Gấp đôi sự “mê tín”

Em gái đi du lịch Đài Loan về, mua cho tôi một chiếc móc chìa khóa mô phỏng đôi quẻ bói nổi tiếng của Đài, và mang về trả tôi một cái móc khác là chiếc dây chuông be bé mua ở Tây Tạng. Tôi thích cái dây chuông này nên treo nó ở cái túi đeo chéo nhỏ trước hay dùng khi đi du lịch, đi bước nào cũng nghe tiếng lắc chuông đến đó. Chiếc túi dùng bảy tám năm đã rất cũ, lần này em gái tôi mang theo, tôi bảo nó: “Mày đi về có thể vứt bỏ cái túi, nó cũ và có chỗ rách rồi, nhưng cái dây chuông thì nhất định phải mang về”. Và nó mang về cho tôi thật.

Ở Tây Tạng, người ta hay bán những đồ lưu niệm nhỏ như dây tết ngũ sắc, dây móc có gắn chuông hay mấy tấm bùa thêu chữ Phạn ngay trước hoặc trong cửa chùa, tu viện. Mọi người mua các đồ lưu niệm nhỏ này để vào đĩa dâng hương rồi hạ lễ, nhờ một vị hòa thượng niệm kinh trì chú rồi trả lại, tin rằng những món đồ bé xinh này đã được chú phúc và sẽ mang nó bên mình hoặc tặng cho người thân như một món quà may mắn. Tôi đeo luôn dây chuông này vào chung với móc khóa đôi quẻ bói đỏ, gọi nó là gấp đôi sự “mê tín”.

Loại quẻ bói thường được sử dụng ở Đài được gọi là 筊杯 – Jiaobei, gồm hai khối gỗ dăm hoặc tre nhẹ, nếu như dịch sang tiếng Anh thì nó được gọi là moonblock do hình dáng của khối gỗ gần giống với hình trăng khuyết, còn tiếng Việt thì không biết phải gọi hay dịch như thế nào, chỉ biết gọi chung là quẻ bói. Đôi quẻ bói này là một công cụ nghi lễ để tìm kiếm sự hướng dẫn tâm linh từ các vị thần trong tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng Đạo giáo. Nguyên mẫu đôi quẻ thời cổ đại ban đầu vốn là vỏ sò, người ta tung hai chiếc vỏ sò để rơi xuống đất, và kết quả, điềm tốt hay điềm xấu, được đánh giá qua cái cách mà hai chiếc vỏ sò này thể hiện trên mặt đất. Sau này, người ta sử dụng tre hoặc dăm gỗ tạo hình tương tự để làm quẻ bói thay cho vỏ sò.

(Đây là hình em gái Táo gửi lúc chuẩn bị mua, hỏi chọn cái nào, và Táo đã chọn cái móc vì cứ hễ nhìn thấy lọ thủy tinh là trong đầu hiện luôn ra hình ảnh mình sẽ làm vỡ nó. Mà không ngờ, cái móc khóa cũng bị rơi mất một quẻ ở Bali không tìm lại được, huhu)

Nếu như ở Việt Nam các thầy thường sử dụng hai đồng xu để gieo quẻ, thì ở Đài cặp quẻ gỗ này được sử dụng nhiều hơn, với quy luật và cách xem quẻ cũng tương tự với tung đồng xu. Tuy nhiên, vì tạo hình có phần đặc biệt, nên thay vì có ba cách lý giải, tượng trưng cho ba câu trả lời của thần thánh như tung đồng xu (hai sấp, hai ngửa hoặc một sấp một ngửa) thì cặp quẻ này có thể cho đến bốn kết quả.

