Một Lệ Giang mà tôi không thích

Tôi đã từng không nghĩ là mình sẽ viết một bài về Lệ Giang sau chuyến đi này, bởi nó không khiến tôi cảm thấy thật sự hứng thú, có tình cảm và một sự lưu luyến nhớ nhung như đối với những nơi khác. Lệ Giang đẹp là vậy mà tôi lại nói không có tình cảm với nó, có thể tôi khó tính, hoặc có thể đúng như tôi cảm nhận, không gian của nó không hề mang lại cho người ta cái thứ cảm giác rằng mình đang ở một cổ trấn. Lệ Giang rất đông khách du lịch, đông đến mức toàn bộ khu vực cổ trấn đã được quy hoạch một cách rất bài bản, mọi nơi mọi chốn đều rất sạch sẽ. Những mái nhà đều tăm tắp, kiểu cổ nhưng không cũ kỹ khiến tôi cảm thấy mình bị lừa dối, khi điểm đến không phải là một cổ trấn như tôi vẫn nghĩ, mà chính xác là một khu du lịch được dựng thành cổ trấn. Mỗi căn nhà trong phố đều kinh doanh, không bán đồ lưu niệm thì mở quán ăn, khách sạn. Một hai ngôi nhà giới thiệu văn hoá của người Naxi chẳng đủ nói lên được bất cứ điều gì. Tôi không thích cái cảm giác đó, nhưng không hiểu có điều gì cứ thôi thúc, cứ khiến tôi ngồi lại và tự nhiên gõ ra những dòng này. Về Lệ Giang.

(Lịch trình chi tiết tại: [ITINERARY] LỆ GIANG – HỒ LUGU – SHANGRILA)

Tôi biết đến Lệ Giang trong chuyến đi Tây Tạng trước đó, trong đoàn toàn các travel agent có một chị chuyên làm tour Vân Nam, chị đưa khá nhiều các tờ lịch trình minh hoạ, chi tiết vừa để quảng bá, vừa để tôi nghiên cứu nếu có thể giới thiệu khách sang cho chị. Trong lịch trình của chị, và sau này trong lịch trình của cả những đoàn khác, Lệ Giang không phải là một điểm nổi bật hẳn lên trong cả hành trình. Nhưng điều khiến tôi có ấn tượng với cái tên Lệ Giang hơn là ở những khi ở sân bay Côn Minh. Toàn bộ các áp phích quảng cáo trang trí trên tường dọc các lối đi trong sân bay đều là những hình ảnh về Lệ Giang. Cách thức Marketing này không tệ, nó đã làm tôi nhớ rõ Lệ Giang là điểm bắt buộc phải đến ở Vân Nam, và quyết định sẽ đến nơi này.

31699095_1029343047232561_7732664557146996736_o

Lệ Giang quả thực rất đẹp, gọi một cách khác thì nó đúng là vẻ đẹp trong truyền thuyết được miêu tả bởi những blogger, những bài quảng bá du lịch trước đó. Họ không hề làm quá lên, không hề nói sai chút nào về vẻ đẹp của Lệ Giang. Đại Nghiên cổ trấn với những con phố nhỏ lát đá, những dòng suối nhỏ, nước trong vắt chạy men theo đường chân bước. Cả những ngôi nhà mái ngói xám cong cong, đều tăm tắp với mặt tiền toàn bộ bằng gỗ khiến bất cứ góc phố nào cũng đều có thể trở thành một điểm check-in lý tưởng. Thỉnh thoảng, sẽ có những ngôi nhà hay những góc ban công được trang trí bằng giàn hoa giấy tím trắng xen kẽ, khiến cho bức tường trước cửa không còn đơn điệu một màu xám tẻ nhạt khô cứng mà trở nên dịu dàng, thơ mộng hơn bao giờ hết. Đặc biệt là dưới cái nắng hanh, dưới bầu trời Lệ Giang xanh ngắt. Trong trí nhớ của mình, tôi chưa phải xoá đi một bức ảnh nào khi chụp ở Lệ Giang thì phải, chắc rằng hai người bạn đồng hành với tôi cũng vậy.

