Tây Ninh – Đạo Cao Đài

Trước đây mỗi khi có ai nhắc về Tây Ninh, tôi chỉ nghĩ đến muối tôm, ngon, chấm gì cũng vừa miệng. Giờ khác rồi, mặn mà hơn, lại đã được đi Tây Ninh rồi nên không chỉ còn nghĩ đến muối nữa.

Giờ ấn tượng với Tây Ninh toàn bộ nằm lại trong Tòa thánh Cao Đài đồ sộ ở bên lề thành phố, cùng với Đạo Cao Đài ở các tỉnh miền Tây.

Theo Wiki tiếng Việt, Đạo Cao Đài là một tôn giáo được thành lập ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, năm 1926. Tên gọi Cao Đài theo nghĩa đen chỉ “một nơi cao”, nghĩa bóng là nơi cao nhất ở đó Thượng đế ngự trị, cũng là danh xưng rút gọn của Thượng đế trong tôn giáo Cao Đài – vốn có danh xưng đầy đủ là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

ĐẠO CAO ĐÀI THỜ NHỮNG VỊ TIÊN PHẬT NÀO?

PB 03 Psycho

Một trong những đặc điểm của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ gọi tắt đạo Cao đài đó là biểu tượng Thiên Nhãn, Thiên Nhãn là Mắt Trời, thờ Thiên Nhãn tức là thờ Trời.

Phía dưới Thiên Nhãn là một ngôi sao lớn, đó là sao Bắc đẩu, trung tâm của Càn Khôn Vũ Trụ. Đây là nơi ngự của Đức Chí Tôn nên phải vẽ Thiên Nhãn ngay phía trên sao Bắc đẩu. Hai bên sao Bắc đẩu có vẽ mặt trời và mặt trăng. Hợp lại là Nhật, Nguyệt, Tinh. Đó là Tam bảo của Trời.

Các Đấng ngồi bên dưới kể ra từ trên xuống dưới:

  1. Ba Đấng Giáo chủ Tam giáo thời Nhị Kỳ Phổ Độ.
    – Đức Phật Thích Ca là Giáo chủ Phật giáo.
    – Đức Lão Tử là Giáo chủ Tiên giáo.
    – Đức Khổng Tử là Giáo chủ Nho giáo.
  2. Ba Đấng Tam Trấn Oai Nghiêm của đạo Cao Đài, cầm quyền Tam giáo thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
    – Đức Lý Thái Bạch, là một vị Đại Tiên Trưởng, giữ chức Nhất Trấn Oai Nghiêm, thay mặt Đức Lão Tử, cầm quyền Tiên giáo thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đức Lý Thái Bạch còn được Đức Chí Tôn giao phó kiêm nhiệm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
    – Đức Quan Thế Âm Bồ Tát,  là Nhị Trấn Oai Nghiêm, thay mặt Đức Phật Thích Ca, cầm quyền Phật giáo thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
    – Đức Quan Thánh Đế Quân, là Tam Trấn Oai Nghiêm, thay mặt Đức Khổng Tử, cầm quyền Nho giáo thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
  3. – Đức Chúa Jésus là Giáo chủ của Kitô giáo thời Nhị Kỳ Phổ Độ.
    – Đức Khương Thượng Tử Nha cầm Bảng Phong Thần, đứng đầu Thần vị.
  4. Bảy cái ngai, đặt phía dưới các Đấng, sơn son thếp vàng: ngai giữa lớn nhất là ngôi Giáo Tông, 3 ngai kế dưới dành cho 3 vị Chưởng Pháp ba phái Thái – Thượng – Ngọc, 3 ngai kế dưới nữa dành cho 3 vị Đầu Sư ba phái. Bảy ngai này tượng trưng 7 Chức sắc cao cấp nhất của Cửu Trùng Đài cầm quyền Đạo Cao đài trong cơ phổ độ nhơn sanh của Đức Chí Tôn.

Theo thống kê năm 2009 của các tổ chức Cao đài, đến nay đạo Cao đài có trên 1 vạn chức sắc, gần 3 vạn chức việc, khoảng 2,4 triệu tín đồ, với 958 tổ chức Họ đạo cơ sở được công nhận ở 35/38 tỉnh, thành phố có đạo Cao đài, thành lập 65 Ban Đại diện, 1.290 cơ sở thờ tự (hàng năm có khoảng 4 ngàn tín đồ mới nhập môn vào đạo Cao đài).

Xem thêm tại: Giới thiệu khái quát về đạo Cao đài

DSCF1872

Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh, còn được gọi tắt là Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh là tổ chức Hội Thánh nguyên thủy của đạo Cao Đài.

Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh được xây dựng từ những năm 1940s, xoay quanh bởi sự thần bí trong kiến trúc và công cuộc xây dựng. Tương truyền, sau một vài lần dang dở, hội thánh đã quy tụ 500 nam nữ đồng trinh tham gia xây dựng tòa thánh và phải lập lời thề trong quá trình xây dựng cho đến khi hoàn thành không được phép kết hôn. Thần kỳ ở chỗ, họ đều chỉ là những nông dân công nhân bình thường, vậy mà lại có thể trạm khắc chính xác, tinh xảo để tạo nên tòa thánh công phu của ngày hôm nay.

Hiện nay, mỗi ngày tòa thánh vẫn tiếp đón một vài nhóm khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, hành hương, chủ yếu vào giờ lễ buổi sáng khoảng từ 10 tới 11 giờ. Những người đi lễ đều mặc áo dài rất chỉnh tề và trang trọng. Buổi lễ không kéo dài lâu và du khách được phép vào bên trong tham dự, chụp ảnh với một vài điều kiện nhỏ về trang phục, cũng tương tự như ở những ngôi chùa, nhà thờ, thánh đường của các tôn giáo khác.

Đạo Cao Đài là tôn giáo mới lấy triết thuyết Nho, Lão, Thích làm nền tảng, tín đồ chủ trương sống thiện, tuân pháp, tức làm việc thiện và tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, Đạo Cao Đài cho đến nay vẫn luôn là một chủ đề tranh luận không hồi kết của những tín đồ Cao Đài và những tôn giáo khác. Người theo đạo thì quan niệm rằng Đạo Cao Đài là tổng hòa tinh hoa của những thuyết pháp đúng đắn nhất và hợp nhất chúng lại thành giáo lý của mình. Người ngoại đạo hay tín đồ của các tôn giáo khác, có người sẽ tôn trọng quyền tự do tôn giáo của mỗi cá nhân, có người không chấp nhận được thì nói rằng Đạo Cao Đài quá lộn xộn và “tạp nham”. Là do quan điểm, cách nhìn nhận của mỗi người.

Thực tế, không thể phủ nhận rằng ở khu vực Miền Tây Nam Bộ, Đạo Cao Đài đóng một vài trò vô cùng quan trọng trong văn hóa tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng của địa phương.


Bonus một chút: Khu vực tòa thánh Tây Ninh còn một điểm rất thú vị nữa, rằng có (nuôi) rất nhiều khỉ. Xung quanh tòa thánh trồng nhiều cây xanh như một khu rừng mini, thuận tiện để bọn khỉ cư trú và sinh trưởng. Bọn nó đuổi gọi nhau rộn ràng, lại hay mon men gần mấy cô hàng nước để xin cùi dừa mà khách vừa uống xong. Khỉ ở đây xin xỏ rất lịch sự chứ không cướp giật như ở một số nơi khác, siêu đáng yêu!

One thought on “Tây Ninh – Đạo Cao Đài

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s