Quan Đô – 云之端

Quan Đô – một cái tên lạ hoắc nhưng sau này lại trở thành một trong những nơi mà tôi muốn rất muốn trở lại. Nó là một trấn nhỏ xíu nằm ở ngoại thành thành phố Côn Minh – thủ phủ của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Sở dĩ tôi biết về Quan Đô là do chuyến đi Tây Tạng tôi chọn transit ở Côn Minh hơn 1 ngày và nhân tiện tìm một điểm chơi quanh đó. Trước khi lên đường, tôi đã tra mòn cả cái GG Map về khoảng cách giữa các điểm đến ở Côn Minh, vốn định đi các điểm nổi tiếng và các điểm trong thành phố, nhưng sau đó phát hiện một ngày chẳng thể đi hết được nhiều như thế. Vậy là chỉ chọn một khu phố cổ và ở lại đó nguyên 2 đêm.

Chuyến bay từ Hà Nội hạ cánh lúc 11h và khi về tới Quan Đô đã quá 12h đêm. Xuống khỏi xe bus từ sân bay về, mọi người tản ra chia nhau về hết, chỉ còn lại mình tôi là khách du lịch, tìm kiếm một chiếc xe chở mình về phòng đã đặt trước. Trên phố còn lại hai ba người lái xe, họ không mời chào chèo kéo, chỉ hỏi tôi muốn đi đâu. Tôi đưa ra một địa chỉ, và phát hiện ra chú lái xe này là người dân tộc, không nói được tiếng phổ thông nên không hiểu những gì tôi nói. Vào lúc hơn mười hai giờ đêm giữa một thành phố xa lạ, ngôn ngữ biết chút ít giờ liền biến thành không biết chút nào. Tôi lấy số điện thoại của phòng dorm mình đã đặt, đưa cho chú lái xe để chú gọi điện nói chuyện với người quản lý phòng, xác nhận địa chỉ xong xuôi, tôi lên xe. Cả đoạn đường đi, chú lái xe chắc cũng tò mò với một đứa con gái đêm hôm đeo ba lô đi một mình nên đã hỏi chuyện khá nhiều, mỗi tội chú không biết tiếng của tôi, tôi không biết tiếng của chú nên chỉ nhát gừng từng từ một.

Hostel nhỏ tôi đặt trước trên mạng tên là 云之端, vậy mà tới nơi đi tìm dọc cả dãy phố cũng không thấy ở đâu. Chú taxi phải hỏi đến mấy lần những người bán quán ăn đêm trên phố mới có người nhận ra và chỉ lối. Cửa vào của dorm chỉ là một lối cầu thang nhỏ, tối, bên trên gác hai hắt xuống ánh đèn led màu đỏ, mập mờ. Chú lái taxi vào trước gọi giúp tôi người quản lý, hai người trao đổi bằng tiếng địa phương khiến tôi không hiểu gì. Trao đổi xong, chú quay ra nhìn tôi cười vui vẻ gật đầu. Chắc chú nghĩ cuối cùng cũng tìm đúng cái chỗ khỉ ho cò gáy cho cái con dở hơi này. Tôi trả tiền cho chú xong lôi cái ba lô lên tầng hai.

WeChatImage636337215749868631

Trên lầu, bạn quản lý đã bật điện sáng, trong sảnh là một bàn trà, một bộ salon, đối diện với nó là quầy check-in và trong góc phòng là hai bộ máy tính, vài chiếc xe đạp địa hình. Bạn ấy rất trẻ, nói được một chút tiếng Anh nên ban đầu tôi đã chỉ dùng tiếng Anh để trao đổi. Bạn ấy nhận ra ngay tôi là người đã book phòng trên Agoda vì ở đây rất hiếm có người nước ngoài đặt phòng. Sau khi biết tôi có thể nói được một chút tiếng Trung, bạn chuyển sang nói tiếng Trung, cảm giác thoải mái và tự nhiên hơn rất nhiều, cũng đặt cho tôi rất nhiều câu hỏi.

“Cậu như này, khi nãy làm sao trao đổi được với chú lái taxi vậy? Bác ấy còn không biết cả tiếng phổ thông nữa? Một mình cậu đi nửa đêm như này không sợ hả?”

