Hồi đầu tiên, lúc mới nảy ra ý định đi xuyên Việt là khoảng ra Tết 2018 một chút, chúng tôi tính khởi hành từ Hà Nội vào tháng 7, trên đường về qua Ninh Thuận sẽ đúng vào đợt lễ hội KATE của người Chăm. Vậy mà cuối cùng kế hoạch đẩy lùi tận hai tháng, nên lễ hội cũng đã qua mất từ lâu.
Ở phía Nam, có lẽ bởi vì xa xưa trước đây vốn dĩ là Vương quốc Chăm-pa nên văn hóa của người Chăm rất đậm rất rõ nét, được thể hiện qua trang phục, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, nghề gốm ở Bàu Trúc, dệt thổ cẩm… Chỉ riêng Ninh Thuận hiện nay, theo một nguồn thông tin lượm lặt, là địa phương có số lượng người Chăm sinh sống lớn nhất cả nước với con số khoảng hơn 60 nghìn người, chủ yếu theo Đạo Bà la môn, và Đạo Hồi cổ đã được bản địa hóa từ xưa.
Hôm đó vào Bàu Trúc buổi chiều, chúng tôi đi quanh một vòng từ đầu làng đến cuối làng xem có nhà nào đang dở tay làm mẻ gốm mới sẽ tranh thủ vào ngó nghiêng quan sát một chút. Tiếc rằng không có. Ra đến nhà văn hóa, có rất nhiều người đang tụ lại ở đó, thấy đông vui chúng tôi cũng ghé lại tham gia. Trong khuôn viên nhà văn hóa chia ra làm mấy nhóm: người đứng làm đạo cụ, người dạy đám trẻ con tập trống Gineng, một già làng dạy thổi kèn Saranai, và cả những người không có công chuyện gì như chúng tôi, đứng xung quanh xem náo nhiệt.
Trống Gineng là loại nhạc cụ truyền thống không thể thiếu trong các lễ hội của người Chăm, có hình dạng giống như trống cơm của người Việt nhưng kích thước lớn hơn, thân trống làm bằng gỗ lim hay trắc dài khoảng 0,7 m, được bào trơn nhẵn cả trong lẫn ngoài. Hai mặt trống được căng da, mặt nhỏ thường được căng da dê hay da nai và đánh bằng tay không, mặt lớn được căng da trâu và đánh bằng dùi. Trống Gineng bao giờ cũng dùng đôi, diễn tấu trong tư thế ngồi với trạng thái tĩnh, hai chiếc đặt chéo nghiêng áp sát nhau trên mặt đất, do nghệ nhân dân gian sử dụng.
Bọn nhỏ ở ngồi xếp thành hàng trong sân tập, một đứa ngồi hẳn phía trên, quay mặt xuống dưới làm mẫu và lấy nhịp, tôi đoán nó là đứa đánh giỏi nhất. Nhịp trống nhìn qua thì có vẻ đơn giản, vì nó cứ lặp đi lặp lại một vài lần thì sẽ có một nhịp ngắt hoặc chuyển. Thế nhưng khi vào thử mới thấy nó không hề giống như mình nghĩ chút nào, rất dễ quên nhịp, dễ nhầm lẫn hơn nữa cần phải kết hợp cả nhịp của dùi trống ở mặt dưới và cả tay vỗ mặt trên. Tranh thủ lúc được nghỉ giải lao, chúng tôi nhờ mấy đứa ngồi đối nhau chơi thử một bài đúng như khi biểu diễn thực sự, và khi đó tôi đã nhận ra rằng tất cả những gì mà chúng tôi vừa xem khi nãy chỉ là bài học vỡ lòng.
Sáng hôm sau chúng tôi theo đúng lịch trình mà một du khách phải đi mỗi khi đến Ninh Thuận: tới thăm tháp Po Klong Garai, đi xem vườn nho rồi theo con đường biển vòng qua Vịnh Vĩnh Hy đẹp mê mẩn để đến Nha Trang.
