Shangri-La ở nơi đâu…

Một ngày cuối tháng 10 năm 2016, chuyến bay từ Côn Minh đến Lhasa dừng nghỉ một trạm tại sân bay Địch Khánh (DIG) chỉ chừng 45 phút tiếp nhiên liệu. Máy bay hạ cánh khoảng 10 giờ sáng, bên ngoài mặt trời vừa lên rõ, những tia sáng tạo bầu không khí thành một lớp màu cam hồng, trong veo. Trời xanh, núi xám pha lẫn màu nâu đất khô cằn, nắng hanh lành lạnh. Ở bên trong phòng chờ transit, trần và tường được ốp gỗ ấm cúng, trang trí bởi những họa tiết sặc sỡ theo kiến trúc Tạng. Tôi thầm nghĩ vùng đất này bên ngoài kia nhất định phải xinh đẹp lắm.

Một năm rưỡi sau, tôi cuối cùng đã được đặt chân đến “Vùng đất hạnh phúc” một cách chính thức. Sau bốn tiếng di chuyển từ Lệ Giang, qua những khe núi vách dựng đứng của Vân Nam để đến Địch Khánh, trước đây là một Châu tự trị của dân tộc Tạng, xa hơn nữa là một phần lãnh thổ của Tây Tạng, được biết đến là vùng đất thiên nhiên tươi đẹp, phong cảnh mỹ mãn. Vốn dĩ, vùng đất hạnh phúc được miêu tả cho một Shangri-La ở trong tiểu thuyết “Lost Horizon” của nhà văn James Hilton, một ngôi làng nhỏ thuộc phía Tây Tạng của dãy Himalaya nơi mọi người già đi rất chậm, sống trong an lạc vĩnh hằng. Từ năm 2001, Shangri-La hay theo tiếng Trung là 香格里拉– Hương Cách Lý Lạp được đặt cho Trung Điện, một huyện trung tâm của Địch Khánh để thu hút khách du lịch. Shangri-La ngày nay là thị trấn nhỏ với khu phố cổ ở trung tâm, không quá đông đúc, không khiến người ta có cảm giác ngột ngạt chỉ thấy những người là người trên các con phố nhỏ.

(Lịch trình chi tiết tại: [ITINERARY] LỆ GIANG – HỒ LUGU – SHANGRILA)

IMG_20180430_200943

Ngay buổi tối đầu tiên đặt chân đến Shangri-La, chúng tôi hẹn nhau dạo phố cổ và lên thăm Đại Phật Tự. Ngôi chùa nổi tiếng nằm trên ngọn đồi giữa phố cổ, ban đêm toàn bộ khuôn viên được thắp đèn led rất lộng lẫy, có 4 màu sắc thay phiên nhau xoay vòng. Bên trong chùa người ta treo đầy những dây cờ Lungta dọc theo lối đi hoặc cuốn quanh một cột cờ cầu nguyện, trên mỗi lá cờ đều có in những hình vẽ linh vật và các dòng kinh Phật bằng chữ Tạng. Lungta có 5 màu sắc: Vàng, trắng, đỏ, xanh lá, xanh dương đại diện cho các nguyên tố tạo nên vũ trụ: Đất, Nước, Lửa, Khí và Không (bầu trời). Người Tạng tin rằng mỗi khi gió thổi tung các lá cờ Lungta, những lời cầu nguyện, kinh chú in trên cờ sẽ được gửi lên trời cao, cùng lúc, độ từ bi và phước lành cũng sẽ theo ngọn gió lan tỏa khắp nhân gian. Bên cạnh chùa là trụ kinh luân khổng lồ khắc đầy những câu thần chú bình an. Kinh luân trong Phật giáo Tây Tạng là một công cụ để luân chuyển linh hồn đến cõi tịnh độ thông qua câu thần chú Om Mani Padme HUm. Om Mani Padme HUm là câu thần chú đại từ đại bi của Quan Thế Âm, được in trong những tờ giấy lụa mỏng đặt bên trong các kinh luân. Người Tạng quan niệm rằng ở bên trong mỗi chiếc kinh luân in bao nhiêu dòng thần chú, thì khi xoay một vòng cũng giống như ta đã niệm được bấy nhiêu câu chú. Đại Phật Tự nằm trên ngọn đồi cao, lại có một trụ kinh luân khổng lồ bên cạnh đủ để thấy nó giữ một vị trí tâm linh quan trọng đối với vùng Địch Khánh.