Tôi lắc đầu, tỏ vẻ không biết sợ là gì. Tôi bảo kể cả nghe không hiểu đổi phương nói gì, nhưng nếu hai bên cứ nói liên tục rốt cuộc cũng sẽ hiểu nhau, tôi đã giao tiếp với người lái xe như thế. Bạn ấy lắc đầu cười, vừa cười vừa làm thủ tục, lấy tôi số tiền rẻ hơn 20 tệ so với con số thông báo trên web và gửi lại tôi một phong thư đảm bảo từ Lhasa, bên trong là giấy thông hành cho phép tôi được vào Tây Tạng.

“Cái này gửi cho cậu đúng không. Cậu đi Tây Tạng làm gì vậy?”

“Tôi đi du lịch”

Bạn lại lắc đầu cười. Tôi nhanh chóng thanh toán, xếp đồ rồi theo sau bạn dẫn lên phòng ở tầng 4, lấy một bộ chăn gối và ngủ thật là ngon. Hình như tôi chưa bao giờ ngủ không ngon cả.


Sáng hôm sau tôi không hẹn báo thức nhưng mở mắt vào đúng 8 giờ 30 sáng theo đồng hồ sinh học, tức là 9h30 tính theo giờ Bắc Kinh. Sát giường tôi là khung cửa sổ bằng kính trong rất rộng, mở tầm nhìn ra toàn bộ khu phố cổ khiến tôi không khỏi thích thú. Tối qua tới muộn, trời lại hơi mưa nên chẳng còn tâm trí đâu để ý bên đường nữa, không ngờ buổi sáng mở ra khung cửa sổ, bên ngoài trời âm u, mưa lất phất trên những mái ngói kiểu cổ lại trở nên thư thả thế này.

Việc đầu tiên tôi làm là đi xuống dưới nhà, sang một tiệm đồ uống bên cạnh và mua một cốc cà phê. Chỉ có điều, tôi không hề biết rằng sau khi đã nói rất rõ ràng là không đường thì tôi đã nhận lại được một cốc cà phê pha bằng một loại bột nào đó ngọt lừ, và đúng là KHÔNG CHO THÊM ĐƯỜNG. Tôi quên mất, mình đang không ở Việt Nam, cứ ra đầu đường là có một quán cà phê phin đích thực.

Quán đồ uống đó cũng là điểm đầu của con đường trung tâm khu phố cổ, với nhiều cửa hàng thời trang, đồ lưu niệm và cả các quán ăn bên đường. Hôm đó là cuối tuần nên ngay từ sáng đã rất nhộn nhịp, chỉ tiếc trời không được đẹp, âm u và thỉnh thoảng mưa phùn. Tôi quay về lại hostel. Đến khi trời sáng mới biết hostel này được thiết kế dành cho các bạn trẻ ở lại lâu dài, thường thường phải từ ba bốn tuần tới một hai tháng chứ hiếm có khách du lịch ở một hai đêm như tôi. Trong hostel mỗi tầng đều có một sảnh sinh hoạt chung, với sofa, có cả bàn học dài chạy dọc theo suốt khoảng cửa sổ kính ở tầng ba, có một góc âm nhạc với cả ghi-ta điện và trống.

WeChatImage636337216108636636
WeChatImage636337216027648934

Tôi chọn ngồi tại bàn học tầng 3, vừa đọc nốt cuốn sách về Tây Tạng, vừa uống “cà phê” nhân tiện có thể ngắm đường phố. Đối diện với khách sạn là một dãy các nhà hàng, lớn có bé có, sang trọng và bình dân đều có. Chỉ cần chờ pin điện thoại sạc đầy thì tôi sẽ cắm tai nghe vào và xuống phố. Đang ngẩn ngơ nghĩ xem trưa nay xuống ăn gì thì gặp bạn quản lý đi ngang qua, bạn giới thiệu cho tôi một vài quán ăn với các lựa chọn như mỳ: cay hoặc không cay, rồi các loại đồ ăn vặt dọc theo dãy phố.