  • Quẻ thánh: một sấp một ngửa, tức là thần linh đã đồng ý, chấp nhận, tán thành với câu hỏi của bạn.
  • Quẻ nộ: hai quẻ đều sấp, tức là vấn đề mà bạn vừa đề cập không được chấp nhận hoặc tán thành.
  • Quẻ cười: hai mặt ngửa, vì có hình trăng khuyết nên khi hai mặt quẻ đều ngửa sẽ giống như hai miệng cười. Quẻ này được dịch ra là: “Hahahaha, đừng hỏi những thứ vô tri như thế nữa được không?” hay “Mày đã biết rồi mà còn hỏi”.
  • Quẻ không hợp lệ: một trong hai quẻ đứng bằng hai sừng của hình trăng khuyết thay vì nằm như thường lệ. Trong trường hợp này, không có câu trả lời nào được tính là hợp lệ và bạn phải gieo lại quẻ.

Tại các đền chùa miếu ở Đài Loan, mỗi ban thờ chính đều có đặt sẵn một đôi quẻ bói để người đến lễ bái có thể sử dụng, ngược lại, cũng có nhiều người tự chuẩn bị một đôi quẻ của riêng mình và mang nó theo mỗi lần đi lễ. Tôi cũng đã từng tự nhắc mình rất nhiều lần rằng lần sau đi đền đi miếu phải mua một đôi quẻ đỏ phiên bản chính thức để bản thân sử dụng khi có dịp, nếu không có thể mang về làm kỷ niệm, nhưng cho đến cuối cùng không hiểu tại sao hay bị tác động bởi thế lực nào mà tôi hoàn toàn không có ý niệm rằng mình đã quên mất điều này khi trở về Việt Nam.

Nói về lễ bái, Đài Loan chắc chỉ xếp sau Ấn Độ và các vùng Hindu, nhưng khác ở chỗ Ấn Độ phần nhiều là theo các tôn giáo, còn Đài Loan thì hoàn toàn chỉ là tín ngưỡng (mà thực ra Hindu nói chung thì cũng là tín ngưỡng). Cũng giống như hầu hết người Việt Nam, theo lý lịch, chúng tôi không thuộc một tôn giáo nào nhưng chùa nào miếu nào điện nào chúng tôi cũng đến bái. Có điều ở Việt Nam thông thường các bà các mẹ chỉ đi lễ ngày Rằm, Mùng 1 hàng tháng, còn ở Đài Loan, ngày lễ đi, ngày thường đi, vui đi, buồn đi, người già đi, người trẻ đi, trong lòng có khúc mắc thì đi hỏi, đạt được mong ước thì đi lễ tạ, đi ngang qua đền chùa vào lễ rồi đi tiếp, phải nói là hở ra là đi lễ.

Sự “mê tín” – ở đây là niềm đam mê về tín ngưỡng – ở Đài Loan còn phổ biến trong giới trẻ đến mức có một số trang web hoặc ứng dụng di động được lập để sử dụng cho mục đích lễ bái và rút quẻ online, để bạn có thể kết nối với thần linh mọi lúc, mọi nơi và hỏi bất cứ điều gì bạn muốn. Nếu ứng dụng này phổ biến ở trường học, thì tôi cá rằng từ giờ đi thi trắc nghiệm các em không cần dùng bốn mặt tẩy để tung xúc xắc nữa, mà có thể đường đường chính chính nghe theo hướng dẫn của thần linh. À quên, đi thi không được mang điện thoại vào phòng, vậy thì đôi quẻ mini như ở chiếc móc khóa mà em gái mua cho tôi chắc chắn là một lựa chọn không tệ.

Sự “mê tín” – ở đây là niềm đam mê về tín ngưỡng – ở Đài Loan tạo nên sự phát triển thần thánh của “nền công nghiệp” các lễ vật, vật phẩm dùng trong quá trình lễ bái và sản phẩm lưu niệm có liên quan đến yếu tố tâm linh. Dĩ nhiên, đây cũng là cách hữu dụng nhất để phổ cập và quảng bá văn hóa, tín ngưỡng dân gian đến thế hệ tiếp theo và đến du khách. Bạn sẽ nghĩ rằng chẳng phải ở bất cứ quốc gia nào, kể cả Việt Nam cũng đều có những sản phẩm tương tự thường được bày bán ở các đền chùa miếu mạo hay sao, vâng, nhưng Đài Loan sẽ cho bạn những trải nghiệm lễ bái này ở một tầm cao mới.

