Đài Bắc là nhà?

Tôi là người bắt nhịp nhanh nhưng để biến một điều gì đó thành “gắn bó”, thành “của mình” thì lại rất chậm. Sống ở Đài Bắc sáu tháng, người ta có thể đã có tình cảm đặc biệt với nó như một ngôi nhà thứ hai, còn tôi, vẫn luôn có cảm giác như một vị khách du lịch. Cũng đúng thôi, là một người lớn lên ở ngoại ô (trước đây là Hà Tây), dù đã sống, học tập và làm việc ở Hà Nội suốt mười mấy năm nhưng tôi cũng chưa bao giờ coi Hà Nội là nhà, huống gì là Đài Bắc với sáu tháng ngắn ngủi, hữu hạn.

Chỉ có thể nói rằng ở Đài Loan, thì Đài Bắc là nhà. Là nhà được định nghĩa bởi những địa điểm quen thuộc, bởi những cung đường cố định và bởi những thói quen. Là nhà được định nghĩa bởi đó là nơi để trở về sau mỗi chuyến đi xa.


Bus 235

Gần đây khi thời gian học chuẩn bị hết, ngày trở lại Hà Nội đang ngày càng đến gần thì mỗi lần ngồi trên xe bus đến trường trong tôi đều hiện lên những suy nghĩ vẩn vơ rằng: “Liệu khi về Hà Nội tôi có nhớ Đài Bắc hay không, có khi nào sáng thức dậy, nhanh tay pha một phin cà phê cho kịp giờ, rồi mơ màng nghĩ rằng giờ này ở Đài Bắc, mình đang đứng đợi 235”.

Ảnh chụp 2018 trong một lần đi du lịch, không ngờ 2022 ngày nào tôi cũng đứng đợi xe ở ngay chính bến này

Nếu lên xe đúng giờ, tôi chắc chắn sẽ gặp một vài “người quen”, những người có cùng cung đường với tôi, ngày nào cũng sẽ xuất hiện vào đúng thời gian ấy, tại điểm đón ấy. Và tôi cũng sẽ vô thức nhận ra người nào đã lỡ xe hoặc có việc bận nếu một ngày không nhìn thấy họ. Trong số những “người quen” ấy, có đến quá nửa đều là học viên cùng trường, tuy nhiên, hầu hết chúng tôi không quen biết nhau hoặc không nhìn thấy nhau ở nơi nào khác bên ngoài không gian đóng hộp trên chiếc bus này. Thế nhưng, cũng có trường hợp đặc biệt, chúng tôi có tần suất nhìn thấy nhau nhiều hơn, gặp nhau ở một không gian khác và trở thành bạn bè.

Cung đường xe chạy đi qua cả Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch và Phủ Tổng Thống, những công trình biểu tượng của thành phố nên mỗi ngày tôi đều coi như mình đi du lịch Đài Bắc một lần. Đi du lịch nhiều đến mức tôi thuộc và ghi nhớ hết cả những bảng hiệu bên đường và ngay lúc này cũng có thể tưởng tượng ra chúng.


Thư viện trung tâm thành phố Đài Bắc

Thỉnh thoảng, tâm hồn tôi sẽ trở nên khô cằn và trống rỗng khi không được bổ xung một hình ảnh, âm thanh hay một dòng chữ nào mới. Tôi không muốn tìm kiếm, chọn lựa và bỏ ra một số tiền kha khá để mua sách đọc rồi lại khốn khổ đóng kiện gửi về Việt Nam, hoặc tệ hơn, là bỏ chúng lại Đài Bắc. Thư viện là nơi đã cứu rỗi tâm hồn tôi như thế.

Thư viện trung tâm thành phố không cần thủ tục đăng ký nào nếu không mượn sách về, mà tôi cũng không dám mượn về khi không đảm bảo bảo quản chúng an toàn và trả lại đúng hẹn, vậy nên, có thời gian rảnh, tôi sẽ đến ngồi đọc tại chỗ. Không kể đến nguồn sách tiếng Trung phong phú, bao gồm cả các công trình nghiên cứu, luận văn, sách văn học và các tài liệu báo chí khác, thì quỹ sách tiếng Anh ở đây cũng rất đa dạng chủ đề, từ chính trị, văn hóa đa quốc gia đến kinh tế và văn học nghệ thuật.

