Trong một khoảng thời gian dài, tôi đã quên mất là mình từng đến Ba Chúc. Tôi đã từng nghĩ đó là mảnh ghép cảm xúc tuyệt vời nhất của chuyến đi xuyên Việt, vậy mà tôi lại quên. Cách đây mấy tháng, tôi xem một phim có tựa “Đầu tiên họ giết cha tôi” lấy bối cảnh Campuchia những năm 75, về người dân Khmer dưới chính quyền Pol Pot Khmer Đỏ. Tôi xem hết, nhưng chẳng mảy may có lấy một sợi dây liên tưởng nào tới Ba Chúc mà chỉ nhớ đến những hình ảnh ở Cánh đồng chết.
Thật kỳ lạ, giống như rất nhiều những thứ khác đã từng bị tôi lãng quên, quên hoàn toàn, quên sạch sẽ, đến mức trong đầu tôi không có bất cứ ý niệm nào về một sự tồn tại như thế, chỉ cho đến một ngày thần linh bảo rằng đã đến lúc mày phải nhớ ra rồi.
Sáng hôm đó rời khỏi Châu Đốc, chúng tôi đi theo con đường quen thuộc qua Núi Sam, ngang qua lối rẽ dẫn vào rừng tràm Trà Sư, chạy thẳng tới Tri Tôn. Con đường mà nếu có thời gian ở An Giang nhiều ngày một chút, bạn nhất định phải chạy xe buổi chiều chầm chậm, thong dong ngắm hoàng hôn phủ xuống những cánh đồng thốt nốt, cả những ruộng lúa xanh rì thẳng tắp.
Ba Chúc, nơi ngày nay chỉ là một thị trấn nhỏ bé yên bình nằm một bên đường biên giới với Campuchia, với vài cửa tiệm hai bên đường, những ngôi nhà san sát và cuộc sống ngày thường không quá đỗi tất bật của người miền Tây. Thì Ba Chúc của hơn bốn mươi năm về trước, là tiếng súng nổ, tiếng nạt nộ, tiếng khóc, tiếng rên la và đủ thứ mùi tanh ghê rợn của máu và xác chết. Nơi đó, ngay cả tiếng bước chân người đi cũng đủ để gây nên nỗi khiếp sợ, ngay đến một hơi thở cũng phải nín nhịn, khẽ khàng, ngay đến những giọt nước mắt trào lên khóe mắt cũng chỉ được phép cắn răng nuốt vào trong.
Vụ thảm sát Ba Chúc là một tội ác chiến tranh gây ra bởi chính quyền Khmer Đỏ. Vụ việc xảy ra tại xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc), huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Từ ngày 30 tháng 4 năm 1977, quân Khmer Đỏ bắt đầu đồng loạt nổ súng tấn công biên giới Tây Nam – Việt Nam. Ngày 18 tháng 4 năm 1978, quân Khmer Đỏ tràn vào Ba Chúc, thẳng tay chém giết những dân thường vô tội. Nhiều người chạy tới chùa Phi Lai và Tam Bửu và chạy lên núi Tượng nhằm ẩn náu, song cũng bị quân Khmer Đỏ tàn sát dã man. Trong suốt 12 ngày chiếm đóng từ 18 đến 30 tháng 4 năm 1978, quân Khmer Đỏ đã giết chết 3.157 dân thường. Chỉ có ba người sống sót sau vụ tàn sát. Vụ thảm sát là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột biên giới Việt Nam – Campuchia, và sau đó là Chiến dịch biên giới phản công Tây Nam Việt Nam (hay còn gọi là Chiến tranh biên giới Tây Nam).
Vụ thảm sát Ba Chúc năm 1978 nhanh như một trận lốc xoáy quét qua thị trấn, lấy mất đi hàng ngàn mạng người, nhưng nó thậm chí còn kinh hoàng hơn những trận cuồng phong, bởi những đớn đau phải chứng kiến ngay trước mắt trong sự bàng hoàng và sợ hãi tột độ, còn nỗi ám ảnh thì theo mãi cả cuộc đời những người may mắn còn sống sót, và cả những người đến thăm thị trấn sau này, chứng kiến hàng ngàn những bộ xương cốt, đầu lâu trắng xếp chồng lên nhau trong nhà mồ Ba Chúc.