Bên cạnh Đại Phật Tự, Phật giáo Tây Tạng ở Shangri-La còn ghi dấu ở ngôi chùa, tu viện nổi tiếng SongZanLin – Tùng Tán Lâm Tự nằm cách trung tâm huyện khoảng 5km. SongZanLin thuộc dòng Mũ vàng của Mật Tông, được vị Dalai Lama đời thứ 5 xây dựng vào năm 1679 và được coi là phiên bản thu nhỏ của cung điện mùa đông Potala ở Lhasa, Tây Tạng. Tu viện đã từng trải qua một lần bị phá hủy bởi cuộc Cách Mạng Văn Hóa và được xây dựng lại vào năm 1983, ngày nay gần như trở thành một điểm du lịch của Shangri-La. Khu vực này ngày nay được bao lại thành một khu cách xa trung tâm, chỉ có một lối vào. Khách tham quan cần phải gửi xe lại bên ngoài, đi qua cổng soát vé điện tử rồi lên xe bus nội bộ đi thêm chừng 2km nữa mới vào đến sân trước của tu viện. SongZanLin trước đây là nơi ở của hơn 2000 tăng sĩ, nhưng ngày nay số lượng đó chỉ còn lại khoảng 600 – 700 người tu học. Ở cửa ngoài tu viện có hướng dẫn viên miễn phí cho các nhóm từ 10 người, tuy nhiên, người hướng dẫn viên này chỉ dẫn đến phía trước điện thờ chính và giải thích một chút về các khu vực và đài thiên táng ở ngọn đồi phía xa đằng trước tu viện, còn lại để cho khách tự do tham quan.

IMG20180428153222

Ngọn đồi phía xa ở giữa cánh đồng trước tu viện kia, nơi căng rất nhiều những dây cờ Lungta đủ màu được gọi là đài thiên táng. Xác người chết sẽ được đem lên ngọn đồi để kền kền rỉa hết thịt. Theo quan niệm của người Tây Tạng, khi con người chết đi thì thể xác sẽ được đem trả về với thiên nhiên, hoặc hiểu một cách khác là hiến thịt người chết tế các sinh linh đói khát, để cho linh hồn người đó được về nơi thanh tịnh.

Quay lại tu viện, phía bên trong cũng giống như một số tu viện và chùa ở Tây Tạng mà tôi đã từng đến, là rất nhiều những bức thangkha, những pho tượng Phật và những bản chép, bản khắc Kinh Phật từ thời xưa. Bên trong khuôn viên chùa cũng vẫn là những giảng đường cho các tăng sĩ lên lớp học đạo mỗi ngày. Có thể chúng tôi đến vào giờ trưa, khi mà các tăng đã về nghỉ để chuẩn bị cho giờ học buổi chiều nên không thấy có nhiều tăng đi lại trong khuôn viên các điện chính của tu viện. Người đến lễ Phật cũng gần như không có, dường như người địa phương chỉ đến Đại Phật Tự mà bỏ quên nơi này.

May mắn sao hôm đó chúng tôi lại lang thang ra tận phía hậu viện, nơi có nhiều những ngôi nhà nhỏ nằm sát nhau, là nơi mà các tăng sinh sống sau các giờ học đạo trên điện. Khi chúng tôi đang đứng chụp ảnh tại trước cổng một ngôi nhà trông có vẻ đơn sơ nhất thì một tăng sĩ đi đến, nói mình là chủ nhân ngôi nhà và mời chúng tôi vào uống trà. Ban đầu, chúng tôi cũng có phần e dè, nhưng thật hiếm mới có được cơ hội được thăm nhà một tu sĩ Mật Tông. Chúng tôi được tiếp ở tầng 2, vì bên dưới có vẻ như để làm nhà kho. Căn phòng bên trong rất đơn sơ, với một bộ bàn ghế gỗ, một tấm phản gỗ gần kệ cửa sổ kê gối đệm, ti vi và bên cạnh là ấm đun nước trà cùng vài bộ áo tu màu nâu. Thầy đun nước pha trà mời chúng tôi rồi ngồi cách xa chỗ tấm phản để tiếp chuyện. Bên cạnh tôi còn một ghế riêng còn trống, nhưng có lẽ vì tôi là con gái nên thầy giữ lễ không ngồi gần. Nghe kể thầy đã theo tu học từ khi còn rất nhỏ ở ngôi chùa này, mỗi năm sẽ có 1-2 lần về thăm gia đình ở cách đó chừng 30 cây số. Hàng ngày ngoài giờ lên lớp các tăng cũng có hoạt động cá nhân: chơi bóng rổ, xem NBA và xem phim truyền hình. Tôi không nhớ rõ hôm đó mấy người bạn còn nhờ tôi hỏi điều gì đó nữa nhưng không tiện nên thầy từ chối trả lời. Có lẽ chưa bao giờ có khách ghé thăm, thầy mời chúng tôi ở lại chơi ăn cơm chiều nhưng chúng tôi khước từ.

