Homestay CBT – Du lịch cộng đồng

Homestay CBT là các dự án nghiên cứu xây dựng chương trình du lịch cộng đồng các địa phương, kết hợp phát triển du lịch, kinh tế địa phương đồng thời giới thiệu và bảo tồn văn hóa bản địa đến với du khách. Dự án đã xây dựng thành công ở nhiều tỉnh trên cả nước với sự phát triển không ngừng và ngày càng được nhiều người biết đến. Các homestay được hướng dẫn đầu tư xây dựng và lắp đặt trang thiết bị đúng theo tiêu chuẩn của dự án. Chủ homestay thường là các gia đình dân tộc thiểu số, được đào tạo cơ bản về các nghiệp vụ của ngành dịch vụ lưu trú nên sẽ biết cách quản lý và tổ chức các hoạt động dành cho khách lưu trú.

Quan niệm về du lịch cộng đồng được đưa ra khác nhau do vị trí của du lịch dựa vào cộng đồng tùy theo góc nhìn, quan điểm nghiên cứu. Theo Nicole Hausle và Wolffgang Strasdas (2009) cho rằng: “Du lịch cộng đồng là mô hình phát triển du lịch trong đó chủ yếu là người dân địa phương đứng ra phát triển và quản lý. Lợi ích kinh tế có được từ du lịch sẽ đọng lại nền kinh tế địa phương”. Quan niệm trên nhấn mạnh đến vai trò chính của ngư­ời dân địa phương trong vấn đề phát triển du lịch ngay trên địa bàn quản lý. Viện Miền núi cho rằng: “Du lịch cộng đồng là nhằm bảo tồn tài nguyên du lịch tại điểm du lịch đón khách vì sự phát triển du lịch bền vững dài hạn. Du lịch cộng đồng khuyến khích sự tham gia của người dân địa phương trong du lịch và có cơ chế tạo các cơ hội cho cộng đồng. Du lịch cộng đồng là một quá trình tư­ơng tác giữa cộng đồng (chủ) và khách du lịch mà sự tham gia có ý nghĩa của cả hai phía mang lại các lợi ích kinh tế, bảo tồn cho cộng đồng và môi trường địa phư­ơng” http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/29392

Live locally – Sống như những người bản địa là đường mạch cốt lõi cũng là điểm hấp dẫn nhất của dự án. Dự án này không chỉ giúp địa phương đã sẵn có những cảnh sắc thiên nhiên văn hóa đặc sắc thu hút được thêm một lượng lớn khách du lịch, mà có những dự án thành công đến mức chính bản thân homestay đã không chỉ còn là một nơi ở qua đêm mà trở thành một điểm đến hấp dẫn. Du lịch giờ đây chỉ đơn giản là đến homestay ở một ngày một đêm như đến thăm nhà một người bạn và quan sát hoặc tham gia vào các hoạt động sinh hoạt thường ngày của họ. Trải nghiệm này sẽ khiến bạn hiểu hơn về con người của địa phương, phong cách sống, phương thức sống và quan điểm sống cũng như các phong tục tập quán của họ.

Nếu đã ở homestay một lần, bạn sẽ không còn muốn sử dụng các dịch vụ lưu trú khác ở mức tương đương nữa. 

Đợt đi xuyên Việt, hoặc bất cứ chuyến đi nào ở khu vực vùng núi phía Bắc, điều đầu tiên tôi làm là tìm kiếm homestay ở khu vực đó, nếu bất đắc dĩ không tìm được mới liên hệ tới các dịch vụ lưu trú khác. Homestay có quá nhiều ưu điểm để có thể liệt kê:

  • Giá cả phải chăng, hay nói cách khác là rẻ, chỉ với khoảng từ 80,000VND tới 120,000VND/người cho một đêm trong phòng cộng đồng chung. Phòng cộng đồng thường kê khoảng 10 – 12 tấm đệm dày kèm theo chăn màn chiếu gối, có những homestay sẽ quây rèm cho từng giường để đảm bảo sự riêng tư.
  • Khu vực lưu trú và vệ sinh sạch sẽ. Đa phần các homestay đều mới được đầu tư và đi vào hoạt động vài năm gần đây nên các hạng mục đều còn mới, hơn nữa vấn đề vệ sinh được các chủ homestay rất chú trọng và đảm bảo. Tôi chưa từng ở một homestay nào mà gặp phải vấn đề vệ sinh. Thậm chí có một lần ở Thác Bản Giốc, tôi đi vào một homestay mà bên ngoài sân rơi rụng đầy rơm rạ, lá cây, chó mèo lợn gà thả rông chạy loăng quăng, nhưng vào bên trong thì vô cùng bất ngờ bởi sự sạch sẽ, chăn đệm giặt mới tinh tươm cất gọn trong túi, khi có khách đến mới trải ra sàn.
  • Đồ ăn luôn luôn ngon và tươi mới. Đồ ăn không nằm trong giá phòng mà do bạn đặt thêm ở ngoài, bạn có thể nhờ chủ nhà chuẩn bị cho một bữa ăn bình thường, ăn chung với gia đình họ, hoặc một vài món ăn ngon hơn cầu kỳ hơn một chút. Và dù là bữa cơm bình thường với gia đình thì bạn cũng sẽ có cơ hội được thưởng thức rất nhiều món mới lạ hấp dẫn được chế biến mang đậm hương vị địa phương.

Cuối cùng điều đặc biệt và đáng quý nhất là sự thân thiện, hiếu khách của chủ nhà. Bạn sẽ không bao giờ quên được cảm giác được coi như những người thân ở xa đến chơi nhà, được giới thiệu hướng dẫn tận tình về nơi ăn chốn ở, về các khu vực xung quanh, được nghe kể các câu chuyện thú vị hấp dẫn về cuộc sống tại nơi ấy. Những điều mà bạn sẽ hiếm khi, hoặc không bao giờ có thể được trải nghiệm khi sử dụng các dịch vụ lưu trú khác.

Điều duy nhất mà du khách cần làm là dành một sự tôn trọng cho chủ nhà và văn hóa địa phương!


Dưới đây là một số homestay (cả homestay của các dự án và các homestay tự xây dựng, quản lý) mà Táo từng ở hoặc Táo biết, giới thiệu đến mọi người nếu cần nhé!

  1. Y Múa Homestay – Hang Kia – Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình. Liên hệ chị Múa: https://www.facebook.com/mua.sung.77985
  2. Homestay Bản Dọi – Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La – 0344629898
  3. Homestay Mrs Lan Kim Nọi, Mù Cang Chải, Yên Bái – 0362398676
  4. Homestay Lý Quốc Chánh – Nậm Đăm, Quản Bạ, Hà Giang. Liên hệ SĐT: 0373985323 hoặc bạn Ngọc Lâm: https://www.facebook.com/tam.lamvo.5
  5. Homestay Mr Điệp – Thác Bản Giốc, Trùng Khánh, Cao Bằng. 0366230911 hoặc 0358741203
  6. Homestay Mr. Lâm – VQG Xuân Sơn, Phú Thọ: 0961149599
  7. Homestay Bản Nưa số 1 – VQG Pù Mát, Con Cuông, Nghệ An – 0948662897
  8. Homestay ở Đất Mũi Cà Mau (Táo quên lưu contact rồi 😦 huhu)
  9. Homestay Ba Danh – Bến Tre. Liên hệ SĐT: 0989217902
  10. A Chu Homestay – Hua Tạt, Vân Hồ, Sơn La – 0983907855 https://www.facebook.com/dulichvanhmong/
  11. Homestay Cửa Tử (có trekking tour lên Thác Cửa Tử) – Đại Từ, Thái Nguyên: A Tùng – 0353797336 hoặc https://www.facebook.com/cuatuhomestay
  12. Làng văn hóa Bhơ Hôồng dân tộc Cơ tu – Đông Giang, Quảng Nam: ở đây có homestay của người dân và cả Bho Hoong Bungalows của ban quản lý nữa.
  13. Homestay Bích Ngọc – Kon K’tu, Kon Tum: 0905793489

2 thoughts on “Homestay CBT – Du lịch cộng đồng

    1. Tùy từng nơi và tùy trải nghiệm của mỗi người cậu ạ. Nhưng bạn đã từng ở nơi nào mà mình có liệt kê trong bài chưa? Nếu nói về một trong số các nhà mà mình liệt kê thì mình không đồng ý với từ xập xệ đâu 😀

      Liked by 1 person

Leave a comment