(Nói về Sài Gòn, nên bắt chước một chút giọng Sài Gòn để kể lể)
Hồi xưa lắc lơ có anh người yêu, ảnh kể cho tui nghe về một chị người yêu cũ của ảnh là người Sài Gòn, làm cùng công ty ảnh ở chi nhánh trong đó, và hai người gặp nhau trong một chuyến Team Building ở Đà Lạt (thì phải). Rồi yêu nhau, chị còn có lần ra thăm anh ở Hà Nội, chuyện tình lãng mạn như trong cuốn truyện mà ảnh đưa cho tui đọc. Rồi làm tui cứ thắc mắc hoài: “Ủa, dễ thương vậy rồi sao chia tay chi?”
Lần đầu tiên đến Sài Gòn vào một đêm nọ. Hồi đó có một anh bạn vào Sài Gòn lập nghiệp (hay là vì ảnh yêu một chị Sài Gòn nên dọn vào đây thì không biết nữa), đã hẹn nhau từ trước, nửa đêm ổng ra sân bay đón tui, đưa tui đi ăn đêm, đi vòng vòng rồi kiếm cho một chỗ ngủ, sáng sớm hôm sau bảy giờ đã phải lục đục mò dậy đưa tui ra trạm xe khách đi Cambodia. Một tuần sau, khi tui kết thúc Siemreap và mấy tỉnh miền Tây lại quay về chỗ ổng thêm một ngày để rồi bay về Hà Nội. Ông mở quán cà phê nhỏ nhỏ ở một nơi nào đó mà tui không nhớ rõ, đông khách nên ổng không có thì giờ đưa tui đi chơi Sài Gòn, tui cũng làm biếng ở lại phụ bán cà phê với ổng luôn. Bữa tối ổng gọi cơm tấm ở quán bên cạnh hai anh em ngồi ăn. Đó là lần đầu tiên tui ăn cơm tấm, trong đầu thầm nghĩ: “Má, đến một cọng rau cũng không có thế này ăn sao?”, vậy nhưng cuối cùng thì đĩa cơm vẫn hết. Ở chỗ ổng chỉ sướng cái lúc nào cũng có sẵn cà phê uống, có em husky xinh đẹp hay quấn chân, lại có sẵn máy tính cho tui ngồi chỉnh sửa lại đống ảnh ở Angkor. Trưa hôm sau tui không cần đi gọi cơm nữa, chị gái người yêu ổng nấu cơm mang qua cho, thịt nhiều, rau nhiều, còn có cả mấy món ăn kèm.
Trời con gái ở đâu mà trẻ, xinh đẹp, lại dễ thương nữa cơ.
Sài Gòn á!!!
Rồi nửa năm sau, Sài Gòn xuất hiện lần nữa trong đoạn tin nhắn ngắn ngủi của một người bạn sau kỳ thi tốt nghiệp. Năm đó đồng nghiệp cũng có người chuyển vào Sài Gòn, bạn bè cũng có người chuyển vào Sài Gòn, cả cậu em trai thân thiết, kỹ sư xây dựng hiền lành ít nói đi xây cho nhà cao cao mãi cũng mang gạch vữa vào Sài Gòn xây sự nghiệp.
Để rồi 2018, số ngày lưu lại Sài Gòn được tính bằng những cuộc hẹn thay vì những điểm du lịch buộc phải ghé thăm như ở những địa phương khác. Theo dự định ban đầu, lịch trình ở Sài Gòn chỉ chiếm khoảng thời gian 3 đêm cho toàn bộ những cuộc hẹn chung có riêng có cùng một vài điểm cần phải đến. Nhưng cuối cùng, “Ở Sài Gòn nốt hôm nay” có lẽ là câu nói được lặp lại nhiều nhất chuyến đi phía Nam lần này, khi mà mỗi buổi sáng thức dậy, xuống lầu ăn sáng còn phải kèm theo một nhiệm vụ quan trọng: đăng ký với lễ tân ở lại thêm một đêm nữa.
