Sài Gòn Kịch Nói

Đi hết mấy tỉnh miền Tây, chúng tôi quay lại Sài Gòn một đêm để chào tạm biệt các “đồng đội” thương mến trước khi quay về Hà Nội. Và quan trọng hơn, là bởi chúng tôi đã tự hứa nhất định phải được xem một vở kịch nói, điều mà trong thời gian một tuần ở Sài Gòn trước đó chúng tôi chưa thực hiện được.

Nói sao nhỉ, Kịch nói đúng là một điều không thể bỏ lỡ khi tới Sài Gòn. Trước đây tôi ác cảm với cụm từ “không thể bỏ lỡ” lắm, vì người ta quá lạm dụng nó trong những bài SEO Marketing điểm đến. Nhưng nếu như tới Sài Gòn mà lỡ không đi xem kịch, quả thực cảm thấy thiếu sót rất nhiều.

Sài Gòn có rất nhiều sân khấu kịch nổi tiếng: Idecaf, Sân khấu kịch Hồng Vân, Sân khấu kịch Sài Gòn, Nụ cười mới, Thế giới trẻ, Hoàng Thái Thanh… mỗi sân khấu đều có những tác phẩm nổi bật, phong cách nghệ thuật và giải trí riêng, thu hút với các vở diễn hằng ngày. Không giống như các sân khấu ngoài Hà Nội, đa phần các vở đều là chính kịch, cổ điển, khó hấp dẫn được các khán giả ở nhiều lứa tuổi. Vậy nên sau nhiều năm thăng trầm, kịch nói Sài Gòn ngày hôm nay vẫn là một món ăn tinh thần có chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả, là một điểm hẹn thú vị mỗi tối, mỗi cuối tuần bên cạnh những bộ phim điện ảnh hiện đại.

Hôm đó sau khi xem qua một lượt lịch biểu diễn và đọc sơ sơ nội dung tác phẩm, chúng tôi quyết định tới xem ở Sân khẩu Kịch Sài Gòn, vở diễn “Oan hồn bên suối”. Nghe nói các vở kịch ma vốn là đặc sản của Kịch Sài Gòn.

Sân khấu Kịch Sài Gòn là một hội trường hai tầng, có lẽ tương đương một phòng chiếu ở rạp chiếu phim. Có thể nhìn thấy được cơ sở vật chất đã khá cũ, từ phong cách trang trí cửa ra vào, trên tường của lối đi hay cả những hàng ghế khán giả cũng hiện lên dấu ấn thời gian trên đó. Tuy nhiên, hệ thống âm thanh ánh sáng được trang bị rất tốt, tạo hiệu ứng tuyệt phối cho vở kịch thêm phần sinh động, kịch tính, nhiều phân đoạn thứ âm thanh rùng rợn trong rạp còn ám ảnh và đáng sợ hơn trong những bộ phim kinh dị. Tôi rất ấn tượng với ánh sáng ở dưới khán đài, như buổi đêm ở vùng quê được chiếu sáng bởi ánh trăng dát bạc, chỉ phản lên mắt những khoảng màu sáng như dạ quang. Chúng tôi thích thú chỉ cho nhau điều vừa mới phát hiện, rồi tự nhìn xuống hết lượt bộ quần áo trên người, xem ai mặc nhiều đồ màu trắng sẽ trở thành người sáng nhất đêm nay.

Vở “Oan hồn bên suối” hôm đó chúng tôi xem nội dung kể về mối nghiệt duyên dẫn đến cái chết của cô gái vùng cao tên A Súa và câu chuyện của nhiều năm sau này, khi con gái của A Súa đi tìm hung thủ năm xưa.

