Đường đi Mũi Cà Mau, rốt cuộc đã đi qua tất cả bao nhiêu cây cầu chắc hiện giờ chỉ có con Vespa là rõ nhất. Đợt đó giảm xóc gặp vấn đề, cứ mỗi khi qua hai đầu cầu lại quẹt chân chống giữa xuống lòng đường cái rẹt, nghe mà xót lòng. Quả thực, chưa cần nói đến việc hiện giờ ngồi nhớ lại chi tiết, có lẽ ngay cả khi đi trên đường, vừa đi vừa đếm cũng không thể ghi nhớ nổi con đường hơn một trăm cây số từ thành phố Cà Mau tới Đất Mũi có đến bao nhiêu cây cầu lớn nhỏ. Ước chừng cứ một, hai cây số lại qua một cây cầu.
Hôm đó không chỉ xe có vấn đề, người cũng không có được một trạng thái ổn định, thiếu máu, bụng hơi đau. Và đó là lần đầu tiên trong suốt chuyến đi mấy mươi ngày tôi phải dừng lại một quán ven đường, không phải để nghỉ chân uống nước như mọi khi, mà để ngủ một giấc bổ sung năng lượng tiếp tục hành trình. Cũng không biết có phải do trong người không được thoải mái mà con đường đến Đất Mũi có cảm giác cứ dài mãi như vô tận.
Năm giờ chiều trời bắt đầu tối, quãng đường còn lại ghi trên bản đồ chỉ hơn 40km nữa. Đã qua hết những đoạn đường cắt ngang thị trấn, qua hết những cánh đồng lúa hai bên quốc lộ để đến với con đường chạy giữa cánh rừng ngập nước phương nam, cũng có nghĩa Đất Mũi đang ở rất gần phía trước. Cây rừng mọc sát hai bên, không có đèn đường và cũng gần như không một bóng người qua lại. Trời tối rất nhanh, cái bóng mây mờ mờ màu mỡ gà hòa lẫn nền trời xanh thẫm khi nãy, rụp một cái liền biến thành bức màn đen. Ngay cả trước đây khi ở trong mấy khu rừng quốc gia, tôi cũng chưa từng thấy qua con đường nào tối đến như vậy. Thứ ánh sáng duy nhất phát ra từ chiếc đèn xe máy, ngay cả bật pha lên cũng không nhìn được xa bao nhiêu khiến chúng tôi buộc phải giảm tốc độ, con đường vì thế lại càng xa thêm nữa.
Từ trong khu rừng tối, ánh sáng màu xanh phát ra le lói phía xa, “chớp tắt” theo vòng quay bánh xe, theo độ thưa dày của những tán cây, rồi hoàn toàn biến mất trả lại một màu đen u tịch. Chúng tôi vẫn tiếp tục đi về phía trước, những đốm sáng thỉnh thoảng lại hiện lên rồi ẩn đi như vậy, lập lòe như những con đom đóm đêm. Bên đường, khu rừng rậm đã thay dần bằng những rừng ngập nước lớn rộng mênh mông. Trên mặt nước, những bụi cây lớn xếp thành hàng khối ngay ngắn, thẳng tắp có chừa lại lối đi, như phiên bản XL của những giàn hồ tiêu ngoài cánh đồng. “Đom đóm” cũng xuất hiện nhiều hơn dọc theo những “con đường nước” nhỏ, màu xanh có, vàng có, xa có, gần có, hắt xuống mặt nước đục một mảng màu lờ mờ.
Bên đường, cuối cùng thì ngôi nhà đầu tiên cũng đã xuất hiện với những bóng đèn điện sáng trưng xếp dọc theo tấm biển nhà hàng XX. Nhưng chỉ vừa đi qua nó, bóng tối lại chạy dài theo con đường trước mắt. Đôi khi ngoái đầu nhìn lại, tôi tự hỏi liệu ngôi nhà vừa rồi đó có phải do mình tự tưởng tượng ra? Đến khi ngôi nhà thứ hai sáng rực rỡ xuất hiện trước mắt, nó lại vẫn là một nhà hàng nữa, bên trong đông vui nhộn nhịp tiếng nói cười, và vẫn là lớp màn đen đợi chờ phía trước. Vậy rốt cuộc có phải tôi tưởng tượng ra hay không, khi suốt mấy chục cây số vừa đi qua đến một bóng người trên đường cũng không hề từng xuất hiện?
Con đường sáng lên được một chút khi băng qua một cây cầu lớn, chếch bên dưới là xóm nhà nổi, cả mái và vách đều dựng bằng những tấm tôn mỏng đã rỉ sét. Dọc một đoạn đường tiếp theo hai bên đều có nhà ở, ánh đèn yếu hắt ra bên ngoài cũng đủ để tẩy nhạt bớt màu đen đậm của bóng tối. Thế nhưng, đó vẫn chưa là Đất Mũi. Khoảng vài cây số đồng không nữa, Đất Mũi cuối cùng chỉ thực sự xuất hiện khi trước mắt chúng tôi đã là bờ kè sát biển, khi không còn con đường nào để đi nữa. Ở nơi cùng đường dựng một cánh buồm lớn, ghi Mũi Cà Mau.
