Kalaw đánh thức tôi vào một buổi sáng trong veo trên vùng trung du Miến Điện, hơi se se lạnh nhưng ánh nắng ngập tràn. Tôi thức dậy và ăn sáng lúc 7h, sau hơn 4h ngủ say trong căn phòng nhỏ xíu của một guest house mà tôi đã ghé tạm khi chuyến xe đêm dừng lại ở thị trấn bé xíu này vào lúc một giờ sáng. Không khí vùng này trong lành và dịu êm quá đỗi.
Địa điểm tập chung cho tour trekking cách chỗ tôi ở không xa. Nó là một căn nhà nhỏ xinh khác nằm chơi vơi trên sườn đồi, phải lần theo mấy biển chỉ dẫn mới có thể lên được tới nơi. Khi tôi tới, căn nhà vẫn tĩnh lặng chưa kịp chào ngày mới, bên trong phòng khách mới chỉ có một cặp đôi đang chuẩn bị đồ đạc. Chủ ngôi nhà cũng là người cung cấp dịch vụ cho chúng tôi – một phụ nữ Myanmar chừng trên 30 tuổi, nhìn khắc khổ như bao con người ở mảnh đất này, và cũng tốt bụng y như vậy. Nhà chị không chỉ là một điểm cung cấp dịch vụ tour trekking mà còn là một trung tâm cứu hộ động vật, với những chú chó bị bệnh hoặc bị thương. May mắn thay, cặp đôi người Ý đến trước tôi đều là bác sỹ, họ giúp một tay vào việc mua thuốc và tiêm cho một em chó chân bị gãy và nhiễm trùng không thể cử động được. Hai người ấy sẽ không đi cùng đoàn với tôi, mà bắt đầu một chuyến trekking 3 ngày 2 đêm khác.

Một tiếng sau, mọi người bắt đầu tới đông đủ hơn, nắng cũng đã dần lên cao hơn khiến cho ngôi nhà bừng sáng, không khí cũng trở nên vui vẻ và náo nhiệt. Các bạn tham gia tour chủ yếu là người châu Âu cùng một vài bạn người Mỹ. Duy chỉ có mình tôi là người châu Á, dáng nhỏ xíu và khuôn mặt cũng có nét trẻ hơn. Ở đây mọi người hầu hết đều đăng ký tham gia vào tour 3 ngày 2 đêm, khởi hành từ chính ngôi nhà này đi đến điểm cuối là hồ Inle. Những người đăng ký tour 2 ngày 1 đêm như tôi sẽ phải tách đoàn, lên 1 chiếc xe tải nhỏ, và tài xế sẽ chở chúng tôi đến một điểm cách đó khoảng hơn 20km, tụ họp với một nhóm theo lịch trình 3 ngày đã khởi hành từ hôm trước.
Đến điểm tập kết, toàn bộ đoàn chúng tôi sau đó có 11 người, cùng nhau trải qua 2 ngày 1 đêm còn lại. Trong nhóm có 1 cặp đôi trẻ người Ý, 1 cặp đôi lớn hơn, siêu cấp lãng mạn hơn người Tây Ban Nha và 7 người còn lại đều là những người trẻ thích du lịch một mình. Hướng dẫn của chúng tôi là một chị gái Myanmar xinh đẹp và thông minh. Chị ấy chăm lo rất tốt cho những thành viên trong đoàn, lễ phép với tất cả những người dân bản địa mà chúng tôi đã gặp, và đặc biệt yêu động vật.
Hành trình của chúng tôi bắt đầu bằng một đoạn đường bằng phẳng ngang qua những cánh đồng lúa. Chị hướng dẫn dừng lại dưới một gốc bồ đề để giải thích cho chúng tôi sơ lược về nguồn gốc Phật giáo và các loại cây bồ đề khác nhau. Tiếp theo đó, chúng tôi đến với một tu viện nhỏ, nơi mà mọi người thường tới để tham gia các khóa học về phật giáo. Phật giáo ở Myanmar đa phần là dòng tiểu thừa – theo ý hiểu rất đại khái sơ sài của tôi thì nó là tu cho bản thân mình, không giống với phật giáo đại thừa là tu cho đời. Người Myanmar nói chung thường sẽ dành một khoảng thời gian trong cuộc đời mình để theo học tại các tu viện. Ttu viện ở Myanmar không thu học phí cũng như sinh hoạt phí của những người tu học, nên rất nhiều em nhỏ ở các gia đình khó khăn thường sẽ ở lại luôn tại tu viện, vừa học văn hóa phổ thông, vừa tu tập như các tăng sĩ.
Đoạn đường mà chúng tôi đi qua chủ yếu là đồng lúa, chạy miết trên sườn đồi thoải, địa hình giống như khu vực Hòa Bình của Việt Nam, còn phong cảnh, tôi vẫn thích Hòa Bình, Mai Châu với đồng với núi của Việt Nam hơn. Trên đường đi, chúng tôi gặp khá nhiều đoàn đi cùng cung đường nhưng mỗi đoàn lại đi theo những lối mòn khác nhau, và cũng có một vài nhóm đi ngược lại. Cung đường từ Kalaw tới Inle được gọi là xuôi đường, bởi vị trí tại Kalaw cao hơn nên đường đi chủ yếu là xuống dốc thay vì lên đèo, sẽ không vất vả như những đoàn đi cung ngược lại.

