Một tối thứ Bảy ở Tiêu Khê, khi tôi đang ngồi ngoài đường nghe một nghệ sĩ đường phố kéo violin, mọi người ở nhà gọi video sang để tôi góp mặt cùng thổi nến chúc mừng sinh nhật mẹ. Mẹ thấy tôi đang ở ngoài đường liền hỏi: “Đang ở đâu đấy”, tôi thuận miệng trả lời: “Con đang ở Ba Vì”. Vậy là mẹ tôi đã nắm được thông tin một cách không thể đầy đủ hơn rằng tôi đang đi chơi, ở một nơi cách thành phố khoảng mấy chục cây số, và ở đó có núi.
Mang tiếng là đi Nghi Lan – 宜蘭 chơi nhưng thực tế tôi chẳng ở thành phố Nghi Lan một giây phút nào, cũng giống như bạn bảo bạn đi Hà Nội chơi nhưng thực chất lại lên Ba Vì. Chuyến đi này tôi có tổng cộng ba ngày hai đêm, một đêm ở đồng bằng ven biển, một đêm ở thị trấn nhỏ trên núi, vậy có được xem là một hành trình hoàn hảo chưa?
La Đông – 羅東
Khoảng hơn năm rưỡi chiều, vào cái tầm mà ánh nắng đã tắt nhưng trời vẫn chưa tối hẳn, và màu của nền trời vẫn khe khẽ thì thầm nhắc rằng bạn vừa đi qua một ngày nắng rực rỡ, xe khách đáp bến La Đông, bên ngoài lác đác vài người qua lại trước ga tàu, trên đường cũng chẳng mấy chiếc xe. Về nhà rồiii!! Chính là cái cảm giác thoải mái này, thân tâm trí hoàn toàn thư giãn mỗi thứ Sáu cuối tuần thời sinh viên, bắt chuyến xe bus về quê ở ngoại thành, mỗi lần ngồi trên xe là một lần chạy theo ánh hoàng hôn và khi về tới nhà là vừa kịp bữa tối.

Chiếc hostel mà tôi đặt ở La Đông nằm bên rìa thị trấn, trước cửa nhà là đôi bờ kênh nho nhỏ nằm bên cánh đồng lúa cũng nhỏ nữa luôn. La Đông nói riêng và Nghi Lan nói chung mang cái âm hưởng của vùng nông thôn Nhật Bản thường thấy trong các bộ phim: quy hoạch đường xá, đồng ruộng, kiến trúc nhỏ xinh, ngay ngắn và yên bình. Nghe nói ở Đài Loan người trẻ chạy trốn thành thị, chạy trốn áp lực thực tại cũng nhiều người tìm về La Đông.
Buổi tối đó ở La Đông, tôi và bạn đồng hành dạo một vòng chợ đêm mua vài món đồ ăn, định mang ra bờ biển chìm vào cái bức màn đen của biển đêm mà tôi vốn vô cùng yêu thích, kết quả không tìm được bãi biển nào trông có vẻ sáng sủa và bớt nguy hiểm, vì màn đen tối hấp dẫn quá mức thì cũng hơi rợn người, chúng tôi đã đổi địa điểm về một bãi cỏ ở công viên ven bờ sông Đông Sơn vừa ăn uống vừa nói chuyện mãi đến tối muộn.
Lúc trở về, ngang qua con kênh trước nhà nơi bờ kênh bên kia có một cây đèn đường vẫn đang còn sáng, tôi đã tưởng tượng ra cảnh về già nắm tay một ông lão nào đó đi dạo bộ ở đây mỗi ngày. (Hahaha)
Tô Áo – 蘇澳
Thị trấn cảng Tô Áo sở hữu một trong hai cảng cá lớn nhất Đài Loan – cảng cá Nam Phương và một cảng thương mại Tô Áo. Ở bờ Đông của Đài Loan, thuê một chiếc xe máy thong dong dọc con đường đèo ven biển là một sự lựa chọn đúng đắn. À không, với tôi thì bất cứ đâu có cho phép chạy xe máy thì thuê một chiếc xe tự chạy luôn luôn là ưu tiên hàng đầu.

Cuối tuần cuối cùng của tháng 9, miếu Mazu nào ở Đài cũng tổ chức lễ bái long trọng cho ngày giỗ của vị nữ thần bảo hộ dân biển. Đặc biệt khi Tô Áo là vùng cảng cá, vị thần này hẳn còn có vị thế quan trọng hơn nữa, lễ tế vì thế mà trở nên náo nhiệt hơn. Chợ cá ở cảng ngày cuối tuần cũng đông đúc hơn bình thường, khi không chỉ người dân bản địa mà khách du lịch cũng muốn tự tay lựa những mẻ cá mú, hải sản tươi ngon vừa trở về từ biển cả. Tôi, vị khách đang tìm kiếm một món ăn trưa đậm chất địa phương cũng đã không bỏ lỡ món cá hồi đang đúng mùa thu hoạch, mua liền hai hộp cá thái lát cùng đồ ăn kèm rồi chạy xe ra bờ kè Đậu Phụ (Tofu Cape 豆腐岬), vừa ngắm đại dương xanh ngắt vừa thưởng thức miếng cá hồi dày thật dày béo béo quyện vị nước tương mù tạt. Ôi mẹ ơi, vừa gõ vừa chảy nước miếng :3






Buổi chiều, chúng tôi chạy tiếp theo con đường đèo ven biển về phía Nam, chụp vài bức hình Tô Áo từ trên cao tại một điểm ngắm cảnh ven đường, nơi mà các bác săn ảnh chuẩn bị sẵn súng ống đứng cả ngày để bắt những khoảnh khắc quý giá, rồi chạy tiếp về Fenniaolin, một cảng biển khác và khác là ở chỗ nó có thêm bãi cát.