Ở Đất Mũi, gần như không có ai ở lại qua đêm, tìm đến mỏi mắt cũng không thể ra được một nơi nghỉ chân. Ngay cả khi chúng tôi vào tận khu nhà khách trong góc rừng vắng cũng không một người ra tiếp đón, lại đành quay lại bên ngoài. Chừng tám giờ, ở giữa khu dân cư mà ngoài đường cũng không có lấy một người đi lại. Chúng tôi đã vòng đi vòng lại đoạn đường đó tới bốn năm lần để tìm một chỗ nghỉ, mới nghe được tiếng gọi của một chú vọng ra từ hàng tạp hóa. Chú chỉ cho một nhà có dịch vụ homestay trong xóm và gọi giúp một cuộc điện thoại để chủ nhà ra đón, dẫn đường cho chúng tôi vào. Con đường bê tông nhỏ hẹp xíu chạy qua khu rừng ngập nước rất tối. Chúng tôi hai đứa nhìn nhau do dự, sợ bóng tối nghĩa đen, sợ cả bóng tối nghĩa bóng, nhưng rồi vẫn quyết định lao vào nó. Dù gì cũng không còn lựa chọn nào khác, và quan trọng hơn, cả hai đứa đều sống với con mắt nhìn người: “Chắc người ta cũng không lừa mình đâu” để thuyết phục mình đi tiếp.
Trời đã tối lắm rồi. Đói hơn bình thường một chút, mệt hơn bình thường một chút. Vậy mà “chiếc honda” của chú chủ nhà vẫn cứ chạy mãi phía trước, thỉnh thoảng chú lại ngoái lại kêu “sắp tới rồi” rồi lại chạy miết. Con đường đi qua xóm nhỏ người ở thưa thớt, đi một đoạn mới lại có một ánh đèn sáng, rồi lại một đoạn nữa, từ ngoài đường dẫn vào tới nhà chú, đếm đi đếm lại cũng chưa được hai chục ánh đèn cả gần cả xa. Ánh sáng này, chính là những “con đóm đóm” lập lòe mà ở đoạn đường ngoài kia tôi nhìn thấy, sáng lên trong bóng tối, ẩn hiện sau những tán cây, hóa ra cũng có thể lại gần được.
Ngôi nhà mà chú làm homestay cho khách ở cũng được dựng trên bè nổi, nối những đoạn cầu gỗ thành lối đi trên mặt nước, bên trên có kê vài bộ bàn ghế liền biến thành một nhà hàng miền Tây. Đi qua nhà hàng ấy là đến khu nghỉ cho khách, với những căn phòng dựng bằng tường thạch cao nhẹ. Bữa tối hôm đó bắt đầu lúc 9 giờ, bằng một nồi lẩu cua được chia sẻ cùng với một anh khách đi bụi cũng vừa tới trước đó vài phút. Cua Cà Mau, “loài cua” mà hai đứa đã ước ao, đã thề hẹn trong danh sách những món nhất định phải ăn trong chuyến đi với những đôi càng chắc thịt, ngọt, thơm cuối cùng có lẽ vì mệt mà vị ngon khi ấy đã giảm mất một nửa. Chỉ là bây giờ ngồi nhớ lại, thính giác vị giác đều có thể tưởng tượng ra từng mùi vị thật rõ ràng, thèm đến muốn rớt nước miếng.
Ngồi bên ngoài hiên đến tối muộn, khi cả căn nhà chỉ còn thắp một bóng đèn hành lang sáng mờ không rõ, nhìn ra rừng đều chỉ thấy một màu đen đặc. Ở kia, vài cái với tay ra là đến bụi dừa nước, và chiếc xuồng máy cột hờ vào thanh lan can gỗ. Ở Đất Mũi, “xe honda” có thể không cần nhưng xuồng máy thì chắc chắn mỗi nhà phải ít nhất một chiếc. Thỉnh thoảng, tiếng xịch xịch của động cơ chạy xuồng vang lên từ phía nào đó xa xa, rồi nối bằng tiếng sóng nước rẽ đôi. Âm thanh càng tới gần, thì vài giây sau một “con đom đóm” nhỏ sẽ theo tiếng sóng nước bay qua chớp nhoáng rồi trốn biệt vào trong bụi cây um tùm trên mặt nước. Cứ tưởng “đom đóm” ở đây chỉ đứng yên một chỗ, hóa ra cũng có cả loài biết bay nữa. Đêm nghe tiếng xuồng máy ở xa đâu đó, trong mơ hồ lại hiện ra một “con đom đóm” bay kiếm ăn đêm.
Người ta đến Đất Mũi, cốt để đi ra ngó cái Mũi Đất và cột mốc tọa độ đánh dấu cực nam của tổ quốc, vậy mà sáng hôm sau, hai đứa chúng tôi nhìn nhau lắc đầu “không có ý muốn check-in” rồi lái xe đi thẳng, khởi đầu cho chặng đường Nam – Bắc đang đợi phía trước. Vậy là suốt cả chặng đường đến, đi và ở Đất Mũi, tôi không có được một tấm ảnh, đó cũng là một sự tiếc nuối mà sau này tôi còn nhắc mãi.
Nếu lần tới có cơ hội đến Đất Mũi, hoặc nếu có ai hỏi Đất Mũi có gì, tôi nhất định sẽ nói đặc sản Đất Mũi là “đom đóm”. Mà muốn xem đom đóm, nhất định phải ghé lại qua đêm. Đêm càng tối bao nhiêu, đom đóm càng đẹp bấy nhiêu.
Có được tấm ảnh đêm đom đóm cũng hay lắm rồi.
LikeLike
Ảnh cháu lấy trên mạng cô ạ. Chứ cháu thì không biết chụp để được một tấm nhìn ảo diệu như vậy
LikeLiked by 2 people
Tình cờ hôm nay mình cũng vừa thấy 1 con đom đóm (trong thành phố), thì đọc bài này. 🙂
LikeLiked by 1 person
Trong thanh phố thì ít nhỉ, bình thường mình ở nhà, ở ngoại thành thì tối nào cũng thấy. Nhưng ở thành phố thì chưa thấy bao giờ
LikeLike
Ừ nên m nghĩ nó bị “lạc bầy”. 😆
LikeLiked by 1 person