Sìn Hồ – vùng đất thần tiên ở Lai Châu

Theo tấm biển chỉ dẫn “Sìn Hồ 36km” tại một ngã rẽ trên quốc lộ 12 xuất phát từ Mường Lay, con dốc nhỏ chạy xuống hiện ra bên tay phải với hai bên mép đường phủ đầy đất đỏ và đá dăm, những ổ gà nhỏ lỗ chỗ trên mặt đường nhựa, với những vũng nước đọng bùn. Cả con đường vào Sìn Hồ sau đó toàn bộ là những đoạn đường đèo dốc, đoạn sau cao hơn đoạn trước, cứ đi lên mãi.

Sìn Hồ là một vùng cao nguyên của tỉnh Lai Châu, nằm cách thành phố Lai Châu khoảng 70km về phía tây, vốn rất nổi tiếng với biển mây trắng nằm dưới đỉnh đèo vào những sớm bình minh hay chiều hoàng hôn. Sìn Hồ còn được biết đến nhiều hơn với cơn lũ mùa mưa lớn, những trận sạt lở đất đá chặn lối đi khiến người dân trong vùng bị cô lập, hay phải di tản tới những nơi an toàn hơn.

Đến Sìn Hồ vào ngày tháng 9 trời xanh nắng, con đường núi tuy nhỏ nhưng cũng đủ chỗ cho hai xe ô tô đi ngược chiều có đủ khoảng trống những khúc cua đèo. Men theo con đường nhựa quanh núi, con máy già gồng mình qua những đoạn đường đang được sửa chữa sau trận sạt núi gồ ghề đầy đá tảng, cả những vũng đất lầy chất đống ngáng đường, phải đợi xe cẩu múc từng đợt từng đợt nhả vào chiếc xe tải nhỏ chở xuống núi. Cơn gió núi thoảng qua mang theo hơi sương lành lạnh, gạt cái nhìn sang ngang mới thấy bao đỉnh núi nhấp nhô trùng điệp đều đã ở dưới chân mình. Dừng xe giữa con dốc phóng tầm mắt xuống phía xa, những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, bao quanh bởi những rặng núi xanh thẫm. Không biết là bởi trên cao thiếu dưỡng khí, hay bởi khung cảnh bao la đẹp quá mức tưởng tượng khiến nhịp thở lệch nhẹ đi đôi chút.

DSCF0952

Xe càng đi về phía trước, con dốc ngày càng cao hơn, những rặng núi dưới chân cũng trở nên nhỏ bé lại. Cầm tay lái ngước lên trên dốc chẳng thể thấy được phía bên kia, chỉ thấy chiếc xe tiến dần lên khoảng trời xanh ngắt, đôi lúc thoảng qua vài gợn mây trắng. Nếu như Tây Tạng có những con đường được mệnh danh “thiên lộ” thì ở ngay Việt Nam đây, những đoạn đèo lên Sìn Hồ cũng như đang dẫn ta tới một cõi thần tiên, cõi mơ xinh đẹp, vùng đất bằng phía bên kia sườn núi. Thả nhẹ chiếc xe trôi xuôi chiều dốc thoải trên mặt đường nhựa nhẵn lì êm ái, thị trấn nhỏ Sìn Hồ dần dần hiện ra phía cuối con đường với hai bên là những vườn đào cành lá mỏng manh.

Buổi chiều trên cao nguyên gió mát lịm, quyện vào một màu cam ngọt của ánh hoàng hôn bao phủ khắp vùng. Bên rìa thị trấn, cánh đồng lúa xanh đang dần ngả vàng rì rào theo từng đợt gió. Đám con trai đá bóng trên nền cỏ rộng bằng phẳng, mấy đứa con gái ngồi túm tụm trò chuyện ven đường. Trên cây cầu treo bắc qua dòng suối giữa cánh đồng, các cô các bà đeo chiếc gùi đan đựng liềm, đựng cây cuốc nhỏ đi làm đồng về vừa bước vừa chuyện trò rôm rả. Mỗi đoàn người đi qua, chiếc cầu treo lắc lư khe khẽ, đong đưa một chút rồi trở lại trạng thái yên bình lúc trước. Rồi cứ lúc lúc, nó lại lập cập rung mạnh mỗi khi có xe máy chạy qua. Người người nối nhau qua cầu, sang bản nhỏ phía bên kia cánh đồng về đốt bếp nấu bữa cơm chiều trước khi tắt nắng. Ngay đến cả ông mặt trời cũng muốn theo làn khói bếp trở về, chỉ mới vài phút trước còn phủ nắng cả cánh đồng, mà vài phút sau đã vội ẩn mình sau ngọn núi, đem sương trắng cùng bóng tối nhuộm dần lên bầu trời.