Cuộc hẹn đầu tiên ngay buổi tối vừa đặt chân đến Sài Gòn dành cho Hùng, một người bạn trong lớp đại học, cùng với Táo và Khunie tạo thành một trong những buổi họp lớp 3 người tiêu biểu. Hùng sau khi từ Úc trở về làm khách sạn một thời gian, gần đây chuyển sang làm quản lý một nhà hàng Nhật, gọi thế nào cũng nhất định không chịu về Hà Nội. Buổi họp lớp có thêm cậu em trai của Táo làm khách mời danh dự. Lẽ ra hẹn gặp nhau riêng, nhưng ngày hôm sau nó đã phải chuyển xuống công trình mới tận Biên Hòa, nên đành tranh thủ chút thời gian gặp nhau uống nước. Khiến cho buổi họp lớp cuối cùng biến thành cuộc gặp gỡ của “Hội đồng hương Hà Tây ở Sài Gòn”.
Hai đứa Hà Tây dẫn hai đứa Hà Tây đi ăn hủ tiếu, nhưng quán quá đông khách không còn bàn để ngồi, đành sang quầy đối diện ăn cơm tấm. Ở hàng bên cạnh, ly nước mía bự chà bá mà giá chỉ có 6 ngàn, hai đứa Hà Tây ở Hà Nội nghe giá tiền xong nhìn nhau một lượt, gọi liền thêm mỗi người ly nữa, làm như ngày mai không còn đủ tiền uống nước mía. Ăn xong, mấy đứa dắt nhau dạo hai vòng công viên rồi tiện ghé vào Phúc Long uống trà. Đợt đó Phúc Long chưa mở chi nhánh ngoài Hà Nội nên vẫn được coi là đặc sản riêng của Sài Gòn, thơm, và đẹp, và thơm. Rồi trên đường về, ngang qua Bùi Viện ngồi nghe chút nhạc, uống chút bia. Những tưởng Bùi Viện cũng chỉ cỡ Tạ Hiện thôi, đông chút chút, chật chội chút, nhiều khách nước ngoài chút. Nhưng không, Bùi Viện rần rần từ đầu phố đến cuối phố kẹt cứng người, gọi là chút nhạc, nhưng chưa kịp thoát ra khỏi tiếng nhạc này đã bị kéo vào một vành loa khác. Đối với người ta là sôi động, với tui ồn ào, nhưng trẻ.
Ngày hôm sau, thời gian ban ngày vẫn là dành cho Hùng. Mà thực ra, gần như ngày nào ở Sài Gòn tui cũng sẽ phải gặp Hùng một lần, giống mấy cặp đôi yêu xa phải cố gắng tranh thủ mọi thời gian gặp mặt. Ba đứa dẫn nhau chạy quanh quận Nhất: đi loanh quanh rồi ngồi cà phê ở chung cư Nguyễn Huệ, đi dạo mua đồ ở khu chung cư Lê Thánh Tôn. Mấy khu chung cư cũ, thang máy sắt nặng trịch kéo ròng rọc giữa khoảng không của cầu thang bộ. Mấy tầng trên đều là tiệm đồ thời trang, cà phê, nhà hàng. Tầng trệt bày đồ lưu niệm, tranh vẽ, bên cạnh là mấy anh mấy chú họa sĩ ngồi tỉ mẩn chấm quét từng nét từng nét một. Không hiểu ba đứa có chuyện gì mà đi cùng nhau bao nhiêu con phố cũng vẫn chưa nói hết, đến khi chia tay còn có chút lưu luyến. Tầm giờ chiều, khi Hùng phải tới nhà hàng, Táo và Khunie cũng chia tay nhau cho những cuộc hẹn riêng. Khunie có rất nhiều đối tác ở Sài Gòn, nó lúc nào cũng trong tình trạng bận rộn với xã giao với công việc, còn Táo, chỉ vài người quen cũ.
