Myanmar – Mandalay

Mandalay lẽ ra đã không có tên trong lịch trình của chuyến đi Myanmar ngày đó khi nó chỉ là một thành phố lớn thứ 2 của Myanmar không hơn. Ngoại trừ cây cầu gỗ Ubein để check-in, thông tin du lịch Mandalay chẳng có bao nhiêu và hoàn toàn bị che mờ bởi cánh rừng đền chùa ở Bagan, ngôi chùa lớn và nổi tiếng ở Yangon hay hình ảnh những người phụ nữ cổ dài, những anh chàng đánh cá trên hồ Inle. May mắn sao hồi đó tôi lại không đặt chuyến bay khứ hồi tới Yangon mà chọn lượt về từ Mandalay…

dsc_0892

Lúc ở Inle, cô bạn trong nhóm trekking đã đưa tôi danh thiếp của một chú taxi/xe ôm ở Mandalay và dặn tôi nhất định phải gọi cho chú để đặt xe đi thăm thành phố.

“Thề với mày đấy, đi city tour bằng motor taxi cực kỳ thú vị”

Vậy là buổi tối trước khi lên chuyến xe đêm từ Inle đi Mandalay, tôi nhắn tin cho chú đặt xe ngày mai, chú có lẽ không đọc được nhiều tiếng Anh nên đã gọi điện lại. Tôi nói tên nhà xe và hẹn 7h sáng hôm sau gặp mặt ở bến.

Xe dừng lúc 4h, nóng và nhiều muỗi, tôi chẳng tài nào thoát nổi khỏi giấc ngủ dở dang, nằm tạm ra dãy ghế chờ đang còn trống. Bạn nhân viên của JJ Bus nhường cho tôi chiếc quạt cây duy nhất, ơn giời, tôi kê đầu lên ba lô ngủ ngon lành. Chừng hơn nửa tiếng sau, đột nhiên có người gọi tôi dậy nói có ai đó bên ngoài tìm gặp. Vào lúc 5h sáng, vì đã quen thuộc giờ xe chạy lại sợ tôi không biết phải đi đâu nên chú lái xe đã có mặt ở đây thay vì 7h như đã hẹn (và phá vỡ giấc ngủ của tôi, huhu). Vậy là hành trình của tôi sớm hơn dự kiến những hai tiếng đồng hồ, còn nếu so với những ngày bình thường, thì phải là bốn tiếng (huhu).

“Tour” bắt đầu bằng việc đi ăn sáng, bởi 5h thì đâu thể đi được nơi nào khác. 5h sáng tại Mandalay, quán bánh bao và sữa đậu nóng cực kỳ đông khách. Lúc bước chân vào quán, trời vẫn đang còn tối om mà chỉ mười lăm phút sau, khi bữa sáng kết thúc thì bên ngoài cảnh vật đã hiện rõ. Bữa sáng này chú mời, coi như chào mừng tới Mandalay nhé. Trải nghiệm bữa sáng của người Mandalay”. Tôi cảm ơn trong sự ngạc nhiên và cảm động vô cùng, người Myanmar vẫn như thế, như mười ngày qua tôi đã gặp, hiếu khách và lương thiện. Rời quán ăn, tôi nhờ chú chở luôn ra Ubein, thả ở đó chừng hai tiếng để đi dạo lòng vòng, vừa hay thời gian đó chú có thể về nhà đưa con đi học.

dsc_0886

Cầu Ubein được xây dựng vào khoảng năm 1850 và được coi là cây cầu gỗ tếch lâu đời nhất và dài nhất trên thế giới, bao gồm hơn 1000 trụ cột bằng gỗ và hàng ngàn tấm ván gỗ lát mặt sàn. Gỗ xây cầu được tận dụng từ những cây gỗ tếch của một cung điện cổ tại địa phương khi thủ đô của vương quốc Ava được chuyển đến Amarapura. Ubein nổi tiếng với hoàng hôn lắm, nhưng hoàng hôn hôm nay tôi lại có hẹn với đồi Mandalay, mà bình minh thì đang rảnh rỗi nên đành để Ubein hẹn hò với bình minh vậy. Buổi sớm trên cầu vắng vẻ, trên đầu mây xám nhất định không để cho mặt trời tròn vành mà ló ra chào ngày mới. Trên hồ Taung Tha Man, người ta đi dạo tập thể dục buổi sáng, các cô các chú dắt xe đạp chở những chiếc giỏ tre đan đem bán, những người đội thúng hàng rong đi bộ qua cầu, tiết kiệm đoạn đường dài vòng quanh hồ. Thỉnh thoảng những nhà sư đi qua, rồi trở lại, về những ngôi chùa hai bên bờ. Đàn quạ đen đậu xuống mặt cầu kiếm ăn, em chó thảnh thơi nằm phơi nắng sớm, bình yên.

dsc_0866

Khi tôi trở lại đầu cầu, chú lái xe đã đứng đợi ở đó, cầm sẵn mũ bảo hiểm đưa tôi rồi nổ máy xe khởi hành đến địa điểm tiếp theo. Tôi đọc ra một vài cái tên địa danh mà tôi đã tìm được trên internet, chú bảo vậy để chú sắp xếp thứ tự, đảm bảo sẽ đưa tôi đi hết những điểm này, thậm chí còn hơn thế nữa.

