TAINAN – Chỉ Là Đài Nam Thôi

Thường những thứ gì mà yêu thích quá, người ta chỉ muốn giữ cho riêng mình. Đáng lẽ ra tôi cũng đã chỉ muốn cất đoạn ký ức ở Đài Nam vào một góc bí mật rồi thi thoảng len lén mở ra một mình nhấm nháp, nhưng tôi biết, nếu như không ghi chép lại thật tường tận, thì thật nhanh thôi, những chi tiết ấy, dù từng mang đến cho tôi những rung động cỡ nào cũng sẽ bị tôi lãng quên, rồi dần dần không còn một dấu tích nào nữa. Đài Nam, giờ chỉ cần nhắc đến cái tên này thôi là tự nhiên cả con người bỗng cảm thấy rất đong đầy, rất đủ, rất hạnh phúc. Không phải vì Đài Nam có gì khiến người ta hạnh phúc, cũng không phải tôi gặp được một ai đó khiến tôi hạnh phúc ở Đài Nam. Chỉ là khi ở Đài Nam, tôi cảm thấy hạnh phúc.

Đài Nam khiến cho tôi nghĩ về Huế, chắc có lẽ do cùng mang những âm hưởng cố đô với chiều sâu về văn hóa in đậm lên từng góc phố, từng nếp sống thường nhật của con người. Hostel mà tôi đặt ở Đài Nam có tên Temple Side Hostel – Nhà Bên Miếu bởi nó nằm ngay con phố bên hông khu tổ hợp miếu Quan Công – Ma Tổ, và ngay đối diện Chihkan Tower (赤嵌樓) – ngôi nhà cổ nhất khu phía Tây thành phố, cùng với Pháo Đài An Bình là hai công trình biểu tượng của Đài Nam. Quản gia (không biết có phải ông chủ hay không) là một bác lớn tuổi, tóc đã muối tiêu, trông dáng vẻ tôi đoán bác là một người khá kỹ tính và nghiêm khắc, giống một thầy giáo về hưu. Khi tôi đến, tôi chào bác bằng tiếng Trung, bác đưa cho tôi một tờ phiếu điền thông tin cho khách lưu trú, thấy tôi viết phiếu bằng tiếng Anh, bác lại đổi sang nói tiếng Anh, còn khen chữ tôi đẹp. Hoàn thành xong thủ tục check-in, bác chỉ vào khung bản đồ vẽ bằng phấn trên bảng đen treo tường, nói: “Đây nhé, dưới nhà dọc cả dãy phố đều là hàng ăn vặt, ngay bên kia là khu miếu, vì nhà mình là Nhà Bên Miếu mà, rồi đầu đường là Chihkan, quá nổi tiếng chắc cô cũng đã biết rồi. Cô đi ra ngoài hướng này xa một chút thì là Lâm Bách Hóa, rồi Miếu Khổng…”. Bác vừa chỉ tay lên bảng vừa đọc tên các địa danh, cũng không màng nói thêm với khách đôi câu rằng đó là những nơi như thế nào. Chính cách nói chuyện này của bác khiến tôi liên tưởng đến người Huế, hàm ý rằng nếu đã không biết gì về những địa danh thường thức cơ bản này, thì cớ gì cô lại ở đây. Tôi gật đầu lia lịa, tỏ ý đã tìm hiểu và thuộc hết cả bản đồ khu quanh nhà, còn bác thì mỉm cười hài lòng với tôi như với một đứa học sinh có chuẩn bị bài.

