TÂY TẠNG – Táo đã bán thân để đổi lấy một chuyến đi như thế nào?

Mình nhận được email mời tham gia chương trình famtrip Tibet 7 ngay khi đang ngồi nghỉ ở điểm dừng chân của tour trekking Kalaw – Myanmar. Khi đó vừa đặt chân đến hồ Inle, đang buồn thiu vì chuẩn bị phải chia tay đoàn thì nhận được tin này, vui quá đưa màn hình điện thoại ra trước mặt bạn ấy lắc lắc, cười toe toét như một đứa dở hơi.

Về đến nhà, điền form theo mẫu của chương trình, gửi đi mà mãi tới giữa tháng 10, vào một buổi tối thứ 7 đang mải mê nấu cơm mới nhận lại được xác nhận của họ, bảo mình làm visa rồi họ sẽ làm Tibet permit cho mình. Vậy là công cuộc chạy đua gấp rút tìm vé diễn ra trong vòng 30 phút, chỉ có điều vé search hãng nào cũng đắt quá. Nhắn tin cho sếp bảo chị chuẩn bị cho em nghỉ 10 ngày em đi Tibet, sếp bảo vé đắt thế cũng vẫn đi à. Đang đấu tranh tư tưởng giữa đi và không đi, vì thực ra thì đối với Tibet một chương trình 7 ngày như vậy là quá ngắn. Sáng thứ 2 tới văn phòng, nhận được email sếp bảo ký hợp đồng 3 năm rồi đi đi, về làm tour tibet, tiền vé sếp trả. Mình ký và lên đường.

Thằng bạn thân mình bảo “Con này bán thân để đi chơi” =)) Ừ. Mình đã bán thân để đổi lấy một chuyến đi. Nó như thế này: 

Trước khi đi: mình đã lục lọi hết mấy post của các bạn đi phượt để tìm hiểu thêm thông tin về Tibet, đọc hết Con đường mây trắng và mấy chương wiki để hiểu về phật giáo Tây tạng, nhưng rồi quên sạch. Sếp ngày nào cũng dặn dò em phải tập luyện sức khỏe, bị sốc độ cao là khổ lắm đó. Nhưng với một đứa lười, công việc khi đó lại bận rộn thì em đành phó mặc cho số phận. Chồng của sếp cũng thỉnh thoảng bảo em nhất định phải ăn thử cái này, uống thử cái kia, đi Tây Tạng nhìn đẹp thế thôi nhưng chắc chắn khi về em sẽ nhớ nhất là Lhasa. Mình không tin :))

Đến ngày đi: bận rộn đến tận 4h chiều mới bắt đầu mò ra sân bay đi Côn Minh, đến nơi đã là 11 giờ đêm theo giờ địa phương. Năm ngoái học được mấy tháng tiếng Trung, cũng đã tìm hiểu trước về phương tiện công cộng đi lại các thứ nên cũng có chút tự tin. Ra khỏi sân bay, bên ngoài cơ man là các anh các chú các chị mời đi taxi, còn em cứ thẳng hướng xe bus của sân bay mà em đi. Cuối cùng đến được guesthouse cũng quá nửa đêm. Nó nằm ở giữa khu phố cổ cách trung tâm thành phố khoảng 10km, bạn quản lý còn trẻ, rất dễ thương và tốt bụng. Mình ở đó 1 ngày coi như transit và tranh thủ tham quan luôn cái khu phố cổ này.
DSC_0720.JPG
Sáng hôm sau nữa bay sớm, mình nhắn bạn đó nếu 6h mà chưa thấy mình xuống thì nhớ gọi rồi đứng ở cửa phòng buôn chuyện với bạn cả nửa tiếng đồng hồ về việc đi như thế nào, sáng sớm ở đây có cái gì có thể đi được. Bạn đó chỉ đường tường tận, chỉ chưa đến mức dẫn mình đi luôn. Bạn bảo sáng hôm sau xuống sớm thì gọi cửa phòng bạn đó rồi bạn đó đưa mình ra bến xe. Chỉ tiếc sáng hôm sau mình dậy trời còn tối om, chẳng nỡ nào gọi bạn dậy nên để lại một tờ note rồi đi luôn.

Trước khi đi, mình đã tìm hiểu kha khá về sốc độ cao, ngồi trên máy bay nhìn những rặng núi với vài đỉnh phủ tuyết ở bên ngoài mà trong lòng hồi hộp “Mình bay cao ghê, không hiểu lát tới Lhasa có chút phản ứng nào không”. Bay thêm một đoạn nữa, bên ngoài ánh nắng chiếu vào những đụn mây ở phía xa, nhìn như những tòa lâu đài sáng rực giữa không trung. Mình nghĩ thầm: đang bay đến một vùng đất cao 4,000m, mà bình thường phải leo qua bao nhiêu là núi đèo trùng điệp dưới kia mới có thể đến được, giống như chốn thần tiên trong mấy câu chuyện kiếm hiệp ngày xưa hay đọc.

DSC_0288.JPG
 Những rặng núi phủ tuyết nhìn từ máy bay

Hồi hộp mãi rồi máy bay cũng hạ cánh, quang cảnh xung quanh trong vắt, trời xanh, tràn ngập nắng.

Vừa ra khỏi cửa sân bay nheo mắt nhìn xa xa bên ngoài hàng rào có một anh soái ca cầm bảng tên và dải khăn Khata trắng đứng đợi mình giữa một hàng dài các anh taxi. Sân bay Gongrka không lớn lắm, nghĩ lại cảnh tượng đó giống như tội phạm vừa ra tù trong mấy bộ phim truyền hình.