Tháp Po Klong Garai nằm trên ngọn đồi Trầu, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, là một quần thể gồm tháp Chính, tháp Lửa và tháp Cổng. Trong ngôi tháp Chính thờ vua Po Klong Garai (1151 – 1205) với biểu tượng Mukha – Linga. Ngài là người có công trạng to lớn trong việc xây dựng hệ thống dẫn thủy nhập điền phục vụ nông nghiệp của người Chăm trong vùng. Quần thể tháp được bao bởi một khung tường thành vuông góc ở 2 mặt Đông và Nam. Đây là một công trình thờ phượng song có giá trị nghệ thuật kiến trúc xây dựng và điêu khắc các phù điêu như Thần Siva, tượng Bò Thần Nandin, tượng vua… được xem là cụm tháp hùng vĩ và đẹp nhất trong những đền tháp của người Chăm còn tồn tại ở Việt Nam hiện nay.
Xem thêm chi tiết tại: Du lịch Ninh Thuận – Di tích Tháp Pô Klông Garai
Ninh Thuận có quá nhiều cảnh đẹp và nét thu hút: những bãi biển vắng người màu nước xanh ngắt, những đồi cát cao ngút như một sa mạc thu nhỏ cùng hình ảnh những người phụ nữ Chăm quấn khăn rằn đội chum nước trên đầu in bóng nắng trên nền cát.
Tôi biết tôi sẽ còn lần sau tới Ninh Thuận, có thể là một chuyến nghỉ biển, hoặc vào dịp lễ hội KATE mà chúng tôi không kịp đến lần này. Ở Ninh Thuận, điều tiếc nuối nhất của chúng tôi là đã bỏ lỡ đoạn đường chạy qua Đồi cát Nam Cương, bù lại, được xem buổi tập trống là một điều may mắn tuyệt vời. Chắc chắn vào dịp sau tôi sẽ không thể bỏ qua đồi cát thêm một lần nữa, nhưng những buổi tập như thế này thì lại không chắc bắt gặp lần thứ hai. Hy vọng nếu được đến Ninh Thuận vào dịp lễ hội, tôi có thể thưởng thức những màn biểu diễn trống trọn vẹn và đặc sắc nhất mà các bạn đã bỏ nhiều công sức luyện tập.
Theo mình thì Ninh Thuận là một trong những vùng đất còn nguyên vẹn vẻ quyến rũ nhất Việt Nam. Ninh Thuận nằm giữa hình chữ S nhưng cái đẹp của Ninh Thuận là cái đẹp của những thứ tận cùng: tận cùng nắng, tận cùng gió, tận cùng khô, tận cùng cát, biển cũng xanh ngắt tận cùng. Người Ninh Thuận cũng hồn hậu dễ thương nữa.
Nếu như Bát Tràng vuốt gốm có bàn xoay, người thợ ngồi một chỗ rồi xoay bàn để tạo hình cho thỏi đất sét, Bàu Trúc thì ngược lại, bàn đất sét cố định, còn nghệ nhân đi giật lùi xung quanh bàn gốm để nắn vuốt. Cũng thú vị phết.
LikeLiked by 1 person
Tớ chưa được xem làm gốm ở Bàu Trúc. Đợt đó mỗi nơi chỉ ở lại 1 đêm, nên không gặp nhà nào làm gốm là thôi, hôm sau không quay lại nữa. Nhưng nhìn sản phẩm thì đúng là khác hẳn với Bát Tràng. Họ không tráng men và màu gồm nó có vẻ “nắng gió” chứ không long lanh như Bát Tràng.
Còn Ninh Thuận thì đúng là quá quyến rũ, cảnh đẹp, văn hóa đậm đặc. Mấy cái ảnh chụp trên đường đi Ninh Thuận, lúc đi chỉ chụp vội vài cái thôi mà khi về lâu lâu mở ra xem lại thấy bị rung động -.-
LikeLike