lạ thì ít, chủ yếu là bạn bè quen thuộc và một vài đoàn tình nguyện, Mika còn có một vườn mật đào, đến mùa thu hoạch vừa để bán quả tươi vừa để làm siro (giấm) và mứt thủ công bán cho khách du lịch.

Hôm đầu tiên khi tôi lên tới nơi, Mika ngồi “phỏng vấn” tôi theo một chủ đề mới quen thuộc làm sao – con gái châu Á đi du lịch một mình, với một loạt các câu hỏi như: làm cách nào tôi có thể tìm thấy nhà Mika, tại sao tôi lại đi một mình lên núi, nhất là khi tôi không phải người Đài Loan cũng không phải một cô nàng Âu Mỹ nào đó, và rằng liệu tôi có bằng lòng một chỗ ở chỉ với điều kiện cơ bản như nhà Mika hay không. Lại giống như không biết bao nhiêu lần đã từng trong quá khứ, mỗi lần tôi đều phải giải thích thật tường tận với chủ nhà rằng tôi đã quen thuộc với việc đi du lịch một mình, đi đến những nơi không nhiều người thường tới như thế nào. Và rằng tôi hoàn toàn không có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe tinh thần như trầm cảm, cuộc sống quá bí bách hay đơn giản hơn là thất tình, cũng như vô cùng thoải mái khi ở tại những homestay như thế này. Tôi đưa cho Mika xem giấy phép cho cung trek Yangtou, nó khiến Mika nghĩ rằng ít nhất tôi là một người có mục đích rõ ràng, có tìm hiểu và đi núi khá thường xuyên chứ không phải là một cô bé dỗi hờn chạy trốn thế giới. Vậy là Mika yên tâm đón tiếp tôi.

Tôi đặt trước chỗ ở cho hai đêm nghỉ bao gồm bữa sáng, kèm theo hai bữa tối ở nhà Mika. Theo lý mà nói, tất cả sẽ chỉ là như thế và bất cứ dịch vụ, đồ ăn đồ uống nào khác đặt thêm cũng đều được tính phí riêng. Thế nhưng trên thực tế tất cả những chuyện liên quan đến tiền bạc đều dừng lại từ khi tôi bước chân qua cánh cửa nhà. Mika chuẩn bị cho tôi cả bữa trưa để mang theo trên đường lên núi, cà phê bất cứ khi nào tôi muốn uống và cả siro đào ấm để tránh cảm lạnh vì thấm mưa, tất cả đều miễn phí. Những bữa cơm của Mika, chỉ trừ mấy món thịt được chuẩn bị từ trước, còn lại các loại rau củ quả mà Mika dùng cho bữa ăn đều được hái từ khu vườn rộng quanh nhà hoặc ven sườn núi.

Mika có một cậu con trai đang học trung học ở Hoa Liên. Cô kể rằng từ ngày con học xa nhà, hai mẹ con lại trở nên thân thiết hơn trước khi mỗi ngày đều gọi điện hỏi thăm nhau. Trước đây đều là Mika gọi trước, sau này dần dần cậu bé khi không thấy mẹ gọi cũng sẽ chủ động gọi về nhà. Có một lần về nhà, con trai Mika thổ lộ: “Đi ra ngoài mới thấy đồ ăn mẹ nấu ngon như thế nào, ở ngoài không thể tìm thấy được những món ăn giống thế”. Tôi đoán, cậu trong mắt người khác cũng là một người “kén chọn” giống tôi, từ ngày xa nhà, đó cũng là lần đầu tiên tôi được người khác chuẩn bị riêng cho một bữa ăn ngon như thế.