Đi lạc ở Lệ Giang là một điều thú vị mà mỗi du khách đều cần phải thử, bởi nó đúng theo phương châm mà tôi vẫn luôn theo đuổi, cứ đi rồi sẽ đến. Bạn lễ tân khách sạn đã dặn ngay ngày đầu tiên tới Lệ Giang, rằng cứ thoải mái đi đi, đừng sợ không tìm được đường về nhà, mỗi khi đang không biết mình đang lạc lõng nơi nào, hãy quay lại Tứ phương đường rồi đi thẳng nó là sẽ thấy đường về nhà. Tứ phương đường, có nghĩa bốn phía đều là đường về nhà (haha) được coi như là quảng trường trung tâm của Đại Nghiên, nơi mà mỗi buổi chiều sẽ có những hoạt động cộng đồng với người bản địa, như cùng nhau múa hát, nối vòng tròn nhảy những điệu nhảy của người Naxi. Vòng tròn giống như mỗi khi đốt lửa trại, chỉ là thiếu lửa trại mà thôi. Ở Tứ phương đường, nếu vào tầm nhá nhem tối khi trời vẫn chưa biến thành một màu đen kịt, khi mà Lệ Giang bắt đầu dần dần lên đèn thì bạn chắc chắn sẽ cảm nhận được thứ cảm giác của Chihiro trong buổi tối đầu tiên lạc vào vùng đất linh hồn (Phim Vùng đất linh hồn – Spirited Away). Đứng ở trung tâm của Tứ phương đường, nếu như trước mặt là những dãy đèn lồng đỏ lung linh dọc một dãy phố, nổi bật lên trên ánh đèn vàng đang bao phủ, thì quay phía sau lưng là im lìm những vùng tối, những ngôi nhà vẫn đang chìm trong màu đen khi đèn chưa được thắp. Nếu như phía bên phải là con đường chia thành ba ngõ nhỏ đông nghịt người trước những cửa hàng bán đồ lưu niệm, bán đồ ăn đường phố và những cửa tiệm bánh hoa hồng nổi tiếng Vân Nam, thì quay sang bên trái, ngọn đồi thoai thoải đi lên Vạn Cổ Lâu, nhấp nhô những nóc nhà xen kẽ nhau, xếp tầng lên nhau với những ánh đèn vàng, ánh đèn lồng đỏ hắt ra nổi lên giữa cái nền tối đen của ngọn đồi. Dưới bầu trời vẫn đang phủ màu xám, màu xanh tối thẫm, tôi dường như cảm nhận được những bước chân rầm rập của những người phục vụ trong vùng đất linh hồn để chuẩn bị cho một buổi tối sôi động, náo nhiệt sẵn sàng đón tiếp các vị khách quý rải những đồng tiền vàng khắp lối đi. Không biết lát sau Vô Diện có xuất hiện không nhỉ? À không, theo như lời bạn tôi nói, nếu như tôi là Chihiro lạc vào vùng đất linh hồn, tôi sẽ là người đầu tiên biến thành heo vì cái sự ham ăn của mình, chứ chưa nói đến gặp lại Haku, gặp được Vô Diện, và cứu được bố mẹ mình nữa.

