Ai cũng muốn có một ngôi nhà như Cọ Cùn ở Buôn Mê Thuột, một căn nhà cấp bốn hoàn toàn bằng gỗ, có gác xép rộng, nằm sâu cuối một con dốc siêu siêu dốc trong con hẻm nhỏ ở phố núi Tây Nguyên. Bên trong nhà, bàn ghế, tủ chè và chiếc TV đen trắng như mấy chục năm về trước, đèn thắp bóng tròn một màu vàng ấm áp hoài cổ. Cạnh tường dựng giá vẽ và mấy khung tranh. Chủ nhân của Cọ Cùn và những người thường ghé đến đều là những người yêu thích hội họa, đi tìm ý tưởng sáng tác. Trên gác, chiếc tủ quần áo kê cạnh giá sách, tấm đệm đôi rất dày đặt giữa sàn sàn, bên hông là chiếc rương gỗ và một bàn làm việc nhỏ ở góc phòng. Đơn giản và thoải mái.

Phía bên ngoài trên căn gác để bộ bàn ghế nhỏ và một chiếc ghế băng dài dựa vào vách tường. Trên đầu phủ mái bằng tấm bạt dày thay vì lợp ngói như trong phòng. Thần kỳ ở chỗ tấm bạt cuốn phía trên có thể kéo dây để thu lại như rèm cửa, mở ra bầu trời đêm thanh tịnh lãng mạn, cũng có thể nhìn sang xung quanh, những nóc nhà trong xóm nhấp nhô, những ánh đèn điện le lói. Uống trà thì thanh cảnh, mà làm vài lon bia và ít đồ nhắm cũng rất tuyệt vời.

Tôi không biết vẽ, không hiểu hội họa, nhưng thiết nghĩ buổi tối trời thanh mát, ngồi duỗi chân thoải mái trên băng ghế bên ngoài gác xép ngắm trời đêm nhất định sẽ cảm thấy tâm hồn được nghỉ ngơi, được tự do, thỏa sức tưởng tượng.
Ai cũng muốn được sống ở một nơi như Buôn Mê Thuột, nằm ở vùng cao nguyên không khí trong lành, khí hậu mát mẻ. Sáng sáng đón ngày mới bằng ly cà phê đen đá vỉa hè, thứ cà phê Ban Mê thơm lừng, vang danh khắp chốn. Chiều tối sau giờ làm, lười biếng nấu cơm, vợ chồng con cái kéo nhau ra phố lót dạ bát hủ tíu, cái bánh bao rồi ngồi uống nước hoa quả trước khu chợ trung tâm. Buổi tối ở Buôn Mê Thuột vô cùng nhộn nhịp, cùng rất nhiều món ăn tối để chọn lựa, như một dãy đồ nướng siêu phù hợp với tiết trời se se trên vùng cao nguyên.
Cuối tuần ở Buôn Mê, người ta đem theo tấm bạt dứa mỏng và ít đồ ăn đi picnic ở Thác Dray Sap – Dray Nur, đi qua con đường rừng cà phê bạt ngàn. Dray Sap – Dray Nur cùng với thác Gia Long phía thượng nguồn, hay còn gọi là Đray Sáp Thượng, là cụm thác nước hùng vĩ đẹp tuyệt của sông Serepôk, món quà mà tự nhiên ban tặng cho núi rừng Đắk Lắk và Đắk Nông. Tương truyền, Dray Sap Dray Nur là hai ngọn thác của câu chuyện tình yêu được ví như chuyện tình Romeo và Juliet của Tây Nguyên.
Truyền thuyết kể rằng, xưa kia ở Đăk Lăk, dòng sông Sêrêpôk chỉ mới là một dòng nước bình thường, chảy quanh thôn làng. Và rồi, ở nơi hai bên bờ sông, một đôi nam nữ đã đem lòng yêu thương nhau, nhưng tình yêu của họ không chỉ bị ngăn cách bởi dòng sông, mà còn bị cấm đoán bởi hai gia đình. Quá đau khổ, trong một đêm tĩnh lặng, đôi tình nhân cùng nhau gieo mình xuống dòng nước để mãi mãi bên nhau. Thời khắc ấy, từ đâu gió to sóng lớn nổi lên cơn thịnh nộ, chia tách sông Sê-rê-pôk thành hai nhánh, mà sau này người dân hay gọi là nhánh sông đực và nhánh sông cái. Dòng chảy của nhánh sông đực đã tạo ra thác Dray Sap và dòng chảy của nhánh sông cái chính là hiện thân của thác Dray Nur
Đúng như truyền thuyết, “đôi vợ chồng” Dray Sap và Dray Nur thuộc về hai dòng tộc khác nhau nên ngày nay được quản lý bởi hai tỉnh khác nhau là Đăk Lắk và Đăk Nông. Đoạn giữa của hai khu sinh thái chỉ cách nhau một cây cầu treo và một đoạn ngắn vườn cây, cỏ dại che hết tầm nhìn. Nếu như không để ý kỹ hẳn sẽ giống như chúng tôi, buổi sáng đi vào Dray Nur, thăm thú hết các ngóc ngách thì đi bộ ngược ra phía bên ngoài cổng, giữa trưa nắng chạy xe máy hai chục cây số để đến Dray Sap, tiếp tục mua vé vào bên trong. Đến khi gặp cây cầu treo, tò mò đi sang phía bên kia cây cầu, băng qua đám cây dại thì bất ngờ phát hiện khung cảnh quen thuộc ban sáng hiện ra như một điều kỳ diệu.
“”SURPRISE!!!!”” =]]]
Ai cũng muốn ở bên cạnh một người phụ nữ như bà chủ quán cà phê ARUL ở Buôn Mê Thuột. Người ta đến ARUL vì không gian độc đáo, quán cà phê trong một ngôi nhà dài truyền thống, có sân vườn cây cối xinh đẹp, mát mắt, trang trí bằng những vật biểu tượng đặc trưng của người Ê Đê, và có ly cà phê thơm ngọt. Nhưng có lẽ điều để người ta nhớ đến nhiều hơn, và sẽ quay lại với ARUL lại chính ở cái cách nói chuyện niềm nở lại thân thuộc, duyên dáng của bà chủ.

