Bến Tre xứ dừa

Ngày đó bỏ lỡ chuyến tàu đi Côn Đảo, buổi sáng ở thành phố Sóc Trăng chúng tôi còn lê la ăn sáng đến tận hơn 9 giờ. Lúc ăn sáng xong, tôi uống cà phê như thường lệ, còn Khunie, nó gọi một quả dừa tươi cắm thêm chiếc ống hút. Được một ngụm, nó chê dừa nước không ngọt, hỏi xin thêm đường. Tôi nhấp thử một chút, ngọt lè, vậy mà nó còn muốn thêmnữa. Nó nói đợi chiều tới Bến Tre nhất định phải uống một quả dừa thật là ngon của xứ dừa.

Xưa giờ ai cũng biết dừa Bến Tre nổi tiếng: dừa nước, dừa cùi, kẹo mứt dừa, rượu dừa cho tới các sản phẩm thủ công được làm từ vỏ quả dừa nữa. Chỉ có điều tôi hay thắc mắc, rằng miền Tây trồng dừa khắp nơi, từ Sóc Trăng rồi qua Trà Vinh dừa đâu thiếu, sao người ta gọi mỗi Bến Tre là xứ dừa?

DSCF1993

Chỉ cho tới khi chúng tôi qua cây cầu sông Cổ Chiên – ranh giới phân đôi giữa Trà Vinh và Bến Tre. Cầu Cổ Chiên rất cao, ở trên đỉnh cầu có thể bao quát toàn bộ vùng đất bao la phía trước, chính là Bến Tre, một Bến Tre mà mấy ngàn cây số vuông không thể nhìn thấy gì khác ngoài màu xanh của tán dừa. Thôi được rồi, từ giờ tôi sẽ không thắc mắc thêm bất cứ điều gì nữa.

DSCF1989

Chiều hôm đó tới Bến Tre sớm, chúng tôi ngồi một quán nước vỉa hè trong thành phố rồi tìm đường tới Ba Danh Homestay ở Nhơn Thạnh. Đi theo Google Maps tới bên xóm, chỉ còn chừng hơn hai cây số nữa thì bắt đầu rơi vào ma trận đường làng lối xóm, thêm vài ba (chục) con kênh.

Từ con đường nhựa chính của xã, tôi rẽ vào đường nhỏ giữa những hàng dừa rợp mát, tự tin đi thẳng một mạch dài. Cuối đường là dòng kênh cắt ngang với chiếc xuồng buộc hờ gốc dừa, và không có cái homestay nào ở đó. Tôi dò lại bản đồ, quay đầu lại một đoạn rồi rẽ phải vào một con ngõ trông có vẻ đúng hơn. Ngõ này rợp hơn, tán dừa thấp đan vào nhau thành cái cổng vòm gần như suốt dọc đường đi, đoạn lại qua một cái cầu cong nhỏ. Nó cũng lại dài hơn nữa, tôi chạy chầm chậm, hai đứa chia nhau đứa bên trái đứa bên phải, để ý ven đường nhưng rốt cuộc vẫn không thấy tấm biển homestay nào cả. Ở cuối xóm, tôi gặp một chú nọ tiện hỏi đường. Chú nói: “Tụi bay quay lại cái ngã ba kìa, rồi rẽ trái đi thêm đoạn nữa tới”. Chúng tôi nhìn nhau, tới ngã ba rẽ trái chẳng phải là con đường cụt chúng tôi vừa đi còn gì. Vậy nhưng tôi vẫn quay lại đó một lần nữa, để xác nhận chắc chắn là chúng tôi không bỏ qua bất cứ điều gì.

Cho đến khi không thể tin tưởng vào Google Maps được nữa (có thể là do định vị của Ba Danh Homestay trên GM bị sai), chúng tôi đành quay lại đường lớn, đứng ở một vị trí có tên gọi rồi gọi điện cho anh chủ nhà ra đón. Kết quả, nó chẳng hề liên quan gì đến đoạn đường mà chúng tôi vừa đi lúc nãy.

