Hang Kia Pà Cò – xóm Mông nhỏ Hoà Bình

Những năm 90s của thế kỷ 20, Hang Kia Pà Cò – một xã miền núi thuộc huyện Mai Châu tỉnh Hoà Bình, nằm giáp gianh với thị xã Mộc Châu, Sơn La và gần với biên giới Việt Lào, được biết đến với cái danh “vựa thuốc phiện” lớn nhất khu vực miền Bắc. Đi cùng với sự phát triển của đất nước và chính sách thay đổi cơ cấu cây trồng, Hang Kia ngày nay đã không còn xuất hiện bóng dáng của anh túc, loài cây “nàng tiên” gốc Trung Á mà thay vào đó, đổi mình thành một trong những điểm du lịch cộng đồng của tỉnh Hoà Bình.

Nằm giữa hai điểm đến nổi tiếng chia nhau con đèo Thung Khe – Mai Châu và Mộc Châu, cách Hà Nội khoảng 200km theo quốc lộ 6 về phía Tây Bắc, Hang Kia vẫn là một điểm đến rất mới với cả du khách Việt Nam và quốc tế. Đường vào Hang Kia được trải bê tông để có thể chạy xe máy, đủ rộng cho những chiếc xe du lịch dưới 29 chỗ, tuy đôi chỗ vẫn còn chắp vá, còn ổ gà lồi lõm, cả những con dốc cao tít tắp thử thách cả độ cứng tay lái và độ khoẻ của những con máy già chỉ luôn chạy đường thành phố. Sau 6 tiếng đồng hồ từ khi khởi hành tại Hà Nội, chúng tôi cuối cùng cũng có thể nhìn thấy Hang Kia từ trên đỉnh ngọn núi nhỏ.

Dưới chân con dốc chạy thẳng xuôi theo sườn núi không một đường ngoằn giảm tốc, Y Múa Homestay nằm ngay ngắn tại góc ngã ba rẽ đi hai bản xa hơn: Thung Mặn và Tà Khôm. Chị Y Múa chào đón chúng tôi với nụ cười tươi rói trên khuôn mặt vô cùng xinh đẹp và phúc hậu, cùng một khay trà gừng trên tay để chúng tôi làm ấm người và quen dần với cái “hơi mát” của vùng đất quanh năm sương phủ. Y Múa Homestay là cơ sở lưu trú đầu tiên, được xây dựng và hoạt động theo mô hình du lịch cộng đồng: phát triển du lịch, phát triển kinh tế địa phương dựa trên văn hoá bản địa, song song với nó, bảo tồn các nét văn hoá đặc sắc ấy.

Giữa hai cộng đồng dân tộc rất lớn cư trú tại khu vực Hoà Bình – Sơn La: người Mường và người Thái, Hang Kia cùng với các xóm lân cận lại là khu vực lưu trú của người Mông – tộc người có tập quán sinh hoạt tại các vùng núi đá cao phía Bắc. Sau khi rửa mặt và thay bộ đồ thoải mái hơn, chúng tôi được anh Nhà – chồng của chị Y Múa dẫn đi men theo con đường nhỏ bắt đầu chuyến trekking nhẹ nhàng ghé thăm bản làng người Mông. Giữa rừng hoa đào mận trái mùa bắt đầu nở, những ngôi nhà gỗ mái lợp rất thấp hiện ra nhỏ bé, đơn sơ cùng vài chiếc váy áo thổ cẩm nhiều màu vắt trên dây trước hiên. Với tập quán sinh sống trên núi cao, người Mông phải lợp mái nhà rất thấp để tránh những đợt sương mù tràn vào trong nhà mỗi khi mặt trời khuất núi.

Rời khỏi con đường bê tông, anh Nhà dẫn chúng tôi rẽ vào con đường đất rồi đi nhờ qua vườn qua sân của từng ngôi nhà ấy, nơi những em gái sau giờ tan lớp, sau mỗi buổi làm nương lại ngồi tỉ mẩn thêu những mũi kim bé xíu lên tấm dệt thổ cẩm với những hoạ tiết đơn giản có, cầu kỳ có, đơn sắc hay sặc sỡ, những tấm vải thô dày thật ấm chống lại cái lạnh buốt của màn sương ngấm vào da thịt trên vùng cao, hay tấm khăn sặc sỡ sắc màu giữa cái ảm đạm âm u của núi rừng đều mất rất nhiều thời gian và công sức. Trung bình mỗi một năm, họ chỉ có thể dệt và thêu được bốn tấm vải như vậy, cũng tương đương bốn chiếc váy hoặc áo truyền thống của người Mông.

