Sống đời của chợ – Tác giả: Nguyễn Mạnh Tiến là cuốn sách nằm trong dự án Hiểu Việt Nam của NXB Hội Nhà Văn.
Cuốn sách được ghi là dành cho những người đàn bà đi chợ. Sẽ có đôi lúc, người ta nhắc đến đàn bà và chợ như một câu châm biếm về những chuyện vặt vãnh và ồn ào, về những tính toán chi li cỏn con trong cuộc sống thường ngày, những chuyện mà một nam nhi đại trượng phu – người làm chủ gia đình không bao giờ để mắt tới. Thế nhưng, chính những người đàn bà đi chợ, những người đàn bà ở chợ lại là những nhân tố quyết định và lưu truyền một nền văn hóa Việt Nam truyền thống, mang đậm bản sắc địa phương đời này qua đời khác, không hoa mỹ, không màu mè mà chân thực một cách rất “tục”.
Ở đoạn đầu viết về “Chợ Phủ Quốc và hệ thống chợ vệ tinh” tác giả giới thiệu từng chợ từng chợ nối liền nhau khiến người đọc khó hình dung và hệ thống được khái quát, vì không có đề mục rõ ràng nên cảm giác hơi khó đọc. Càng về sau này sẽ càng cuốn hút và có nhiều thông tin thú vị, giá trị.
Một vài dòng gạch chân của Táo trong cuốn sách:
- Sử gia có người phải buột miệng than vãn, sự khinh thị về thương nghiệp là quá rõ nên “các chợ được ghi chỉ vì có cháy lớn, vì là nơi “bêu đầu thị chúng”
- Sự tác động của người Pháp vào nền kinh tế nội địa không hề làm thay đổi những phiên chợ, nó vẫn họp và hoạt động như trong quá khứ.
- Xã hội Việt Nam, do vậy , được/bị cố định vào tính chất một xã hội lục địa nông dân – nông nghiệp – nông thôn, xã hội “thuần nông”, văn minh lúa nước.
- Thiết lập một cái chợ chi phí không đáng kể, chỉ cần sự trợ giúp của thời tiết tốt. Những người nhà quê ngồi ngay ở đường phố, trên mặt đất, hàng hóa để trong vuông vải hay trong một cái giỏ, ngay trong chính nền đất bụi nếu như họ không sợ làm hư hỏng loại hàng hóa đó (Bourde 1885:287)
- Hình ảnh này ngày nay vẫn phổ biến, vài cô hàng quà lang thang ở phố cổ Hà Nội, vài chú đánh giày, vài ba bán đồ lặt vặt rong ruổi khắp đô thị Việt Nam.
- Địa lý Việt Nam là sự đứt gãy địa hình khá rõ nét của đồng bằng và miền núi, tính khu biệt của không gian cư trú chia lìa sự nối kết các tộc người ở núi với người Việt ở đồng bằng, nên sự giao lưu của họ trong quá khứ là một điểm nhấn quan trọng.
- Chợ miền núi chính là những tiền trạm của nền văn hóa Việt Nam: tạo điều kiện thuận lợi cho những người bán rong ở đồng bằng trong những chuyến đi lại, tìm thấy ở đấy các tập quán của họ, tập trung trong các thung lũng này, giữa các đồi chứa chất nhiều rẫy, những người sinh sống ở đồng ruộng mênh mông mang đến đây tiếng nói, phong tục, tập quán của họ, Khi một người miền núi nói tiếng Việt, người ta gọi người ấy là biết nói tiếng chợ và như vậy là qua chợ, qua người Việt mà người miền núi tiếp xúc với thế giới rộng lớn (Robequain 2010:598)
- Người đàn ông, nhất là những người đàn ông trong xã hội Nho Giáo Việt Nam chỉ bắt đầu chủ động hơn trong việc gia nhập vào mạng lưới buôn bán khi xã hội Việt Nam đối diện với Âu hóa, khi mà các giá trị xã hội truyền thống bị đảo lộn, cuộc sống khó khăn, các niềm tin cũ đã mất dần quyền lực.