Bữa trưa đầu tiên chúng tôi được phục vụ món mỳ Shan – món mỳ nổi tiếng của vùng này, kèm theo khoai tây chiên, salad và hoa quả, tại một ngôi nhà được coi là điểm dừng chân nhỏ trên đường. Tôi là người có thể ăn được nhiều thứ, nhưng nếu để đánh giá về độ ngon thì lại trở nên khó tính. Món ăn Myanmar không ngon, hoặc có thể nói nó quá đơn điệu so với những mùi vị phong phú của Việt Nam nên tôi chỉ có thể tập trung vào ăn hết phần ăn cửa mình chứ chẳng thể mở lời tán dương như những người bạn đồng hành trong đoàn. Tôi chỉ nói ngon khi thực sự rất ngon với mình, còn lại, chỉ biết gật đầu cười trừ trước ánh mắt dò hỏi của người khác. Nhưng không còn cách nào khác, mỗi địa phương, mỗi con người có một khẩu vị khác nhau nên dù không ngon với mình thì tôi cũng không thể chê bai nó được, vì nó hợp khẩu vị và sẽ là món ăn ưa thích đối với những người khác, mà có đôi khi nó còn là niềm tự hào của người làm ra món ăn đó.
Buổi chiều hôm đó bắt đầu bằng một cơn mưa bóng mây để rồi cuối cùng kết thúc bằng một cơn mưa rào tầm tã, dai dẳng tới mãi tận sáng ngày hôm sau. Thời tiết vùng trung du dưới trận mưa đã trở nên lạnh và âm u hơn nhiều. Những khuôn mặt ướt đẫm và những đôi chân nặng trĩu do đất đá bám vào giầy, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua những con dốc trơn trượt, những đoạn đèo đất đỏ với sự động viên giúp đỡ nhau cả về tinh thần lẫn thể chất. Mỗi khi vượt qua một vũng lầy, cả đoàn chỉ có một mối quan tâm duy nhất là xem chân ai vừa bị sụt vào bùn, để buổi tối sẽ chọn ra một quán quân rồi mà cười vào mặt hắn.
Cuối cùng chúng tôi đã vượt qua trận mưa ấy, cũng chính là đoạn khó khăn nhất trong toàn bộ quãng đường để đến với điểm dừng nghỉ đêm. Đó là một homestay mà khu vực dành cho khách đi đường là nguyên một chiếc lán dựng bằng thân tre, mái cọ, bên trong nhà đổ nền bê tông và xây bục cao lên khỏi mặt đất chừng gần ba mươi phân để làm giường, trải những bộ chăn gối cho từng người, để cả đoàn ở chung. Sau thời gian nghỉ ngơi và tắm gội, chúng tôi tập chung ở phòng ăn để dùng bữa tối và trò chuyện cùng nhau.
Ở đó, chúng tôi đã nói về những chuyến đi trước kia, nói về cuộc sống hiện tại ở những quốc gia khác nhau, về môi trường sống và làm việc, và cả những câu chuyện tình của các cô gái trong đoàn. Những câu chuyện thủ thỉ, những tiếng cười đùa, những chầu bia với chút xíu lạc rang đã khiến chúng tôi không còn là những người vừa mới quen nhau vào ban sáng. Cái thứ không khí náo nhiệt ấm áp của cả đoàn chính là điểm tôi nhớ nhất về cả chuyến đi, khiến tôi khi trở về muốn ngay lập tức viết một chiếc note về Kalaw, nhưng sau đó khi bắt đầu lại chẳng biết dùng từ ngữ, dùng sự hình dung nào để diễn đạt lại sự tuyệt vời đó.

Ngày hôm sau, chúng tôi thong dong hơn, ăn sáng xong xuôi mới bắt đầu khởi hành lúc 8h30 sáng cùng những đoạn đường dễ dàng hơn rất nhiều so với ngày trước đó. Duy chỉ có một đoạn phải leo dốc khá cao và tốn sức, chính là trên đường tới đỉnh đồi ranh giới với vùng hồ Inle. Nghe được thông tin từ hướng dẫn nói rằng đó sẽ là con dốc cuối cùng của cả đoạn đường, mấy người chúng tôi còn bày trò chạy thi ở những bước cuối, xem ai sẽ là người lên tới đỉnh dốc trước tiên.
Tại một chốt kiểm soát trên đỉnh đồi, chúng tôi trả mỗi người 10 đô la tiền phí vào khu vực Inle, giống như một loại vé thắng cảnh cho mục đích bảo tồn và phát triển đời sống văn hóa khu vực này. Và rồi cả đoạn đường phía sau, thả sức mà tận hưởng cảm giác thoải mái khi bước trên những con đường thoai thoải xuống phía dưới, vì từ giờ sẽ không còn phải dùng sức để leo bất cứ con dốc nào nữa.
Điểm cuối của hành trình là một ngôi làng bên hồ nằm phía sau một rừng tre xanh mướt, như những ngôi làng bắc bộ Việt Nam. Đi qua ngôi làng ấy, chúng tôi dừng lại ở một nhà hàng nhỏ ngay bờ hồ để dùng bữa trưa, nghỉ ngơi và cũng để chính thức kết thúc tour trekking tại đây. Xong bữa trưa này, chúng tôi sẽ ra bến thuyền ngay bên ngoài kia, chọn một chỗ ngồi trên chiếc thuyền máy sẽ đưa chúng tôi đến với thị trấn Inle. Mỗi chiếc thuyền nhỏ vào hồ chỉ chở được tối đa 6 người, nó khiến đoàn chúng tôi phải tách làm 2 nhóm một đi trước, một đi sau. Và chiếc ghế trống cuối cùng của đoàn thuyền đầu tiên thuộc về tôi, với những cái vẫy tay chào của những người ở lại, cùng lời hứa hẹn có thể sẽ gặp lại nhau tại Inle.
Tạm biệt Kalaw!
2 thoughts on “Myanmar – Kalaw”