Keelung – Chinatown của Đài Loan

Tôi gọi Keelung là Chinatown của Đài Loan. Nghe có điên không? Có! Nghe có muốn cho ăn đấm không? Ahihi.

Đi Keelung về, gặp bất cứ người bạn nào đã từng đến Keelung rồi tôi cũng hỏi: “Mày có thấy Keelung mang đậm phong vị của người Hoa không?”. Và tất cả câu trả lời mà tôi nhận được đều là “Không”. Tôi hoài nghi bản thân mình ghê gớm. Không lẽ chỉ có một mình tôi thấy Keelung thực sự rất Hoa hay sao?

Tôi đã cố tình chọn một ngày trời nắng hiếm hoi trong những ngày mưa triền miên của Đài Bắc để đến Keelung, nhưng tàu di chuyển càng đến gần Keelung thì màu mây xám trên bầu trời càng tối đậm và bên ngoài mưa mỗi lúc một dày hơn, đúng như cái biệt danh mà người ta đặt cho thành phố này – thành phố Cảng Mưa.

Keelung – thành phố cảng cách Đài Bắc khoảng hơn ba mươi cây số về phía đông bắc với một mặt giáp biển, tựa lưng vào núi. Keelung có cảng nước sâu lớn thứ hai Đài Loan, nhờ vào vị trí và điều kiện tự nhiên mà nắm giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của hòn đảo. Vào thời Nhật trị, Keelung là cảng khẩu quan trọng nhất của Đài Loan, từng có giai đoạn một phần ba dân số của thành phố là người Nhật Bản, họ cũng đã lưu lại đây nhiều nét kiến trúc và văn hóa Nhật. Bên cạnh đó, Keelung cũng là thành phố hàng năm đều tổ chức lễ cúng Rằm Tháng Bảy quy mô nhất, một trong những phong tục quan trọng nhất của người Hoa. Chợ đêm Cổng Đền (Miaokou) – 廟口夜市 ở Keelung mở ngay trước Đền Dianji – 基隆奠濟宮開漳聖王 cũng được biết đến là chợ đêm lớn nhất và nhiều món ăn ngon nhất Đài Loan – Keelung Tourism Official Website

Ra khỏi ga xe lửa, tôi đi theo chỉ dẫn của Google Map để đến trạm xe bus gần nhất bắt xe đi Yehliu – công viên địa chất ven biển nổi tiếng với những khối đá hình nấm mà tượng trưng là khối đá có hình dáng và cái tên kiêu sa: Nữ Hoàng.

Con đường đi từ ga xe lửa đến trạm bus khoảng mấy trăm mét. Cơn mưa phùn dày, hơi ẩm se se lạnh khiến cho tất cả các loại mùi vị đều hiện lên rõ nét hơn bao giờ hết, mùi mưa, mùi dầu máy xăng xe, mùi đồ ăn từ các quán dọc đường: mùi đồ hấp, mùi chiên rán với những hương liệu đặc trưng, những màn hơi nước trắng xóa tỏa ra từ những nồi chưng lớn, màu vàng ruộm trên những chảo dầu chiên, cộng thêm tiếng người nói, tiếng còi xe và vô số những tạp âm khác. Một bầu không khí rất Hoa bao trùm cả con phố, và sự cộng hưởng của nó mạnh đến mức khiến tôi thực sự choáng ngợp. Chỉ một đoạn đường ngắn mấy trăm mét, vậy mà tôi đã dừng lại đến bốn lần để ổn định lại hơi thở và cảm xúc trong mình, thậm chí khi đó tôi đã nghĩ: hay là thôi khỏi đi Yehliu, mình ở lại đây đi loanh quanh để tận hưởng trọn cái không khí này.

Nhưng cuối cùng thì tôi vẫn đi Yehliu, giữa một trời bão táp mưa sa tôi vẫn cố chấp phải đi cho bằng được, đi cho biết đây biết đó, đi cho đúng với cái tinh thần đến nhìn một cái rồi về.

Yehliu là một mũi đất dài khoảng 1.700 mét được hình thành bởi núi Datun vươn ra biển. Do lớp đá của bờ biển chứa sa thạch có kết cấu đá vôi và nó chịu sự xói mòn của biển, phong hóa và chuyển động của trái đất, nên có cảnh quan đặc biệt bao gồm các rãnh / lỗ biển, đá hình nến và đá hình nấm, là nơi thích hợp cho việc nghiên cứu địa chất và nghiên cứu thực địa. Yehliu Introduction – Taiwan Tourism Official Website

Sau chuyến tham quan mà như người ta nói là đi check-in điểm đến thì tôi đến một tấm hình chụp đúng tại bãi đá cũng không có, chỉ có một tấm thân hứng gió hứng mưa biển lạnh toát ở Yehliu, tôi quay về trung tâm thành phố.

Chạng vạng tối có lẽ là quãng thời gian tôi thích nhất khi đi du lịch lang thang ở một thành phố. Khoảng thời gian đó trong ngày, tôi thì thảnh thơi vô lo vô nghĩ đứng một góc đường nhìn xung quanh người ta gấp rút hoàn thành công việc của một ngày, vội vàng mua mua bán bán rồi mau chóng hòa vào dòng người lưu động trên đường mong được trở về nhà. Tại Keelung cũng thế, nhất là trong một buổi chiều tối mưa, việc ngày thường bận rộn, ngày mưa trông lại càng vội vã hối hả hơn. Tôi vốn thích những thứ tương phản, nên đây cũng là khoảng thời gian mà tôi thích rẽ ngang từ một con phố tấp nập bước chân vào không gian yên tĩnh của đền chùa, ở đây là Khánh An Cung – 基隆慶安宮, hay còn được gọi là Miếu Mazu của Keelung. Dạo một vòng quanh các ban thờ trong mùi hương trầm nồng ấm, những khoảng trống trong lòng như được lấp đầy, bình lặng, an yên.

Lại nói về chuyện một chuyến đi chỉ cần có được một khoảnh khắc đáng nhớ đã được tính là một chuyến đi thành công thì đến Keelung lần này với tôi hẳn là thành công rực rỡ, mặc cho cơn mưa trên đất cảng theo từng đợt gió có táp vào mặt tôi bao nhiêu lần đi nữa thì sự thành công của nó là điều không thể chối cãi. Tôi sẽ không bao giờ quên được cái cảm giác cứ bước vài bước lại phải dừng một lần để sung sướng nói: “Ôi mẹ ơi” khi chìm trong không gian (mà tự tôi cho rằng) rất người Hoa ở những góc phố ấy.

Và chắc tôi cũng sẽ không quên bữa tối hôm đó ở Keelung, con bé trước khi lên tàu về lại Đài Bắc vẫn kịp dạo một vòng chợ đêm mua được vài món nướng và một lon bia lạnh, xách ra đứng một mình bên lan can bờ cảng, một tay che ô một tay cầm xiên đồ nướng uống bia ngắm Cảng Mưa. Nghe có điên quá không? Có! Nhưng mà rất Keelung còn gì!

One thought on “Keelung – Chinatown của Đài Loan

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s