Tôi hay đọc sách tiếng Anh tại thư viện, vì đọc nhanh hơn tiếng Trung và vì tôi hay lướt thấy những cuốn mà tôi muốn đọc trên những kệ sách tiếng Anh hơn. Thực ra tôi chỉ đọc tất cả ba cuốn, vì tôi đọc khá chậm, và nhiều lúc phải dừng lại để tra từ điển hoặc viết ghi chú. Một cuốn là Culture and Economic Action với ảnh bìa là một khu chợ truyền thống Việt Nam với hình ảnh các bà các mẹ đang đội nón lá ngồi bán rau. Hóa ra, văn hóa tiêu dùng ở Việt Nam, nơi mà những chuỗi cửa hàng ăn nhanh hay các chuỗi cà phê nổi tiếng thế giới đều gặp khó khăn trong cách tiếp cận, lại điển hình đến thế trong những cuốn sách về ảnh hưởng của văn hóa đến kinh tế/kinh doanh. Một cuốn là Ethnolinguistics and Culture Concepts, bài nghiên cứu về phương thức mà con người ở những nền văn hóa khác nhau sử dụng ngôn ngữ của họ và ý nghĩa của những khái niệm ấy trong các ngôn ngữ khác nhau như thế nào. Và một cuốn, là P.S. I love you, vâng, lại là P.S. I love you. Một ngày mưa, tôi muốn đọc vài dòng tiểu thuyết lãng mạn và ý nghĩ nảy ra khi tôi bước chân qua cánh cửa thư viện là nếu tôi nhìn thấy P.S. I love you trên kệ sách, tôi sẽ đọc lại nó. Vậy mà tôi nhìn thấy thật.

Vào những ngày cuối tuần trời mưa, nếu không có kế hoạch đi du lịch thành phố nào khác, thì chắc chắn nơi mà tôi có mặt là thư viện thành phố. Vào những buổi chiều muộn, tôi lấp đầy tâm hồn mình bằng những con chữ, rồi đứng trong cơn gió lạnh đợi chiếc bus quen thuộc chở về quán quen lấp đầy chiếc bụng đói, cảm thấy đủ đầy.


Công viên chủ đề điện ảnh Đài Bắc

Sẽ không có một từ nào hơn chữ duyên để hình dung về nó. Tôi vẫn nhớ tôi đã vui mừng như thế nào khi tìm ra và thêm nó vào lịch trình của chuyến đi du lịch Đài Bắc năm 2018. Ngày đó tôi đã nghĩ nếu như tôi sống ở khu vực xung quanh thì đây nhất định sẽ là một trong những địa điểm mà tôi thường lui tới nhất. Và vũ trụ đã trả lời. Khi lựa chọn một hostel để ở (ít nhất là trong một tháng đầu tiên) tại Đài Bắc, tôi chỉ cân nhắc đến chất lượng phòng, khoảng cách và phương tiện từ hostel đến trường, và dĩ nhiên, trong một mức chi phí hợp lý. Tôi vốn không hề biết trước rằng từ đó chỉ vài bước chân tôi đã đến được nơi mà mình yêu thích (hình ảnh chụp 2018).

Và như thế, có những buổi chiều nắng vàng nhẹ tôi ngồi ôm cuốn sách tiếng Trung cùng cây bút chì trong tay, quẹt quẹt gạch chân bất cứ dòng nào tôi thích, những chữ mà tôi chưa biết, rồi đợi trời chiều ngả màu hoàng hôn. Mặc dù góc công viên này chẳng thể nhìn thấy mặt trời lặn, nhưng có những chiều hoàng hôn ở đây lại là hoàng hôn đẹp nhất.

Có những tối, tôi mang laptop ra công viên thay đổi không khí để làm bài thuyết trình, viết báo cáo phát biểu trên lớp, và để viết lên blog những dòng chẳng hạn như: “Giờ này các bạn tôi đang kiếm tiền mua nhà mua xe, còn tôi, tôi đang ngồi đây để làm cái gì?”.

Rồi có những đêm trời thanh gió nhẹ, một mình tôi bên cốc latte nóng, đeo tai nghe nghe nhạc ngắm đèn đường nhuộm vàng lên màu lá phong chớm đỏ và tương tư. Những lúc như thế tôi đã nghĩ, cho dù sau này trong cuộc đời có xuất hiện một ai đó bên cạnh đi chăng nữa, tôi vẫn cần những góc riêng của mình như thế này. Để làm gì ư? Để nghĩ: “Để rồi xem hạnh phúc được bao lâu”, như một người ngoài cuộc.


Ở tất cả những nơi mà tôi vừa nhắc đến, tôi thường đeo tai nghe nghe nhạc, và những lúc không đọc sách thì chính là đang trò chuyện với chính mình. Những câu chuyện mà chúng tôi đã kể cho nhau nghe, những câu hỏi cần được đối phương trả lời, và cả những vết thương mà chúng tôi những tưởng đã quên đi hóa ra vẫn chưa từng được hàn gắn, ngày qua từng ngày xuất hiện rồi biến mất, rồi lại xuất hiện, lặp đi lặp lại. Tôi cần một không gian đủ thân thuộc và thoải mái để tôi và chính mình ngồi bên nhau, trao đổi ý kiến, thảo luận và đàm phán về những vấn đề mà chúng tôi đang cùng quan tâm hoặc đang cần đối mặt, cũng như, tâm sự với nhau về những cảm xúc trong lòng. Cảm giác về “nhà” của tôi chính là một nơi như thế, và tôi nghĩ khi đang còn ở đây, thì Đài Bắc đủ để được gọi là nhà.

6 thoughts on “Đài Bắc là nhà?

Leave a comment