Pasiwali, theo ngôn ngữ của bộ tộc Amis – Đài Loan, có nghĩa là đi về hướng Đông. Hướng Đông là hướng mặt trời mọc, cũng là hướng của sự khởi nguồn, hướng của những bộ tộc thổ dân bản địa Đài Loan. Pasiwali được lấy làm tên gọi chính thức cho Lễ hội âm nhạc quốc tế các bộ lạc thổ dân hàng năm được tổ chức tại Đài Đông, là nơi quảng bá âm nhạc, văn hóa nguyên bản các bộ lạc người Nam Đảo (Austronesian).
Đảo Đài Loan nằm ở cực Bắc của nhóm ngữ hệ Nam Đảo, được cho là có hoạt động sinh sống của con người, ngày nay được biết đến là thổ dân Đài Loan, từ khoảng 4000 năm trước, với phương thức du canh và săn bắn. Các đặc điểm về địa lý, sinh hoạt, phong tục tập quán, văn hóa… của thổ dân Đài Loan lần đầu tiên được ghi chép và miêu tả lại trong tác phẩm Đông Phàm Kỳ của tác giả Trần Đệ năm 1603, vào thời Minh – Trung Quốc. Sự di cư của người Hán lên đảo và sau này là những biến động của lịch sử, trải qua các giai đoạn chính trị, sự phát triển kinh tế và đô thị hóa đã khiến cho vùng lãnh thổ của thổ dân Đài Loan ngày càng thu hẹp lại, văn hóa bộ lạc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đối mặt với nguy cơ bị đồng hóa.
Những năm 1980s, cùng với sự dân chủ hóa của Trung Hoa Dân Quốc – Đài Loan hiện tại, thông qua các cuộc vận động đấu tranh vì quyền lợi và lãnh thổ của thổ dân, lần sửa đổi hiến pháp vào năm 2000 của Trung Hoa Dân Quốc đã chính thức công nhận sự tồn tại của các dân tộc, bộ lạc thổ dân bản địa với những đặc điểm, phong tục và văn hóa của riêng họ. Đến tháng 1 năm 2005, Viện Lập pháp của Trung Hoa Dân Quốc đã thông qua Luật Cơ bản của Người bản địa, khẳng định quyền tự trị của các bộ lạc. Trong đó, Điều 4 quy định rõ: “Chính phủ, theo nguyện vọng của các dân tộc bản địa, bảo đảm địa vị bình đẳng và sự phát triển độc lập của các dân tộc bản địa, thực hiện quyền tự trị của các dân tộc bản địa; các vấn đề liên quan sẽ được giải quyết theo pháp luật.”
Hiện nay, Đài Loan có 16 bộ tộc thổ dân bản địa được chính phủ công nhận, với tổng dân số khoảng 580 nghìn người, sinh sống chủ yếu ở phía Đông của đảo Đài Loan.


Quay lại với Pasiwali Lima Festival, Lima có nghĩa là lần thứ 5, 2022 là lần thứ 5 lễ hội này được tổ chức tại Đài Đông, vừa là nơi giao lưu văn hóa các bộ lạc Nam Đảo của Đài Loan và cả các khu vực/quốc gia lân cận như Indonesia, Philippines… vừa là hoạt động để quảng bá du lịch Đài Đông.
Pasiwali Lima được tổ chức trong 2 ngày 22,23/10/2022 tại Công viên Taitung Shenlin theo hình thức hội trại: các bộ lạc dựng trại, trang trí và giới thiệu, quảng bá thông tin, biểu diễn một vài tiết mục nhỏ và bày gian hàng bán các sản phẩm thủ công, ẩm thực, đặc sản của mình. Các trại dựng quây thành vòng chữ U hướng về sân khấu chính nơi sẽ tổ chức biểu diễn hai đêm nhạc chính thức của lễ hội, bắt đầu lúc 16h30 trong hai ngày, và may mắn là trời dù mưa nhưng đến Pasiwali đều sẽ tạnh.
Tại trung tâm của vòng chữ U là khoảng sân cỏ trống thật lớn để người đến tham dự có thể thoải mái lựa chọn vị trí ngồi, trải thảm picnic ăn uống, hội hè trong khi thưởng thức những tiết mục biểu diễn từ sân khấu chính. Nếu bạn có lỡ không đem theo sẵn thảm picnic từ nhà cũng không sao, các hãng bia dựng trại lưu động bán trong lễ hội, để quảng bá cho sản phẩm của mình, sẽ tặng ngay cho bạn một tấm thảm picnic đẹp xịn bảo đảm không thấm nước khi bạn mua một số lượng bia nhất định – không nhiều, chỉ một lốc 4 lon.