Buổi sáng cuối tuần ARUL rất đông khách, đông tới mức chỉ cần đến muộn vài phút là đã không còn đủ chỗ trống cho hai người. Chúng tôi ngồi bàn kê ngoài hiên nhà, loại bàn ghế làm từ những bộ rễ xà cừ lớn. Bên cạnh là mấy chú nhiếp ảnh gia có lẽ cũng bay từ ngoài Bắc vào, nói chuyện cùng bà chủ vô cùng rôm rả và tự nhiên, hẳn là đã quen biết nhau từ lâu lắm. Có vẻ năm nào các chú cũng dành một khoảng thời gian tới chụp Buôn Mê Thuột, cũng như ghé thăm bà chủ quán. Bà chủ xinh đẹp có nước da nâu ngăm của phụ nữ Tây Nguyên, mặc một chiếc váy dài màu đen đi từng bàn chào khách, hỏi han hai ba câu chuyện, hỏi cà phê uống có vừa miệng chăng. Người con gái của đại ngàn trông có vẻ mạnh mẽ, phóng khoáng vô cùng quyến rũ, hẳn sẽ mang lại cho những người xung quanh một nguồn năng lượng dồi dào lắm.
Tôi lúc nào cũng tưởng tượng về một hình mẫu người con gái Tây Nguyên như thế và đặc biệt yêu thích cái hình mẫu đó, nên khi được gặp chị, giống như được gặp “cô gái trong tiểu thuyết” bước ra hiện thực, vô cùng thích thú.
Tôi muốn quay lại Buôn Mê nhiều nữa, để tham gia biết bao nhiêu lễ hội của thành phố đại ngàn: Hội đua voi, Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, Lễ cúng bến nước, cúng lúa sắp trổ bông và cúng lúa mới của dân tộc Ê Đê hoặc lễ hội cà phê Tinh Hoa Đại Ngàn.
Tôi còn muốn quay lại Đăk Lăk, đặt một cái homestay bên hồ Lăk thảnh thơi nghỉ dưỡng, chèo thuyền dạo vòng hồ, xem voi lội nước, đạp xe qua các buôn dân tộc Bana Ê Đê, tận hưởng không khí trong lành của núi rừng, chiều đợi màu hoàng hôn tuyệt đẹp buông xuống lòng hồ.
Bài viết giới thiệu về Ban Mê rất hay.
LikeLike
Dạ, em cảm ơn anh/chị!
LikeLike
Từ chỗ cửa vào đến thác có xa ko bạn Táo? Mình sắp phải dẫn một số U70 đi BMT mà ko biết vụ thác này có khả thi ko 🙂 Quả cầu treo nghe có vẻ phiêu lưu haha.
LikeLike
Gọi là cầu treo thôi nhưng cũng chắc chắn, 1 người đi không rung đâu :)) Từ cửa vào thác chắc khoảng 50m thôi Len ạ. Từ thác bên này sang bên kia đi đường tắt qua cầu chắc khoảng 200m. Có điều đi từ Dray-Nur sang đi sâu vào trong đến nhà hàng bán đồ uống cảm giác đã là kịch đường rồi, xung quanh toàn cây cối rậm rạp, phải đi thẳng qua hết bụi cây đó mới nhìn thấy đường dẫn sang Dray-sap :)) Thế nên lần trước Táo đã tưởng hết đường, vòng lại đi xe hai chục cây số nữa tới cổng bên kia @@ Không biết giờ người ta có mở rõ cái đoạn đó ra chưa.
BMT còn có thể đi Hồ Lak, buôn Jun chỗ người ta nuôi voi cũng ở bên hồ Lak luôn, còn có 1 khu nghỉ nữa.
LikeLiked by 1 person
Thank you Táo nhiều nhé! Vụ Dray Sap thì mình có google map thử. Có vẻ là vẫn phải băng “rừng”. Chẳng biết các cụ có chịu đi ko nữa 🙂 Mà thác Dray Nur nhìn hoành tráng hơn đúng ko?
LikeLike
Ừ Dray Nur thác rộng hơn, sông chảy ở dưới rộng hơn mà nếu mùa đẹp thì nước cũng xanh nữa, nên nhìn đẹp hơn bên kia. Băng “rừng” khéo chỉ 10 – 20m một đoạn ngắn xíu mấy bước thôi ấy, nhưng vẫn phải qua rào cản tâm lý trước :)))
LikeLiked by 1 person