Người Trung Quốc rất thích ăn mỳ và họ tự hào về nó. Đồ ăn Trung Quốc, như đã được phổ cập từ trước thì rất nhiều dầu mỡ và nó đúng là như vậy. Trước đây học tiếng Trung, cô giáo bảo nếu như nhà có khách, để nấu một bữa cơm có thể họ sẽ dùng hết một chai dầu, và cho đến hôm nay tôi mới được trải nghiệm bữa cơm chan đầy dầu ăn như thế. Cuối cùng, tôi đã phải gọi nguyên một đĩa rau cải thảo, nói trước với nhân viên là thật thật ít dầu để lấp nốt chỗ trống còn lại trong dạ dày.

Buổi chiều hôm đó tôi lang thang đi hết các ngóc ngách của khu phố. Quan Đô vào ngày cuối tuần cũng là một điểm du lịch nhộn nhịp, đặc biệt dành cho người dân địa phương. Người ta đưa nhau đi dạo phố, đi lễ chùa và tham gia các hoạt động tập thể dọc theo con phố. Cắt ở giữa phố là một quảng trường nhỏ, với một tháp bốn cổng ở trung tâm là biểu tượng của Quan Đô. Người dân khu vực này chủ yếu là người dân tộc (gì không biết, giống người Mèo). Giống như các dân tộc phía bắc Việt Nam, họ cũng mặc các trang phục truyền thống nhiều màu sắc và cũng địu con trên những chiếc gùi sau lưng.

DSC_0123
DSC_0213

Tối đó lẽ ra tôi đã được ngắm phố cổ lên đèn lồng đỏ trong truyền thuyết, nhưng cuối cùng lại phải nhìn nó qua khung cửa sổ bởi trận mưa tầm tã không dứt từ chập choạng tối. Nhưng nếu không có trận mưa đó, tôi cũng không có cơ hội ngồi nghe hát live ở trong dorm. Trong nhà lúc đó có khoảng 5 -6 người tụ tập nghe nhạc và nói chuyện, bạn hát chính là ca sĩ nghiệp dư, thể loại yêu thích là rock ballad và alternative – thứ mà tôi cũng cực kỳ yêu thích, thỉnh thoảng nghe thấy một bài hát quen thuộc lại lẩm nhẩm hát theo.

DSC_0255

Sáng hôm sau tôi phải bay sớm, sợ mình ngủ quên, tôi đã nhờ bạn quản lý đánh thức nhưng rồi cuối cùng vẫn có thể đúng giờ rời khỏi mà không làm phiền tới bạn ấy. 5h sáng trời vẫn còn rất tối, tôi mò mẫm viết lại một tờ note để trước quầy check in nói rằng mình sẽ quay lại khi có cơ hội, sau đó ra sân bay.

Tôi cứ ngỡ mình đã thực sự tạm biệt nơi đó, cho đến buổi tối khi đang thay đồ trong phòng khách sạn tại Lhasa, tôi phát hiện thẻ từ để mở khóa phòng tầng 4 vẫn đang ở trong túi áo của mình. Và đó là lý do khiến tôi quyết định quay lại đó một lần nữa ở chặng về.


Một tuần sau, lại là một chuyến bay hạ cánh lúc tối muộn nhưng lần này tôi đã có mặt ở Quan Đô vào lúc 10h30, khi mà mọi người chưa đi ngủ. Trong sảnh là một nhóm vài bạn trẻ đang ngồi tám chuyện. Tôi đeo ba lô bước từ cầu thang lên, không nhìn thấy bạn quản lý trước nên hơi ngơ ngác, nói xin chào bằng tiếng Anh và lấy hộ chiếu để check-in.

Tôi hỏi mọi người về bạn quản lý hôm trước nhưng có vẻ không ai hiểu. Trong nhóm có một bạn nam nghịch ngợm, nháy mắt với mấy người còn lại rồi chạy lại chỗ tôi, nói vào phần mềm dịch hỏi “Bạn muốn tôi giúp gì?” và đưa màn hình đã dịch tiếng Anh cho tôi. Tôi cười và lặp lại câu bạn ấy nói bằng tiếng Trung làm cả nhóm còn lại cười phá lên, cũng đủ thấy bạn ấy tụt hứng đến mức nào. Tôi bảo bạn ấy tiếng Anh của tôi không tốt lắm, nên đành nói tiếng Trung, bảo bạn ấy chịu khó dùng app vào những lần sau vậy nhé, khiến mọi người lại càng cười to hơn.

