Những Con Đường Tơ Lụa và Joanna Lumley’s Adventure

Những Con Đường Tơ Lụa – The Silk Roads: A New History Of The World

Tác giả: Peter Frankopan – Dịch giả: Trần Trọng Hải Minh

Tôi mua cuốn này online và không đọc review nào trước đó, chỉ nghe cái tên tựa thôi đã muốn mua rồi. Ai mà không biết con đường tơ lụa nổi tiếng cỡ nào, bản thân là chuyến hành trình huyền thoại đầu tiên của nhân loại, trở thành trục nối Á Âu, và ở một phương diện nào đó là khởi nguồn của du lịch hiện tại.

Những Con Đường Tơ Lụa – ngay cái tên đã đủ thể hiện rằng thế giới không chỉ có một con đường tơ lụa trứ danh như vẫn thường được kể, mà xuyên suốt những năm tháng của văn minh loài người, biết bao nhiêu con đường, bao nhiêu cuộc hành trình như thế đã được thực hiện để đi đến thế giới hiện đại ngày hôm nay, những con đường mà trên đó lịch sử thế giới đã được kể lại bằng một góc nhìn khác.

Không bằng những con số và cột mốc sự kiện khô khan, Những Con Đường Tơ Lụa mang độc giả theo từng vó ngựa của những cuộc Thập Tự Chinh, những đội quân Mông Cổ hung hãn, theo từng dấu chân những người nô lệ đến các lãnh địa bị bóc lột hay theo từng con thuyền vượt Đại Tây Dương, vượt Ấn Độ Dương để tìm đến được với những miền đất hứa. Những con đường tơ lụa là những dòng chảy của tôn giáo, văn hóa, của kim tiền và quyền lực chính trị, quân sự, kết nối các khu vực, các nền văn minh trên thế giới lại với nhau, và rồi cũng từ đó khơi lên các cuộc chiến tranh nhân loại mà cho đến thời điểm hiện tại cũng chưa có dấu hiệu kết thúc.

Bất cứ cuộc hành trình nào cũng có sự hấp dẫn của riêng nó, với đích đến là những kết quả đã được dự đoán trước, hay những khám phá và phát hiện không ngờ như cái cách mà Colombus đã tìm ra Châu Mỹ. Và mỗi cuộc hành trình đều có giá trị và cái giá riêng của nó, như cái cách mà Anh đã chiếm được Ấn Độ, đồng thời để mất Mỹ.

Bằng các cuộc hành trình của mình, từng đế chế nổi lên chiếm ưu thế, trở thành tâm điểm, thậm chí là nỗi khiếp sợ của thế giới, rồi suy tàn, và lại một đế chế khác nổi lên, nối tiếp nhau, thay thế nhau, tạo nên cục diện thế giới hiện tại.

Với Những Con Đường Tơ Lụa, tấm bản đồ thế giới sẽ hiện lên trong tâm trí bạn bằng một phiên bản có bố cục rõ ràng hơn, những đường biên giới trở nên đậm nét hơn và từng vùng lãnh thổ hiện lên sống động với màu sắc, linh hồn và câu chuyện lịch sử của riêng nó.


Joanna Lumley’s Adventure – BBC Series

Là một series phim tài liệu của BBC hiện đang được chiếu lại trên Netflix, ghi lại những chuyến hành trình của Joanna Lumley ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, mà ở đây tôi nhắc tới hai hành trình nổi bật, vì nó có mối liên hệ mật thiết với cuốn sách nói trên:

  1. Hành trình Con đường tơ lụa: bắt đầu từ Venice tới biên giới giữa Kyrgyzstan và Trung Quốc
  2. Hành trình Trans-Siberian: được thực hiện trên tuyến đường sắt Siberia nối dài từ Bắc Kinh đến Moscow, xuyên qua vùng thảo nguyên Mông Cổ rộng lớn.

Chuyến đi của bà không tái hiện lại con đường lịch sử, mà lần theo những dấu vết mà lịch sử để lại, để nhìn thấy những ảnh hưởng mà các chuyến hành trình năm xưa đã tạo nên ở mỗi vùng đất nó đi qua và còn lưu lại cho đến hiện tại. Hàng trăm hay hàng nghìn năm là những con số lớn không tưởng, và ngỡ như qua chừng ấy thời gian thì vạn vật đều không còn hình dáng ban đầu của nó nữa. Thế nhưng có vẻ như lịch sử và văn hóa thế giới lại kể một câu chuyện khác, khi mà mọi thứ trông có vẻ như vẫn còn nguyên giá trị như trăm ngàn năm trước, còn câu chuyện như chỉ mới hôm qua.

Nếu như bạn có thể đọc Những Con Đường Tơ Lụa và xem các chuyến hành trình của Joanna Lumley vào cùng một thời điểm như tôi vô tình đã làm, thì đó chắc chắn sẽ là một trải nghiệm khiến bạn háo hức và phấn khích như thể chính mình đang bước từng bước chân trên những vùng đất ấy, và xuyên không đi từ quá khứ của hàng thế kỷ trước để đến với hiện tại.

Và đương nhiên, một series phim thì không thể thiếu những cảnh quay, những thước phim và hình ảnh mang cả thế giới đến với tầm mắt của bạn, từ những công trình kiến trúc mang dấu ấn của thời gian và những chi tiết khắc họa đậm nét từng nền văn hóa khác nhau, đến cuộc sống thường nhật, nhịp sống của mỗi địa phương và đến cả những vùng đất mà cảnh đẹp của nó có lẽ khiến cả chúa trời cũng phải ghen tỵ với nhân gian. (Ảnh internet)

Series phim khá ngắn để có thể miêu tả thật rõ nét từng điểm dừng dân, mỗi hành trình chỉ được ghi lại trong 3-4 tập phim dài 45 phút, nhưng vừa đủ để nhìn ngắm, cảm nhận và gợi lên khát vọng thực hiện một hành trình tương tự.


Tôi cũng đã từng lên kế hoạch một chuyến đi bằng tàu hỏa qua các vùng ở miền Bắc Trung Quốc, gần Mông Cổ và Nga cho mùa thu năm trước nhưng chưa thực hiện được, nên những cuốn sách và series phim như thế này giống như một liều adrenaline vào con tim đang héo mòn.

4 thoughts on “Những Con Đường Tơ Lụa và Joanna Lumley’s Adventure

  1. Mình cũng thích cuốn Silk Roads của Frankopan. Đọc lại hai lần luôn. Còn có ý định book tour đi Central Asia cơ 🙂 Nhưng rồi cô Vi đến. Phá sản toàn tập

    Like

    1. Châu Á có quá nhiều điều hấp dẫn nhỉ. Bao nhiêu plan chắc vẫn còn phải đợi dài dài rồi, 2021 cũng chưa chắc có thể đi nước khác được 😦

      Liked by 1 person

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s