- Vậy, chợ vốn là nơi đặt ra nhằm ích dụng cho việc thương mại cho làng, sau đến cả quốc gia đã được nhà nước phương Đông khoác thêm cho một chức năng chính trị mà hình thức có phần “quái đản”: chợ/pháp trường. Ở đây, nhà nước đã thỏa mãn sự hiếu kì cho đám đông, đồng thời, đạt mục đích khủng bố, răn đe tinh thần gián tiếp đầy khéo léo. Nhưng khi tin tức là bất lợi, nhà nước quân chủ, lại khoác cho chợ: “lời nói nghe đầu dường xó chợ cũng như chuyện đồng nhảm” (Đại Nam Thực lục 2007, Tập 3:491)
- Như thế, từ thương gia đến người buôn bán vặt, những mắt xích khác nhau của chợ nối dài, thời nào cũng thế, đều là những “do thám quân” hay tung tin đồn thất thiệt mà bất cứ một thế lực chính trị nào cũng cần đến, sử dụng hoặc đề phòng.
- Con người làng xã vì thế, phải “khuôn phép” trong giới hạn có thể để “tránh điều tiếng”, mà đáng sợ nhất có lẽ là điều tiếng lan truyền ở chợ.
- Và, lại như đã nói, giờ nói lại, trong ba không gian công quan trọng hơn cả của làng là đình, chùa và chợ thì hai thuộc về tôn giáo, của cái thiêng, chợ đứng lẻ ra đảm đương phần thế tục, của cái phàm.
- Đàn ông của trung tâm, không mấy khi đi chợ, vì bán buôn tự nó là việc thấp hèn, của sự phàm tục. Cảnh chợ tàn tạ giữa những vũng nước đen ngòm chất chứa mọi thứ rác rưởi do chợ vứt bỏ. Cảnh xưa mà nay chẳng đổi! Sự hôi hám, bẩn thỉu ở chợ, nhất là những khu giết mổ gia súc, bán thịt cá, sự vệ sinh bừa bãi ở chợ quê, nhất là những phiên chợ có phiên tương đối đông người làm cho chợ có một “hương vị” đặc trưng đến ngạt thở. Có lẽ, xét về mặt vệ sinh, chợ chỉ hơn được mỗi nhà xí công cộng ở làng. Phận vị vệ sinh là một sự định phận cho tính ngoại biên, sự xem thường chợ búa, đàn bà ở trong văn hóa nam quyền người Việt.
- Hồi trẻ, như cụ kể, cụ rất ham xem gọi hồn ở đền Bà Chúa Chợ đến mức “hở ra là chạy đi xem” và “thích đến mê mẩn, mẹ chồng cần tìm cứ lên đền là thấy”.
- Hóa ra, chính cung thờ thánh mẫu Liễu Hạnh ngày nay, thời xưa chỉ được người đi chợ biết đến với cái tên quen thuộc: Bà Chúa Chợ.
- Đa phần người dân ở chợ Phủ bây giờ, chỉ còn biết đấy là cung bà chúa Liễu Hạnh. Một thắng thế của quyền uy nam quyền ở xã hội Việt Nam trong việc tạo dựng các tri thức. Nhưng đúng như nhiều nhà dân tộc học đã nhận định, các nguyên tắc Trung Hoa (chủ yếu là Nho giáo) luôn có xu hướng ảnh hưởng mạnh hơn ở người đàn ông. Thế nên trang phục, văn hóa và niềm tin của đàn bà bao giờ cũng giữ các phẩm chất bản địa lớn hơn cánh đàn ông.
Đọc để hiểu hơn lý do tại sao mỗi khi đi du lịch đến một địa điểm nào, người ta lại cứ phải canh thời điểm những phiên chợ tấp nập.
Cuốn sách nằm trong dự án Hiểu Việt Nam, và vì thế nó rất Việt Nam!
Mình thích nhất câu cuối “trang phục, văn hóa và niềm tin của đàn bà bao giờ cũng giữ các phẩm chất bản địa lớn hơn cánh đàn ông”. Thực ra không đàn bà hay chợ thì các ông Nho sĩ có mà đói há mồm ra rồi 🙂
LikeLiked by 1 person
Ừ ấy, giống như vợ ông Tú Xương nuôi đủ năm con với một chồng @@
LikeLiked by 2 people
Ý nghĩ viết một quyển sách về chợ thật là thú vị.
LikeLiked by 1 person
Vâng, cuốn này đọc gần gũi mà có nhiều chi tiết hay lắm cô ạ
LikeLiked by 1 person