Nhà mồ Ba Chúc được xây như một đóa sen trắng với 8 cánh sen úp ngược để tưởng niệm những nạn nhân của vụ thảm sát. Đây là công trình chính của quần thể chứng tích tội ác Khmer đỏ, chứa đựng sọ của 1.159 nạn nhân trong cuộc thảm sát, đã được xử lí đảm bảo vệ sinh và giữ được bền lâu. Trong số đó, có 29 sọ của trẻ sơ sinh, 88 cô gái từ 16 đến 20 tuổi, 155 phụ nữ từ 21 đến 44 tuổi, 103 phụ nữ từ 41 đến 60 tuổi, 86 phụ nữ trên 60 tuổi, 23 nam giới từ 16 đến 20 tuổi, 79 nam giới từ 21 đến 40 tuổi, 162 nam giới từ 41 đến 60 và 38 nam giới trên 60 tuổi.

Đến Ba Chúc, xem xong những bức ảnh tài liệu về vụ thảm sát và những tội ác của đội quân Pol Pot trưng bày bên trong nhà truyền thống, tôi đã nghĩ rằng vào bên trong nhà mồ sẽ chỉ giống như một nghi thức cần phải có, chỉ để thắp một nén hương tưởng niệm cho những người đã khuất. Nhưng đến khi bước vào, khi mà nhà mồ được xây thành hình vòng tròn của một bông sen thì bao quanh cả không gian bên trong ấy là những tủ kính chồng cao lên đến tận gần mái nhà, xếp đầy những chiếc sọ, những mảnh xương trắng lạnh toát. Cũng giống như một lần đến Cánh đồng chết ở Campuchia, tôi không sợ hãi những bộ xương, chỉ sợ hãi chính loài người vì chẳng ai khác ngoài con người gây ra những thảm cảnh này.
Vào đêm 30-4-1977, cùng lúc với 14 xã biên giới của tỉnh An Giang, Pôn Pốt đã xua quân tấn công, tàn sát đồng bào ta một cách man rợ. Qua 12 ngày đêm bị bọn Pôn Pốt chiếm đóng, Ba Chúc bị dìm trong biển máu. Đi đến đâu chúng cũng cướp bóc tài sản, đốt phá nhà cửa các công trình công cộng; tàn sát đồng bào ta không kể già trẻ, nam nữ. Những cảnh giết người hàng loạt, dã man diễn ra khắp nơi, không bút mực nào tả hết. Phần lớn nạn nhân bị bắn, chém, chặt đầu. Nhiều phụ nữ bị hãm hiếp, bị đóng cọc vào chỗ kín, trẻ em thì bị đâm lê trước khi giết chết hoặc xé đôi người, nắm hai chân đập đầu vào gốc cây…
Tại sao người ta lại làm như thế? Câu hỏi đó có lẽ vẫn ở lại với Ba Chúc cho đến tận ngày hôm nay, và cả mãi về sau nữa. Người ta sẽ không bao giờ có thể hiểu nổi tại sao con người lại tàn ác với nhau như vậy. Như cái cách mà một bà vãi trong chùa Tam Bửu kể lại về những câu chuyện mà bà được nghe từ những ngay người thân, những người làng xóm bên cạnh mình, rằng năm đó ra sao, những ai đã chết thế nào, những ai may mắn còn sống sót, rồi nhìn xa xăm khẽ lẩm nhẩm: “Không hiểu vì sao con ạ… Không hiểu vì sao?”… Và những người còn sống sót, liệu đã có chắc là may mắn hay là số phận muốn người ta phải sống tiếp, sống một cuộc đời dài đằng đẵng cô đơn và đau khổ, khi vừa tỉnh cơn ác mộng thì những người thân của mình đều đã bị giết chết mà chẳng với một nguyên cớ gì.
Tôi nhớ rằng tôi lúc đó cũng chỉ biết trân trân đứng nghe, câm lặng. Cũng như những ngày đó của 1978, đến Thần Phật cũng chẳng thể cứu giúp, cũng chẳng thể nào mà lý giải nổi.
2018 là một năm nhiều cảm xúc đối với tôi, nhiều nước mắt, nhiều chuyện đau lòng và cũng nhiều trải nghiệm. Hôm trước, Khunie nhắn tin cho tôi bảo: “Này, năm 2018 bọn mình đi là 50 năm thảm sát Mỹ Lai và 40 năm Ba Chúc đấy.” Ừ, thế mà lúc đi lại chẳng nghĩ gì nhiều, cũng chẳng kịp đếm xem những nỗi đau ấy đã kéo dài như thế bao nhiêu năm. Có lẽ người ta không cần đếm, cũng không thể đếm, bởi mỗi một ngày đi qua, mỗi một vị khách đến thăm đều sẽ gợi lại nhưng câu chuyện tưởng xa xôi tưởng đã cũ ấy một lần. Mấy chục năm trôi qua đã là gì, ở những vùng đất ấy, người ta vẫn sẽ còn nhắc về nó ngày ngày, và sẽ còn nhớ còn đau mãi, mãi mãi…