Lai Châu, thiên đường bị mắc kẹt

“Nếu đêm nay được giải hoa hậu em sẽ làm gì?” – “Dạ, em sẽ dùng giải thưởng để về Lai Châu mở homestay” – Táo khi thi hoa hậu

“Em hãy nói rõ hơn về dự án để chúng tôi đồng ý đầu tư 100 ngàn USD cho em?” – “Homestay của em sẽ mở tại Tam Đường và Than Uyên, hai thị trấn vô cùng xinh đẹp mà hiện tại vẫn chưa có nhiều nhà đầu tư khai thác du lịch” – Táo khi đi gọi vốn SharkTank

=]]]

Trong vô vàn những ảo tưởng khi mơ về việc mình đi thi hoa hậu, đi gọi vốn SharkTank kèm theo giả thiết các câu hỏi mà ban giám khảo hoặc nhà đầu tư có thể đặt ra, thì có một chi tiết duy nhất trong những mơ tưởng ấy không đổi, đó là ước mơ về Lai Châu, về Tam Đường và Than Uyên, nơi mà tôi gọi nó là những thiên đường bị mắc kẹt.

Tại sao lại nói Lai Châu là thiên đường bị mắc kẹt, đầu tiên phải nói đến những bất tiện trên phương diện giao thông, khi mà các con đường lớn, đường cao tốc đều không trực tiếp dẫn đến Lai Châu, mà hiện tại hầu như đều đi qua Lào Cai hoặc qua Sơn La, Điện Biên. Lai Châu còn bị mắc kẹt giữa những điểm đến đã nổi tiếng từ nhiều năm trở lại đây, mà cụ thể là Sapa, hay Mù Cang Chải với mùa mây, mùa lúa hay Điện Biên với những di tích lịch sử, trở thành biểu tượng nổi bật mỗi khi người ta nghĩ về Tây Bắc thay vì có thêm một Lai Châu nằm giữa.

DSCF1063

Nếu như không phải chuyến đi này thực hiện bằng xe máy, loại phương tiện tối ưu để có thể nhìn thấy rõ những khung cảnh ven đường, thứ mà thường bị bỏ lỡ bằng những cuốn sách, những điệu nhạc hay một giấc mơ nào đó trên ghế cuối của chuyến xe khách, tôi đã chẳng thể nào ghi nhớ được rằng chuyến đi của mình có qua một Tam Đường, một Than Uyên như thế.

DSCF1076

Nếu như Fanxipan – đỉnh cao nhất của dãy Hoàng Liên Sơn vẫn luôn luôn được độc chiếm bởi Sapa thì bên kia con đèo Ô Quy Hồ, Tam Đường ở đó nhỏ bé, hướng mắt mình lên đỉnh Putaleng huyền thoại. Putaleng với khu rừng ma quái trên đoạn đường chinh phục nó đã không còn mới lạ với những phượt thủ và những nhóm trekking chuyên nghiệp. Thế nhưng, không phải du khách nào cũng có đủ dũng cảm và ý chí để chinh phục nóc nhà thứ hai trên dãy Hoàng Liên ấy, thì “tấm thảm” xanh pha vàng thoai thoải trải đều từ đỉnh núi xuống tới cánh đồng rồi theo những ngọn lúa nối tới tận bên lề đường quốc lộ sẽ khiến cho Tam Đường trở thành một mảng màu hài hoà. Cả vạt núi như hơi uốn vào trong tạo thành một vòm cong hoàn hảo, dưới ánh nắng, màu xanh đậm nhạt của những chiếc lá cây còn vương chút nước mưa hoặc sương đọng trở nên lấp lánh, điểm những bông lúa chín vàng dưới màu xanh của mây trời. Có những chỗ, dải thác cao đổ xuống trắng xoá, nhưng dòng nước lại không quá mạnh mẽ để phá vỡ đi cái không gian lãng đãng thơ mộng lại càng làm cho cảm giác thần kỳ về vùng đất này tăng lên gấp bội. Lái xe qua đoạn đường này, tôi đã tạt hẳn vào làn trong, giảm tốc độ xuống thật chậm để có thể vừa đi vừa ngắm nhìn, ngẩn ngơ đến mức cứ thế vô thức từ từ lái xe đi, liên tục mấy cây số cho đến tận khi ra khỏi thị trấn, bắt đầu đoạn đường đèo mới chợt nhận ra cả tôi và các bạn mình, ai cũng quên mất việc dừng lại để chụp lấy một tấm ảnh. Nhưng nghĩ lại thì tôi không nghĩ rằng có bức ảnh nào lại đủ để ôm trọn một dải núi cùng cái khí chất của nó ở bên trong.

DSCF1065

Điều tương tự khi nói về các bức ảnh chụp cũng để dành cho Than Uyên, hay nói chính xác hơn là đoạn đường còn cách thị trấn Than Uyên khoảng 3-5km nếu xuất phát từ phía Tân Uyên, nằm giữa con đường từ Sapa sang tới Mù Cang Chải. Thung lũng, sườn núi trải dài một màu xanh thẫm như thảo nguyên mênh mông mà ta vẫn thường hay thấy trên phim ảnh, điểm những ngôi nhà mái lá màu nâu xám nhỏ bé xíu phía xa. Những người bạn thốt lên trầm trồ: “Trông như Thuỵ Sĩ vậy!”. Ừ, cũng khá giống. Tôi có một số bức hình tương tự ở Thuỵ Sĩ, Thụy Sĩ với núi đá đẹp sững sờ hơn, ấn tượng hơn nhưng có lẽ tôi thích nơi này hơn. Hôm đó sau cơn mưa bóng mây, cầu vồng vắt một dải màu qua cánh đồng, xuyên từ dải núi này qua dải núi khác, đậm màu dần lên cùng ánh nắng. Cách nó không xa, bên phía đối diện vẫn là màu xanh lục của núi, trải xuống cùng những đồi chè đều tăm tắp, cả hồ nước xanh như miếng ngọc long lanh giữa trời. Tôi đưa máy lên chụp vài tấm ảnh gọi là cho có, chứ hoàn toàn biết rằng nó chẳng thể diễn tả được, dù là một phần nhỏ của vẻ đẹp này.

DSCF1071

DSCF1031

DSCF1039

Cũng góc nhìn như thế, nếu như cứ mãi dùng những mỹ từ để miêu tả thì mọi thứ rồi dần sẽ trở nên sáo rỗng. Chỉ có thể nói rằng, nếu trong một lần nào đó dự định tới Sapa, có thể dành một ngày trong lịch trình của mình, băng qua đèo dốc Ô Quy Hồ để sang với bên kia sườn núi, nơi Tam Đường ở đó tĩnh lặng. Để mà một sớm mai thức dậy, mở cánh cửa sổ nhìn ra thảm núi phía sau nhà, dưới ánh nắng lung linh chợt thấy có một thiên thần đang vẫy cánh. Nếu lễ hội mùa vàng ghé qua Mù Cang Chải, đừng vội rời đi, nhân tiện ở lại Than Uyên thêm một đêm nữa, buổi bình minh dậy sớm hái chè, chiều hoàng hôn thong dong thả diều khắp đồng cỏ, tặng chính mình một ngày lạc giữa chốn thiên đường.

Thiên đường dù bị mắc kẹt, nhưng những thiên thần thì không. ^^

2 thoughts on “Lai Châu, thiên đường bị mắc kẹt

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s