Đồi Sagaing: xưa kia là một trong bốn đô thị cổ mà ngày nay hợp lại với nhau tạo nên thành phố Mandalay hiện đại: Sagaing, Inwa, Amarapura và Mandalay. Cả ngọn đồi được bao phủ bởi những ngôi chùa, đền tháp và những tu viện xen giữa những tán cây xanh. Khi đi xe tới đỉnh đồi rồi đi bộ thêm vài chục bậc thang dốc sẽ lên được tới chùa U Min Dhonesae Swane U Ponenyashin, từ sân chùa có thể nhìn xuống được toàn bộ khung cảnh của cả ba thành phố nằm bên sông Ayeyarwaddy: những cây cầu sắt, những đỉnh tháp chùa vàng…

dsc_0934

dsc_0933

Sagaing còn đặc biệt hơn với những trường tu học như Aung Myae Oo Monastic Education School cho cả nam và nữ hay Tha Kya Di Tha Nunnery at Sagaing dành riêng cho nữ tu. Tôi may mắn đến Aung Myae Oo Monastic Education School vào đúng giờ các em được nghỉ, có khách đến, bọn trẻ ùa ra chào rồi dẫn đi một vòng quanh trường tham quan. Đám con trai đá bóng, con gái chơi nhảy dây trong sân trường, một vài bạn nữ tụm lại chuyện trò trong phòng học. Cô giáo nhìn thấy tôi cười tươi chào, nhắc các con đem tặng khách một nhành hoa và một tấm bưu thiếp in hình ngôi trường và bọn trẻ. Mấy đứa bé quấn lấy chân tôi, bập bẹ mấy câu tiếng anh hỏi đủ thứ, tôi cũng bập bẹ mấy câu tiếng anh hỏi lại y chang.

Rời trường, chú đưa tôi quay lại để kịp giờ đến tu viện Mahagandayon xem các tu sĩ chuẩn bị và xếp hàng cho bữa trưa. Bữa trưa là bữa ăn chính trong ngày bởi sau đó họ không dùng bữa tối một cách chính thức nữa, chỉ sử dụng các thức ăn dạng lỏng như sữa hoặc cháo. Thực phẩm dành cho tu viện được quyên góp bởi các phật tử hoặc những người khách ghé thăm. Việc các tu sĩ thực hiện nghi thức xếp hàng và nhận thức ăn thể hiện sự tôn trọng và biết ơn với người quyên góp, cũng giống như các tăng lữ khi đi khất thực. Khi tôi đến tu viện là lúc vừa kết thúc giờ học buổi sáng, có một vài khách tham quan cũng như tôi dạo một vòng xung quanh để nhìn rõ hơn về không gian sống và học tập của các tu sĩ. Ngay khi tiếng chuông báo vang lên, hơn một nghìn tu sĩ của tu viện cầm theo bình bát và khăn cá nhân xếp hàng dọc theo lối đi dần dần di chuyển vào khu vực bếp ăn. Đây là lúc duy nhất du khách được phép chụp ảnh và vào bàn bếp tặng đồ trực tiếp cho các tăng lữ.

dsc_0949

Có một lưu ý nhỏ, cũng là phép lịch sự tối thiểu đối với hoạt động này: là chỉ nên chụp ảnh các tu sĩ xếp hàng từ phía sau lưng, hoặc nếu có chụp trước mặt thì nên hướng ống kính từ phía trên cao chụp xuống cả dòng người thay vì quay/chĩa ống kính vào thẳng mặt của bất kỳ người nào. Nó giống như cuộc sống sinh hoạt bình thường hàng ngày bị người khác chĩa vào soi mói, cảm giác vô cùng khó chịu!

