“Ngàn vàng đâu đổi được niềm vui” là câu nói bao biện điển hình của Táo mỗi khi bị mẹ mắng vì tội đi du lịch nhiều (so với quan điểm của bố mẹ), tội mua nhiều giầy hay tội mua album, để dành tiền đi concert của trai. Thực ra có nhiều khi cũng đắn đo lắm, nhưng rồi lại tặc lưỡi “Dù gì mình cũng đang còn trẻ”…
Hôm qua lướt FB đọc được một bài lịch trình 11 ngày Vân Nam – Trung Quốc gần tương tự với lịch trình của Táo vừa đi, nhưng tổng chi phí chuyến đi được ghi trong bài chỉ là 11 triệu thay cho con số 23 triệu mà Táo note ở cuối bài [ITINERARY] LỆ GIANG – HỒ LUGU – SHANGRILA. Ừ thì các bạn ấy không đi máy bay giống mình, tiết kiệm được một khoản hơn 4 triệu đồng. Ừ thì các bạn ấy không xem show Ấn tượng Lệ Giang, tiết kiệm thêm được khoản 1 triệu đồng, ừ thì các bạn ấy tự xin visa, tiết kiệm thêm được khoản 2 triệu đồng nữa. Nhưng tổng thể thì vẫn chẳng thể nào quy về lại con số 11 triệu đồng cho từng ấy ngày, cho những gì mà bạn ấy miêu tả.
Lúc đầu khi đọc xong liền ngay lập tức cảm thấy có một sự dối lừa không hề nhẹ, đặc biệt với một số chi tiết không được chân thực lắm trong bài viết. Tuy nhiên nhìn lại dưới góc độ làm Marketing thì con số 11 triệu cho một chuyến đi 10 ngày cũng không phải đến nỗi không thể thực hiện được. Một con số cho thấy khả năng thực hiện chuyến đi là có, không phải rẻ đến mức hư cấu, lại có thể khiến người đọc gật gù chấp nhận chi trả thì lượng tương tác nhất định sẽ rất cao.
Mấy năm gần đây, cùng với sự nổi tiếng rần rần của các Travel Blogger truyền cảm hứng thì trào lưu xê dịch của giới trẻ càng ngày càng rộng mở. Các bạn trẻ cũng đã trở thành đối tượng khách hàng tiềm năng của các công ty tour thay vì đặt mục tiêu vào những người có thu nhập tầm trung và ổn định như trước đây. Cùng với đó, các fanpage về du lịch cũng đem về một lượng truy cập khổng lồ, kèm theo các bài quảng cáo sản phẩm, quảng bá điểm đến rất thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, với những cái “tít” về mức giá mà bất kỳ ai cũng có khả năng chi trả được, rồi sau đó sẽ cộng thêm một khoản chi phí phát sinh “không nhất định” khi bắt đầu sử dụng dịch vụ.
Ngay như chuyến đi này, ban đầu khi chưa có bất cứ kế hoạch và dự định nào, Táo nói với Khunie khi đặt trước vé máy bay: “Khunie ơi đi Trung Quốc không? 15 triệu bao toàn bộ, bao phiên dịch” Khunie chưa cần nghĩ đã đồng ý. Sau này khi lên lịch trình, mỗi lần gặp nhau Khunie lại hỏi “Ê, thế chúng mình có đi chỗ này không?” “Chúng mình có xem cái kia không?” “Chúng mình phải thử cái này chứ nhỉ!”…. Mỗi lần như thế, con số trong budget dự tính lại tự động nhảy lên một chút: “Ừ, thêm có một chút thôi mà, phải đi chứ” với lý do muôn thuở là có chắc gì mình sẽ có cơ hội quay lại đó. Cho đến cuối cùng, khi mà chi phí tăng lên gấp rưỡi so với con số dự kiến ban đầu thì mấy đứa lại nhìn nhau tặc lưỡi: “Ngàn vàng đâu mua được niềm vui” =]]
Trước đây được học Marketing qua trường lớp, sau này lại được tham dự một khóa ngắn hạn về content nhưng với cái tính cách cứng nhắc thì Táo vẫn chưa chấp nhận được phương thức này, đặc biệt dưới cương vị là một “khách hàng” thì vẫn có cảm giác xung quanh phảng phất hương vị dối lừa. Bởi vậy Táo không thể làm Marketing được, và chắc cũng không thể trở thành một travel blogger như là Táo và Khunie vẫn đang ảo tưởng: “”Travel blogger” không dành cho những người nhiều tiền như chúng mình”.
Sau này nếu có cơ duyên nào quảng bá cho sản phẩm du lịch, chắc Táo sẽ làm một chiến dịch mang tên “Ngàn vàng đâu đổi được niềm vui” và đưa ra một mức giá đề nghị “trên trời” so với những đối thủ cạnh tranh khác, đặc biệt áp dụng đối với các sản phẩm du lịch Việt Nam. Rồi khách hàng sẽ cười vào mặt Táo.
Nhưng cũng không sao, khách hàng cười là vui rồi, ngàn vàng đâu đổi được niềm vui =]]]