IMG_1509

Tách ra khỏi Phật Giáo Mật Tông, Shangri-La còn là vùng thảo nguyên xinh đẹp như những gì mà tôi từng tưởng tượng khi transit tại sân bay ngày đó. Trước khi đi, chúng tôi vốn dĩ đã lên kế hoạch sẽ lên ngọn Thạch Ca ngắm tuyết, nhưng sau đó do chương trình tại Lệ Giang có một chút thay đổi, chúng tôi đã chọn lên núi Ngọc Long ở Lệ Giang thay cho Thạch Ca ở Shangri- La và đổi lại là một tour cưỡi ngựa thong dong ở Napa Hai, hồ nước lớn bên cạnh thảo nguyên phía dưới chân núi Mỹ Lệ.

Napa Hai cuối tháng 4 không lạnh, núi không phủ tuyết, hồ không nhiều nước, cỏ cũng không mọc dày phủ xanh toàn bộ, cách đoạn lại hở ra mảng đất vàng nâu chỗ khô chỗ ẩm. Bốn chú ngựa béo theo chân hai chị dẫn ngựa đưa chúng tôi ra khỏi cánh cổng của khu bảo tồn, băng qua đường quốc lộ sang xóm Tạng nhỏ bên kia đường, bước từng bước chậm rãi đi lên dốc núi. Cuối xuân, cây đào vẫn còn vương lại mấy bông hoa chuẩn bị héo bên đầu những căn nhà đá, cửa sổ cao cao sơn viền đen, phấp phới tấm rèm bên ngoài đen vàng đỏ trắng. Hai chị dắt ngựa thỉnh thoảng gặp người quen lại nói với mấy câu chào hỏi. Ban ngày người ta đi làm hết, chỉ còn mấy đứa trẻ con tụm lại chơi quanh xóm và bầy gia súc gia cầm thả trong vườn. Ngựa đi rất chậm để khách ngắm cảnh, và cũng để tiện kiểm soát. Người Tạng ở đây không kể trai gái, đã sinh ra ở đây thì đều sẽ biết và đều phải biết cưỡi ngựa.

Đi hết xóm nhỏ, đoàn ngựa lại băng ngược qua đường quốc lộ để về bãi cỏ chân núi, đi theo con đường nhỏ có hàng rào ngăn giữa cánh đồng và khu bảo tồn. Bên phải là thênh thang cỏ xanh và đầm nước phía xa dù rằng mùa này hơi cạn, cùng với rặng núi dài sót lại chút tuyết trắng trên đỉnh. Bên trái, là cánh đồng màu vàng nâu nhạt, những cây lúa mì, tiểu mạch sau khi thu hoạch xong chất lên thành những cây lớn phơi nắng phơi gió hong khô. Cuối cùng, bầy ngựa cũng đã chạm chân tới ven hồ, nơi chúng có thể nghỉ ngơi gặm vài ngọn cỏ, uống miếng nước chờ đợi khách tự do tham quan, chụp ảnh và tham gia một số hoạt động du lịch do người dân địa phương cung cấp, có thể là tự phát và được phép tổ chức trong khu vực này: bắn cung, mượn đồ chụp ảnh theo phong cách Trung Quốc, hoặc đồ truyền thống của người Tạng… Giá dịch vụ ở đây rẻ, thậm chí trả tiền một lần, dùng lại 2-3 lần cũng không so đo chi. Bên đầm nước, mấy đàn chim bay đi trú đông đã kịp trở về, đậu trên mặt nước chỗ mỏ xuống tìm kiếm thức ăn, dưới nước chỉ có rong rêu và mấy con cá nhỏ xíu. Khi đó chỉ ước giá mình từng học qua cưỡi ngựa, thì cả thảm cỏ dưới chân có phải càng trở nên tự tại hơn không.