Mika kể cho tôi nghe về những ngày còn trẻ cô đi du học, sống và làm việc tại Nhật, cái tên Mika cũng theo cô từ đó, và về cuộc sống sau khi cô quay trở về Đài Loan. Tôi kể cho Mika một chút về Việt Nam, về vài kỷ niệm trong những chuyến đi và về ước mong sau này cũng sẽ có một căn nhà trên núi để mở homestay giống như cô đang làm. Nó khiến Mika tưởng tượng về cô con dâu tương lai của mình, rằng hy vọng cô gái ấy cũng sẽ phần nào yêu núi non, yêu thiên nhiên, để dù không thể sống cùng nhau thì các con cô cũng sẽ cảm thấy thoải mái và vui vẻ với cuộc sống giản đơn có phần tẻ nhạt trên núi mỗi lần về thăm nhà.

Ở trên núi những ngày mưa không phải là một điều tệ như người ta vẫn nghĩ. Ngay chính tôi cũng không biết trước rằng mình lại tận hưởng màn sương dày dưới cơn mưa phùn rấm rứt và yêu thích nó nhiều đến thế. Thi thoảng trên rặng núi cao trập trùng bên kia khe núi có những đợt mây trắng xám bay ngang chừng, lúc lững lờ trôi, lúc cuồn cuộn theo chiều gió tạt, những cơn gió mà đôi lúc mang theo cả mùi hương quế hoa từ bụi cây ven đường. Tôi đã viết vào màn mây ấy dòng nhật ký, rằng: “Thật may mắn tôi đã đến Taroko vào những ngày không có nắng, để chìm vào giữa màn mây mù mênh mang bềnh bồng phiêu lãng, để thả tâm hồn nhẹ nhàng trôi lơ lửng theo từng cơn gió thoảng qua, thứ cảm xúc mà vào ngày nắng hôm sau tôi không thể nào tìm lại được dù vẫn trên cùng cung đường ấy”.

Buổi chiều trở về nhà sớm, tôi đi quanh xóm quanh vườn ngắm những cành mai mà Mika dày công chăm sóc, tranh thủ lúc trời tạnh ráo, kê một chiếc ghế ngồi ngoài sân đọc bài blog của mọi người, rồi đi theo Mika ra khúc cây gỗ trước nhà, tự tay hái cái nấm to nhất mà Mika đã để dành cho tôi, mang vào bếp nấu bữa tối. Cô chụp lại hình tôi với cái nấm và tải nó lên mục hình ảnh của homestay trên Google Map, còn đùa rằng sau này nếu có người đến đây không phải để tìm chỗ nghỉ mà để tìm cô gái hái nấm này thì Mika biết phải trả lời thế nào.

Mika đang học cổ cầm – guqin, một loại đàn dây của Trung Quốc, loại đàn không quá nổi tiếng, không nhiều người học và nghe nói là sẽ khó học hơn cổ tranh. Buổi tối thứ hai ở đó, cô đã để tôi ngồi trên chiếc sofa trong phòng khách, Mika kê bàn giữa căn phòng, đốt hương trầm và chăm chú vào những dây đàn. Mika nói rằng rất lâu rồi cô không tập đàn, vì chỉ những khi được ở một mình, tâm trí bình lặng cô mới có thể kết nối tâm hồn mình với từng nốt nhạc. Vậy nhưng cô nói tôi có một thứ khí chất đặc biệt tĩnh lặng, khiến cho cô cảm thấy đủ thoải mái, đủ an yên không gợn nghĩ suy để có thể ngồi vào đàn. Mặc dù bài nhạc Mika đang tập chưa chạy mượt hết nốt, nhưng có những đoạn cô đàn đã khiến tôi thực sự nhập tâm. Xem ra nhận xét của Mika về một “tôi tĩnh lặng” cũng không hẳn là có gì đó hoang đường như tôi đã từng nghĩ.

