Quảng Trị – Vết hằn chiến tranh

Cuối cùng, sau tất cả những cảnh đẹp suốt một chặng đường dài mấy ngàn cây số trong gần 3 tháng đi dọc Việt Nam, thứ tình cảm đọng lại nhiều nhất trong hồi tưởng là dành cho những con người đang nằm lại ở mảnh đất Quảng Trị, những con người chưa từng một lần được gặp gỡ, có nhớ được vài cái tên, đi kèm với năm sinh, quê quán.

Lượt đi từ Bắc vào Nam, chúng tôi chọn đường Trường Sơn Tây và chạy dọc suốt con đường vắng vẻ đó từ Quảng Bình để tới Khe Sanh. Thực ra tên của nó là Đường Hồ Chí Minh Tây (HCMT), con đường lịch sử năm xưa với những đoạn dài hàng chục cây số mới thấy một vài ngôi nhà, cũng thỉnh thoảng mới thấy có chiếc xe chạy qua, và đổi lại là rừng xanh bạt ngàn.

Khe Sanh là một thị trấn nhỏ nằm ở đoạn giao giữa HCMT và Đường 9, ngày nay là một phần của đường Xuyên Á AH16 chạy qua cửa khẩu Lao Bảo, cửa khẩu thông thương lớn nhất ở biên giới hai quốc gia Việt – Lào. Khe Sanh ngày nay là một thị trấn vùng biên với tương đối nhiều khách du lịch bụi với những hành trình xuyên Đông Dương hoặc xuyên Đông Nam Á. Bởi Lao Bảo có lẽ là cửa khẩu “dễ tính” nhất cho những ý định mang xe máy hoặc ô tô qua bên kia biên giới để tiếp tục hành trình.

Khe Sanh sẽ không phải là một điểm cần đến, cũng không phải là một điểm thu hút nếu như 50 năm về trước nó không phải là nơi diện ra trận chiến quan trọng khởi đầu cho chiến dịch mùa Xuân 68 chiến đấu với quân đội Mỹ trong Chiến Tranh Việt Nam. Ở Khe Sanh ngày nay, người ta có thể nhìn lại một phần của lịch sử ở khu di tích sân bay quân sự Tà Cơn.

Sân bay Tà Cơn từng là một cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966-1968. Địa danh này từng gắn với nhiều chiến tích trong chiến dịch giải phóng Khe Sanh năm 1968 và gắn với câu nói nổi tiếng chua chát của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James R. Schlesinger: “Tuy chúng ta đã ném cả danh dự nước Mỹ ra để giữ (Khe Sanh) và buộc hội đồng tham mưu trưởng liên quân cam kết bằng máu, nhưng cuối cùng cũng phải rút chạy” – Theo báo Tuổi Trẻ

Xin mời đọc thêm về Sân bay Tà Cơn và Khe Sanh tại đây: Di tích Sân bay Tà Cơn –  tại trang web chính thức của Trung Tâm Xúc Tiến Đầu Tư Thương Mại và Du Lịch tỉnh Quảng Trị.

Ở Khe Sanh, người ta sẽ thấy chút gì đó gian khổ, sẽ thấy chút gì đó kiên cường của những năm tháng chiến tranh khi xưa, thêm một chút cảm giác tự hào dân tộc khi cuối cùng cuộc chiến cũng đã kết thúc và tất cả mọi khó khăn đã đi qua.

Thế nhưng, khi ở lượt về đi từ Nam ra Bắc, chạy ngang qua một đoạn Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) ở Quảng Trị để ghé vào thắp nén hương tại Nghĩa trang Trường Sơn, toàn bộ những điều kể trên đã không còn nữa, thay vào đó chỉ bằng một cảm giác duy nhất, là mất mát.

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ; có tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23000m2, khu tượng đài 7000m2, khu trồng cây xanh 60000m2, khu hồ cảnh 35000m2 và mạng đường ô tô rải nhựa trong khuôn viên nghĩa trang 15000m2. Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính. (Thông tin từ trang web Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn của tỉnh Quảng Trị).

Chúng tôi vào Khu tưởng niệm những liệt sĩ khuyết danh trước tiên, bởi nó nằm ngay phía bên tay trái khi đi từ cổng vào. Ở đó có người trực hàng ngày, nhận hoa viếng, châm hương, tiếp khách và trò chuyện. Anh nói sơ qua về nghĩa trang Trường Sơn, các khu vực bên trong rồi chỉ ra cây cầu treo Bến Tắt ngay bên ngoài giới thiệu: “Đây, vĩ tuyến 17 chia hai bờ bên Bắc bên Nam, cửa ngõ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam chính là ở cây cầu Bến Tắt này”. Xưa giờ người ta nói nhiều về vĩ tuyến 17 và cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải, nên những người không tìm hiểu nhiều về lịch sử chắc sẽ không khỏi ngạc nhiên trước thông tin này. Nói chuyện một lúc, anh chỉ chúng tôi hướng đi lên khu mộ.

