Dừng chân ở quán cà phê bên cổng trời Quản Bạ nhìn xuống, những dãy núi trùng điệp phía xa tiệp vào màu trời xanh tối, rặng núi dưới chân thoai thoải rừng cây cùng những nương lúa nương ngô trải dần xuống dưới những ngôi làng. Thi thoảng trên ngọn đồi xanh thấp thoáng hiện lên căn nhà ngói bốn bức tường màu vàng nhạt. Chếch sang phía bên phải, một mảnh hồ nhỏ êm đềm phản chiếu màu trời tách biệt với màu xanh của cây cối, của cánh đồng. Đi qua thị trấn, rẽ vào con đường thôn nhỏ chừng năm cây số, bản Nậm Đăm ở đó, bên cạnh hồ nước xanh, bao quanh bởi những ruộng lúa chín vàng ươm mùa gặt, xen những nương ngô đang độ trổ bông.
Nậm Đăm bắt mắt với những ngôi nhà trình tường màu vàng nghệ, phía trên có ghép gỗ thành nhà sàn để làm homestay cho khách nghỉ. Có vẻ như cả thôn đều thuộc dòng họ Lý, khi những tấm biển gỗ chỉ dẫn đường vào homestay đều mang những cái tên tương tự nhau: Lý Quốc Chánh, Lý Quốc Thắng… bên cạnh một Dao Lodge chuyên nghiệp hơn, vốn đã được biết đến nhiều hơn trong giới du lịch. Giữa thôn có một nhà văn hoá, gồm nhiều phòng khác nhau: một phòng trưng bày những nét văn hoá đặc trưng của người dân tộc Dao áo dài: bàn thờ, trang phục truyền thống và các không gian bài trí cùng vật dụng trong gia đình; một gian dành cho Hợp tác xã giới thiệu và bán các sản phẩm từ thảo dược và các bài thuốc của người Dao (FB HTX để liên hệ các sản phẩm thảo dược: Hợp Tác Xã Cộng Đồng Nặm Đăm); gian nhà sàn phía trên là nhà sinh hoạt cộng đồng, nơi mà hiện tại mỗi tối mọi người đều đúng giờ tập trung tại đây để học một lớp tiếng anh cơ bản, phục vụ cho việc phát triển du lịch cộng đồng về sau này của bản.
Cô giáo là một cô gái Hà Nội còn rất trẻ, lại còn là còn gái phố cổ chính hiệu, sau khi tốt nghiệp và làm việc một thời gian ở nước ngoài đã bỏ lại phố thị đông đúc lên đây theo một chương trình tình nguyện NGO. Cô mới lên bản được hai tuần, hào hứng kể lại tuần đầu tiên đã khổ sở vượt qua nỗi sợ môi trường mới, vượt qua nỗi nhớ nhà và bế tắc như thế nào. Đến hiện tại cô đã quen thân hơn với mọi người trong bản, được coi như người nhà, được mọi người quý trọng, nên đã không còn cảm thấy lạc lõng, ngược lại rất vui vẻ hoà đồng. Song song, cũng phải kể đến sự hướng dẫn và hỗ trợ nhiệt tình của anh Mười, con người miền xuôi đã dành 8 năm cuộc đời mình để lưu lại mảnh đất này, nghiên cứu và gây dựng nên các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho Nậm Đăm.
Tối đó, trong khi ngồi đợi cô giáo kết thúc buổi kiểm tra đầu vào từng học sinh để phân loại lớp, chúng tôi bốn người ngồi ngâm chân bằng nước pha từ cao thuốc của Hợp tác xã. Nước nóng khiến cho mạch máu giãn ra, cảm giác thoải mái dễ chịu tan vào trong mùi nước thoảng hương quế ấm nồng. Khi nước nguội cũng là lúc cô giáo kết thúc lớp học, dư âm của thau nước ngâm chân thư thái chính là cơn buồn ngủ mau tìm đến, hai người bạn tôi về phòng nghỉ trước, chỉ còn lại tôi, Khunie cùng với bạn chủ homestay của chúng tôi đợi cô giáo xuống cùng nhau đi dạo quanh bản. Trăng đêm mười hai sáng vằng vặc, soi tỏ con đường đất vốn đen như mực không một ánh đèn. Chúng tôi bước đều đều bên nhau, bắt đầu những câu chuyện về chúng tôi, về điều gì đã khiến cô giáo rời bỏ thành phố để đến vùng đất xa xôi này dạy học, về điều gì đã khiến cho hai người chúng tôi tạm dừng công việc mấy tháng liền để lang thang khắp Việt Nam.
Ánh trăng trên cao phủ màu vàng nhạt lên lớp sương đêm khiến cho cả vùng đồng quê trở nên huyền ảo. Chúng tôi bước xuống con dốc đứng giữa một bên vách núi, một bên là những khóm trúc dày dẫn ra cây cầu treo vắt ngang dòng suối sang bản bên. Dưới trăng sáng, cây cầu hiện rõ lên từng cột trụ, từng sợi dây nối bằng những vòng sắt tròn bện vào nhau chắc chắn. Tôi còn có thể nhìn rõ phía bờ bên kia là ruộng ngô, dưới cầu là những ruộng bậc thang lúa bên dòng suối nhỏ. Nếu đêm nay không trăng, hẳn nơi này cũng giống như bao nhiêu phần không gian bị che phủ bởi tán cây bên ngoài kia, tối đen màu mực. Nậm Đăm vẫn giản dị không một bóng đèn đường như vậy, bởi thứ ánh sáng công nghiệp ấy sẽ giết chết vô số sinh vật giữa núi rừng.