Cũng giống như Huế, khách đến Đài Nam du lịch với một lộ trình duy nhất “ăn món địa phương, đi thăm di tích”, có nghĩa là cả ngày chỉ ăn rồi đi thăm di tích, rồi lại ăn, lại đi thăm, cho đến khi không bỏ sót một di tích nào, và không còn lỡ một món ngon nào của Đài Nam nữa. Nghe rất đại trà và rất nhàm chán đúng không? Nhưng thế giới chia làm hai nhóm người bạn biết không, một nhóm người chê Huế nhạt nhẽo, còn một nhóm người đi Huế về lại tương tư, lồng ngực lại cồn cào, lại muốn đến Huế để ở thật lâu hơn. Nếu như trong vài ba ngày bạn không thể đi thăm hết các cung, các khu lăng tẩm Huế, thì cũng không thể đi hết các di tích, miếu mạo, bảo tàng ở Đài Nam. Và nếu như trong một chuyến du lịch ngắn bạn không thể trải nghiệm hết các món ngon ở Huế, thì Đài Nam cũng tương tự. Đài Nam là thành phố có nền ẩm thực phong phú, đa dạng và được đánh giá là ngon nhất ở Đài Loan, đặc biệt là các món liên quan đến hải sản. Đồ ăn Đài Nam thường có vị ngọt hơn, nhưng đồng thời cũng vì thế mà độ mặn của món ăn được cân bằng hơn so với các vùng miền khác. Cô giáo dạy tôi ở học kỳ đầu tiên là người Đài Nam, cô bảo khi chuyển tới sống ở Đài Bắc cô đã mất một khoảng thời gian (khá dài) mới thích ứng được việc phải lựa chọn cửa hàng ăn, khi không phải cứ bước chân ra đường, ngồi vào một quán bất kỳ là đã có món ăn ngon giống như ở Đài Nam.

Tôi đi Đài Nam vào kỳ nghỉ Tết nguyên đán, sau một đêm đón giao thừa không có chút gì đáng nhớ ở Đài Bắc, và sau một bữa cơm chiều Mùng Một tại nhà một người bạn thân đang làm việc tại Cao Hùng. Sáng Mùng Hai, tôi bắt bạn chở ra ga tàu để một mình đi Đài Nam, mặc kệ lời mời mọc ở lại đi chơi chỗ này chỗ kia của hai vợ chồng nó. Tất cả những gì tôi muốn chỉ là được ở một mình. Tết đối với tôi mà nói vốn đã là một khoảng thời gian mà cảm xúc khá hỗn độn, Tết năm nay tâm trạng tôi thậm chí còn bất ổn hơn. Đợt đó, tôi luôn trong trạng thái mơ hồ, lơ lửng, không buồn cũng chẳng vui, và tồi tệ hơn cả, là tôi không còn có cảm giác hào hứng với những chuyến đi. Đối với tôi mà nói, đó là thứ trạng thái vô cùng tồi tệ. Ngay ở trên chuyến tàu ngắn chỉ chưa đến ba mươi phút từ Cao Hùng đến Đài Nam, không dưới ba lần tôi đã nghĩ: “Hay mình mua vé về thẳng Đài Bắc, về phòng kiếm mấy bộ phim và mấy cuốn sách đọc qua dịp lễ”. Tôi vẫn nghĩ như thế cho đến khi tàu dừng tại ga Đài Nam, tôi bước ra ngoài, loanh quanh mất mười phút do dự giữa việc đi và ở. Cuối cùng, tôi quyết định ở lại.

Tôi vẫn nhớ rõ hôm đó là một ngày đẹp trời, và không biết có phải bởi thế hay không, mà ngay khi bắt đầu bước những bước chân đầu tiên trên con phố dẫn từ ga tàu về đến hostel, tôi thấy tâm hồn mình cũng ngập tràn ánh nắng. Kỳ lạ ở chỗ chỉ mới vài phút trước tôi còn ở trong cái vòng luẩn quẩn mông lung của sự chán trường không dứt khoát, vậy mà chỉ vài phút sau thôi, tôi bỗng lại đầy sức sống, hiếu kỳ với mọi thứ xung quanh và tràn đầy mong đợi cho hành trình phía trước. Hoặc do tính cách tôi vốn vẫn luôn như vậy, mọi giằng xé, mọi suy tư đều sẽ dừng lại và biến mất vào giây phút tôi đưa ra quyết định. Sau đó, tôi sẽ chỉ đi thẳng trên con đường đã chọn, thậm chí chẳng một lần ngoái đầu lại.