Ai là người tạo ra bao thảm cảnh xung quanh cuộc đời người con gái để rồi cuối cùng sự thật được phơi bày trong đau đớn tột cùng vì một tội ác kinh thiên động địa mà trong đó tất cả đều chỉ là con cờ của hung thủ vô hình – Kịch Sài Gòn

Vở kịch mà ngay từ khi bắt đầu đã là bi kịch, tạo ra nút thắt và khiến khán giả phải chú ý, phán đoán từng nhân vật xuất hiện trên sân khấu, liệu sẽ đóng vai trò như thế nào, có liên quan gì đến mạch truyện. Mỗi một nhân vật qua những biểu cảm và cảm xúc trên sân khấu của mỗi nghệ sĩ đều tạo cho vở kịch những nét hấp dẫn riêng, độc đáo, vừa đủ và không thể tách rời. Nhân vật được thiết kế với sự hoài nghi được thể hiện với nét bí ẩn, u ám, trầm lặng. Nhân vật được thiết kế với hình tượng hài hước được thể hiện qua những câu thoại nghe như vô nghĩa nhưng lại duyên dáng vô cùng. Còn những nhân vật được cho là những người trực tiếp có liên quan đến câu chuyện trong quá khứ được thể hiện qua cái lấm lét trên nét mặt, chút sợ hãi, thất thần và đôi khi nhìn thấy được một sự hoảng loạn ngầm trong nội tâm.

Điều hấp dẫn và kích thích nhất khi xem một vở kịch chính ở chỗ nó là một buổi biểu diễn trực tiếp, đòi hỏi diễn viên hạn chế tối đa lỗi kịch bản, có thể ứng biến mọi tính huống và đặc biệt đưa cảm xúc đến cho khán giả một cách trực tiếp nhất. Là những người khán giả bình thường, thật khó để có thể đánh giá và cũng không cần thiết phải biết nó bao hàm bao nhiêu giá trị nghệ thuật, chỉ cần mang tới cảm xúc thì đó là một tác phẩm hay. Những đoạn “gấp khúc” chuyển hướng câu chuyện đem đến cảm giác hồi hộp, những tình tiết ma quái cộng hưởng với âm thanh đa chiều đem đến cảm giác rùng rợn sợ hãi của một câu chuyện oan hồn, và những câu thoại, những giọt nước mắt cuối cùng khiến khán giả vỡ òa xúc động trong kết thúc, giải nút thắt của câu chuyện với những mất mát, những nỗi đau rất đời.

Khoảnh khắc tôi nhớ nhất chính là cuối buổi diễn, khi dàn diễn viên nắm tay nhau cùng cúi chào khán giả trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của mọi người. Có thể nhìn thấy rõ sự hạnh phúc, vui mừng trong ánh mắt của họ khi nhận được sự khẳng định và cổ vũ từ khán giả. Để diễn một vở kịch hoàn chỉnh, lại mang đầy cảm xúc như vậy có lẽ các diễn viên, đạo diễn đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian công sức, hơn thế họ phải nỗ lực hết mình ở từng buổi biểu diễn.

Thông thường một vở kịch được diễn trong khoảng 3 tuần tới một tháng. Trong thời gian đó, đạo diễn, biên kịch cùng các diễn viên cũng sẽ phải dàn dựng và tập một vở mới cho lịch biểu diễn tháng tiếp theo, nhìn qua cũng có thể thấy tần suất làm việc của họ rất dày và vất vả. Buổi diễn trong tuần không có nhiều khán giả lắm, không rõ liệu cuối tuần khán phòng có được lấp đầy hay không, nhưng tôi nghĩ với giá vé mỗi buổi diễn tương đương với một vé xem phim thì thu nhập của diễn viên kịch không phải rất cao và ổn định, nhất là so với công sức mà họ đã bỏ ra. Có nhiều diễn viên trẻ, xinh đẹp, diễn xuất tốt nhưng họ vẫn gắn bó với sân khấu hằng đêm, hẳn họ phải đam mê và tâm huyết lắm.

Hy vọng những lần tới vào Sài Gòn lại được xem những vở diễn đặc sắc, giàu cảm xúc ở những sân khấu kịch khác nhau của Sài Gòn.

2 thoughts on “Sài Gòn Kịch Nói

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s