Đài Loan thì không thiếu biển, nhưng bãi biển – bãi cát – bãi tắm thì thiếu vô cùng. Tôi vốn định tới Fenniaolin, vừa ngắm cảnh vừa nhân có bãi tắm thò chân xuống biển một cái cho có cảm giác đi biển, nhưng mải buôn chuyện với anh bán hàng nước ở cảng nên dù đã đến nơi cũng không kịp thời gian để thò. Chúng tôi phải căn giờ chạy ngược lại về La Đông trả chiếc xe máy thuê chiều qua và bắt tàu đến Tiêu Khê, nơi mà ngày kế tiếp tôi sẽ được đi leo núi.
Tiêu Khê nổi tiếng với những dòng suối nước nóng, chỉ một thị trấn trên núi nhỏ xíu xiu thích hợp để dạo bộ mà số khách sạn 4-5 sao nhiều tới không không đếm xuể, cái nào cũng cả một khuôn viên rộng, đèn sáng lung linh. Sau bữa tối, hai đứa tôi loanh quanh thị trấn, men theo những con ngõ nhỏ lát đá và những cây cầu gỗ bắc ngang dòng suối chảy vòng vòng trong thị trấn, nơi mà bạn có thể tháo giày và ngâm chân nước nóng ở ngay dòng chảy đang róc rách dưới chân mình. Tiêu Khê đôi ba chỗ cũng có những con dốc liêu xiêu dưới ánh đèn vàng mờ của tiệm đồ nướng khi đêm về, mà đứng ở lưng dốc, lòng người cũng dễ liêu xiêu.
Cuối cùng, chúng tôi dừng tại khoảng sân chơi nhỏ ở trung tâm thị trấn, bên cạnh một nhà hàng bia thủ công, mua một cốc bia đem ra ngồi bệt dưới bậc thềm ngoài sân và thưởng thức buổi biểu diễn violin của một nghệ sĩ đường phố, từ các bài nhạc Hoa quen thuộc cho đến những bản cổ điển đầy mê hoặc.
Sáng hôm sau thức giấc, bên ngoài cửa sổ là một màu trời xanh trong nắng sớm vùng cao. Khung cảnh này như đã bao lần tôi mộng tưởng về, cảm giác này… rất thích hợp để bước ra phố với một cốc cà phê chào buổi sáng rồi bắt đầu con đường đến thác nước WoFongCi – 五峰旗瀑布 và đỉnh ShengMuFong – 聖母峰 theo cung đường bộ lên núi.
- Thác nước WoFongCi – 五峰旗瀑布: hệ thống ba tầng thác với tầng thấp nhất nằm ngay chân núi, ở đầu đoạn đường dẫn lên thác, cũng là tầng thác có chiều cao khiêm tốn nhất. Hai tầng thác phía trên ước chừng cao cỡ mấy chục mét (20-30), đổ xuống một dải trắng xóa những mùa nhiều nước. Tôi không mấy mặn mà với vẻ đẹp của những thác nước “cô đơn” chỉ đổ ào một dòng như thế này, nhưng rất hưởng thụ việc được nghe tiếng thác đổ và đám hơi nước mà nó gửi vào trong không khí.
- Đỉnh ShengMuFong – 聖母峰: truyền thuyết kể rằng… tôi định viết thế cho nó văn vẻ, nhưng vốn chẳng có cái truyền thuyết nào như vậy, nên đành viết sự thật, rằng nghe đồn trước đây có nhóm người lên núi lạc đường và bị mắc kẹt ở lại, đêm nằm mơ nhờ vào sự chỉ dẫn của Đức Mẹ mà hôm sau tìm được đường xuống núi. Do vậy nên ngọn núi có tên Đỉnh Đức Mẹ, và ngay đầu con đường dẫn lên núi là một giáo đường Thiên Chúa Giáo với lối kiến trúc giống với Thiên Đàn – đền thờ trời của Trung Quốc.
Tôi đến chân núi khoảng mười rưỡi sáng, đi ngắm thác nước trước khi rẽ sang con đường ngang qua giáo đường dẫn lên núi, cuối cùng kết thúc hành trình khoảng hơn năm giờ chiều. Đường lên núi có chỉ dẫn rõ ràng, dễ đi và cảnh bên đường cũng như những ngọn núi khác, thay đổi theo độ cao: có phần rừng nhiệt đới với chỗ nghỉ chân ăn trưa bên suối, có phần rừng trúc, cũng có cả đồi chè dọc đường đi.





Mọi người lên núi ai cũng mong trên đỉnh trời quang, xanh nắng, để hưởng thụ tầm nhìn xa bao quát cả vùng núi hoặc để chụp vài tấm hình kỷ niệm. Thế nhưng, trời mù cũng là một loại đặc ân khi mà không khí mỗi lúc lại đổi mát lạnh theo những đợt sương bay qua, hoặc do tôi lạc quan một cách hơi thái quá khi nói với bạn đồng hành rằng: “Người khác lên núi nhiều khi muốn thấy trời mù cũng không thấy được đâu, nên hãy tận hưởng đi”. (Hahaha)

Tôi không nghĩ rằng mình lại lưu luyến Tiêu Khê, cho đến khi quay về thị trấn dùng xong bữa tối, tôi thậm chí đã cố tình nán lại bến xe bus gần khoảng sân có biểu diễn violin, say mê nghe nhạc thêm hơn một tiếng đồng hồ nữa, đến tận khi trời bắt đầu đổ mưa mới chịu đi đón chuyến xe muộn về lại Đài Bắc.
Và bây giờ ngay khi đang viết những dòng này, trong đầu tôi đang hiện lên câu hỏi: “Có quay lại không nhỉ?”…