  1. Hướng dẫn sử dụng và cách làm bùa cầu an
  2. Máy hiển thị quẻ tự động: hãy điền tên, ngày sinh và ấn nút. Tadaaaa giờ thì hãy tìm kết quả trên bảng đèn điện tử, quẻ nào sáng đèn thì nó thuộc về bạn (Táo có lần chụp lại ảnh mà không hiểu sao tìm không thấy)
  3. Các gói bùa lễ được chuẩn bị sẵn (với một mức tiền lễ nhất định)
  4. Bảng thành tích – testimonial – hay nơi tạ lễ ở các miếu Nguyệt Lão ^^

Tôi từng tự nhủ là đến Đài sẽ phải đợi một ngày linh khí hội tụ đủ để đi chùa đi đền cầu xin hay hỏi một quẻ lấy chồng lợi chăng, để trải nghiệm hết tất cả những “tiện ích” lễ bái ở Đài, mà cho đến cuối cùng vẫn không có duyên thực hiện được. Có một câu mà mọi người thường hay dùng để nói với nhau về việc cầu nguyện mà trước đây tôi không biết đến, đó là: “Be careful what you wish for” – “Hãy cẩn trọng với những điều ước của chính mình”. Nhưng tôi dám cá đây là suy nghĩ từ trong tiềm thức của chính mình, rằng thử nghĩ kỹ xem bạn có thực sự muốn điều ước đó hay không, rằng ước phải có trách nhiệm. Giống như mỗi lúc cảm thấy cô đơn trong lòng hay nghĩ: “Ước gì có người yêu giờ này”, để đến khi đứng trước miếu nhìn Nguyệt Lão, liền nghe văng vẳng bên tai câu chất vấn: “Rồi có chắc muốn có người yêu chưa? Có sẵn catalogue đây nè” – “Dạ chưa”.

Đài Loan có một bộ phim điện ảnh mà tôi rất thích cũng có tên “Nguyệt Lão – 月老 Till We Meet Again”. Bộ phim kể về những linh hồn sau khi chết đi nếu chưa tích đủ công đức để chuyển kiếp thành người sẽ phải trở thành Nguyệt Lão để đi kết duyên lành cho các cặp đôi tích âm đức, đến khi nào đổi được đủ các hạt đen trên chiếc vòng tay tràng hạt thành hạt trắng thì mới được đầu thai thành kiếp người tiếp theo. Nữ chính trong bộ phim là một cô gái đã khiến tất cả các Nguyệt Lão phải tập hợp lại với nhau, cùng hợp sức nối một sợi duyên nhưng vẫn không thành, chỉ bởi vì trong lòng cô ấy vẫn luôn còn tồn tại một bóng hình khác.

Thử nghĩ mà xem, thần linh có trách nhiệm thực hiện những điều ước của bạn, và bạn thì cần có trách nhiệm đón nhận nó. Vậy nếu điều ước thực sự linh nghiệm lúc này, bạn đã thực sự sẵn sàng để đón nhận nó hay chưa? Hay tất cả những điều linh ứng đều sẽ biến thành lãng phí?

P.s: Kính mới quý bạn đọc tìm xem bộ phim không hiểu tại sao lại không hề nổi tiếng này của Đài Loan – Nguyệt Lão – 月老 Till We Meet Again, cái tên và nội dung sơ lược nghe màu rất tình yêu đôi lứa, nhưng thực tế thì câu chuyện hoàn toàn đi theo một hướng khác. Bộ phim top-rated của Táo, lần nào xem cũng khóc, lại còn vừa khóc vừa cười chứ :))

Leave a comment