Con đường dẫn ra bờ suối của chúng tôi băng qua rất nhiều những ngôi nhà gỗ như vậy, mỗi ngôi nhà đều có ít nhất một con hoặc một đàn chó chạy tới sủa vài tiếng “chào khách”. Người Mông gần như không bao giờ nhốt cho trong cũi, bởi họ coi chó như những người bạn của mình và tuyệt đối không bao giờ ăn thịt chó. “Nếu người Mông mà ăn thịt chó thì không phải người Mông rồi” – anh Nhà vừa cười nói vừa đứng sang một bên chặn trước con chó đen vẻ mặt hung dữ canh chừng cho chúng tôi đi qua. Bằng mấy cục xương, anh đã quen hết mấy “anh bạn” trong vùng, tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp cá biệt cần cảnh giác.

Chúng tôi băng qua cánh đồng củ cải, ruộng ngô, vườn chanh leo sai trĩu quả để lên tới một ngọn đồi không quá cao, vừa đủ để nhìn xuống bên dưới ngôi làng và mái trường trước mắt. Trên ngọn đồi, hai khu mộ phần được phân chia tách biệt: một bên có đá tảng, một bên không, là hai khu mộ phần của hai dòng họ khác nhau. Anh Nhà nói người Mông chỉ thờ người đã mất trong vòng ba đời nên mộ phần trong vùng không nhiều, cũng bởi vậy nên những ngôi mộ này đều được mọi người ghi nhớ rõ ràng, không cần ghi tên họ, cũng không cần có bia mộ giống như người Kinh.

DSCF0728

Sau khoảng mười phút dừng nghỉ với vài khúc mía nương ngọt thanh, giòn tan, chúng tôi theo chân anh Nhà bước từng bước lên những bậc đá mòn, chưa đủ để tạo thành một con đường dẫn lên ngọn núi quay ngược lại theo hướng trở về nhà. Qua đoạn núi đá đầu tiên, cánh đồng nhỏ hiện ra với những mảng xám của đá tảng nổi lên giữa màu xanh của cỏ, tạo nên một cao nguyên đá thu nhỏ giữa lưng chừng núi, bên này là mặt trời chiều những tia nắng vàng cuối chiều, bên kia là màu nâu nhạt của ruộng ngô khô cháy, phía đằng xa nhấp nhô vài ngọn núi và dưới chân là thung lũng, là bản làng.

Con đường trở về nhà dần dần tối, những khối sương dày đặc bao quanh đỉnh núi trắng xoá, hoà vào những vệt khói bếp ngai ngái mùi gỗ cháy. Ở nhà, chị Y Múa đang chuẩn bị bữa cơm chiều thơm lừng góc bếp, đợi chúng tôi tắm giặt xong xuôi. Tối đó nhà chị Y Múa đông vui có ba bàn cùng nhau dùng bữa: bàn chúng tôi bốn người, bàn bên một cặp đôi người Ý ghé qua trong chuyến trăng mật, và bàn vợ chồng chị Y Múa cùng bạn hướng dẫn viên. Chén rượu ngô thoang thoảng mùi thơm ngọt của người Mông, cùng thịt nướng, măng xào, gà nướng chấm chẳm chéo làm ấm cái bụng, làm lâng lâng cái hồn người Kinh phiêu phiêu trong cơn gió đêm lạnh.

Người Mông uống rượu ngô, rồi say sưa những điệu múa khèn chân đảo liêu xiêu trong  buổi chợ tình, trước những cô gái múa dù xoè mặc bộ váy thổ cẩm sặc sỡ leng keng tiếng những đồng bạc va vào nhau. Buổi biểu diễn văn nghệ sau bữa tối tại nhà chị Y Múa, những chàng trai cô gái bản tái hiện lại khung cảnh ấy, dập dìu trong những điệu múa quen, tình tứ đưa nhau những ánh nhìn chạy theo đường cong trên không trung của những cái ném còn. Cặp đôi người Ý thích thú khoác lên mình những bộ váy áo truyền thống, chàng cầm khèn, nàng cầm dù trao nhau cái nhìn say đắm, rồi vui vẻ nắm tay mọi người, xếp vòng tròn hoà nhịp vào những điệu nhảy xoè.

Rừng núi Hang Kia nhiều cây độc nhưng cũng nhiều những cây thuốc quý, chị Y Múa đun một nồi nước thuốc ngâm chân khiến cho giấc ngủ tìm đến dễ dàng và êm ái hơn bao giờ hết. Để sáng hôm sau bình yên thức giấc, ánh nắng ban mai tràn qua khung cửa gỗ trong trẻo, bóng lá cây nhảy nhót trên sàn theo từng cơn gió thoảng. Âm thanh u u của chiếc khèn, tiếng của người Mông phát ra từ chiếc loa phóng thanh xóm kêu gọi mọi người ngày mai đi làm đường, tiếng va của những đồng bạc trên bộ váy áo thổ cẩm như từ trong giấc mơ đêm qua vọng lại, trong cái hơi men ấm của rượu ngô, cứ vang mãi, vang xa khắp núi rừng.

2 thoughts on “Hang Kia Pà Cò – xóm Mông nhỏ Hoà Bình

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s