Lệ Giang luôn luôn được bao trùm trong những giai điệu. Nếu như ban ngày, tiếng trống đệm theo nhịp của bài hát Tiểu Bảo Bối vang lên trên từng con phố, ở mỗi cửa tiệm bán trống lưu niệm, dưới bàn tay thon thả của các chị gái xinh đẹp, thì vào buổi tối Lệ Giang được trùm lên bởi những giai điệu mượt mà hơn, đa dạng hơn bởi những tiếng đàn ghi ta đệm hát những câu hát tâm sự, tự sự. Mỗi một quán pub nhỏ lại là một giọng hát khác nhau, những nỗi niềm khác nhau. Tôi cùng hai người bạn ngồi lại ở một trong những pub nhỏ cạnh bên bờ suối, bên trong đèn tối, bàn cũng không nhiều trong cái không gian chưa đầy hai mươi mét vuông. Phía đối diện tôi cũng là một bàn ba người nữa, và cũng chỉ có hai bàn chúng tôi tại đó. Bạn tôi có yêu cầu một hai bài hát, nhưng cuối cùng chàng ca sĩ đều không biết. Có thể người bạn của tôi không biết rằng gần như toàn bộ những bài hát ở đây đều không phải kiểu âm nhạc mà đại chúng có thể nghe và yêu thích, chứ chưa nói đến một du khách đến từ tận Việt Nam. Có thể một trong những giai điệu kia, là do tự tay anh chàng ca sĩ đó viết lên, rồi tự tay đàn, tự mình hát. Câu chuyện của mình có thể tự mình ghi lại bằng thứ âm nhac mà mình yêu thích, khi đó người nghe có yêu thích hay không, có đón nhận hay không, có thấu hiểu hay không thực chất đều không còn quan trọng nữa.

Lệ Giang, sau này mà tôi nhớ lại, hình ảnh đầu tiên hiện ra vẫn là buổi sáng sớm nắng nhẹ, trời se lạnh và hanh khô, chúng tôi đứng ven đường đợi xe tới đón để đi hồ Lugu. Khi mặt trời bắt đầu chiếu những tia nắng mạnh hơn, phủ một màu cam lên con đường và dãy phố trước mắt, tôi giơ điện thoại lên chụp lại một tấm ảnh, nó khiến tôi thời khắc đó nhớ Lhasa đến điên cuồng.

31870690_1029343750565824_1357713134487339008_o

Lệ Giang, điều làm tôi ấn tượng nhất chính là một buổi biểu diễn mang tên “Ấn tượng Lệ Giang”. Tôi đã định viết riêng một bài thật dài về nó, về những cảm xúc tuyệt vời mà nó mang lại, thế rồi lại phát hiện ra mình vốn dĩ chẳng có đủ vốn từ để có thể lột tả được hết về nó. Chỉ có thể giống như bao nhiêu những bài viết khác, nói rằng đó là một buổi biểu diễn được dàn dựng công phu ở một sân khấu ngoài trời, ngay dưới chân núi tuyết Ngọc Long, quy tụ hàng trăm diễn viên không chuyên đến từ những dân tộc, tộc người khác nhau cùng sinh sống tại vùng đất này được dày công gây dựng bởi đạo diễn tài hoa hàng đầu Trung Quốc – Trương Nghệ Mưu. “Ấn tượng Lệ Giang” là cuộc sống thường ngày, là phong tục tập quán, là niềm tự hào của mỗi dân tộc và là những giai điệu chạm vào  cảm xúc của từng khán giả. Gọi nó là show diễn hoành tráng, thì nó là hoành tráng. Gọi nó là show diễn bình dị, thì nó là bình dị. Đối với tôi, nó là buổi biểu diễn mà không hề bao hàm bất cứ kỹ năng biểu diễn nào, cuối cùng để lại trong tôi một thứ xúc động mạnh mẽ. Và cũng giống như bao nhiêu buổi biểu diễn trực tiếp khác, nó là để xem, để cảm nhận chứ không phải để ghi lại và miêu tả.

Nếu có ai hỏi, có lẽ tôi vẫn sẽ trả lời rằng đó chính là một Lệ Giang mà tôi không thích, tôi rất cố chấp, vẫn luôn cho rằng nó không có được cái linh hồn của một cổ trấn mà tôi thường hay nghĩ về. Nhưng nếu có ai hỏi Lệ Giang có đáng để đến hay không? Vậy thì chắc chắn là có rồi, Lệ Giang xinh đẹp như vậy, cái hồn của nó có thể tôi không thấy, nhưng biết đâu người khác lại tìm thấy 🙂

One thought on “Một Lệ Giang mà tôi không thích

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s