Đầu tiên là bạn An Gấu, bạn không tên là An, nhìn cũng không có vẻ giống gấu, nhưng tui cũng đã quên mất lý do gì khiến tui gọi bạn là An Gấu. Cũng đã 3 năm không gặp mặt, và hơn 2 năm không hề có bất cứ một liên lạc gì từ ngày bạn bỏ Hà Nội vào Sài Gòn theo đuổi con đường bạn chọn. Ngày đó khi tui đọc được tin nhắn, bạn đã tắt máy, lên máy bay và số điện thoại của bạn từ đó cũng không bao giờ có thể gọi được nữa, chỉ có thể thỉnh thoảng nhìn thấy bạn qua vài bức ảnh trên màn hình máy tính. Cho tới những ngày thỉnh thoảng tui đăng lên một vài tấm ảnh công khai về chuyến đi xuyên Việt, bạn inbox cho một cái hẹn ở Sài Gòn. Bạn đã lớn hơn thằng nhóc 17 tuổi ngày xưa kha khá nhiều, cao hơn, đẹp trai hơn và ra dáng người lớn rồi. Bởi vậy mà địa điểm bạn hẹn cũng là Bùi Viện, nhưng là một quán nhỏ nhẹ nhàng trong ngõ sâu chứ không phải ngoài mặt phố ầm ĩ. Những tiếp xúc trong công việc đã biến thằng nhóc năm nào trở nên dày dạn hơn, không còn đơn thuần như xưa nữa. Công việc của bạn ngày càng bận rộn, bận đến nỗi thời gian về Hà Nội thăm gia đình dài dài một chút cũng không có, nhưng đổi lại nó cũng tương đương với mức độ thành công mà bạn đạt được. Bạn nói cũng nhiều lúc cô đơn, nhưng bạn thực sự yêu thích công việc này, cũng yêu thích Sài Gòn, vậy là được rồi. Tôi chỉ ngồi nghe bạn nói, giống như bao nhiêu lần trước, mỗi lần gặp nhau đều chỉ là bạn nói, hào hứng kể chuyện bạn bè, chuyện công việc, cả chuyện tình cảm cũng mang ra kể một lượt, cuối cùng lí nhí ghé tai tui làm ra vẻ thần bí thì thầm:
“Đêm Sài Gòn nhiều sao, chị đã nhìn thấy em chưa?”
“Đồ dở hơi” – Tôi vặc lại.
Năm đó bạn chỉ lên bầu trời đầy sao nói mình sẽ biến thành ngôi sao sáng nhất. Hóa ra hồi nãy giờ tui nhìn sai rồi, bạn vẫn là thằng nhóc con nhí nhố nói chuyện liên thiên năm nào. Lần đó gặp nhau xong, cũng chưa từng liên lạc lại nữa, nhiều khi cũng không biết mình có phải nằm mơ không?
Tới buổi trưa ngày thứ ba, tui có hẹn ăn trưa với một chị đối tác, vốn dĩ tưởng chỉ ăn bữa cơm, uống ly cà phê qua trưa một chút, nào ngờ ngồi nói chuyện tới tận cuối giờ chiều. Tui làm việc với chị ấy đã hơn một năm mà đây mới chỉ lần đầu gặp mặt, câu chuyện chủ yếu chỉ xoay quanh công việc cũ. Chị chia sẻ thêm về môi trường làm việc của Sài Gòn: trẻ, năng động và cạnh tranh dữ dội. Kể chuyện gái Bắc vào làm dâu Nam được mẹ chồng cưng như con ruột. Lại cả chia sẻ kỹ năng mềm, chị nói tui “cứng” và “khô” quá rồi sao chịu nổi trong ngành dịch vụ. Rồi chỉ tui vài chỗ ăn uống quanh quanh Sài Gòn. Sau cùng, chị gợi ý nhẹ liệu sau đợt xuyên Việt này tui có cân nhắc chuyển vào Sài Gòn khi tui đang muốn thay đổi nơi làm việc. Sài Gòn đưa ra một mức lương không tệ, môi trường làm việc nghe vẻ hấp dẫn, có một vài người tui rất thân thiết, lại dễ thương. Tui nói sẽ suy nghĩ, và thực sự đã suy nghĩ nghiêm túc về điều đó.
