Miền Tây và những chuyến phà

Nhiều khi thơ thẩn, tôi lại nhớ những ngày ở Miền Tây và thử đếm những lần mình đã được (hoặc phải) qua phà để tiếp tục hành trình tới những điểm đến mới. Có những đoạn đường đi chỉ hơn chục cây số, qua tới ba bốn lần phà. Trước đây tôi từng tới Miền Tây một lần, nhưng giống như du khách bình thường, đi điểm qua một vài điểm du lịch phổ biến nên không có cơ hội được trải nghiệm cái gọi là “hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt của đồng bằng sông Cửu Long” mà hồi xưa có miêu tả trong sách Địa Lý.

DSCF1968

Giá vé qua phà có lẽ phụ thuộc vào độ rộng của khúc sông. Có trạm thu bốn ngàn đồng, có trạm sáu ngàn, và nhiều nhất là tám ngàn một xe máy. Phương tiện khác thì sẽ có mức thu khác nhau, ô tô tùy thuộc vào trọng tải. Phà dân sinh nên cả một ngày chỉ chạy đi chạy lại giữa hai bên bờ sông, đưa hết lượt người này qua lại đón một lượt người khác, cứ thế từ tờ mờ sáng cho tới tối mịt.

Những chuyến phà qua sông rộng, trên phà luôn luôn có một quán nước nhỏ bán mấy chai nước ngọt, trà đá, xí muội… Những ngày rảnh rang, qua phà là một chuyện tốt, không cần phải lái xe, được lười biếng ngồi uống cốc nước ngắm sông nước mây trời. Còn những ngày lịch trình dày đặc, nó lại biến thành một sự phiền phức. Mỗi lần qua phà lại một lần phải chờ đợi, một lần ngửi mùi cháy khét của dầu máy.

Thế nhưng nghĩ lại, trên hầu hết những chuyến phà đã qua, ngoài chúng tôi ra, thì đâu có ai rảnh rang để mà ngắm mây ngắm nước cơ chứ, hoặc nếu có, thì là họ đang lo đến cơn giông buổi chiều có thể kéo đến. Gương mặt ai cũng vội vã, cũng lo âu.

DSCF1965

DSCF1977

DSCF1974

Trên phà nào những người đi chợ, người đi làm, người đi khám chữa bệnh. Học sinh, xe hàng rong, ôtô chở hàng… Người bán vé số tranh thủ đông người đi đi lại lại hai lượt mời chào, các cô bán hàng rong cũng tranh thủ sắp lại chút hàng trong thúng: vài túi cóc xoài dầm, móc chìa khóa, gương lược, kim chỉ cùng mấy món lặt vặt khác.

Qua phà nhiều nhất có lẽ là những người đưa hàng, từ xe tải to tải nhỏ, cho đến những chiếc honda buộc chằng chịt phía yên sau: bình nước uống, lồng gà, trái cây… rồi ti tỉ thứ trên đời. Rồi tới mấy cô cậu học trò giờ tan lớp, đứa chạy xe đạp, đứa đi bộ, có lẽ nhà chỉ ở ngay bên kia sông. Ở miền Nam, mà đặc biệt là miền Tây, mấy cô nữ sinh thường hay mặc áo dài tới trường. Không rõ có phải do quy định về đồng phục hay không, nhìn những tà áo dài trắng thướt tha mà phải tất tả dưới cái nắng trưa chói chang khiến người ta cũng có chút rung động.

DSCF1975

Ngày nay, dù rằng chưa có điều kiện để xây thêm nhiều những cây cầu phục vụ giao thông, song những chuyến phà lớn chạy thường xuyên như vậy đã tiện lợi hơn cho việc đi lại rất nhiều. Ít ra người ta không cần phải chờ đợi cả ngày trời để lên những con tàu tư nhân nhỏ chỉ chở được người cùng vài chiếc xe đạp xe máy. Cũng không cần phải bốc dỡ hàng hóa ở bờ bên này cho lên phà chở hàng, rồi qua tới bờ bên kia lại mất một lượt sức nữa chất lên con xe ô tô khác. Người ta có thể ngày ngày qua bên kia sông làm việc tối lại về nhà. Cũng có thể theo học ở ngôi trường bên kia bờ sông, chỉ cần qua một chuyến phà là tới, thay vì phải đạp xe tận mười cây số đường bộ để tới một ngôi trường khác nếu không tiện phà. Người ta đi khám bệnh, đi thăm bà con, cả đi rước dâu cũng tiện hơn nhiều nữa.

Phà vừa cập bến, đường ai nấy rẽ mỗi người một ngả riêng.

4 thoughts on “Miền Tây và những chuyến phà

  1. Các chuyến phà thật chóng vánh nhỉ :)) chưa qua chuyến này bao giờ, có lẽ sắp tới vào đó, mình phải thử mới được, và làm sao để tận hưởng cái mạng lưới chằng chịt như sách địa lý vầy bạn 😀

    Like

    1. Tại hồi năm ngoái mình đi phượt bằng xe máy hết các tỉnh, nên ở Miền Tây mới được đi nhiều phà như vậy. Miền Tây giờ có nhiều cầu rồi, nhưng vẫn thấy chằng chịt lắm :))

      Like

      1. Miền Tây nghe thôi đã thấy chằng chịt rồi, vẫn mơ 1 ngày ngồi trên thuyền đi ngao du các trợ trên biển vào buổi sáng ❤ thật tuyệt

        Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s