Tôi bảo với bạn nam đang giúp làm thủ tục check in rằng mình đã từng ở đây hôm trước và tại vì quên không trả chìa khóa nên quay lại. Vừa nói xong, tất cả mọi người ở đó đều đồng thanh nói “Hóa ra là cậu à?” – cái người mà viết cái note đang dán trên tường kia đúng không? Khi tôi gật đầu, bạn trai nghịch ngợm khi nãy vẫn đang còn ấm ức nói: “Vậy mà không nói từ đầu, mất công người ta dùng phần mềm tiếng Anh”. Tôi cũng đâu biết là mình lại nổi tiếng như thế.

Sáng hôm sau, lại như bữa trước, tôi chạy xuống đường mua một cốc cà phê dù chẳng còn hy vọng ngập tràn về chất lượng như lần trước nữa. Trời hôm nay nắng đẹp, tôi đã chụp bù lại được vài bức ảnh thay cho đoạn đường âm u hôm trước. Cả dãy phố ngập tràn ánh nằng, trời trong xanh chứ không mang dáng vẻ trầm tĩnh, u ám như trước nữa. Có điều, sau này trở về rồi tôi lại cảm thấy nhớ cái dáng vẻ u tịch đó hơn là Quan Đô vào ngày nắng đẹp. Tôi nghĩ nếu có khi nào có thật nhiều thời gian, tôi nhất định sẽ đến đó ở một tháng, cái không gian nhàn nhạt tại đó rất thích hợp để ngồi tưởng tượng và viết những dòng liên thiên xuyên lục địa như vầy =]]

DSC_0700
DSC_0720.JPG

Tôi quay lại khách sạn để lấy đồ và đợi giờ ra sân bay thì may mắn gặp lại được bạn quản lý đang ngồi cùng với hai người khác nữa. Bạn vừa nhìn thấy tôi liền cười bảo “Cậu đúng là xấu tính thật đấy, đi rồi còn cầm theo cả chìa khóa người ta đi mất”. Tôi ngồi nói chuyện thêm với bạn ấy vài câu, rồi dán tấm bưu thiếp có hình cung điện Potala của Tây Tạng lên chính giữa tấm bảng Testimonials (lưu niệm) của bạn ấy.

Trong hai người còn lại có một bạn đã từng phượt ở Việt Nam gần hai tháng khiến chúng tôi có càng nhiều chuyện để nói. Bạn ấy bảo tao ngưỡng mộ cuộc sống tự do và thanh thản ở Việt Nam, nó quá thoải mái so với cuộc sống của bọn tao ở Trung Quốc. Tôi cứ tưởng chỉ ở những thành phố lớn cuộc sống mới khắc nghiệt đối với đất nước tỷ dân này, hóa ra  ngay cả những trấn nhỏ như vậy, áp lực kinh tế và những ràng buộc vô hình vẫn chẳng buông tha một ai. Tôi thấy ánh mắt rất đỗi buồn phiền của các bạn ấy khi nói về quyền bầu cử, hoặc rằng nếu không đạt đến một điều kiện kinh tế nhất định thì chẳng dám nói đến chuyện yêu đương, bởi sợ không đáp ứng được các yêu cầu vật chất.

Trong khi tôi còn đang nhăn mặt thắc mắc tại sao thế này, tại sao thế kia thì các bạn ấy đã nhún vai tỏ vẻ bất lực. Hóa ra Việt Nam trong mắt các bạn không chỉ có cảnh đẹp, đồ ăn ngon, mà cuộc sống còn đặc biệt thoải mái, tôi cũng không cần phải lo không có tiền thì sau này sẽ không lấy được chồng nữa nhỉ, vì thân đứa nào tự đứa ấy nuôi.

Cuộc nói chuyện càng lúc càng có nhiều người đến tham gia và kết thúc bằng một loạt các gương mặt háo hức nhất định phải đến Việt Nam một lần để trải nghiệm thế giới tự do đó. Còn tôi, nếu không từ chối thì đã được bạn quản lý đưa tận ra bến xe để đón xe bus của sân bay quay về Hà Nội. Bạn cũng đã kịp lưu lại số điện thoại của tôi để sau này tiện liên lạc. Hẹn gặp lại hen!

* Ảnh bên trong hostel được bạn quản lý cung cấp. Cảm ơn bạn đã gửi mình một tá ảnh sau 2 phút mình inbox. Hihi

Leave a comment