Kết thúc buổi sáng, chú đưa tôi đi ăn trưa rồi đưa tới hostel mà tôi đã đặt để check-in, nghỉ ngơi và hẹn gặp lại lúc 4h chiều để đến điểm cuối cùng trong ngày.

dsc_0960

Đồi Mandalay nằm ở phía đông bắc và chính thành phố Mandalay được lấy tên từ ngọn đồi này. Đồi Mandalay cũng được biết đến là một nơi có rất nhiều chùa và tu viện, là một địa điểm hành hương lớn cho Phật tử Miến Điện. Trên đỉnh đồi là chùa Sutaungpyei – theo nghĩa đen có nghĩ là hoàn thành ước nguyện. Để lên được đến đỉnh đồi tuy rằng tốn kha khá sức lực cho việc leo thang bộ, nhưng vị trí ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp bên sườn tháp rất xứng đáng với công sức đó.

Tôi vốn không biết đến ngọn đồi này bởi không tìm kiếm thấy nhiều thông tin về nó trên internet trước khi đi. Ban đầu tôi cũng định sẽ ngắm hoàng hôn trên cầu Ubein như bao nhiêu lời khuyên trên mạng, chỉ cho đến ngày ở Inle, khi mà cô bạn người Trung Quốc mà tôi gặp ở Bagan lúc ấy đã tới Mandalay trước tôi 2 ngày và gửi cho tôi xem bức ảnh hoàng hôn tuyệt đẹp nhìn từ ngôi chùa trên đỉnh đồi, tôi quyết định mình phải đến đây vào buổi hoàng hôn duy nhất tại thành phố này. Tôi không may mắn như cô ấy, không có được khoảnh khắc mặt trời tròn vành đỏ rực dần dần lặn xuống phía xa, tuy nhiên cảm giác đứng trên đỉnh cao, bên một ngôi chùa lớn đợi ánh nắng dần dần dịu đi, rồi cả không gian chìm dần vào bóng tối rất thanh và êm ái (mặc dù xung quanh cũng không ít người)

dsc_0980

dsc_0990

Quay trở lại thành phố, tôi chào tạm biệt chú lái xe trước cửa hostel, nghỉ ngơi một chút rồi dành cả buổi tối lang thang một mình. Thành phố Mandalay về đêm, thực sự là không có gì ngoài ngôi thành cổ thắp đèn trang trí lộng lẫy giữa hào nước quây xung quanh, rất giống với thành cổ Sơn Tây quê tôi. Gần như ngôi thành cổ nào xung quanh cũng có một hào nước, để khi cổng thành đóng thì người bên ngoài không thể dùng cách bắc thang trèo vào bên trong được, hoặc nếu kẻ địch muốn tấn công, trước tiên cũng phải vượt qua quãng nước sâu, lực giảm, ở dưới nước lại càng dễ bị tiêu diệt. Thành cổ Mandalay/ Cung điện hoàng gia Mandalay nghe nói ban ngày rất đẹp, nhưng hôm sau thì tôi lại không đủ thời gian để mua vé vào tham quan được nữa.

Sáng hôm sau tôi chỉ kịp ăn sáng rồi chuẩn bị đồ ra sân bay. Chú lái xe hẹn sẽ đưa tôi ra sân bay bằng con đường đi qua Inwa – ngôi thành duy nhất trong bốn thành phố cổ của Mandalay mà tôi chưa được đi qua. Có một ấn tượng duy nhất của tôi đối với Inwa, là nó rất nghèo, nó nghèo hơn những khu vực còn lại của Mandalay rất nhiều.

dsc_1008
Inwa

Khi dừng lại ở một quán nước bên bến đò qua sông nhỏ, chú mua tặng tôi một hộp thanakha và một chiếc vòng có hình con voi bằng đá xanh làm quà lưu niệm. Nhân tiện, chú nhờ chị bán hàng vẽ thanakha giúp tôi, biến hai bên má thành hai chiếc lá xinh xắn. Đó cũng là lúc tôi hiểu tại sao cô bạn người Ý kia cứ nằng nằng bắt tôi phải gọi điện đặt xe với chú. Chính là bởi cái cảm giác “làm gì cũng chưa cảm thấy đủ, lúc nào cũng muốn mang tặng thêm cho du khách thứ gì đó” mà chú mang lại.

Tới sân bay, may mắn là tôi cũng kịp nhớ ra phải chụp lại với chú một tấm hình lưu niệm. Hộp thanakha mà chú tặng đã khiến cho bạn nhân viên check-in ở sân bay bối rối phải nhìn lại cuốn hộ chiếu của tôi tới tận hai lần, để chắc chắn tôi không phải một cô gái Myanmar…

dsc_1032

“Tưởng bạn là người Myanmar chứ”

“Thật ấy hả? Nếu được như vậy thì tốt quá, vì người Myanmar thực sự rất xinh đẹp, rất rất xinh đẹp”

3 thoughts on “Myanmar – Mandalay

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s