Cá đuôi cờ

Có một lần người bạn tôi đề nghị: “Tao mới nhận một dự án bên ABC, mày qua đây làm với tao đi, cơ hội phát triển rất tốt”. Tôi chỉ lắc đầu cười nói với nó, một câu đã nói không biết bao nhiêu lần với nó: “Tao chỉ là và chỉ muốn là một con cá đuôi cờ nhỏ nhoi, tại sao cứ bắt phải bơi ra biển lớn?”. Nó bảo tôi cứng đầu, bảo thủ.

Bố mẹ tôi hiện tại chắc cũng đang khá hài lòng về cuộc sống của tôi, công việc không phải xuất sắc nhưng đủ nuôi sống bản thân, có một chút tiền để tự đi du lịch, không khiến bố mẹ phải bận tâm đến nữa. Nhưng chắc trong lòng họ vẫn mong tôi làm được gì lớn lao hơn thay vì cứ thỉnh thoảng lại kêu gào đòi về nhà, làm bất kỳ một công việc nào đó.

Lúc mới tốt nghiệp đại học, trong khi bạn bè hầu hết đều thực tập rồi làm việc ở những công ty lớn hay một số tập đoàn khách sạn danh tiếng thì tôi bắt đầu ở một công ty nhỏ chỉ vài nhân viên. Trong suy nghĩ của bản thân, khi đó tôi cũng chỉ chọn một công việc làm tạm thời rồi xem có công việc nào phù hợp ở gần nhà sẽ về nhà làm. Tôi thích làm gần nhà, thích được ở nhà. Đến vài năm sau, công việc gần nhà phù hợp tìm mãi không thấy, tôi thì vẫn cứ hàng ngày làm ở công ty nhỏ ấy trong khi bạn bè đã có chỗ đứng nhất định ở những nơi có tên tuổi. Trường đại học cũ của tôi khá có danh tiếng về chất lượng đào tạo, mỗi lần nhắc đến nhận lại được câu nói: “Học trường đó chắc phải giỏi lắm nhỉ?” rồi kèm theo ánh mắt nghi ngại ý muốn nói: “Ủa, giỏi vậy rồi sao lại làm ở công ty nhỏ thế này?” hay có những người hỏi “Sao em không làm chỗ XYZ này”. Tôi chỉ nói với họ tôi đã thử đi phỏng vấn công ty lớn rồi nhưng không có năng lực nên không được nhận. Hoặc chỉ cho họ thấy rằng trường nào cũng sẽ có những học sinh giỏi và không giỏi, tôi thì nằm ở nhóm đằng sau. Trả lời như vậy chắc là hợp với ý họ.
Tôi rất chán ghét việc phải giải thích với người khác rằng Tại sao tôi thích cái này mà không phải cái kia? Tại sao tôi lại chọn chỗ này mà không phải chỗ khác? Tại sao … blah blah blah. Giống như câu chuyện thường nghe trong tình yêu, một người hỏi người kia: Tại sao anh lại yêu em? Hoặc ngược lại. Đã ai có được câu trả lời làm hài lòng đối phương? Còn tôi thì thường tóm gọn tất cả vào một lý do duy nhất: Tôi thích.
Xét cho cùng, tôi thích là thật nhưng người ta lại không cho rằng như vậy. Trong mắt người khác, có lẽ từ bé tôi đã là một đứa “không coi ai ra gì” khi không nói chuyện xã giao với ai bao giờ. Ngoại trừ câu: “Cháu/Em chào…” khi gặp mặt, tôi thường không bao giờ hỏi thăm người khác, chỉ trả lời khi họ hỏi. Và mười mấy năm nay từ khi lớn lên, cho đến hiện tại tôi vẫn không hiểu tại sao tuần nào gặp nhau người ta cũng có thể hỏi cùng một câu hỏi, dù rằng biết thừa sẽ nhận lại cùng một câu trả lời. Tôi không đánh giá gì việc họ hỏi thăm như vậy, tôi chỉ không hiểu. Hoặc có lẽ họ mau quên, còn tôi thì lại không quên nhanh đến mức hỏi lại một câu hỏi mỗi tuần. À, thế nhưng họ lại đánh giá câu trả lời đúng với câu hỏi, vừa đủ, không thừa không thiếu với giọng trần thuật và một nụ cười tiêu chuẩn của tôi là không thân thiện, đôi khi còn là kiêu ngạo. Tôi có một quan điểm rằng “Họ nghĩ mình như thế này thì mình chính là như thế”. Vậy lần sau tôi có nên trả lời họ bằng thứ mà tôi thực sự nghĩ trong đầu: “Liên quan gì đến chị” để khớp hơn với đánh giá của họ hay không?
Tôi không đánh giá và tỏ thái độ với người ngoài, nhưng người thân thì có. Nếu họ lặp lại những câu hỏi tương tự cho đến lần thứ 3, tôi nhất định sẽ trở nên cáu gắt. Thay vì một câu trả lời tiêu chuẩn như trên thì “Mày hỏi bao nhiêu lần rồi?” hay “Tao đã trả lời câu hỏi này chưa?” là những câu nói tôi thường dùng để đáp lại bạn thân, đổi danh xưng phù hợp với người khác như bố mẹ, anh chị em cùng nội dung tương tự. Thường thì họ sẽ cười trừ, hoặc nếu họ có lỡ quên thật, tôi sẽ trả lời lại. Tôi thường chỉ hỏi khi muốn biết câu trả lời thực sự và cũng mong muốn được đối xử như vậy. Người thân của tôi hoàn toàn hiểu điều đó, tuy nhiên thỉnh thoảng họ quên thì sẽ phê bình tôi cách ứng xử và giao tiếp.
Tôi thì lại không chịu thay đổi, bởi tôi cứng đầu và bảo thủ mà. Tôi không cần nhiều người phải hiểu mình, cũng không có ước muốn hiểu rõ thế giới bên ngoài. Nó cũng giống như việc tôi không muốn dồn toàn bộ thời gian vào làm những công ty, những dự án lớn mặc dù biết đó là cơ hội rất tốt. Bù lại, tôi có thể đi học thêm những cái tôi thích, có thời gian đi du lịch, mỗi cuối tuần đều có thể ngủ nướng. Có thể do tôi lười biếng, do tôi không chịu cố gắng, do tôi sợ vấp phải những trở ngại lớn.
Nhưng cuối cùng nghĩ lại, một con cá đuôi cờ dù có cố gắng bơi xa cách nào, ra đến biển lớn nó nhất định cũng sẽ chết. Vì nước mặn.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s