Ngay bên trong khuôn viên nhà anh Ba Danh, dù đã đi qua cổng nhưng khi vào bên trong vẫn cần phải bẻ lái qua cây cầu vừa cong vừa nhỏ vắt ngang con kênh chảy quanh nhà để vào trong hiên.

DSCF1997

Nhà dựng bằng gỗ, tôi không biết là gỗ gì, lợp mái lá, nếu như xưa chắc người ta hay lợp luôn bằng lá dừa đan lại thành mê, nằm giữa một khu vườn cây trái rất rộng. Nhà có một gian phòng khách nhỏ, còn lại chia thành bốn năm gian ngủ khác nhau cho khách lưu trú. Bên trong phòng mọi thứ cũng đơn giản thôi, có giường chiếu chăn màn, mắc treo quần áo và hai đôi dép lê. Ngoài hiên rộng có kê mấy bộ bàn ăn và mấy chiếc võng. Cách một đoạn vườn, bên rìa con kênh lớn anh có dựng một cái lán khá rộng, một phần nhô ra bên trên mặt nước, làm cái nhà hàng cho khách ăn uống. Hôm ở đó, cả nhà chỉ có mỗi hai đứa tôi, chị Ba gợi ý vài món ăn cơm cho chúng tôi chọn rồi đi chợ mua đồ về nấu. Cá kho, canh chua đồ… những món ăn gắn liền với miền sông nước.

Ba Danh Home Stay
Ảnh từ booking.com

Lúc đợi cơm, tôi mang cuốn sách ra võng ngồi đọc. Mỗi nhà ở đây đều bao quanh bởi khu vườn rộng, cách rất xa đường đi nên tuyệt đối yên tĩnh. Buổi xế chiều gió nhè nhẹ, tôi đẩy chân cho võng đung đưa, tận hưởng từng dòng chữ. Tối ăn cơm xong, tôi lại mang laptop ra ngoài võng ngồi làm việc một chút rồi đeo tai nghe vào xem phim. Cả nhà buổi tối gần như không để điện, bên ngoài trăng sáng, lại thêm mấy tán dừa cạn cao rất cao. Ngẩng đầu lên thấy tán dừa thỉnh thoảng đưa theo gió, gạch vài nét xước xước đen mờ vào trăng.

Sớm hôm sau, thức giấc trong cái nắng trong trẻo, tôi dạo một vòng quanh vườn chụp vài kiểu ảnh trong lúc đợi bữa sáng, tranh thủ đọc thêm vài trang tiểu thuyết trước khi chào tạm biệt anh chị chủ nhà.

DSCF1998

DSCF2005

Để chính thức rời khỏi Bến Tre để quay trở về Sài Gòn, chúng tôi lướt qua thăm một vài điểm dành cho khách du lịch. Thường thường, khách tới Bến Tre sẽ đi xuồng xuôi theo mấy con kênh thông thoáng nhất, trông như những đại lộ giữa bạt ngàn dừa nước, ghé nhà đan chiếu cói, làm đồ thủ công từ tre nứa, rồi cuối cùng tới xưởng làm kẹo dừa thủ công và các sản phẩm khác từ dừa. Ở đó, Khunie được uống một quả dừa chính gốc Bến Tre mà nó ao ước, còn được nghe hai đoạn Đờn ca tài tử với lời ca tiếng đờn da diết, trữ tình. Vậy là mãn nguyện rồi!

5 thoughts on “Bến Tre xứ dừa

  1. Mà ngồi võng ngoài vườn có bị muỗi cắn không bạn. M mới đi cần giờ núi bà đen về chỗ nào cũng bị côn trùng cắn đầy tay đầy chân sẹo tùm lum rồi

    Like

    1. Võng mắc ngay ở cột ngoài hiên nhà thôi không phải ngoài vườn đâu. Hôm mình ở thì không có muỗi, nhưng mùa ẩm thì chắc có. Nếu muỗi có thể cắm thêm quạt là bay đi hết mà. Không lo đâu.

      Liked by 1 person

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s