Mặc dù nằm trên con đường không nhiều người qua lại, nhưng nơi này ngày ngày đều có người đến viếng, hoa luôn luôn tươi, hương cũng chưa từng ngừng cháy. Cũng đúng thôi, là nghĩa trang quốc gia với hơn 10 ngàn ngôi mộ, ít nhất chỉ riêng những người thân của những người đang nằm đây cũng đã đủ cho một ngày có cả chục lượt người viếng, rồi các đoàn hành hương, các đoàn du lịch ghé qua, cả mấy đứa tây ta ba lô lang thang như chúng tôi nữa.

locations_1434190002_d745515843de343f174f6ea9d92b6d3e
Ảnh từ trang lendang.vn

Ở khu mộ liệt sĩ, người ta phân chia ra thành các khu vực tỉnh thành theo nguyên quán của các liệt sĩ để tiện cho người tới thăm tìm kiếm. Thường thường 3-4 tỉnh thành sẽ lập thành một khu có bảng tên riêng. Trong mỗi một khu biệt lập như thế người ta lại chia thành nhưng phần nhỏ hơn theo tỉnh, theo các quận huyện. Trên mỗi ngôi mộ có ghi thông tin, rồi có những tấm bia lớn tổng hợp toàn bộ và một bia tưởng niệm nhỏ khu hương hỏa, hóa vàng.

Chúng tôi dựng xe ở dưới bậc thang chính dẫn lên Đài tưởng niệm lớn của cả nghĩa trang, châm mấy bó hương rồi tách nhau ra đi thắp nhiều nơi, giống như vẫn thường làm những ngày cuối năm theo phong tục tạ mộ, hay lễ Thanh minh đầu năm. Vài bó hương chẳng thể nào đủ để đi hết tất cả những ngôi mộ ở đây, tôi bỏ qua những ngôi đã có người vừa thắp, cũng chẳng được mấy chốc trong tay đã trống không.

truong-son-cemetery-the-central-coast-7
Ảnh từ trang ttnotes.com

Dò tên trên những tấm bia dày đặc chữ, những con người bất hạnh đã sinh ra trong thời chiến, phải gác lại toàn bộ ước mơ riêng mình để mang chung một nhiệm vụ của đất nước. Tôi từng đọc một vài cuốn nhật ký thời chiến như Nhật Ký Đặng Thùy Trâm, hay Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi, cũng từng xem tài liệu trong rất nhiều những bảo tàng quân đội, nơi ghi những con số hàng ngàn, hàng chục ngàn người chết trong những vụ thảm sát, ném bom khi xưa, có sự thương xót nhưng không phải quá nhiều. Đúng là tai nghe chẳng bằng mắt thấy, chỉ khi đứng giữa cánh rừng những ngôi mộ như thế này mới có thể cảm nhận được sự mất mát và đau thương của chiến tranh. Có những người hy sinh ở độ tuổi 20, họ chắc chắn chưa có cơ hội trải qua cái mà ngày nay người trẻ vẫn ngày ngày nhắc đến – một thanh xuân tươi đẹp. Có những người hi sinh trong độ tuổi 30, không biết khi đó họ đã có người thương, đã có một gia đình nhỏ đang chờ đợi ở quê nhà hay chưa? Có những dãy tên giống nhau, tôi đoán cùng một đại gia đình, không biết khi ở nhà nghe tin người này rồi người kia ra đi, người thân của họ đã đau đớn như thế nào?

Tôi cũng tìm thấy bia một có khắc tên những liệt sĩ cùng quê với mình, chụp lại một tấm ảnh rồi mang về hỏi bố mẹ, có thể trong số đó ghi tên một người họ hàng nào đó mà lớp trẻ chúng tôi chưa được biết đến.

Ngày nay, trên các phương tiện thông tin quảng bá du lịch, đất nước và con người, người ta đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế khôi phục và phát triển mạnh mẽ sau chiến tranh; Việt Nam tự hào là một trong những đất nước thân thiện và an toàn nhất thế giới. Đứng tại đây, cảm thấy vô cùng biết ơn, nhưng chua xót quá, khi mà Việt Nam không phải chỉ có một “Nghĩa trang Trường Sơn” như vậy

One thought on “Quảng Trị – Vết hằn chiến tranh

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s