VQG Nam Cát Tiên – Night Safari

Nếu thực sự có thời gian, tôi cũng ước được như cô gái ở phòng bên cạnh, đến Nam Cát Tiên một tuần chỉ để ngày ngày vào rừng dạo bộ, rảnh rỗi dành thời gian đọc sách.

Nếu thực sự có thời gian, tôi cũng ước được ở Nam Cát Tiên, đi vào tận trong bàu sấu ở vài ngày trong trạm kiểm lâm, tự mình trải nghiệm cuộc sống thường nhật của thiên nhiên hoang dã ở lõi rừng.

Nếu thực có thời gian, tôi cũng ước được có những ngày sáng sáng lười biếng thức dậy trong tiếng chim hót, chiều chiều đợi hoàng hôn buông trên khúc sông Đồng Nai ở cửa rừng, rồi đêm đến đứng vững trên thùng xe bán tải đi “săn” thú đêm.

Hoặc giả dụ ngày đó dành thêm một chút thời gian tìm hiểu về Nam Cát Tiên, thì buổi sáng ở Bảo Lộc có lẽ đã thức dậy sớm hơn một chút, có lẽ thời gian lang thang ở thác Damri đã bớt đi một chút.

Thế nhưng, cả giả dụ và nếu như đều không thể nào có.

Nam Cát Tiên, ở cổng rừng chỉ có một quầy vé nhỏ nhỏ phía bên phải con đường, đối diện là vài tiệm bán nước giải khát, bán tạp hóa. Tôi cứ thắc mắc mãi, rằng VQG rốt cuộc ở đâu vậy? Khi mà đây đã là cổng rừng, và chỉ đi thêm vài bước nữa là đã tới mép nước sông Đồng Nai. Bản đồ thì vẫn đang chỉ hướng đi con đường nhỏ bên phía tay trái, đi vào mấy khu homestay ở bìa rừng. Tôi dừng xe, ngó vào ô cửa sổ của chị nhân viên bán vé hỏi thăm.

Chị, bọn em vào bên kia có phải mua vé trước không?

Không em, khi nào hai đứa vào rừng thì qua đây mua vé. 

Ủa, vậy rừng đâu chị?

Qua bên kia sông kìa, có đò chở qua đó

Vậy là tôi không mua vội, định bụng sẽ bơi qua sông để trốn vé vào. Gì đâu, bơi là môn thể thao tôi yêu thích, lại chỉ có một quãng ngắn vài chục mét là cùng. Mà để làm thế thì trước tiên tôi cần qua mấy chỗ homestay cất bớt đồ đạc và tìm chỗ ngủ qua đêm.

Homestay ở Nam Cát Tiên, nguyên một cái chòi cao cao hình trụ xây bằng đá giống như nơi giam nhốt công chúa trong mấy bộ phim hoạt hình của Disney, bên trong rộng rãi, lại có cả sân thượng hóng gió chờ hoàng tử đến giải cứu. Concept vừa cứng cáp mạnh mẽ vừa thơ mộng, mà mức giá đưa ra lại khiến người ta muốn rớt tim, 160 ngàn đồng bao gồm bữa sáng cho 2 người.

Ở đó, một số dịch vụ tour nho nhỏ nhẹ nhàng được nhà nghỉ cung cấp cho khách du lịch, như tour thuyền dạo khúc đầu sông Đồng Nai bao quanh khu cửa rừng, bắt đầu vào mỗi bốn giờ chiều hàng ngày. Tour du lịch tự phát, nội dung chương trình chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, trí nhớ và sự hiểu biết của anh lái xuồng máy kiêm hướng dẫn tour. Một phần khác, cũng là phần quyết định về việc tour thuyền có trở nên đặc sắc hay không chính là phụ thuộc vào duyên phận của du khách đối với các loại động vật, sinh vật trong rừng. Có thể chỉ cách nhau vài giây tới một phút, đoàn thuyền trước còn nhìn thấy bầy voọc trèo leo hái quả trên cây vả bên bờ sông, thì đoàn thuyền theo ngay sau đó trờ tới đã chỉ còn lại riêng mình cái cây trơ trọi, cố nán lại đợi cũng không gặp được thêm em voọc nào nữa. Những loài chim, loài sếu nhiều màu lông lượn đi lượn lại nhiều vòng trên mặt nước kiếm ăn, những đàn cò trắng bay về trong bóng nắng chiều, hay một chú khỉ nghịch ngợm cũng cần phải xem duyên phận của mỗi người ra sao.

