Đến Tây Tạng tới tận ngày thứ 4 đoàn mình mới chính thức được tới thăm cung điện mùa đông Potala – biểu tượng của thánh địa Lhasa nằm giữa trung tâm thành phố, tuy rằng trước đó buổi tối cả nhóm đã từng rủ nhau ra tìm góc chụp và ngắm cung điện vào ban đêm.
Cũng giống như bao nhiêu tu viện và đền chùa nổi tiếng khác, đường vào cung điện cũng phải đi qua một vài trạm gác an ninh để kiểm tra vé vào và kiểm tra đồ. Chỉ có điều, ở Potala đoàn người xếp hàng dài như không có điểm kết, cảm giác giống như xếp hàng giữa cái nắng chói chang vào thăm lăng bác như hồi tiểu học.
Potala là cung điện được xây dựng từ thời Lạt ma thứ 5, cực kỳ đồ sộ với 1000 gian phòng lớn nhỏ nằm sừng sững trên một ngọn đồi/núi. Đây đã từng là nơi ở của các Đạt Lai Lạt Ma cho đến đời Lạt Ma thứ 14 lưu vong sang Ấn Độ (khoảng những năm 50-60).
Leo hàng trăm bậc thang đá để lên tới khu cao nhất của cung điện quả thực là một thử thách với những người bị phản ứng với độ cao. Tuy nhiên, chỉ những người yêu thích mùi hương trầm, hứng thú với những câu chuyện li kỳ đầy triết lí trong Phật Giao mới cảm thấy hàng trăm ngàn bậc thang đó không thể đem ra so sánh với sự khát khao và ngưỡng vọng chính mình được chìm trong không gian gây dựng bởi những dấu tích trăm ngàn năm nơi này. Mật Tông đã là một sự thần bí của Phật Giáo, Potala lại là nơi lưu lại toàn bộ những tinh hoa, là biểu tượng của Tây Tạng thì dù có thêm trăm ngàn bậc thang nữa cũng nguyện một lần được đặt chân tới.
Buổi chiều, cả đoàn tới thăm chùa Johkang – hay còn gọi là Đại Chiêu Tự. Nằm trong quần thể các điểm đến không thể bỏ qua tại thánh địa Lhasa, Đại Chiêu Tự là ngôi chùa được cho là linh thiêng nhất Tây Tạng, hàng năm cũng là nơi tổ chức lễ hội Đại Chiêu lớn nhất Tây Tạng.
Khuôn viên chùa lớn, khoảng sân trước rất rộng với những cây nhang và cột đốt vàng mã lúc nào cũng nghi ngút khỏi. Ở sân chùa Đại Chiêu dựng hai cây cột lớn quấn đầy cờ ngũ sắc của đạo Phật và các dải khata cầu phước. Khu vực hành lang trong chùa rất gọn gàng, sạch sẽ và được trang trí với những chậu hoa nhiều màu sắc. Từ sân thượng chùa, không chỉ nhìn được toàn cảnh khuôn viên phía dưới mà còn có thể nhìn ngắm được cung điện Potala nằm nguy nga trên đỉnh núi phía xa.
Thực chất, ngoài khuôn viên phía dưới sân, mình không ấn tượng nhiều lắm với Đại Chiêu Tự, Có thể bởi chùa năm giữa khu phố Barkhor nhộn nhịp đã làm mình có cảm giác nó giống như một điểm đến du lịch thay vì toát lên sự linh thiêng mà một ngôi chùa cần có. Hoặc có thể, mình cần phải tới Đại Chiêu thêm một lần nữa, vào đúng mùa lễ hội để có thể thấy hết được tầm quan trọng của nó đối với tín ngưỡng của người dân Tây Tạng.
Buổi chiều hôm ấy, khi ngang qua Barkhor, mình và QianQian – một bạn nữ cùng đoàn đã hẹn nhau sau giờ ăn tối sẽ quay lại đây để dạo phố mua sắm, một vài món quần áo truyền thống của người tạng chẳng hạn. Nhưng cho đến buổi tối, khi hai đứa tung tăng xuống đến sảnh thì gặp một nhóm 6-7 bạn khác cùng đoàn đang tụ tập để chuẩn bị qua một bar nhỏ ngay gần khách sạn ngồi nói chuyện. Vậy là hai bạn nhỏ bị rủ rê đã bỏ lỡ mất chuyến dạo phố hiếm hoi cùng nhau.
Quán bar này rất nhỏ, kiểu trang trí bàn gỗ mộc xinh xinh làm mình nhớ đến một quán bar rất thú vị ở Sapa. Cũng với cái thời tiết se se lạnh, cũng với vài chai bia, vài cốc rượu ngoại và vài người bạn mới quen như thế này. Cũng lại giống với bar Cú Đêm ở Inle Myanmar với những giai điệu chillout khiến tâm hồn người ta bay bổng.
Bia ở Lhasa không nặng như bia Việt Nam, nên cả đám ngồi lai rai mãi đến tận gần 1h sáng mới quay về khách sạn. Tóm lại, hôm sau cũng không ai nhớ được là tối đó đã nói những gì. Không phải vì say, chỉ là vì đã chia sẻ với nhau quá nhiều câu chuyện.
Đêm đó ngủ rất ngon, để chuẩn bị cho ngày mai, ngày được mong đợi nhất chuyến đi. Hành trình tới Shigatse, ngang qua hồ thiêng Yamdrok đẹp lung linh trong những bức ảnh trên internet đang chờ đợi trước mắt.
—–