Đến tận ngày thứ ba trời mới tạnh hẳn và có nắng, cũng là ngày tôi cần quay trở về Đài Bắc. Tôi bảo Mika rằng tôi sẽ đi bộ xuống chân núi rồi mới đón bus ra ga tàu, vừa để ngắm cảnh bên đường, vừa để tranh thủ đi một hai cung trek nhỏ thuộc khu Thiên Tường phía dưới cho đúng nghĩa là đi du lịch Taroko như bao bạn bè khác. Mika sợ quãng đường mười mấy cây số đi bộ khiến tôi mệt và đói, chuẩn bị cho tôi nào là đồ ăn trưa, trà, cà phê, bánh quy ăn vặt và tặng thêm cả một lọ mứt mật đào mà cô tự làm. Đầu giờ chiều hôm đó Mika cũng sẽ xuống núi đi bỏ phiếu bầu cử rồi đi Hoa Liên thăm con trai. Cô dặn đi dặn lại nếu tôi mệt có thể ngồi nghỉ dọc đường, gọi điện hoặc đợi cô xuống cô đưa ra ga tàu. Kết quả, khi tôi gặp Mika trên đường cũng vừa đúng lúc chuẩn bị đến Thiên Tường, hai người chỉ dừng lại nói chuyện đôi câu rồi vẫy tay chào nhau đi tiếp.

Mika nói tôi chỉ ở Đài Loan sáu tháng, khó có thể trong thời gian này gặp lại nhau lần nữa, cô hy vọng tôi sớm tìm được một anh bạn trai rồi dẫn đến Taroko và quay lại nhà Mika giống như một cô gái tình nguyện viên người Nhật trước đây đã từng làm. Tôi chỉ cười nói tôi sẽ cố gắng.

Ý tôi là, tôi thực sự sẽ cố gắng ^^

7 thoughts on “TAROKO – Taroko house 洛韶森林小屋

  1. Bài tản văn này, cô xem bài này thuộc dạng du hành ký, hay travel writing, hay tuyệt vời. Cô ước, một mơ ước không tưởng đối với cô, được có những chuyến du hành như thế. Đài Loan, nếu đi về vùng xa thành phố, mà không biết tiếng Đài Loan, thì có thể dùng tiếng Anh không vậy cháu?

    Liked by 1 person

    1. Cháu cảm ơn cô 😍
      Ở Đài Loan phương tiện công cộng khá thuận tiện, có bus/tàu đi đến các vùng xa thành phố, và trên các tuyến bus/tàu đó đều có thông báo bằng tiếng Anh. Thời gian tàu xe chạy được cập nhật trên Google Map nên khi mình tìm các điểm đến trên GG Map họ cũng đưa ra gợi ý loại phương tiện và ước tính thời gian khá chính xác cô ạ. Về phần dùng tiếng Anh với người dân thì cũng hên xui, khá giống ở Việt Nam, mấy homestay hay hostel cháu ở, người quản lý tầm trung tuổi như Mika cũng có thể nói một chút tiếng Anh hay như chú chủ hostel ở Tainan thì nói tiếng Anh rất tốt. Còn lại nếu gặp người dân dọc đường để hỏi đường chẳng hạn, thì thường là không dùng tiếng Anh.
      Có điều cháu nghĩ hiện tại Google Translate hoặc mấy ứng dụng dịch đều khá chính xác, nên ngôn ngữ cũng không phải vấn đề nan giải cô ạ.

      Like

      1. Cô mới vừa xem xong bộ phim “A Thousand Goodnights” hôm qua. Phim dài 20 tập, nói về Taiwan, Tainan, và một vài địa danh khác. Cô thích bộ phim này, nhẹ nhàng, hiền lành, nó làm cô cũng mơ ước đến Taiwan chơi. Phim cũng nhắc đến một nhà làm phim documentary tên là Chi Po-lin. Rất tiếc ông đã qua đời vì tai nạn máy bay trong khi đi quay phim.

        Like

      2. Trong thời gian học cháu cũng có xem một đoạn phim tư liệu của đạo diễn này. Cháu thấy phần phim ảnh Đài Loan họ làm những chủ đề rất gần gũi và thực tế. Cháu chưa viết blog về chuyến đi Tainan, nhưng cháu rất thích thành phố này, không hiểu sao cái phong cách của những người cháu tiếp xúc ở đó làm cháu liên tưởng đến Huế.

        Liked by 1 person

Leave a comment