Hơi lạnh của sương đêm trên vùng cao ngày hè, giống như những đêm đầu đông se se lạnh của Hà Nội, khiến lòng người say đắm. Sìn Hồ đêm vắng bóng người, chỉ lác đác ánh sáng của vài bóng đèn điện xung quanh quảng trường. Trong quán ốc nhỏ ở một ngã rẽ cách quảng trường vài bước chân, từng nhóm từng nhóm bạn trẻ tụ tập tối cuối tuần rôm rả nói cười. Tàn đêm, những bóng người liêu xiêu bước cạnh nhau dưới ánh đèn mờ hắt hiu, rồi dần biến mất sau những ngã rẽ cuối con dốc, để lại một thị trấn tịch mịch chìm vào màn đêm.

Biển mây sáng sớm hôm sau không được đẹp như trong truyền thuyết, dưới ánh ban mai qua khung cửa sổ, rặng núi cùng ngôi làng hiện ra trong veo, bình yên, thanh tĩnh. Sìn Hồ được đánh thức cùng những tiếng í ới gọi nhau xuống họp chợ phiên ngày Chủ Nhật, phiên chợ mà mới hơn bảy giờ sáng đã tấp nập kẻ mua người bán đổ về từ khắp những bản làng quanh vùng. Sìn Hồ là khu vực sinh sống chủ yếu của người Dao đen và người Mông. Các bản Dao tập trung quanh thị trấn, những khu đất bằng phẳng hơn, còn các bản Mông thì ở mãi tận trên núi cao, có chỗ chụm thành những xóm nhỏ, có chỗ cách cả cây số mới thấy lác đác một mái nhà. Từ sớm tinh mơ, dân bản đã chuẩn bị những sản vật từ những bó rau, củ cây rừng, từ vài ba con gà cho đến những khoanh sáp ong còn nguyên tại tổ để tụ họp tại đây như một ngày hội. Các mẹ địu con, chị địu em, bà cháu dắt tay nhau xuống núi trong vạt váy áo đủ các màu sắc sặc sỡ làm sáng rực cả một góc phố, cả những đồng bạc nhỏ gắn lên trang phục rung lên lắc xắc theo mỗi bước chân đi. Chợ phiên thuận mua vừa bán, có những người không hiểu ngôn ngữ, không hiểu tiếng nói người đối diện nhưng giao dịch vẫn diễn ra thường thường, trôi chảy với những nụ cười mỉm trên môi.

Mặt trời lên cao, hơi lạnh cũng vì thế mà giảm xuống, thị trấn dần dần nóng lên dưới cái nắng trên vùng cao vốn mạnh hơn miền xuôi rất nhiều. Chợ thưa dần người, thưa dần vật phẩm cũng là lúc tôi phải nói lời tạm biệt với thị trấn, lái chiếc xe theo con đường lên đồi nhìn xuống toàn vùng một lần nữa rồi lại tiếp tục băng qua những ngọn đồi cao, thả những con dốc đứng để xuống với thế gian. Lần sau tới Sìn Hồ, tôi nhất định sẽ nghe lời chị gái người Dao đi qua cây cầu treo vào buổi chiều hoàng hôn vàng rực, đi bộ qua bản Dao bên kia cầu để tới được Cổng Trời, nơi có biển mây đẹp nhất trong ánh chiều tà, để thả hồn bồng bềnh lơ đãng ở vùng đất thần tiên này.

3 thoughts on “Sìn Hồ – vùng đất thần tiên ở Lai Châu

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s