Ngày cuối cùng ở Penang, tôi lang thang trong phố cổ đến tầm chiều rồi lên xe bus số 101 từ trung tâm George Town để tới điểm cuối ở Vườn quốc gia Penang bên bờ biển.
Tôi lên xe cùng một nhóm học sinh tan học về, ngồi ở mấy hàng ghế phía gần cuối. Đi thêm hai điểm nữa, một nhóm tiếp theo lên lấp đầy các chỗ trống còn lại trên xe bus. Mấy em nam mặc đồng phục học sinh, nữ thì có em mặc áo dài choàng khăn Hijab, có em mặc quần áo bình thường giống như tôi.

Lại qua thêm hai điểm dừng nữa, chiếc xe đã đi ra khỏi bên ngoài khu vực phố cổ. Trên xe các bạn nhỏ cũng bắt đầu đùa giỡn nói chuyện phiếm. Phía sau lưng mình, tôi nghe một nhóm nói chuyện bằng tiếng Malay, một nhóm nói với nhau bằng tiếng Quảng Đông (Cantonese), rồi một nhóm khác nói tiếng Phúc Kiến Trung Quốc pha lẫn với tiếng Anh. Còn khi cần nói chuyện tất cả với nhau, bọn nhỏ lại dùng chung hai ngôn ngữ chính là tiếng Malay và tiếng Anh.
Tôi đã ở bên trong phố cổ George Town của Penang hai ngày, đi bộ khắp các ngóc ngách từ Little India, tới nhà thờ Hồi Giáo Kapitan Keling tham dự một buổi lễ chiều, từ Cung Thiên Hậu tới Nhà cổ Khoo Kongsi, đi hết những con ngõ nhỏ ở China Town rồi các ngôi làng ven biển, và thử hết những món ăn đặc trưng của người Malay, người Hoa, người Ấn. Hai ngày ở phố cổ để khám phá và cảm nhận trọn vẹn George Town, thủ phủ của Penang, được miêu tả là một sự tổng hòa kỳ diệu của các tôn giáo và nền văn hóa lớn: Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, Phật Giáo và các tin ngưỡng của người Trung Hoa cùng với tín ngưỡng địa phương.
Thế nhưng, toàn bộ những ngôi đền, những tòa nhà thờ, những ngôi nhà cổ biểu trưng cho nét kiến trúc riêng biệt của từng nền văn hóa trong phố đối với tôi lại là những hình ảnh mờ nhạt và có chút gì hơi lộn xộn. Tôi không thấy sự hòa quện mà người ta vẫn thường hay nói đến.
Còn ngay giây phút tôi tò mò nghe vài cuộc chuyện trò trên những hàng ghế cuối của một chuyến xe bus thường nhật, những dòng chữ về lịch sử hình thành và sự giao thoa văn hóa của Penang mà tôi đã đọc ngày hôm qua trong một bảo tàng lại hiện lên rõ nét hơn bao giờ hết.
Penang nguyên là bộ phận của Vương quốc Kedah của người Mã Lai, được Quốc vương Abdullah Mukarram Shah cho Thuyền trưởng Francis Light thuê, để đổi lấy sự bảo hộ quân sự trước quân đội Xiêm La và Miến Điện – những thế lực đang đe dọa Kedah. Đối với Francis Light, Penang là một địa điểm thuận tiện với mậu dịch và có một vị trí lý tưởng để ngăn chặn ảnh hưởng của Pháp và Hà Lan trong khu vực. Penang là khu định cư đầu tiên của Anh Quốc tại Đông Nam Á, và là một trong những khu định cư đầu tiên của đế quốc sau khi để mất Mười ba thuộc địa tại Bắc Mỹ.
Penang trở thành thuộc địa thịnh vượng nhờ mậu dịch: hạt tiêu và các loại gia vị, tấm vải Ấn Độ, quả trầu không, thiếc, thuốc phiện, và gạo. Sự phát triển kinh tế thúc đẩy phong trào những người Hoa tiên phong di cư đến đảo (chủ yếu là các thương gia người Phúc Kiến) và việc này được Anh Quốc tích cực khuyến khích. Các đối tác mậu dịch quan trọng nhất của Penang là Trung Quốc, Ấn Độ, Xiêm La, Sumatra, Java, Anh Quốc, cũng như các lãnh thổ khác thuộc khu định cư Eo biển.
Do kinh tế phát triển, nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng trong các công trình công cộng, chính phủ bắt đầu tiến hành sử dụng các lao động phạm nhân người Ấn Độ với chi phí thấp.
Ngày 7 tháng 7 năm 2008, thủ phủ lịch sử của Penang là George Town chính thức trở thành một Di sản thế giới, cùng với Malacca. Địa danh được chính thức công nhận là có “phong cảnh đô thị độc đáo về kiến trúc và văn hóa mà không tương tự như bất cứ nơi nào tại Đông và Đông Nam Á” -Wikipedia-
Trên xe, tôi nghe không hiểu câu chuyện của mấy đứa nhỏ đang nói những gì, nhưng tôi có cảm giác như mình đang đi lạc vào một không gian khác, khi nhìn thấy từ những giọng nói đó hình ảnh sống động của từng dòng người năm xưa di cư lên đảo. Những hình ảnh đó chuyển động dần theo cùng vòng quay của bánh xe.
Ở ngay trên chuyến xe này, những người trẻ cùng sinh ra và lớn lên tại Penang, tiếp nhận chung một nền giáo dục nhưng vẫn thừa hưởng được những nét đặc trưng văn hóa từ nguồn gốc của mình, xuyên suốt hơn mấy trăm năm vẫn chưa từng biến đổi, vẫn đang còn hiện hữu đậm nét và đi song song với nhau, đồng hành trên con đường chung kiến tạo một Penang phát triển hiện đại. Tôi thấy rồi, một Penang mà trong tâm thức tôi định hình và tìm kiếm, khiến cho những hình ảnh hai ngày qua của George Town được thổi vào cái hồn sinh động chứ không còn là những bức vẽ cũ kỹ nhạt màu.
Có người nói người ta yêu nhau, hay phải lòng một điều gì cũng chỉ bởi một cái “moment” nào đó thôi. Có lẽ, cái “moment” của tôi đối với Penang, hay Malaysia chính ở trên chuyến xe này. Và cũng giây phút đó tôi cuối cùng cũng đã lĩnh hội được ý nghĩa của danh hiệu thành phố Di sản UNESCO mà người ta vẫn dùng để quảng bá du lịch Penang.