Chiều hôm đó sau khi nhận phòng, tôi định sẽ đón bus ra khu phố cổ và Pháo Đài An Bình để ngắm hoàng hôn trên biển. Thế nhưng bằng một cách nào đó dù đã đợi hơn nửa tiếng đồng hồ cũng không thấy bóng dáng chiếc xe mà tôi đang đợi xuất hiện, bảng điện tử đếm ngược số phút chạy từ 15 về 0, rồi lại chuyển sang thành 73. Vậy là tôi đã bỏ lỡ chiều hoàng hôn trên biển duy nhất tại Đài Nam, vì hai ngày tiếp theo vốn đã theo một kế hoạch khác. Xe bus không đến, tôi vẫn ngồi nguyên trên băng ghế gỗ ở trạm chờ, yên lặng nhìn vạt nắng thu hẹp dần góc chiếu trên bức tường màu đỏ thẫm của ngôi miếu phía bên kia đường cho đến tận khi tắt nắng mới chịu đứng lên, đi một vòng ghé thăm hết các đền miếu trong khu, vô tình lại trùng với cái sở thích đi chùa miếu vào những lúc tan tầm. Chỉ không ngờ rằng, sau này khi nghĩ lại về Đài Nam, một trong những khoảnh khắc mà tôi nhớ nhất lại chính là buổi chiều hoàng hôn “không mong đợi” ấy. Tôi đã chụp lại hình ảnh đó và lưu lại trong trí nhớ của mình, để giờ mỗi khi nghĩ về, trong tôi lại gợi lên cảm giác như thể mình đang ngồi trên băng ghế gỗ tại trạm chờ trước cổng Chihkan hôm ấy.

Tôi nhớ Yangon, một trận mưa tầm tã khiến tôi mất hẳn một nửa buổi chiều trong quỹ thời gian ít ỏi tại Yangon không làm bất cứ điều gì ngoài việc đứng im suốt hai tiếng đồng hồ nhìn màn mưa trắng xóa ở giữa ngã tư đường, nhưng sau này, cơn mưa đó cũng là điều khiến tôi nhớ về Yangon nhiều nhất. Tại sao tôi lại nhắc về Yangoon, vì bằng một cách nào đó cho đến hiện tại Myanmar vẫn là chuyến đi mà tôi cảm thấy yêu thích nhất mà không thể kể ra được những lý do. Và trong suốt thời gian ở Đài Nam, tôi cảm nhận được dòng cảm xúc đang chảy trong mình, trong mỗi bước đi hoàn toàn đồng điệu với những cảm xúc mà tôi đã có trong những ngày tự do tự tại một mình lang thang tại Myanmar.

Trước khi đi, tôi đã đặt cho mình vé xem biểu diễn trống cổ truyền tại Ten Drum Culture Village (十鼓文創園區), buổi diễn đặc biệt chào mừng năm mới vào tối Mùng Ba Tết. Tất cả những thứ có hạn định thời gian đều sẽ trở nên đặc biệt hơn, vì tôi cần phải chuẩn bị mọi thứ một cách chuẩn chỉ để đến đúng giờ, để đảm bảo mình có một trải nghiệm trọn vẹn nhất. Tôi coi đó là một cuộc hẹn với chính mình, và thật may mắn, cảm giác mà tối đó mang lại cho tôi đúng nghĩa là một cuộc hẹn.

Ba giờ chiều, tôi vẫn ngồi ở trạm xe bus ngoài khu An Bình để đợi chuyến về trung tâm, tổng cộng tôi đã ngồi đó gần hai tiếng đồng hồ vì xe cắt giảm chuyến. Không hiểu bằng một nguyên lý nào tôi vốn là một người thiếu kiến nhẫn, một khi đã làm gì đều thật nhanh chóng dứt khoát đi thẳng một mạch đến kết quả, nhưng riêng có việc chờ đợi lại vô cùng nhẫn nại. Tôi có thể chờ bất cứ điều gì, không cần biết bao nhiêu thời gian, không cần biết điều đó cuối cùng có đến hay không, chỉ cần tôi quyết định sẽ chờ thì đều có thể chờ. Thậm chí, chờ không được kết quả, tôi cũng không cảm thấy tức giận. Buổi chiều ngoài khu cầu cảng vừa nắng gió vừa hanh khô khiến cả con người như bị rút cạn hết sinh khí. Điện thoại gần hết pin, tôi phải cố giữ lại chút ít để tra bản đồ nên không thể lấy ra nghe nhạc kéo lại tinh thần. Tất cả những gì trong đầu tôi lúc đó là… à, mà làm gì có cái gì trong đầu tôi lúc đó, bao nhiêu kế hoạch phía sau nào là đến Ten Drum Culture Village trước giờ diễn vài tiếng để đi tham quan xưởng làm trống, nào là đi xem các triển làm nhỏ xung quanh tôi đều quên sạch sẽ, tôi chỉ thấy buồn ngủ và chỉ muốn đi ngay về nhà chui vào giường ngủ. Xe đến, tôi đi thẳng một mạch về nhà và ngủ ngay lập tức, không quan tâm thêm bất cứ điều gì trên đời, nhưng cũng không quên đặt báo thức để dậy kịp giờ “hẹn hò”.

