Một cuối tuần ở Đài Bắc trời mưa tầm tã, mưa to đến mức muốn bước chân ra khỏi cửa sang bên kia đường đi mua một hộp sữa về pha cà phê cũng khiến người ta chùn bước. Bao dự định ra ngoại thành lang thang leo vài ngọn núi thấp thấp, đi trek mấy con đường mòn quanh Đài Bắc đổ sông đổ bể.
Tôi cứ tưởng khi không ở Việt Nam thì tôi không còn phải nhịn ăn để lấy tiền mua sách nữa, ai mà ngờ tôi lại có thể đọc được thứ tiếng khác ngoài Tiếng Việt. Trời mưa mà, pha một cốc cà phê rồi có sách đọc thì còn gì sung sướng bằng, mà nhất lại là một cuốn sách tác giả viết về núi non, về những câu chuyện của người với núi và những cuộc hành trình.
Cuốn sách có tên “Mười Lăm Tiểu Hành Tinh” của tác giả Lưu Khắc Tương – 劉克襄 《十五顆小行星:探險、漂泊與自然的相遇》là mười lăm câu chuyện về những con người mà cuộc đời họ gắn liền với núi, với núi của Đài Loan. Tôi mới đọc đến tiểu hành tinh thứ 4, tạm dừng để viết lại những ý nghĩ đang chạy qua trong đầu, tôi sợ tôi sẽ quên mất nó, cũng giống như bao ngày qua, vì đắm chìm vào nỗi nhớ Hà Nội đang vào mùa hoa sữa mà tôi đã quên mất luôn lý do tại sao mình lại ở đây, ngày nào cũng tự hỏi tại sao giờ này tôi lại không ở Hà Nội hít cho đã mùi hoa sữa rồi đi ăn một nồi lẩu?

Chiều qua, tôi lấy hết tiền tiêu vặt của tuần sau đi ra tiệm sách. Tôi chọn cuốn này, phần vì được anh bạn lễ tân ở hostel giới thiệu tác giả, phần vì khi mở ra đọc một vài dòng, tôi nhận thấy giữa tôi và tác giả có một điểm chung, đó là những câu hỏi, những thắc mắc về suy nghĩ và hành trình của người khác. Khi còn nhỏ, người ta thường có thiện cảm với những người có câu trả lời giống mình, còn khi lớn lên, những người có chung một câu hỏi, chung một vấn đề mới lại dễ tìm thấy nhau hơn. Và cái quan niệm rằng mỗi con người là một tiểu hành tinh với phương thức vận hành và quỹ đạo riêng đã thu hút tôi đến với mười lăm tiểu hành tinh mà tác giả đề cập.
Ngang qua bốn tiểu hành tinh, tôi thấy những câu hỏi mà mỗi ngày đều xuất hiện trong đầu mình như diễn giải ra thành câu chữ:
- Là điều gì đã tạo nên một con người như thế?
- Tại sao người ta lại quyết định làm điều đó?
- Vào giây phút quan trọng và những thời khắc đối mặt sinh tử người ta đã nghĩ điều gì?
- Hay người ta thật sự không nghĩ bất cứ điều gì cả?
Và cuối cùng không ai có một lời giải đáp xác đáng.
Cuốn sách này khiến tôi đột nhiên nhớ lại hồi 2018, một lần đầu tiên và duy nhất tôi đi theo tour, hỗ trợ một đoàn các bác đi săn ảnh và nghiên cứu chuồn chuồn ở khu vực Tây Bắc. Đoàn không có hướng dẫn viên, trưởng đoàn là một bác người Hà Lan, mà theo lời kể của chị đồng nghiệp đã đi hỗ trợ đoàn phần Đông Bắc trước đó, thì bác là một người một trăm điểm khó tính, khó gần và khó chịu.
Sau ba ngày cùng đoàn trên đường, tiếp xúc, nói chuyện, nghe các cuộc nói chuyện trên xe tôi chỉ công nhận điểm khó tính, nhưng sự khó tính theo hướng cầu toàn đó đã khiến những câu hỏi và sự tò mò trong tôi trỗi dậy. Tôi vẫn nhớ như in cái hành động của mình vào một buổi tối trong khách sạn ở Nghĩa Lộ, Yên Bái: mở danh đoàn, tìm tên của trưởng đoàn rồi gõ nó vào Google. Và kết quả không nằm ngoài dự liệu: chuyên viên cao cấp của chính phủ, nhà nghiên cứu sinh vật, thông thạo vài ngôn ngữ và thậm chí là bậc thầy trong một môn võ đạo. Một bộ não khổng lồ và một trái tim tràn đầy nhiệt huyết.
Ngày cuối cùng trên xe, bác hỏi tôi: “Có phải mày thấy tụi tao kỳ quặc lắm không, tự dưng kéo nhau đi rừng đi rú tìm chụp mấy con chuồn chuồn không đâu?”. Lúc đó tôi chỉ trả lời ngắn gọn một cách khá thảo mai rằng: “Không, tao không thấy thế. Có đam mê của riêng mình để mà theo đuổi lúc nào cũng là chuyện tốt!”. Nhưng thực ra trong nội tâm tôi đang gào rú trong sung sướng khi được một người đã trở thành cấp chuyên gia trong không chỉ một, mà trong từng lĩnh vực mà họ đam mê, hỏi tôi về cách nhìn nhận của tôi đối với họ.
Và tôi cũng thấy mình đâu đó trong những tiểu hành tinh khác khi tự đưa ra đáp án cho câu hỏi: “Nếu đó là mình…?”.
Cố chấp, không cân nhắc thiệt hơn và không hối hận, như xưa nay vẫn thế. Đó là lý do mà tiểu hành tinh “Tôi” đang ngồi đọc sách ở đây vào giây phút này: Đài Bắc, một chiều Chủ Nhật, trời mưa.