Cô giáo nói với chúng tôi: “Từ trước tới giờ, em không hề biết rằng trăng lại có thể sáng đến mức như thế”. Phải rồi, với vô vàn ánh đèn điện và sự tấp nập của thành phố, những ngày rằm còn không chắc có thể nhận ra được sự hiện diện của mặt trăng chứ chưa nói đến cảm nhận được thứ ánh sáng ảo diệu phát ra từ nó.
Tôi từng đọc một câu chuyện mà trong đó nhân vật chính chính đều là những cô bé cậu bé lớn lên ở vùng núi, đêm đêm bầu bạn, nhờ anh trăng dẫn lối ra bờ suối câu cá, rồi men theo con đường đất quanh co sườn núi trở về nhà. Sau này khi chuyển lên thành phố cùng bao nhiêu chuyện xảy đến, nhân vật chính dần mất đi những người thân chỉ còn ánh trăng ở lại bầu bạn, thế nhưng ánh trăng thành phố lại chẳng phải là thứ mà bấy lâu nay cô vẫn luôn thân thuộc. Hoá ra, khi về với phố thị nhộn nhịp, với bao nhiêu mối quan hệ chằng chéo thì chẳng những con người trở nên phức tạp hơn, khó đoán hơn mà ngay cả ánh trăng, vốn tưởng mãi mãi như vậy không đổi cũng trở nên xa lạ, cũng đã không còn là thứ ánh sáng duy nhất soi tỏ đêm đen nữa.
Cây cầu treo dưới ánh trăng quyến rũ đến mức tôi chẳng thể rời mắt khỏi nó, cứ bước lùi từng bước ngược lên dốc, để ngắm trăng, ngắm nhìn khung cảnh phía dưới kia thêm một giây, rồi một giây nữa, cho tới tận khi lên hết con dốc, tới ngã ba đầu đường dẫn ra bờ hồ bên ngoài. Bốn người chúng tôi ngồi trên thành hồ trò chuyện, tiếp tục những câu chuyện về chúng tôi. Cô giáo là một cô gái nhí nhảnh, năng động, luôn miệng hỏi chuyện và kể những câu chuyện của chính mình. Cô nói rằng chuyến đi này quả thực là một trải nghiệm đáng quý, vì nếu không đi đã không thể gặp và nghe được suy nghĩ của nhiều người bạn mới, như chúng tôi, và đã chẳng thể nào thấy được sự nhiệt huyết và nỗ lực đáng trân quý của những anh chị ở xuôi lên bản đã hơn 10 năm.
Chàng trai chủ homestay của chúng tôi, cậu ấy còn rất trẻ nhưng cũng là một trong những con người luôn luôn cố gắng để cái thiện bản thân, gia đình rồi quê hương mình. Chàng trai mới hơn 20 đã luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao ở hợp tác xã: làm việc tại quán cà phê trên cổng trời Quản Bạ, giới thiệu sản phẩm thảo dược tới khách hàng, tranh thủ quảng cáo homestay của gia đình, và tối tối ăn cơm thật sớm rồi vội vàng chạy sang học lớp tiếng anh. Cũng như bao nhiêu người dân bản khác, muốn đổi mới bản mình thành một địa điểm du lịch cộng đồng được nhiều người biết đến hơn, tăng nguồn thu nhập cho gia đình mình. Cậu cũng ước mơ được đi thật xa khi có điều kiện, để thấy những vùng miền khác trên khắp Việt Nam.
Trăng càng về đêm càng sáng hơn, không gian càng tịch mịch hơn khi trong bản đèn của từng nhà cũng không còn sáng nữa. Chúng tôi vô tư ngồi trò chuyện, đến mãi khi nhìn đồng hồ mới chợt nhận ra đã quá nửa đêm. Chúng tôi quay về để sớm hôm sau người thì phải dậy sớm lên cổng trời làm việc, người thì tiếp tục hành trình lên cao nguyên đá Đồng Văn, người thì tiếp tục soạn những trang giáo án mới, người mà hẳn sẽ rất vui rất hạnh phúc khi ngày ngày nhìn thấy các học trò của mình luyện tập tiếng Anh ngay cả khi vô tình ngang qua nhau trên đường.
Tôi hứa với cô giáo sẽ quay lại thăm cô trước khi cô kết thúc thời gian bốn tháng tình nguyện của mình. Tôi hứa với chàng trai homestay sẽ quay lại dạy em tiếng anh nếu như không có cô giáo nào khác nữa. Tôi muốn quay lại thử tắm lá thuốc người Dao mà nghe nói sẽ say ngất ngây nhưng sảng khoái. Tôi muốn quay lại vào những dịp lễ tết, vào những ngày trong bản có người cưới hỏi, vào các lễ trưởng thành để được tận mắt chứng kiến những lễ tục của người Dao áo dài mà chúng tôi đã được nghe kể trong bữa cơm chiều. Và còn muốn quay lại Nậm Đăm, vào một đêm trăng sáng chỉ để ngẩng đầu lên ngắm nhìn thứ ánh sáng diệu kỳ toả ra từ nó. Ánh trăng soi tỏ nhân gian, có soi tỏ được cả cõi lòng ai?
One thought on “Nậm Đăm, ánh trăng có hiểu lòng ai”