Sơn La có Mộc Châu đã quá nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam với những rừng thông, đồi chè bát ngát, với những rừng hoa đào mận nở trắng xoá mỗi dịp xuân về. Sơn La vốn được biết đến là vùng đất của người dân tộc Thái, nhưng có lẽ Mộc Châu là địa phương giáp với Hoà Bình cùng một số các dân tộc khác sinh sống như người Mường, người Mông ở các bản lân cận, hoặc có thể do Mộc Châu quá phát triển du lịch ở thị trấn nên có nhiều người Kinh lên làm kinh tế, người ta không thể thấy được một vùng đất đậm bản sắc của dân tộc Thái như vẫn thường được xem trên báo đài. Chỉ khi men theo quốc lộ 6 đi ngược lên Yên Châu, rồi thành phố Sơn La thì vùng đất của người Thái trong truyền thuyết mới hiện ra, ở từng con đường, từng góc phố.
Ngay ở thành phố Sơn La, một đô thị đang ngày một hiện đại hơn với những trung tâm thương mại như Vincom mới được xây dựng, cùng với chi nhánh của các nhãn hiệu lớn thì bản sắc của người Thái cũng không hề bị phai mờ. Dù rằng ở thành phố người Thái không sống trong những ngôi nhà sàn theo đúng truyền thống, nhưng những khi xuống phố, khi đi chợ hay làm bất cứ công việc nào khác, phụ nữ Thái vẫn luôn mặc trên mình bộ váy áo truyền thống và bới tóc cao thành một búi tròn trên đỉnh đầu, gọi là tằng cẩu (đối với những người đã lập gia đình).
Tằng cẩu hay búi tóc trên đỉnh đầu là một luật tục của đồng bào dân tộc Thái đen. Phụ nữ người Thái đen khi lấy chồng, theo phong tục phải búi tóc lên trên đỉnh đầu. Tóc trên Tằng Cẩu là tóc rụng của chính cô gái thái, và một phần tóc của mẹ chồng cho. Tằng cẩu càng lớn chứng tỏ gia đình hoà thuận ấm no trong gia đình. Tằng cẩu là dấu hiệu để phân biệt giữa phụ nữ có chồng và chưa chồng. Một mặt tằng cẩu thể hiện sự thủy chung của người phụ nữ, mặt khác là cách tôn trọng chồng và gia đình nhà chồng. Khi lấy chồng, người ta tổ chức trang trọng lễ tằng cẩu. Khi chồng còn sống thì Tằng Cẩu búi ở giữa đỉnh đầu, khi chồng chết thì Tằng Cẩu búi về bên phải, lấy chồng lần 2 thì búi về bên trái. – Theo wiki
Nói vui một chút thì sự thuỷ chung và hôn nhân của người phụ nữ Thái luôn được đặt trên đầu, và họ sẽ không thoả hiệp với bất cứ một yêu cầu nào để phải gỡ bỏ “hôn nhân” của mình xuống đặt sang một bên. Ngay cả khi tằng cẩu gây trở ngại khi tham gia giao thông, họ chấp nhận đội chiếc mũ lên cao chót vót, vốn không hề có tác dụng bảo vệ, hoặc nói cách khác, chiếc mũ thông thường chỉ có thể bảo vệ được tằng cẩu của họ. Bởi thế nên khi các hãng mũ bảo hiểm thiết kế thêm một chóp tròn bên trên bao trọn toàn bộ phần đầu, bao gồm cả tằng cẩu để bảo vệ người dùng một cách tối ưu nhất, nó đã rất được đón nhận và trở thành một nét độc đáo cho giao thông tại Sơn La.
Ngày nay đến thành phố Sơn La, điểm tham quan chủ yếu của mọi du khách chính là Nhà tù Sơn La nằm ngay tại ngọn đồi Khau Cả trong trung tâm thành phố.
Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500 m2. Nhà tù xây dựng khá kiên cố: tường được xây dựng bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn, không có trần, giường nằm cho tù nhân cũng được xây bằng đá, mặt láng xi măng, mép ngoài được gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Trong mỗi phòng giam đều có hố xí nổi được xây cao hơn sàn nằm, không có nắp đậy, không có nước dội, không được vệ sinh thường xuyên. Với lối thiết kế như vậy, mùa hè những đợt gió Lào của vùng Tây Bắc gây nên cái nóng như thiêu như đốt, những đợt sương muối tạo ra cái lạnh giá, rét thấu xương thịt vào mùa đông cộng với môi trường ô nhiễm ở mỗi phòng giam đã làm bệnh tật phát sinh và lây lan rất nhanh chóng trong tù nhân
Nhà tù Sơn La gắn liền với cuộc đời của những nhà hoạt động cách mạng như Tô Hiệu, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thuỷ, Trần Đăng Ninh… với những năm tháng giam cầm tại địa ngục trần gian này cùng hàng ngàn những chiến sỹ cộng sản khác. Tuy nhiên, tận dụng mọi khoảng thời gian và cơ hội của những giờ nghỉ giải lao sau thời gian lao động khổ sai hàng ngày, các chiến sỹ tại nhà tù Sơn La đã thành lập nên Chi bộ nhà tù Sơn La, bầu đồng chí Tô Hiệu làm bí thư chi bộ và một ban lãnh đạo để tiếp tục hoạt động cách mạng, biên soạn và viết truyền đơn… Thời gian giam cầm tại nhà tù Sơn La đối với các chiến sỹ cũng chính là khoảng thời gian học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị quân sự, nâng cao khả năng ngoại ngữ. Tiêu biểu có những chiến sỹ trước kia không hề biết chữ, sau khi vào nhà tù Sơn La đã được các đồng đội của mình dạy đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ, tiếng Pháp và cả tiếng Trung Quốc. Đặc biệt, tiếng dân tộc Thái là ngôn ngữ bắt buộc khi sinh hoạt tại nhà tù Sơn La. Người Thái là một dân tộc rất văn minh khi có hệ thống ngôn ngữ và chữ viết của riêng mình, mọi chiến sỹ tại nhà tù Sơn La đều được dạy thật thành thạo tiếng Thái để có thể giao tiếp được với người dân địa phương, nhờ sự giúp đỡ và ủng hộ của họ để gây dựng các cơ sở cách mạng trong cuộc chiến chống thực dân Pháp. Cũng nhờ thông qua ngôn ngữ địa phương để truyền bá thông tin, dân tộc Thái đã đưa đến cho cách mạng những người con anh hùng, sẵn sàng hy sinh bản thân mình như anh hùng Lò Văn Giá, người dẫn đường trong cuộc đào tẩu khỏi nhà tù Sơn La của bốn đồng chí theo kế hoạch mà chi bộ đã chuẩn bị kỹ lưỡng trong thời gian 2 năm.
Lò Văn Giá đã đưa được 4 đồng chí đến đích an toàn ( khu vực suối Rút, tỉnh Hòa Bình ) theo kế hoạch mà chi bộ đã đề ra. Đồng chí Trần Đăng Ninh đã viết trong cuốn ” Hai lần vượt ngục” có đoạn: “Anh thanh niên Thái đưa chúng tôi đến đây đã hết phận sự. Chúng tôi cùng anh từ biệt bùi ngùi cảm động. Thuyền xa, chúng tôi còn nhìn theo người thanh niên Thái và khắc tên Giá của anh vào lòng”… Khi quay lại Sơn La, Lò Văn Giá đã bị thực dân Pháp bắt. Mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng Lò Văn Giá vẫn nhất mực không khai. Sau thời gian bị giam cầm, không tìm được chứng cứ để kết án, nên chúng đã lén lút thủ tiêu. – Theo trang thông tin http://sonla.gov.vn
Sơn La thời tiết ôn hoà, đèo núi trập trùng biết bao cảnh đẹp. Nếu có điều kiện, nếu có tiện đường ghé lại Sơn La, ghé thăm nhà tù Sơn La nghe câu chuyện đau thương nhưng kiên cường của lịch sử, nếm miếng thịt gà đồi, thịt trâu nướng chấm đậm chẳm chéo – thứ gia vị trứ danh của Tây Bắc, ăn thử bát phở bò thơm lừng ở đối diện Nhà khách Biên phòng, đi thử buổi chợ chọn vài loại rau rừng và ngắm nhìn cuộc sống bình dị của người Sơn La, giữa đô thị phát triển mà vẫn đậm nét Thái.