Nói là hoạt động quảng bá du lịch nhưng trên thực tế những người tham dự Pasiwali đều là người bản địa đến từ Đài Đông và các địa phương lân cận phía Đông đảo Đài Loan, hoặc những người gốc Đài Đông đang sinh sống ở các thành phố khác trở về. Trong danh sách nghệ sĩ biểu diễn tại Pasiwali, bên cạnh những nghệ sĩ nước ngoài đến từ các quốc gia Nam Đảo, các nghệ sĩ Đài Loan biểu diễn tại Pasiwali đều là những nghệ sĩ nổi tiếng sinh ra và lớn lên từ các bộ lạc, có nguồn gốc là thổ dân bản địa về biểu diễn ngay tại chính quê hương của mình. Điều này khiến cho Pasiwali càng thuần túy và đậm bản sắc bộ lạc, cũng chính bởi thế mà không khí vui vẻ tự nhiên thân thuộc tại lễ hội này rất khó có thể tìm thấy ở một sự kiện âm nhạc hay lễ hội nào khác.
Ca sĩ kết show của đêm biểu diễn 22/10 là A-Lin, một người con gái bộ lạc Amis. A-Lin là ca sĩ mà em gái tôi yêu thích, tôi vì thế cũng thường nghe nhạc của cô ấy. Hai đứa tôi mỗi khi chia sẻ thông tin về các buổi biểu diễn đều nói với nhau rằng: riêng với A-Lin, concert cá nhân hoặc các đêm diễn khác đều có thể bỏ qua, nhưng nếu có cơ hội đến xem cô biểu diễn tại Đài Đông thì chắc chắn không thể bỏ lỡ. Không phải bởi vì tại Đài Đông âm nhạc hay giọng hát có gì khác biệt, mà chính bởi cái tâm thế biểu diễn ở sân nhà mình, khán giả đón nhận nồng nhiệt hơn khiến ca sĩ cũng trở nên cởi mở, hết mình hơn, không khí buổi diễn cũng trở nên náo nhiệt và thân thiện hơn rất nhiều.
Lần này tôi đến Đài Đông vào dịp thời tiết không đẹp, trời âm u chờ mưa, gió thổi mạnh, bờ biển Đài Đông hoàn toàn không còn màu xanh thẫm hắt ánh nắng lung linh đẹp lãng mạn như trong truyền thuyết, thay vào đó là những con sóng lớn đục ngầu gầm gừ cuộn ào vào bờ. Nhưng tiếng sóng dữ dội với tôi vẫn luôn có sức hút của riêng nó. Thực ra tôi thích ngồi bờ biển lúc sóng lớn cuồn cuộn hơn là những ngày trời yên biển lặng, và càng thích biển đêm những ngày không trăng, trăng tròn triều cao. Tiếng sóng cuộn nghe như chất chứa tình cảm của biển trong nó, có thái độ, có sức sống và cảm xúc dạt dào hơn một mặt xanh lặng êm thăm thẳm, khi như an yên, khi như u uất.
Ở Đài Đông, tôi gặp Guan Ling. Guan Ling là một cô gái Đài Bắc, tranh thủ khoảng thời gian trước khi công ty quay trở lại văn phòng làm toàn thời gian sau giai đoạn Covid, dành hai tuần du lịch tại Đài Đông dưới hình thức trao đổi làm việc bán thời gian lấy chỗ ở tại hostel. Guan Ling là một cô gái mà tôi nghĩ rằng ai gặp cô ấy cũng sẽ muốn bắt bỏ vào ba lô mang về nhà nuôi, như một chú mèo nhỏ, nhẹ nhàng và an tĩnh, mắt lúc nào cũng như đang cười. Buổi chiều đầu tiên vừa đặt chân đến nơi, Guan Ling – cô gái ở cùng hostel rủ tôi cùng đi dạo dọc bờ biển đục ngầu nơi những con sóng lớn đang cuộn trào ấy. Nhìn Guan Ling dáng mỏng manh bước từng bước trên bờ cát lộng gió, ai mà không muốn dắt về nuôi cho được. Tôi ở Đài Đông được ba ngày thì nguyên một ngày cuối cùng mưa tầm mưa tã. Hoàn thành công việc ở hostel, Guan Ling hẹn tôi tại một quán cà phê trong con hẻm nhỏ. Dưới ánh đèn vàng ấm áp, nhìn Guan Ling nheo nheo mắt cười, đích thị là một bé mèo ngoan ngoãn đáng yêu.