Cho đến khi từng đàn chim đã về đến tổ, đến khi những chú khỉ con đã không còn hứng thú vắt vẻo trên ngọn cây ngó xuồng chạy qua chạy lại thì trời đã dần dần đổ bóng tối. Chiếc xuồng máy dừng hẳn giữa khúc sông rộng, chìm vào không gian xung quanh hoàn toàn tĩnh lặng đã dần dần bị bóng đêm phủ mờ, chỉ ngồi yên chờ đợi ánh mặt trời trước mắt tắt dần đi rồi chìm vào màn đêm. Hôm đó màu hoàng hôn đẹp tuyệt, là hoàng hôn đẹp nhất trong suốt cả chuyến đi, khoảnh khắc ánh mặt trời đỏ rực rỡ kiêu hãnh nhất cuối cùng cũng chịu thu nhỏ lại, hòa xuống dòng nước rồi biến mất vào đêm đen.

IMG_20181026_172016_424

Đêm đen, cũng là khi những loài động vật nghỉ ngơi ban ngày tránh va chạm với địch thủ ra ngoài kiếm ăn, cũng là thời điểm thích hợp cho tour “săn thú đêm” được tổ chức bởi ban quản lý rừng. Chị quản lý homestay đặt giúp tour “night safari” rồi nhắn 8h tập trung tại bến đò cửa rừng. Ra tới nơi chỉ thấy có 2 người đang ngồi đợi ở bên ngoài tiệm giải khát, chúng tôi cũng ngồi xuống bắt chuyện

Anh và chú cũng là khách đi tour xem thú đêm hả?

Đâu có, chú là lái xe, bạn này hướng dẫn của công ty. Đợi một xe nữa, khách đến rồi sang phà. 

Trời đêm lắc rắc vài hạt mưa nhỏ. Qua con đò, bên kia vẫn chưa có một bóng người nào khác, con đường dẫn nhỏ đen kịt, phủ rêu trơn. Chúng tôi vào bên trong phòng lễ tân mua vé tour rồi lại trở ra phía cửa đợi hướng dẫn đến. Con xe tải cỡ vừa, bên trên thùng xe hàn những hàng ghế băng, chia thành hai dãy dọc theo hai đường song sắt an toàn. Đợi một chút đủ người, anh hướng dẫn chuyên nghiệp của rừng đứng trên thùng xe với chiếc đèn pin chuyên dụng dẫn đoàn hơn 10 người bắt đầu chuyến “săn thú đêm” theo con đường ven vòng ngoài của rừng.

Hươu, nai, chồn, và cả những loài động vật anh hướng dẫn nói tên lúc đó nhưng hiện tại tôi đã quên mất. Nhớ những lúc đứng trên phía đầu xe hóng gió, chạm vào cành cây bên đường rủ xuống khiến tôi hết hồn cúi vội xuống tránh, còn sợ có con rắn đu phía trên. Những đôi mắt sáng long lanh ánh lên trong bóng tối phía xa. Những bước chân chạy vụt qua phía trước ánh đèn xe rồi trốn vội vào bụi cỏ.

Nhớ câu chuyện đến với Nam Cát Tiên của anh hướng dẫn viên, câu chuyện về những người dân sống trong lõi rừng, cùng với động vật hoang dã, đôi ba lần nguy hiểm bị voi rừng về phá buôn làng. Và cả lời hứa dẫn hai đứa vào bàu sấu nếu có nhiều thời gian, ở chung với mấy anh kiểm lâm và quan sát cuộc sống của những chú cá sấu nhiều giống khác nhau còn lại trong rừng.

Bàu sấu đi trong một ngày có được không anh?

Không, phải ít nhất 2 ngày 1 đêm mới được, vào đó rất xa à. 

Vậy thôi, để lần sau bọn em có nhiều thời gian hơn, chắc sẽ không chỉ đến Nam Cát Tiên một lần đâu anh nhỉ.

Vậy lần sau đến alo anh, dẫn hai đứa đi. 

Con đường quay về cùng những câu chuyện phiếm, lúc lúc vẫn dừng lại nếu phát hiện đằng xa có ánh nhìn lấp ló.

Gió, mùi ngai ngái của cỏ cây rừng, và bầu trời sao đêm.

Ở Nam Cát Tiên!

One thought on “VQG Nam Cát Tiên – Night Safari

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s