Cao Bằng, người ta bỏ quên em điều gì?

Cao Bằng?

Hang Pắc Bó, Suối Lê Nin

Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao

Bánh cuốn trứng, Phở vịt quay

Về Cao Bằng, còn gì để nói nữa không nhỉ? Chắc hết rồi.

Nếu ai đó có hỏi, rằng Cao Bằng có gì vui, ở Cao Bằng có gì để xem, giới thiệu cho họ một vài nơi để đi tham quan du lịch? Vậy chắc tôi chẳng thể nghĩ thêm được điều gì để đưa ra ý kiến nữa. Hang Pắc Bó, Suối Lê Nin là di tích lịch sử, không phải gu du lịch của nhiều người. Thác Bản Giốc, thác nước lớn hùng vĩ nằm trên vành đai biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng chỉ chiếm lấy một khoảng thời gian hai tiếng đồng hồ. Động Ngườm Ngao cũng như vậy. Cả thác nước và hang động đều rất đẹp, nhưng lại không không quá ấn tượng để trở thành một ký ức khiến người ta không thể nào quên, hoặc muốn quay trở lại thêm một lần nữa.

Còn tôi, cho đến hiện tại không nhớ về Cao Bằng với những điều như thế, tôi nhớ hơn một Cao Bằng mà có lẽ người ta đã bỏ quên đâu đó, sau những bức ảnh check-in lung linh, sau những điểm đến rần rần du khách nổi tiếng chỉ với vài góc chụp ảo diệu.

DSCF1437.JPG

DSCF1416

Là quốc lộ 34 từ Mèo Vạc, tiếp nối vào con đường hạnh phúc, chạy men theo dòng sông Gâm xanh biếc màu ngọc bích, qua con đèo Mã Phục trong truyền thuyết. Núi rừng Đông Bắc âm u màu lục thẫm, bầu trời hôm đó phủ mây xám, lớp sương lại càng mờ thêm. Con đường 34 nhiều đoạn sửa chữa lởm chởm đá, những con đường ngoằn ngoèo cũng không kém gì Hà Giang hay Tây Bắc. Đường núi Đông Bắc chạy quanh rừng già, không có nhiều những cái đẹp gợi tình như Mù Cang Chải, như Sapa, cũng không có được cái hùng vĩ của Hà Giang, nhưng đổi lại chính cái âm u màu khói xám của những đợt mây dày bao lấy quá nửa ngọn núi, thấp thoáng mấy mái nhà màu nâu cũ, mờ mờ ảo ảo, khiến cho Đông Bắc càng trở nên huyền bí. Đông Bắc nhiều sông suối uốn quanh khe núi, hoặc chảy quanh những ruộng đồng nhỏ, nước trong mà xanh lắm. Có những khúc quanh rất rộng, nước đầy nhưng trên mặt nước vẫn lấp ló những hòn đá tảng, khiến người ta cứ băn khoăn tự hỏi đó rốt cuộc là con suối, hay là dòng sông?

DSCF1347

Là bữa trưa với món chân giò thui nấu giềng mẻ, nhưng lại hầm thêm với cả thuốc bắc khiến cho món ăn có mùi vị hơi lạ một chút, nhưng cũng rất ngon. Chú chủ quán còn nhắc khéo: “Cố ăn nhiều chút, về dưới xuôi không có món này ăn đâu”. Hỏi thêm mới biết, chú cũng là người xuôi cùng gia đình lên đây làm ăn. Trong bữa cơm nghe mấy anh lái xe bàn bên nói đùa rằng: chú có mỗi cô vợ lại đuổi đi mất, nên giờ đành phải ngày ngày lo liệu việc bếp núc, đằng nào cũng phải tự nấu cho mình, nên mới tiện thể mở quán ăn này. Sau nói chuyện mới biết mấy năm trước vợ chú mất vì ung thư, khi mà thằng út năm nay đang học lớp 5 vẫn còn đang bế ngửa, chú đã tính đem con đi cho, thế rồi lại chẳng nỡ đành bồng bồng bế bế một mình nuôi nó đến tận giờ. Có điều cũng may, giờ các chị lớn của nó đi lấy chồng hết, có thằng út trong nhà hai bố con ngày ngày quát nạt nhau cũng đỡ buồn.

Là Tĩnh Túc với hai dãy nhà tập thể hai tầng quét ve trắng, kiểu kiến trúc từ thời bao cấp mấy chục năm về trước. Dọc khu phố nhà nhà đều treo cờ tổ quốc, thứ màu sắc nổi bật duy nhất giữa cái không gian trầm lắng tĩnh mịch này. Chỉ thắc mắc không biết ở đây người dân treo cờ quanh năm, hay do vừa qua đợt lễ Quốc Khánh. Thị trấn nhỏ là một khu tập thể lớn, nơi mà toàn bộ cư dân đều là, hoặc đã từng là cán bộ công nhân viên của nhà máy thiếc huyện Nguyên Bình. Các cô đã về hưu chiều chiều kê vài chiếc ghế nhựa ngoài sân hiên ngồi cùng vặt rau, bóc lạc, cùng nói vài câu chuyện phiếm. Thấy chúng tôi dừng lại chụp ảnh, các cô hỏi thăm một vài câu rồi nhắn nhủ: “Bảo rằng đây là thị trấn bị lãng quên rồi!” Câu nói của cô nghe sao chạnh lòng quá, vùng biên một thời tập trung khai thác phát triển công nghiệp, nhưng rồi thời đại chuyển mình, lớp trẻ dần dần rời đi hết, chỉ còn lại các cô chú, người cũ nên nguyện ở lại với những gì đã cũ.

