Tứ Trấn Huyền Linh – Thục Linh

Tứ Trấn Huyền Linh – Tác giả: Thục Linh

Thể loại: tiểu thuyết giả tưởng, xuyên không, lịch sử

Một câu chuyện hoang đường xảy ra với một anh chàng sinh viên trường Y, với những yếu tố lịch sử, văn hóa và tâm linh của người Việt. Để giải thoát chính bản thân mình khỏi lời nguyền vong mạng, một sinh viên Y khoa không thể dùng khoa học giải thích những hiện tượng đang xảy ra với mình để tìm cách giải quyết mà buộc phải tìm đến những phương thức không khoa học mà dân gian vẫn thường truyền tai mách bảo nhau.

Sẽ thế nào nếu một ngày trên đường bạn bắt gặp một con người khác, từ trang phục, kiểu tóc, cử chỉ, ánh mắt đều giống bạn như đúc. Nhị trùng thân – khi hai linh hồn tranh giành nhau một thân xác, liệu có phải chỉ là sự ngẫu nhiên hay đằng sau nó còn ẩn chứa những câu chuyện khác. Sẽ thế nào, nếu như sự xuất hiện của con người đỏ chỉ với mục đích duy nhất là tìm kiếm một cơ hội khiến bạn biến mất khỏi cõi đời này, và chính hắn sẽ thay thế bạn mà không một vết tích còn lưu lại?

Trong một con ngõ nhỏ ẩm thấp bám đầy rong rêu mà không phải bất cứ người nào cũng có thể bước vào, một lão già ngồi bên vệ đường như đợi chờ ai, cũng như thể cả đời này lão chỉ ngồi như thế. Lão đợi Tĩnh, kẻ đang khốn khổ đi tìm một câu trả lời, tìm một nơi kêu cầu cho những thứ quái dị đang xảy ra với cuộc đời anh. Lão bảo Tĩnh hãy đi tìm hiểu về cái đất Hà Thành này, với những vị thần linh đang trấn giữ và bảo vệ nó hàng ngàn năm nay, rằng có thể chỉ các ngài mới có thể giúp anh hóa giải lời nguyền bí huyền này.

Tĩnh đi tìm về Thăng Long Tứ Trấn, bốn ngôi đền được ngự trị bởi bốn vị thần linh thiêng, nơi kể lại cho anh nghe câu chuyện về những nỗi đau mà ngàn năm lịch sử cũng không thể nào xóa mờ. Là kẻ đi kêu cầu nhưng đồng thời cũng là “người được chọn”, nhiệm vụ của Tĩnh là phải ngược dòng về quá khứ, chứng kiến những thăng trầm lịch sử, những câu chuyện như từng được kể và chứng kiến cả những nỗi đau day dứt còn mãi thiên thu, để cảm thấu nó, rồi tìm cách hóa giải ở ngay trong chính thực tại này. Hoàn thành mỗi sứ mệnh được thần linh ủy thác cũng chính là khi Tĩnh tìm được thêm những bảo vật hộ thân để mà cứu lấy chính bản thân mình.


Thăng Long Tứ Trấn ra đời từ rất sớm, gắn với việc ra đời của kinh đô Thăng Long thời nhà Lý những năm 1010, đó là nơi thờ bốn vị thần trấn giữ bốn phương huyết mạch trên mảnh đất Thăng Long để ngày đêm bảo vệ cho kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn được yên bình. Đó là đền Bạch Mã trấn ở phía Đông, thờ thần Long Đỗ; đền Voi Phục trấn ở phía Tây, thờ thần Linh Lang Đại Vương; đền Kim Liên trấn ở phía Nam, thờ thần Cao Sơn Đại Vương; và đền Quán Thánh trấn ở phía Bắc, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Đây còn được coi là bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất chốn kinh kì chính bởi lịch sử hình thành và vẻ đẹp văn hóa của nó trong tín ngưỡng của người Việt Nam ta, đó là nét độc đáo về tâm linh Thăng Long, là biểu tượng vẻ đẹp văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Việt.

https://thanglong.chinhphu.vn/tu-tran-ha-noi-net-van-hoa-lich-su-dac-sac

Trong làn hương trầm khói tỏa, Tĩnh đã không còn là một anh chàng sinh viên Y khoa nữa, mà biến thành người dẫn đường ngược dòng lịch sử về những triều đại cũ, đó có lẽ cũng là sứ mệnh của anh khi là nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết này. Ở Tứ Trấn Huyền Linh, tác giả đã dùng Tĩnh và câu chuyện huyền bí xoay quanh anh này làm vật dẫn để đưa độc giả đến gần hơn với những truyền thuyết dân gian, những sự kiện lịch sử, tâm linh có, hiện thực có của văn hóa Việt Nam. Có những cái tên được khắc họa rõ nét và xuyên suốt cả câu chuyện như Cao Sơn Đại Vương, có những cái tên chỉ lướt thoáng qua một vài dòng như La Bình Công Chúa (Mẫu Thượng Ngàn)… đều là những nhân vật, những vị thánh có tầm ảnh hưởng không hề nhỏ tới văn hóa người Việt.