phố cổ Shangri-La, nơi những tiệm đồ lưu niệm không phải dãy phố nào cũng có, không phải mọi cửa hàng đều san sát bên nhau và thường chẳng con phố nào nườm nượp khách. Shangri-La ban ngày nắng vàng ấm áp, khách du lịch dạo quanh mấy dãy phố chọn đồ: những chiếc vong đá, những chiếc móc cầu may được tết thủ công bằng các loại sợi nhiều màu bày lộn xộn trong một chiếc rổ đan tre giản dị, cho đến những trang sức bạc, những món đồ đắt tiền như tượng phật đúc bằng đồng hay bằng đá quý. Mỗi cửa tiệm chỉ một hai du khách ghé vào, quan sát ngắm nghía, dãy phố đông đếm đi đếm lại cũng không quá hai chục người. Là nơi có tiệm trà thảo mộc trái cây thơm thơm thanh thanh mỗi lần bước vào, những hộp trà bánh đóng sẵn với vỏ bìa là tên những cuốn sách, là những bức ảnh mang đậm nét Shangri-La, những chiếc bình thủy tinh trong suốt đựng cánh hoa, các loại quả sấy đã qua chế biến, chỉ cần ngâm vào nước ấm là có bình trà theo mùi vị yêu thích. Trà bán theo lượng mà khách hàng mong muốn, đóng vào từng gói giấy nhỏ xíu chỉ 10gram vừa đủ một lần pha, xinh xắn, vintage và anh bán hàng cứ thỉnh thoảng lại đóng thừa ra một chút mỗi gói. Một quảng trường nhỏ, một ngôi stupa màu trắng giữa khoảng ngã giao các con phố, bao quanh chân đế bởi những chiếc kinh luân nhỏ bằng đồng. Quán cà phê trên lầu 2 ở góc phố phát những bản nhạc hoài cổ, bàn kê gần cửa sổ gỗ, đệm lưng êm êm ngả người thư thái ngắm người đi ngoài phố, nhấp ngụm cà phê Vân Nam, đọc vài trang Tử thư Tây Tạng…

IMG_20180429_164523
IMG20180429154726

Chẳng hề giống như Lệ Giang, Shangri-La ban đêm vắng người đến lạ. Con phố ban ngày đã chẳng mấy khách du lịch, ban đêm chỉ còn lại vài chiếc bóng lẻ, cửa tiệm cũng chỉ còn lác đác vài nơi sáng đèn. Bên trong quán lẩu bò, chỉ một mình cô chủ phục vụ vài bàn thực khách đến tận gần 11 giờ đêm vẫn tươi cười, dù cho tấm biển hiệu trên cửa sổ ghi giờ đóng cửa là 22h, bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh. Bên ngoài cửa tiệm tạp hóa lúc nửa đêm, trên bộ bàn ghế kê sẵn ngoài hiên, chúng tôi mượn cớ uống thêm vài lon bia cho dễ ngủ để ngồi nói thêm đôi câu chuyện, nghe tiếng đàn, tiếng hát vọng ra từ quán bar phía đối diện. Nhạc chưa dừng, chúng tôi chưa nỡ đứng dậy, anh trai tạp hóa cũng chưa vội đóng cửa tiệm còn mời ăn thử vài miếng thịt bò sấy khô. Và bên trong quán bar nhỏ của buổi tối ngày hôm sau, vẻn vẹn chỉ hai bàn có khách ngồi, uống vài ly nước. Trên sân khấu nhỏ, anh chàng ca sĩ lúc chơi ghi-ta, lúc lại cajon, hát nghêu ngao những bài mình yêu thích, thỉnh thoảng đổi ngôi cho chị chủ quán, anh đệm nhạc hoặc ra làm phục vụ bàn nếu có khách gọi đồ. Quán không có khách, anh chị vẫn hát, và có thể lịch sự từ chối những yêu cầu chọn bài không hợp gu nhạc từ phía khán giả. Tôi thích những người như vậy, những người luôn luôn chỉ là một cái tôi mà mình yêu thích, không vì ai thay đổi, để cho những yêu thích cái tôi ấy tự mình tìm đến, không yêu thích sẽ tự mình rời đi.

IMG20180429143420

Cũng là bài hát tự hát cho chính mình, một ngày ở Hà Nội bỗng tình cờ tiếng nhạc trong tai nghe vang lên tiếng hát tự sự giản dị: “Em tưởng rằng cứ chăm chú từng chút thì giấc mơ sẽ hóa thành hiện thực, tưởng rằng viết được bài hát hay thì có thể ngẩng cao đầu mà bước đi, tưởng cứ lái mô tô đi phượt đều sẽ biến thành anh hùng, hóa ra em giờ đã mất đi những rung động ấy… Shangri-La ở nơi đâu, để ta mãi kiếm tìm”, chợt nhớ Shangri-La da diết. Tuy Shangri-La nơi ấy có thể không biến thành một Shangri-La ước mơ của mỗi người, nhưng nơi đó tôi nhìn thấy mình hạnh phúc, và nhìn thấy người ta hạnh phúc.

One thought on “Shangri-La ở nơi đâu…

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s