Anh tặng khăn cho mình xong còn tặng thêm 1 chai nước 1 lít. Tuyệt vời!  Mình bỏ balo vào cốp và ngồi ghế sau taxi theo anh Soái ca về Lhasa. Trước đó mình không nghĩ lại có guide đón riêng và long trọng thế này, hơn nữa anh ấy lại đẹp trai theo kiểu chuẩn men Nhật Bản nên mình vui quá, quên mất cả lời dăn “Đến Tây Tạng thở thôi cũng phải luyện tập, ít cười, ít nói, giữ thái độ bình tĩnh, không nên vì được đến Tây Tạng mà quá khích”. Lúc đấy mình đã nhếch mép cười khẩy cái dòng vì được đến Tây Tạng mà quá khích.

Và vì quên nên suốt cả chuyến đường đi từ sân bay về mình nói với anh guide đủ thứ chuyện trên đời, cũng ngắm được cảnh đẹp đến ngạt thở hai bên đường.

DSC_0546.JPG

Anh guide tên là Tashi, Tashi nằm trong câu chào hỏi theo tiếng Tây Tạng nó có nghĩa là bình an, hạnh phúc và may mắn. Tashi nói tiếng anh rất tốt, cứ nói một câu với mình lại quay sang nói một câu Tạng với anh lái xe. Tashi bảo nhà anh ấy ở ngay giữa phố cổ, làm mình nghĩ ngay đến phố cổ Hà Nội, thầm nhủ “Á! Giai phố cổ, xem ra anh cũng được đấy!!” :)) Tashi trước làm việc cho một tổ chức NGO về y tế ở Tây Tạng, nên không chỉ là thổ địa Tây Tạng, các kiến thức khác của anh ấy cũng cực đỉnh. Tashi giới thiệu cho mình sơ qua về các điểm thăm quan mà trên đường đi qua, về những đoạn đường hầm xuyên núi 1 chiều để giao thông an toàn hơn, và về cách đặt tên của người Tây Tạng. Người Tạng không đặt tên theo bố, mẹ mà thường đặt theo các vị Lạt ma, hoặc được các vị ấy đặt một cái tên có ý nghĩa đẹp.


Điều mình không ngờ tiếp theo là mỗi khách trong đoàn được sắp xếp riêng một phòng twin rộng thênh thang, trải thảm ấm áp, mà phòng của mình lại nằm hướng tây, buổi chiều nắng ngập phòng nên đêm sẽ không bị lạnh. Mình nằm lăn lộn, vào wifi xem bố ơi mình đi đâu thế chán chê đến 6h thấy điện thoại lễ tân gọi xuống ăn tôi, nghĩ vẫn còn sớm chắc chỉ gọi để nhắc thôi, mình uể oải dậy chuẩn bị thay đồ. 10 phút sau lại thấy bạn ấy gọi, bạn ấy bảo lâu quá sợ mình gắp vấn đề gì về sức khỏe. Xuống mới biết hóa ra do mình không đổi giờ điện thoại, bị chậm hơn so với các bạn ấy mất 1 tiếng nên thành ra xuống muộn, xấu hổ quá.

Và thêm một điều mình không ngờ tới nữa là từ giờ mình sẽ chỉ toàn được ăn ngon, ăn ngon và ăn ngon thôi. Trong suốt hành trình, mình cũng không hề phải tiêu một đồng tiền nào ngoại trừ việc mua đồ mang về và đồ ăn vặt.

Ngày thứ 2 là một ngày họp hành triền miên với các tour tuyến ở Tibet, các chương trình và tổng quan nền du lịch hiện tại ở Tibet. Kèm theo đó là những chính sách mà Trung Quốc hiện đang áp dụng để quản lý Tibet, và người dân thì chẳng có cách nào khác ngoài việc chấp nhận và thích nghi với điều đó.

Giống như khi trên đường từ sân bay trở về, đi qua khu thành phố mới của Lhasa trước tiên. Đó là khu vực toàn những công trình mới được xây dựng, phủ một màu xám nâu và kín mít như lô cốt. Tashi nói rằng toàn bộ những khu nhà đó hiện giờ đều trống rỗng, không có người và cũng không có cơ quan nào làm việc ở đó. Chính quyển Trung Quốc xây dựng lên nguyên một thành phố mới, để chuẩn bị cho một sự đổ bộ quy mô lớn trong tương lai chăng? Mình nghĩ họ rồi sẽ biến Tây Tạng thành  một trung tâm công nghiệp du lịch. Đồng hành với việc xây dựng trạm dừng cho các nhà leo núi chuyên nghiệp dưới chân Hymalaya hiện tại. Rồi người Hán sẽ đổ đầy những khối nhà đó, để quản lý những khối tiền họ đổ vào, rồi quản lý cả những người dân Tây Tạng. Nếu vậy thật thì hẳn sẽ là thảm hoạ  😦

Buổi tối hôm đó là lần đầu tiên được thò chân ra ngoài đường phố Tây Tạng. Ban đêm, đèn đường ở Lhasa trùm lên cả thành phố một màu vàng tối, nhuộm màu những bức tường trắng khiến cả đường đi trở nên ảo diệu hơn. Lhasa gần 9h tối mặt trời mới lặn, chúng mình bắt taxi ra xem cung điện Potala về ban đêm rồi quay lại dạo một vòng Bakor. Mình thực sự rất rất thích buổi tối ở Lhasa. Thời tiết lạnh, khô và yên tĩnh khiến người ta cứ muốn đi mãi, đi mãi hết con phố này đến con khố khác. Hoặc có lẽ, là do có những người bạn đồng hành tuyệt vời.
12h đêm mới về đến phòng. Ngủ, ngày mai chuyến đi mới thực sự bắt đầu 😀
 ~continue~

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s