Chiều đó về quá muộn, tui lỡ hẹn với một người bạn khác nên đành lủi thui đi ăn một mình rồi về đi dạo nhà sách gần nơi ở. May mắn sao tối đó trên một tủ kệ cao cao nơi góc khuất tui lại tìm thấy bộ sách mà tui ao ước bao lâu nay không thấy ở Hà Nội. Mặc dù chưa thể nghĩ ra sẽ mang theo nó bằng cách nào khi chỗ để hành lý đã hết nhưng tui không cho phép mình bỏ qua, vì có duyên mà, sao có thể bỏ lỡ. Xem ra Sài Gòn đối với tui quả thực không tệ.
Tận ngày thứ tư, tụi tui mới có được cuộc hẹn chung với anh Trí và sau đó là các bạn Sài Gòn trong hội Vespa của Khunie.
Anh Trí, tui đã từng tự hứa là phải viết lại đôi dòng về mối “nghiệt duyên” của tụi tui với anh Trí trong chuyến đi Lệ Giang năm trước, nhưng để lâu lại quên mất. Anh Trí là người Mỹ gốc Việt, hồi 1 tuổi theo ba mẹ qua Mỹ sinh sống. Đợt đó anh về Việt Nam cũng cho một hành trình xuyên Việt và vài quốc gia bên cạnh.
Hôm đó tụi tui hẹn nhau đi khu người Hoa ở quận Năm, gặp nhau ở Chùa Bà Thiên Hậu, dạo vòng vòng chùa rồi qua một quán ăn người Hoa trong ngõ bên kia đường ăn trưa. Ở quận Năm quận Sáu, đặt chân đến là đã có thể cảm nhận được đôi nét văn hóa của người Hoa, từ cái nhìn đầu tiên ở cách trang trí biển hiệu trên phố sặc sỡ hơn, màu mè hơn. Mấy thế hệ người Hoa ở đây khi nói chuyện cùng người nhà đều thường dùng tiếng Quảng (TQ) giao tiếp, mà ở Sài Gòn nó còn có cái tên khác là tiếng Chợ Lớn. Sau bữa trưa, tụi tui bỏ xe máy lại đó để đi chung taxi qua kiếm quán cà phê vợt nổi tiếng tìm thấy trên mạng. Chỉ có điều khi đến nơi mới biết nhà họ đã chuyển đi nơi khác và đã không còn quán cà phê vợt nào tại đó nữa. Vậy là chiều đó, hai đứa Hà Tây lại giả bộ làm hướng dẫn viên cho anh người Mỹ thăm quan mấy điểm trong trung tâm Sài Gòn.
Bưu Điện Thành Phố, nơi ông cụ hơn 80 giao lưu vài thứ tiếng với du khách, miệt mài viết thiếp giùm như những năm 45 chưa mấy người biết chữ. Rồi dán một con tem ở chỗ “Cô Hai” và gửi về miền Bắc (nhưng tới giờ nhận được chưa thì tui không biết :p)
Nhà Thờ Đức Bà quây kín đang sửa chữa.
Mắt trời khuất dần phía sau Dinh Độc Lập…
Bữa tối đó đông vui hết mức, đủ cả anh Trí, nhóm bạn trong hội Vespa của Khunie : chị Trang và em Khang; một lát sau Hùng cũng đến, mang cho Táo một chai bia vỏ chanh handmade. Ăn uống no say, cả đám kéo nhau qua Tôn Cafe nghe nhạc. Trước đây tui cũng từng nghe đến Tôn cafe bởi một lần anh ca sỹ mà tui thích có làm minishow ở đó, nhưng chỉ không ngờ là quán nhỏ xíu như vậy.