Thức giấc, tôi đi tắm, thay một bộ đồ mình thích rồi đi bộ ra ga tàu đi đến điểm xem biểu diễn, trên đường ghé ngang một tiệm gà mua bữa tối. Bạn biết đấy, được ăn ngay lúc đói, được ngủ ngay khi không còn năng lượng, và thức giấc là một cuộc hẹn thú vị đang đợi mình ở phía trước, nếu đây không được gọi là hạnh phúc thì tôi còn phải tìm kiếm điều gì thêm nữa? Đoạn đường từ hostel ra ga tàu tối hôm đó là quãng đường và là khoảng thời gian tại Đài Nam mà tôi không thể nào quên. Tôi biết một quyết định nữa lại vừa đến với mình. Nó đến, thông báo với tôi rằng: này, đây là quyết định của mày nhé, chứ hoàn toàn không phải do tôi đưa ra, một quyết định liên quan đến tình cảm mà tôi đã dành cả vài tháng để cân nhắc, để cố gắng quyết tâm, để tìm cách cân bằng và thỏa hiệp với chính mình. Tôi bước những bước chân nhẹ bẫng, với một tâm hồn không nặng nề nghĩ suy, những bước đi với cảm giác thân thuộc như thể tôi đang ra ngoài đi quanh khu nhà mình sống chứ không phải đang ở một thành phố xa lạ, đến mức tôi vừa đi vừa nhảy chân sáo theo nhịp điệu những bài nhạc đang chạy trong điện thoại mà tôi cắm tai nghe.

Sân khấu biểu diễn nằm trong một góc sâu của khu tổ hợp mà nếu không chú ý đi theo bản đồ thì bạn khó mà tìm thấy được cửa vào. Tại đây, ngày nào cũng có những xuất diễn với nhiều khung giờ trong ngày theo các chủ đề và linh cảm của bài trống mang tên: “Thiên – Địa – Nhân”. Duy chỉ có buổi tối đặc biệt này Ten Drum tổ chức buổi diễn đặc biệt chào đón năm mới với những bài trống kể các tích truyện cổ trong văn hóa Trung Hoa. Biểu diễn trống cố truyền có kết hợp cổ nhạc, với những giai điệu và nhạc cụ tái hiện lại bối cảnh thời đại của từng tích truyện. Dù rằng đối với tôi không xuất hiện một yếu tố bất ngờ ấn tượng nào, nhưng buổi biểu diễn thực sự đặc sắc, cuốn hút, và xứng đáng là một dấu ấn kỷ niệm cho một chuyến du xuân đầu năm, trọn vẹn và mãn nguyện.

Ngày cuối cùng, sáng thức dậy tôi ra phố mua cà phê và dạo lại một vòng miếu xong mới quay về trả phòng. Trước khi rời nhà, tôi để lại trên bàn một tấm hình chụp Huế, những tấm hình mà tôi đã in ra mang tặng bạn bè và để thay thiệp cảm ơn ở những hostel mà tôi ghé.