DSCF1354

DSCF1356

DSCF1357

Là em, bé con người Tày lanh lợi, thông minh, cô bé chủ homestay bán dịch vụ và marketing xuất sắc. Chiều hôm đó sau khi chụp xong những bức ảnh cuối cùng, rời khỏi thác Bản Giốc để tìm một chỗ nghỉ đêm, tấm biển homestay Mr. Định ở đầu ngõ khiến chúng tôi lập tức rẽ vào con đường nhỏ giữa đồng lúa chín vàng. Xóm nhỏ chỉ bốn năm ngôi nhà xây bằng đá và gạch ba banh màu xám hiện ra cuối con đường rẽ nhỏ xíu. Trên nóc bể nước, vài ba cô bé con ngồi tụm lại chơi đồ hàng khi người lớn đã đi làm đồng hết. Chúng tôi hỏi homestay Mr. Định, chị hàng xóm chỉ sang phía bên. Không có tấm biển đề tên nào, những ngôi nhà đơn sơ liền vách sát sạt nhau không phân định nổi. Tôi vừa nhích ga lên một chút, cô bé đang chơi đồ hàng trên nóc nhà liền chỉ tay vào ngôi nhà bên cạnh nói: “Đây, homestay đây này cô chú”, rồi nó nhảy xuống sân, đứng nhìn chúng tôi chờ đợi. Tới khi chúng tôi đề nghị xem phòng, hỏi giá, nó lon ton chạy một quãng ra thửa ruộng ngay gần đó gọi mẹ về tiếp khách rồi lại tiếp tục trèo lên vắt vẻo trên nóc bể nước. Đã học lớp hai mà nó bé con con, nhưng lại rất nhanh nhẹn và mau miệng giúp mẹ mời khách, nhanh đến mức cho đến tận tối khi tắm giặt xong xuôi chúng tôi mới biết hoá ra ngôi nhà đang ở không phải là homestay Mr. Định mà chúng tôi tưởng rằng mình đã tìm thấy. Nhà Mr. Định đúng là ở bên cạnh, nhưng là ngôi nhà ở chính giữa nhà cô bé và chị hàng xóm chỉ đường. Tối đến nó dẫn Khunie đi mua rượu, hồn nhiên kể chuyện nhìn thấy đằng sau nhà có con ma treo cổ, khiến Khunie hôm sau kể lại nửa đêm nghe có tiếng động lớn bên cửa sổ, hết hồn giật mình tỉnh giấc. Tối ăn cơm xong nó mang bài vở lên ngồi cạnh tôi nói chuyện, hỏi bài. Tuy nhiên có vẻ nó cũng không cần đến tôi phải giúp đỡ cho lắm. Toán cộng trừ học đến hàng trăm, có ba chữ số mà không cần đến nháp, chỉ gập gập mấy ngón tay tính nhẩm là ra. Nó kể trong Động Ngườm Ngao có cá sấu, hai đứa chúng tôi nhìn nhau cười. Hôm sau vào động, hoá ra cá sấu của nó là thật, một phiến đá tảng lớn như hình một con cá sấu đang nhoai lên đớp mồi, bất chợt rất nhớ cái giọng nói giọng cười lanh lảnh của nó.

Là người Tày cùng những ngôi nhà đá, câu hát Then bên cây đàn Tính, những câu chuyện về trang phục truyền thống, về phong tục tập quán, ma chay cưới hỏi được kể trong bữa ăn. Hay chuyện làm kinh tế từ du lịch cộng đồng. Những ngôi nhà chỉ cách thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao chưa tới hai cây số, nhưng đã hai tháng rồi mới lại tiếp đón chúng tôi, những vị khách duy nhất ghé lại homestay nhà chị. Chăn đệm chị bọc lại xếp gọn trong góc nhà, chỉ trải ra từng bộ khi có khách. Tầng 2 và các công trình vệ sinh đều còn rất mới và sạch sẽ. Tất cả đều chỉ mới hoàn thành được hơn một năm, khi mà gia đình chị được cơ quan du lịch Cao Bằng động viên vay vốn không lãi trong 5 năm để đầu tư trang bị lại nhà cửa và mở dịch vụ homestay cho khách du lịch. Lời hứa sẽ dẫn khách về rốt cuộc chỉ duy nhất một đoàn khi mới hoạt động, sau đó là cứ cách hai ba tháng mới lại có một khách tìm vào. Thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao, từ Cao Bằng người ta có thể đi về trong ngày, khách ở lại qua đêm không nhiều, cứ như vậy, ba năm nữa khi số tiền 100 triệu vay ngân hàng bắt đầu sinh lãi, chị cũng chưa biết sẽ phải tính sao.

Là con đường nhựa nhẵn lì dài 72 cây số từ thành phố Cao Bằng đến Trùng Khánh, con đường dẫn đến Thác Bản Giốc nổi tiếng nhưng rồi lại phát hiện ra nó thậm chí còn quyến rũ hơn cả dòng thác. Với ruộng lúa, nương ngô, những bản làng thanh bình. Với những đoạn đèo vừa tay cua dễ chịu, cả những con đường thẳng tắp chạy dọc cánh đồng mùa gặt, xa xa trước mặt là những ngọn núi nhỏ, là bầu trời xanh.

Thì Cao Bằng là vậy, là nơi để người ta đừng chỉ vì chăm chăm đến đích mà bỏ lỡ mất những quãng đường đã đi qua. Bởi không chỉ đích đến mới tuyệt vời, mà cả hành trình cũng vậy.

5 thoughts on “Cao Bằng, người ta bỏ quên em điều gì?

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s