Trận đồ trấn yểm và những tà thuật phương Bắc. Bên những mưu mô nham hiểm tranh đoạt quyền lực, tranh đoạt giang sơn là những thủ đoạn xảo quyệt tranh giành tình lang. Yêu tinh ma mãnh tác quái trong dân gian hay lòng người tàn ác. Là nghệ thuật gia vĩ đại, hay là tội nhân thiên cổ bị người đời phỉ báng…

Đi dọc đất Việt Cổ từ Hoa Lư Ninh Bình, Thành Đại La, về đất tổ Phú Thọ, ngược lên miền núi phía Bắc hay xuôi về miền trong, những phong tục đời người vẫn truyền từ đời này qua đời khác, mà ẩn mình trong đó là hư hư thực thực những câu chuyện truyền kỳ bí huyền của những mối duyên cả ngàn năm không dứt.

Vùng cấm địa bí ẩn giữa thắng cảnh ngàn lượt du khách mỗi ngày; Ông Ba Mươi và chuyện hiến tế vào những thời khắc cuối năm; tục cải mả; và cả những bùa ngải thần bí…

Hai yếu tố tâm linh và lịch sử kết hợp với nhau khiến cho câu chuyện được dẫn dắt và kết nối với nhau nhuần nhuyễn và dễ lý giải hơn bất kỳ hình thức truyền tải nào khác, “lý giải” những điều vẫn thường được nghe được thấy trong cuộc sống, cũng sẽ khiến cho đọc giả dễ đưa mình vào vị trí của nhân vật để cảm nhận được tất cả những gì đang được miêu tả, những nội dung, tình tiết đang diễn ra trong truyện. Tuy nhiên, ở Tứ Trấn Huyền Linh, cách hành văn của tác giả đôi chỗ chưa được mượt mà, khiến cho cảm giác xuyên suốt của mạch truyện đôi khi có chút hụt hẫng và ngắt đoạn. Cũng có thể nói tác giả có lẽ hơi tham lam khi ôm đồm hơi nhiều sự kiện cho một tác phẩm, khi mà những câu chuyện này (theo ý tôi) có thể sẽ cần phải được miêu tả chi tiết hơn, tỉ mỉ hơn nữa.

Với người đọc đã đọc nhiều về Tứ Trấn, đây được coi như một lối kể chuyện mới, có thể khiến cho tích cổ trở nên hấp dẫn và lôi cuốn hơn với nhiều đối tượng đọc giả. Với những người không biết và không để tâm quá nhiều về Tứ Trấn, đây hẳn là một cuốn tiểu thuyết giả tưởng xuyên không đặc sắc, câu chuyện tâm linh về một anh chàng đi tìm bốn món bảo vật để giải lời nguyền cứu lấy chính mình. Còn với những người đã ít nhiều biết về Tứ Trấn và có hứng thú tìm hiểu lịch sử và văn hóa Việt Nam, đối tượng chính mà tôi nghĩ cuốn tiểu thuyết này đang muốn hướng tới, thì có lẽ cần thêm chút dấu ấn, thêm vài phần ma mị, thêm chút huyền linh nữa mới xứng danh Tứ Trấn – bốn ngôi đến trấn giữ bốn phương huyết mạch của mảnh đất Thăng Long.


Táo chưa tìm hiểu tác giả Thục Linh, cũng chưa được đọc tác phẩm “Ngôi Làng Cổ Mộ” đình đám trước đó của chị, nhưng cần rất cảm ơn chị vì đã dành thời gian nghiên cứu và viết theo đề tài này để Táo và càng nhiều người đọc có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các giai thoại lịch sử văn hóa Việt Nam.

Và cảm ơn Khunie, người đã tặng cuốn sách này vào dịp sinh nhật năm nay theo đúng yêu cầu của Táo, khi mà đầu tháng tư đi vài vòng phố sách HN không tìm được, thì đến cuối tháng, sau khoảng thời gian bận sấp mặt đã nhận được tin nhắn của bạn báo có quà ngay trước kỳ nghỉ lễ. Cảm ơn người bạn!

Leave a comment