Nắng sớm vẫn luôn khác nắng chiều, trong lành, mang đến cho người ta sức sống chứ không gay gắt đến mòn khô héo hắt. Và trong một buổi sáng đẹp trời như thế, tôi để mình đi lạc trong chiếc mê cung mang tên Bảo Tàng Văn Học Đài Loan. Tôi thích những bảo tàng thiết kế lối đi và các khu trưng bày theo một đường xoáy để người tham quan vừa như bước lạc trong mê cung nhưng chỉ cần cứ bước tiếp về phía trước là sẽ tìm thấy lối ra, để được chìm đắm hoàn toàn trong không gian và các chủ đề đang trưng bày của bảo tàng, không cần bận tâm mình đang ở đâu, đã đi qua những đâu, hay sẽ cần đi ra bằng lối nào.

Bảo tàng văn học, người ta không chỉ nói về những trường phái, những hệ tư tưởng qua những câu chuyện của lịch sử, địa lý và nhân học, mà còn kể những câu chuyện về xuất bản. Trong bảo tàng, có một gian phòng mang tên “Nhà xuất bản tương lai” mà ở đó có để sẵn những tấm bưu thiếp để bạn ghi lên những nội dung liên quan đến cuốn sách mà bạn muốn xuất bản trong tương lai: bút danh, tên cuốn sách, thể loại sách, nội dung và tên một tác giả/chuyên gia/một người nổi tiếng mà bạn mong muốn nhận được lời nhận xét về cuốn sách của mình. Bạn điền những thông tin này lên tấm bưu thiếp theo mẫu có sẵn và bỏ vào hòm thư để gửi nó đến nhà xuất bản tương lai. Hòm thư vốn là một máy scan, và những nội dung mà bạn vừa điền vào sẽ được hiển thị lên một tấm bưu thiếp mô hình trên tường lớn, thể hiện rằng nhà xuất bản tương lai đã nhận được bản thảo mà bạn vừa gửi.

Bạn biết đấy, có nhiều người, với rất nhiều ý tưởng trong đầu nhưng chưa bao giờ họ nghĩ đến việc viết nó ra, chứ chưa nói đến việc sẽ viết thành một cuốn sách và xuất bản nó. Nhưng có thể chỉ với một tấm postcard vu vơ để tương tác với người tham quan trong bảo tàng, người ta có thể lần đầu tiên nghĩ về nó – cuốn sách của mình, và khi điền thông tin lên tấm thiệp, cũng là chính là lúc họ viết nên những con chữ đầu tiên bắt đầu cho cuốn sách của chính họ. Không ai đánh thuế ước mơ, nhưng bằng một cách nào đó, người ta vẫn luôn cần một tín hiệu, một cú hích để dẫn bạn bước những bước đầu tiên trên con đường thực hiện ước mơ đó. Tín hiệu đó được ghi lại ở đây trong dòng chữ ngắn gọn: “Duyên khởi – Có một loại dũng khí mang tên xuất bản”. Và tôi tin rằng nó cũng đã, đang và sẽ trở thành viên đá đầu tiên cho những tác giả sách có duyên gặp gỡ.

Và lại là chữ duyên ấy, tôi cũng phải cảm ơn một chữ duyên nào đó trong duyên khởi, trong thập nhị nhân duyên đã khiến tôi không bỏ lỡ Đài Nam.

11 thoughts on “TAINAN – Chỉ Là Đài Nam Thôi

  1. Em cũng từng gặp mưa ở Yangon, hồi đó là cuối mùa mưa, mưa sáng sớm, mưa đêm, mưa ban trưa, dù không ảnh hưởng tới lịch trình đi chơi nhưng mà được ngồi im lặng ngắm mưa ở một thành phố xa lạ đúng là một kỷ niệm khó quên. ^^

    Liked by 1 person

    1. Chị vẫn nhớ hôm đấy đi đúng đến cái chùa ở giữa ngã tư đường, mưa ào ào trắng xoá, to đến mức không chạy được qua bên kia đường, đứng nép vào hiên mà phải đứng nghiêm không cả dám thò chân ra vì nhích ra một bước là bị mưa hắt vào ướt hết. Cứ tưởng mưa to sẽ nhanh tạnh mà không ngờ nó cứ to như thế 2 tiếng liền. Nhớ suốt đời luôn, haha

      Liked by 1 person

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s