Ở Đài Đông, tôi ở tại Backpacker Dog, nghe thì rất cún nhưng trong nhà lại nuôi hai bác mèo già béo ú. Nói là ở hostel, nhưng tổng cộng chỉ có một phòng hai giường tầng và một phòng đơn ở tầng hai dành cho khách. Cho dù là ngày cả hostel đặt kín, tổng cộng cũng chỉ có sáu khách trong nhà, cùng với “ông bà chủ”, gọi là homestay thì sẽ hợp lý hơn là hostel. Tôi vốn muốn đặt một hostel khác ở Đài Đông, nhưng tiếc rằng hôm đó đã kín phòng và được lễ tân giới thiệu sang Backpacker Dog bên này, căn homestay, cũng là nhà của anh chị chủ đã đi du lịch Việt Nam tới 5 lần vì yêu thích, và vẫn định quay lại nhiều lần nữa trong tương lai. Backpacker Dog không làm marketing, không quảng bá và thường chỉ tiếp khách quen, khách được giới thiệu hoặc những người có duyên tìm thấy. Tôi vẫn tự nhận mình là người may mắn và “có duyên”, đến bây giờ thì điều này vẫn đúng.
Ở Đài Đông, quán cà phê mà Guan Ling hẹn tôi chỉ có đơn giản vài bàn nhỏ, một kệ sách to bự phủ kín một mặt tường và chỉ có một mình chị chủ quán xuyến mọi công việc: vừa nhận đồ, pha chế, làm bánh và phục vụ khách. Tôi ngó qua kệ, sách được phân loại theo tác giả, theo thể loại như thứ tự trong thư viện, và đặc biệt không hề có một quyển nào là sách mới. Trong số sách này, cũng có một vài tác giả mà tôi yêu thích, hoặc ít nhất là biết đến tên tuổi và phong cách viết. Do chỉ có một mình chị chủ trông coi, vào chiều chủ nhật trời mưa đông khách nên ra đồ hơi chậm, nhưng không gian nhỏ ấm áp thơm mùi cà phê này không khiến người ta phải nóng lòng thúc giục, cứ thong thả chậm rãi nói với nhau đôi ba câu chuyện, nhìn thời gian trôi. Nó lại khiến tôi ước ao về một quán cà phê nhỏ của riêng mình, nơi mà ở đó, tôi đôi khi còn có thể phục vụ thêm vài món cho bữa trưa với một số lượng giới hạn, vắng khách, thì tự làm cho mình một cốc cà phê rồi đọc sách.
Đài Đông có thể nói là một trong những địa phương thu hút tôi nhất ở Đài Loan. Đâu có nơi nào hoang dã, phóng khoáng và hấp dẫn hơn vùng đất một bên là rừng sâu núi cao một bên là mênh mông biển rộng, một bên là đỉnh Ngọc Sơn cao nhất Đài Loan, một bên là bờ Thái Bình Dương xanh ngắt bọt tung trắng xóa. Lần này tôi đến Đài Đông không có dự định nào khác hơn là tham gia Pasiwali và dĩ nhiên, hãy còn hẹn Đài Đông những lần sau nữa.
tháng 10 mà có hoa gì nở hồng hồng trên phố thế cậu?
LikeLike
Hoa anh đào đó tin đc không 🤣 Tớ nhìn thấy cũng siêu ngạc nhiên, nhưng hình như có anh đào/đào nở trái mùa đấy, lần đi Hà Giang tháng 9 cũng gặp vài cây
LikeLiked by 1 person
=)) lạ đó. Trước tớ chỉ đọc thấy là Côn Minh có hoa đào sớm tầm tháng 11, 12 chứ tháng 10 đã nở bừng như Đài Đông thì ko biết. Được ngắm hoa nở trái mùa cũng thật đẹp, hoa nở thì trời mưa bớt ảm đạm.
LikeLike