Nhạc xong đã chừng hơn 10 giờ, thường thường ở Hà Nội vậy là chia tay nhau về rồi. Nhưng đây lại là Sài Gòn, Sài Gòn bảo: “Chi, mới hơn 10h còn sớm mà về chi, giờ mới là giờ ra Nhà Thờ Đức Bà nè”. Nhà Thờ Đức Bà mười giờ đêm mới bắt đầu giờ đông khách. Mấy cái ghế nhựa bày ra vừa dễ ngồi, đợi mấy anh công an khu vực ghé qua cũng dễ thu dọn. Khunie muốn uống “trà tắc đường”, bởi mỗi khi đi đường nhìn hoài mấy tấm biển hàng rong đến mòn con mắt mà chưa được thử lần nào. Táo với Khunie cứ ngồi cười cái ly “tắc đường”, mang ra Hà Nội đổi một ly “kẹt xe”. Ngồi tám riết đến tận nửa đêm mà ngoài đường vẫn chưa giảm bớt người. Sài Gòn ngủ muộn là thiệt.
Rồi mãi tới ngày thứ năm ở Sài Gòn tui mới được cho đi River Bus, như một chuyến cruise tour sông Sài Gòn chạy từ bến Bạch Đằng tới bến Linh Đông quận Thủ Đức, nhưng hôm đó tụi tui dừng ở điểm giữa. Ở các điểm dừng đều có bảng tra giờ tàu để có thể kiểm tra được các chuyến chiều về. River bus mới được đưa vào phục vụ từ đầu 2018, tuy rằng nó chưa thể đáp ứng được kỳ vọng trở thành một loại phương tiện giao thông chủ đạo giảm bớt lượng xe từ các quận huyện ngoại thành, nhưng cũng đã trở thành một điểm nhấn mới cho khách du lịch ở Sài Gòn. Thiết nghĩ đối với những người đang có ý định mua nhà hoặc đầu tư bất động sản ở SG thì rất nên dành chút thời gian đi River bus, bởi nó đi qua rất nhiều các khu đô thị mới bên bờ sông, từ trên tàu có thể nhìn bao quát cả các khu chung cư, liền kề và biệt thự nhà vườn. Ở trên bus, du khách còn có thể chụp ảnh check-in cùng với Bitexco và Landmark 81 ở một góc nhìn mới.
Kết thúc tour, trong khi Khunie và em Khang rủ nhau đi massage, chị Trang dẫn tui đi mua bánh flan ở quận 5, nghe nói nổi tiếng lắm. Cũng giống ngoài Hà Nội, cứ những quán nổi tiếng thì bé tẹo tẹo ngoài vỉa hè, và chỉ bán đúng một món đó thôi. Bánh flan thường (ngoài này gọi là karamen) thì mềm hơn, flan dừa thì cứng hơn và cũng ngọt hơn nữa, giá chỉ từ 3-5k một cái (ngoài này gọi là một cốc), kèm một túi nước cà phê ăn kèm, và đá xay. Hồi xưa nhà tui cũng có một thời gian làm karamen bán, có điều nhạt hơn, đậm vị cà phê và trứng hơn, lại mềm hơn nữa. Tại tui không thích đồ ngọt nên thấy cũng bình thường nhưng chắc cũng hợp khẩu vị của Sài Gòn, nghe mọi người thích lắm. Đường Sài Gòn lúc nào cũng đông như mắc cữi, lại nhiều đường một chiều, nhiều bùng binh ngã rẽ, đi đoạn đường có ba cây số mất hơn tiếng đồng hồ, nhưng vừa kịp.
Và vẫn là những con người đó, Sài Gòn còn hẹn vài buổi cà phê, trà sữa, đêm karaoke, rồi còn cả bữa trưa ngay trước khi Táo và Khunie lên đường đi Miền Tây.
Sài Gòn lúc nào cũng chủ động lấp đầy lịch, bỏ cả công việc qua một bên để dẫn hai người bạn đi chỗ này chỗ kia (mặc dù không biết đường), chẳng bao giờ để bạn phải bơ vơ nơi đất khách. Bởi vậy Sài Gòn dễ thương là thật, ai ở Sài Gòn cũng đều dễ thương hết. Khiến hai người bạn lưu luyến chẳng muốn rời đi, lại ngồi nghiêm túc thảo luận chuyện chuyển vô Sài Gòn làm việc. Tại cũng muốn lấy được cái dễ thương vậy á!
A, Sài Gòn còn cái hẹn xem kịch nói, hẹn Sài Gòn lượt về!!
One thought on “Những cuộc hẹn Sài Gòn”